Kiểm nghiệm hiệu ứng tuyến J trong phá giá tiền tệ

Một phần của tài liệu Khóa luận Ngoại thương Hiệu ứng tuyến J trong phá giá tiền tệ Lý thuyết, thực tiễn một số nước và những khuyến nghị rút ra cho Việt Nam.doc (Trang 26 - 29)

III. Hiệu ứng tuyến J trong phá giá tiền tệ

3.Kiểm nghiệm hiệu ứng tuyến J trong phá giá tiền tệ

Lý thuyết hiệu ứng tuyến J trong phá giá tiền tệ được xây dựng dựa trên một số giả định nhất định. Tuy nhiên, trong thực tế, những giả định ấy không phải lúc nào cũng được thỏa mãn. Do vậy, để kiểm nghiệm lý thuyết này trong thực tiễn chúng ta cần xét tới một số nhân tố chính như sau.

Nhân tố đầu tiên là độ co giãn của cầu xuất khẩu và nhập khẩu của quốc gia phá giá. Lý thuyết hiệu ứng tuyến J nói rằng trong ngắn hạn tổng độ co giãn của cầu hàng xuất khẩu và nhập khẩu không thỏa mãn điều kiện Marshall-Lerner, do vậy tình trạng Tài khoản vãng lai xấu đi. Sau thời điểm phá giá một khoảng thời gian, điều kiện Marshall-Lerner có nhiều khả năng được thỏa mãn do đó sẽ cải thiện tình trạng Tài khoản vãng lai. Như vậy, độ co giãn cầu của hàng hóa xuất nhập khẩu của quốc gia phá giá là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự xuất hiện của hiệu ứng tuyến J cũng như khả năng thành công của một cuộc phá giá theo cách tiếp cận co giãn. Đến lượt nó, độ co giãn cầu này lại được quyết định bởi hai nhân tố chính là (i) cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của quốc gia và (ii) vị thế cạnh tranh của quốc gia đó trên thị trường thế giới.

Về cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, nếu quốc gia đó xuất khẩu chủ yếu những mặt hàng thô (như Việt Nam), có độ co giãn cầu với giá thấp thì khi giá hàng hóa tăng hoặc giảm lượng cầu và cung trên thị trường cũng không có nhiều biến động lớn. Nếu cơ cấu hàng nhập khẩu chủ yếu của quốc gia đó là những mặt hàng được sử dụng làm đầu vào cho quá trình sản xuất thì giá hàng nhập khẩu tăng chỉ có tác động mạnh làm tăng chi phí sản xuất trong nước chứ không có nhiều tác động làm giảm lượng cầu hàng nhập khẩu.

Về vị thế cạnh tranh của quốc gia trên thị trường thế giới, nếu hàng hóa xuất khẩu của quốc gia đó có lợi thế cạnh tranh trên thị trường (như chất lượng tốt, được người tiêu dùng tin tưởng hay có uy tín cao) thì khi mức giá xuất khẩu giảm tương đối, lượng cầu về hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này sẽ tăng mạnh. Ngược lại, nếu hàng hóa của quốc gia đó không có vị thế mạnh trên thị trường thế giới thì phản ứng của cầu trước mức giá giảm có thể là không nhiều. Hơn nữa, lợi thế cạnh tranh có

được này có thể bị các đối thủ cạnh tranh lớn triệt tiêu nhằm mục đích giữ vững thị phần cho họ.

Nhân tố thứ hai cần xét tới là mức độ ảnh hưởng của tỷ giá tới hoạt động xuất nhập khẩu và Tài khoản vãng lai. Tài khoản vãng lai của một quốc gia chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nhau trong nền kinh tế chứ không chỉ có tỷ giá, ví dụ như tỷ lệ lạm phát, thu nhập quốc dân hay các biện pháp hạn chế của Chính phủ. Tùy vào đặc điểm của từng nền kinh tế sẽ quyết định nhân tố nào có ảnh hưởng mạnh hơn. Nếu hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia không chịu nhiều ảnh hưởng của sự biến động tỷ giá hối đoái danh nghĩa thì phá giá tiền tệ sẽ không có nhiều tác động đến tình trạng của Tài khoản vãng lai và ngược lại.

Thứ ba, hiệu ứng tuyến J có phát huy tác dụng sau phá giá hay không và thời điểm từ khi phá giá đến lúc nó cải thiện được Tài khoản vãng lai là bao lâu còn phụ thuộc vào năng lực sản xuất trong nước của quốc gia phá giá và điều kiện nền kinh tế tại thời điểm thực hiện phá giá tiền tệ. Một yếu tố quan trọng quyết định tác dụng của phá giá tiền tệ là tỷ trọng hàng hóa có thể trao đổi quốc tế ITG và không thể trao đổi quốc tế NTG4 (international non – tradeable goods) có sẵn trong nền kinh tế. Nếu tỷ trọng ITG lớn, lợi thế của phá giá sẽ nhanh chóng được phát huy đem lại tác động tích cực đến Cán cân thương mại và Tài khoản vãng lai. Ngược lại, nếu tỷ trọng NTG lớn thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để phá gia phát huy tác động tích cực của nó, đưa Tài khoản vãng lai ra khỏi đáy của đường cong J. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế tại thời điểm phá giá cũng là một nhân tố quan trọng. Nếu phá giá trong điều kiện nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng (trong trường hợp thực tế phá giá tại các quốc gia đã duy trì chế độ tỷ giá hối đoái cố định trong một thời gian dài và không còn khả năng tiếp tục duy trì), thì theo sau phá giá thường là khủng hoảng và nền kinh tế suy thoái. Do vậy, Cán cân thương mại và Tài khoản vãng lai có thể được cải thiện ngay trong ngắn hạn nhưng không phải nhờ tác dụng của phá giá lên hoạt động xuất nhập khẩu mà nhờ sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng trong nước khiến nhập khẩu bị giảm đáng kể. Do đó, khi tìm hiểu về hiệu ứng tuyến J trong thực tiễn đây là một

4 NTG là những hàng hóa không thể trao đổi trong thương mại quốc tế, do vậy mức giá của những hàng hóa này được hình thành trên cơ sở cung – cầu trên thị trường nội địa.

nhân tố không thể bỏ qua bởi nó có thể tác động đến sự tồn tại của hiệu ứng tuyến J thể hiện trên sự biến động của Tài khoản vãng lai.

Cuối cùng, tình trạng Tài khoản vãng lai trước khi tiến hành phá giá cũng là một nhân tố quan trọng. Giả định trong lý thuyết hiệu ứng tuyến J là Tài khoản vãng lai cân bằng tại thời điểm phá giá. Các nghiên cứu trong thực tiễn cho thấy tình trạng Tài khoản vãng lai thâm hụt hoặc cân bằng tại thời điểm phá giá là một điều kiện cần thiết để xuất hiện hiệu ứng tuyến J. Nếu Tài khoản vãng lai thặng dư tại thời điểm phá giá người ta không thể đảm bảo các hiệu ứng giá và lượng sẽ phản ứng đúng theo như lý thuyết mô tả và làm xuất hiện hình dạng tuyến J.

Khóa luận sẽ dựa vào bốn nhân tố đã phân tích ở trên để tìm hiểu lý thuyết hiệu ứng tuyến J trong thực tiễn phá giá tiền tệ ở một số quốc gia trên thế giới trong chương II.

CHƯƠNG II. THỰC TIỄN VỀ PHÁ GIÁ TIỀN TỆ VÀ HIỆU ỨNG TUYẾN J Ở MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Một phần của tài liệu Khóa luận Ngoại thương Hiệu ứng tuyến J trong phá giá tiền tệ Lý thuyết, thực tiễn một số nước và những khuyến nghị rút ra cho Việt Nam.doc (Trang 26 - 29)