Đào tạo các nhà phân tích và quản lý đầu tư chuyên nghiệp:

Một phần của tài liệu Hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 78 - 80)

Một trong các giải pháp trước mắt và mang tính cấp thiết nhất theo tôi đó là đào tạo nhân sự cho các công ty quản lý quỹ. Kinh nghiệm từ hoạt động của các tổ chức

trung gian tham gia hoạt động đầu tiên trên thị trường chứng khoán, yếu tố “con người” được coi là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công trong hoạt động kinh doanh của công ty. Đặc biệt đối với các công ty quản lý quỹ, yếu tố con người mà cụ thể là đội ngũ những người điều hành quỹ là một nhân tố cơ bản quyết định sự thành công của bản thân công ty quản lý quỹ cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của các quỹ. Vấn đề này đã và đang được các tổ chức tham gia kinh doanh chứng khoán nói chung và các tổ chức có dự kiến thành lập công ty quản lý quỹ nhận thức và đặt lên vị trí quan trọng hàng đầu trong các công việc xúc tiến chuẩn bị cho loại hình kinh doanh mới.

Tuy nhiên, dưới giác độ của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò hỗ trợ cho việc hình thành các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán, các cơ quan này cần có phương hướng trước mắt cũng như các định hướng dài hạn cho công tác đào tạo để có được đội ngũ nhân sự chất lượng cao cho thị trường chứng khoán nói chung và công ty quản lý quỹ nói riêng. Trung tâm đào tạo và nghiên cứu nghiệp vụ chứng khoán trực thuộc Uỷ ban Chứng khoán nhà nước là nơi thực hiện việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 1998, đến nay đã tiến hành đào tạo được một khối lượng đội ngũ nhân sự đáng kể cho thị trường. Tuy nhiên, hiện ở Trung tâm chỉ mới có 3 khoá đào tạo: Cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Luật chứng khoán, Phân tích và đầu tư chứng khoán. Những khoá học này mới chỉ cung cấp cho học viên những kiến thức tổng quan nhất về thị trường chứng khoán chứ chưa có những kiến thức chuyên sâu cho từng lĩnh vực và từng hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, Trung tâm cần thực hiện một số giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo như:

− Cần gấp rút soạn thảo các chương trình đào tạo chuyên sâu dành riêng cho những người điều hành quỹ.

− Củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt chú trọng mời các chuyên gia, trong và ngoài nước, đã tham gia hoạt động thực tiễn trên thị trường chứng khoán tham gia giảng dạy.

− Tổ chức các khoá học thực hành tại các công ty quản lý quỹ để giúp các học viên có điều kiện thực hành các kiến thức đã được giảng dạy trong thực tế.

− Liên kết đào tạo với các tổ chức đào tạo nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho học viên có cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm cũng như những chương trình đào tạo tiên tiến và cập nhật trên thế giới. Đồng thời tiến hành cấp chứng chỉ quốc tế cho học viên.

Một phần của tài liệu Hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 78 - 80)