Đảm bảo tính cạnh tranh trong việc phân chia đơn vị bầu cử

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 117 - 120)

- Trước hết, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, có thể thiết lập những trang web chung cho các ứng cử viên hay từng ứng cử viên vớ

3.2.4. Đảm bảo tính cạnh tranh trong việc phân chia đơn vị bầu cử

3.2.4.1. Cần mở rộng số dư các ứng cử viên ở mỗi đơn vị bầu cử

Như đã trình bày, khác với hệ thống bầu cử “một đại diện” như ở nhiều nước trên thế giới (mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu một đại biểu), ở nước ta áp dụng hệ thống bầu cử đa đại diện (một đơn vị bầu cử chọn ra nhiều đại biểu) để bầu đại biểu quốc hội. Vì vậy, số lượng người ứng cử ở các đơn vị bầu cử cũng phải tính toán để tạo ra sự cạnh tranh thực sự, đồng thời tạo điều kiện cho sự lựa chọn của cử tri. Mỗi đơn vị bầu cử cần có số lượng ứng cử viên tối thiểu gấp đôi số đại biểu được bầu. Chẳng hạn, đơn vị bầu cử được bầu 3 thì cần phải có ít nhất tên của 6 ứng cử viên trên phiếu bầu. Điều này cũng cần quy định rõ trong LBCĐBQH để thống nhất thực hiện trong cả nước, tránh tình trạng chênh lệch về cơ hội trúng cử cho các ứng cử viên ở các đơn vị bầu cử khác nhau.

114

3.2.4.2. Nên để ứng cử viên tự đăng ký đơn vị bầu cử trong mỗi ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố thuộc trung ương

Việc ứng cử viên tính toán về đơn vị bầu cử có lợi hơn cho mình (nơi cư trú, làm việc hay nơi mình được biết đến với những đóng góp hay việc làm cụ thể...) sẽ làm cho họ trở nên năng động hơn, chủ động hơn. Việc này cũng giống như họ có thể tự do vận động bầu cử trong khuôn khổ nhất định được pháp luật quy định đã nêu ở phần trước. Hơn nữa, băn khoăn việc nhiều người về chỗ này, ít người về chỗ khác thực chất là tư tưởng bao cấp, khi nhà nước muốn điều chỉnh, sắp xếp mọi thứ cho ứng cử viên, dẫn đến thiếu dân chủ. Vì mỗi ứng cử viên sẽ có ưu thế, sẽ mạnh ở mỗi vùng, miền, địa phương, khu vực... nên việc họ tự lựa chọn đơn vị ứng cử sẽ càng làm tăng tính đại diện, đảm bảo cơ cấu và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đại biểu dân cử với những người có tâm huyết, ý thức được sứ mệnh chính trị của mình đối với cả nước và từng địa phương.

3.2.4.3. Phải quy định cụ thể việc phân bổ đại biểu ở Trung ương về các đơn vị bầu cử ở địa phương

Hiện nay, mỗi kỳ bầu cử, khi phân bổ các đại biểu ở Trung ương về các đơn vị bầu cử ở địa phương, chúng ta đều đưa ra những tiêu chí nhất định nhưng các tiêu chí đó chỉ được thống nhất bằng miệng. Vì vậy, cần phát điển hóa một cách cụ thể và minh bạch để đưa vào văn bản hướng dẫn của UBTVQH cho “danh chính ngôn thuận”, dễ thực hiện mà lại thống nhất ở tất cả các đơn vị bầu cử. Đồng thời, quy định đó cũng góp phần đảm bảo tính khách quan, công bằng trong việc lập danh sách ứng cử viên về từng đơn vị bầu cử.

Trong một phương án xa hơn, để khắc phục tình trạng đại biểu từ trung ương về “chiếm chỗ” của các đại biểu ở địa phương, chúng ta cần nghiên cứu, thiết kế một cơ chế bầu cử hiệu quả hơn, chứ không nên lồng ghép một cách khiên cưỡng, làm cho hoạt động bầu cử giảm đi ý nghĩa của nó. Chẳng hạn, mỗi

115

đơn vị bầu cử sẽ bầu hai danh sách riêng rẽ: một danh sách là các ứng cử viên đại diện của địa phương, một danh sách là các ứng cử viên từ trung ương với các định mức cụ thể. Nếu áp dụng phương án này, giữa các đại biểu ở trung ương cũng sẽ có sự cạnh tranh với nhau vì bắt buộc phải có số dư khi giới thiệu (như đã trình bày ở phần trên). Như vậy, cũng sẽ có người trúng cử và người thất cử, thay vì họ thắng cử một cách gần như đương nhiên như hiện nay.

3.2.4.4. Tiến tới áp dụng hình thức đơn vị bầu cử một đại diện

Trong điều kiện một đảng cầm quyền như nước ta hiện nay, bên cạnh việc đổi mới hình thức đơn vị bầu cử đa đại diện theo hướng dân chủ hơn, cần tính đến một phương án xa hơn là chuyển sang một hình thức bầu cử khác phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, một trong những lựa chọn khả dĩ là hình thức đơn vị bầu cử một đại diện theo đa số hai vòng. Phương pháp này sẽ làm cho tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong một đơn vị bầu cử được thể hiện một cách rõ nét đồng thời làm cực đại khả năng lựa chọn cho cử tri.

Như vậy, với khoảng 500 ĐBQH cần bầu theo luật định, cả nước sẽ chia thành 500 đơn vị bầu cử và mỗi đơn vị bầu cử sẽ chỉ bầu ra một vị đại biểu. Mỗi đơn vị bầu cử có số dân tương ứng là thương số của dân số toàn quốc trên số đại biểu được bầu (86.000.000/500 = 172.000). Các ứng cử viên có đủ điều kiện và tiêu chuẩn sẽ được ghi tên vào danh sách bầu cử, như thế sẽ có sự tham gia của rất nhiều ứng cử viên cả trong Đảng, ngoài Đảng, cả ứng cử viên được giới thiệu và tự ứng cử. Song, dù mở rộng như thế nào, cũng phải khống chế số lượng ứng cử viên; chẳng hạn, mỗi đơn vị bầu cử có từ 10 đến 15 ứng cử viên.

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, nếu ứng cử viên nào giành được đa số tuyệt đối phiếu bầu của cử tri (trên 50%) thì người đó sẽ trúng cử. Nếu tình huống trên không xảy ra, một cuộc bầu cử vòng 2 sẽ được tổ chức, song chỉ những ứng cử viên có số phiếu tương đối cao (có thể là 2 hay 3 hoặc những người đạt được một

116

hạn mức phần trăm phiếu bầu đã quy định trước) ở vòng đầu mới được chọn đi tiếp. Vòng bỏ phiếu này áp dụng phương pháp đa số tương đối, ứng cử viên chỉ cần đạt được số phiếu cao nhất sẽ là người trúng cử.

Với phương cách bầu cử như trên, sự thành công hay thất bại của ứng cử viên sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri. Các ứng cử viên phải dốc hết sức để vận động cử tri bỏ phiếu cho mình. Chỉ ứng cử viên nào chứng tỏ được tài năng và bản lĩnh của mình, giành được tín nhiệm của đông đảo cử tri thì mới có cơ hội thẳng cử. Do đó, nó cũng làm cho khâu vận động tranh cử trở nên gay cấn, sôi động và “thực chất” hơn.

Cần phải nói thêm rằng, những thay đổi trên cần thực hiện theo một lộ trình hợp lý. Trong giai đoạn trước mắt, mặc dù áp dụng phương thức bầu cử hai vòng nhưng chưa nên bỏ thủ tục hiệp thương mà vẫn duy trì ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, với việc áp dụng bầu cử hai vòng, vì có thể để số lượng lớn ứng cử viên trong từng đơn vị bầu cử (như đã nói ở trên) nên công tác hiệp thương sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nó cho phép giảm bớt sức ép về số lượng ứng cử viên trong từng đơn vị bầu cử và từng địa phương, trong khi hiện nay số lượng ứng cử viên được đề cử và nhất là tự ứng cử ngày càng tăng cao.

Một phần của tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay (Trang 117 - 120)