Một số quan điểm về việc phá giá đồng VND trong thời điểm hiện

Một phần của tài liệu Khóa luận Ngoại thương Hiệu ứng tuyến J trong phá giá tiền tệ Lý thuyết, thực tiễn một số nước và những khuyến nghị rút ra cho Việt Nam.doc (Trang 76 - 79)

1. Quan điểm ủng hộ phá giá mạnh đồng VND

Thứ nhất, do ảnh hưởng của cung cầu ngoại hối, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dự báo giảm mạnh. Số liệu về xuất khẩu trong tháng 1/2009 cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại đối với bức tranh xuất khẩu. So với tháng 1 cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu đã giảm 24% về giá trị.

Bên cạnh đó, số liệu không khả quan về FDI tháng 1 cũng dự báo một năm khó khăn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, nguồn thu kiều hối trong xu thế kinh tế thế giới suy thoái cũng được dự báo không khả quan. Đây là 3 nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Việt Nam, quyết định khá lớn trong cán cân cung cầu ngoại hối.

Thứ hai, với mục đích hỗ trợ xuất khẩu, tỷ giá có thể được điều chỉnh tăng theo sự chủ động điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện nay, giá trị xuất khẩu chiếm đến 70% GDP của Việt Nam, và nền kinh tế cũng khá mở với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 1,7 lần GDP. Tỷ giá do vậy là công cụ rất quan trọng để kích thích tăng trưởng.

Ngoài ra, so với các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá so với USD (chẳng hạn Rupi của Ấn Độ mất giá 18%, Rupiah của Indonesia mất giá 14%, Peso của Philipinnes mất giá 13%), việc tăng tỷ giá sẽ giúp Việt Nam tiếp tục duy trì sức cạnh tranh với những nước này.

Thứ ba, chính sách kích cầu của Chính phủ sẽ đi kèm với nới lỏng hơn tiền tệ, và như vậy đã làm yếu đồng VND một cách tương đối so với USD do cung tiền đồng tăng lên.

Bên cạnh đó, nguồn vốn để kích cầu nếu có sử dụng nguồn từ dự trữ ngoại hối, cũng sẽ gây áp lực lên dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn thu giảm mạnh (xuất khẩu dầu thô giảm mạnh) và tình trạng bội chi kéo dài, áp lực này có thể làm tăng tỷ giá.

Thứ tư, áp lực tiếp tục rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh suy thoái kinh tế là khó tránh khỏi, trong đó có cả các nguồn vốn đầu tư gián tiếp.

Theo một nguồn ước đoán, số vốn nước ngoài đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu tại Việt Nam hiện khoảng còn từ 3-4 tỷ USD (so với hồi đỉnh cao 8-9 tỷ USD). Nếu tình trạng ảm đạm của đầu tư chứng khoán tại Việt Nam không cải thiện, số vốn này có thể được dần rút ra, gây áp lực lên tỷ giá. Về cơ bản, tỷ giá có thể có xu hướng tăng theo các lý do trên. Tuy nhiên, các vấn đề tăng do mất cân đối cung cầu nghiêm trọng, khủng hoảng tâm lý... sẽ không xảy ra, mà nằm chủ yếu ở sự điều hành có chủ ý của và chủ động của Ngân hàng Nhà nước.

2. Quan điểm phản đối phá giá mạnh đồng VND

Thứ nhất, mặc dù xuất khẩu giảm, song nhập khẩu cũng giảm theo. Số liệu tháng 1 cho thấy mức nhập siêu chỉ là 300 triệu USD, thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Bức tranh nhập siêu giảm mạnh đầu năm 2009 có điểm khác so với đầu năm 2008, khi mà nhập khẩu tăng mạnh do các doanh nghiệp nhập dự trữ và được hưởng nguồn tín dụng dồi dào. Khác với năm 2008, hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu và khối sản xuất đều đang trên con đường tìm lại đầu ra. Do vậy xu thế nhập siêu giảm này có lẽ sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tiếp theo của năm 2009. Giảm được nỗi lo nhập siêu là yếu tố căn bản loại bỏ được phần lớn mối đe doạ mất cần đối cung cầu ngoại tệ.

Thứ hai, khác với trước đây, khi lạm phát còn cao, tỷ giá có áp lực tăng để hạn chế sự suy giảm của tỷ giá thực, nâng cao sức cạnh tranh cho xuất khẩu Việt Nam, thì hiện nay, lạm phát đã hạ nhanh và tiếp tục cho thấy xu thế hạ ít nhất đến giữa năm 2009. Do vậy áp lực giảm tỷ giá được giảm bớt.

Thứ ba, mặc dù vẫn còn có nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút vốn trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên lượng vốn đã rút ra khá nhiều trong năm 2008 nên áp lực rút vốn còn lại không nhiều (theo một nguồn ước tính số lượng chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ khoảng 3- 4 tỷ USD so với hồi đỉnh cao 8-9 tỷ USD).

Thứ tư, mặc dù lạm phát vẫn đang trong giai đoạn giảm, tuy nhiên nguy cơ mặt bằng giá cả các mặt hàng có khả năng tăng trở lại trong nửa cuối năm 2009. Rủi ro lạm phát tăng trở lại có thể khiến chính sách điều chỉnh tăng tỷ giá có thể sẽ trở

nên thận trọng hơn, do tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá các mặt hàng nhập khẩu, đẩy lạm phát tăng cao.

3. Quan điểm về phá giá đồng VND dựa trên những phân tích về hiệu ứng tuyến J tuyến J

Qua phân tích hiệu ứng tuyến J trong thực tiễn phá giá tại ba quốc gia Mexico, Thái Lan và Trung Quốc cho thấy một số điểm như sau.

Thứ nhất, cả ba quốc gia này đều thu được lợi ích từ việc phá giá đồng nội tệ của mình. Kết quả là Cán cân thương mại và Cán cân Tài khoản vãng lai được cải thiện đáng kể sau khi phá giá, tình hình xuất nhập khẩu có những biến động tích cực theo hướng tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu.

Thứ hai, có thể khẳng định cả ba quốc gia này (đặc biệt là Trung Quốc) đều phá giá đúng theo bản chất của hiệu ứng tuyến J. Chỉ có một điểm đặc biệt là thay vì Cán cân Tài khoản vãng lai xấu đi trong giai đoạn đầu sau khi phá giá (theo lý thuyết trung bình các quốc gia cần khoảng 6 tháng để chính sách phá giá phát huy tác động) thì Cán cân Tài khoản vãng lai tại các quốc gia này lại được cải thiện ngay lập tức do nhiều điểm đặc biệt trong về xuất nhập khẩu của các quốc gia này và thời điểm nó tiến hành phá giá. Sau đó, tình hình Cán cân Tài khoản vãng lai vẫn được duy trì ở mức độ tốt hơn nhiều so với trước thời điểm phá giá. Như vậy, về mặt bản chất thực tiễn phá giá tại các quốc gia này cho thấy trong dài hạn phá giá chắc chắn sẽ giúp cải thiện tình hình Cán cân Tài khoản vãng lai và góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.

Thứ ba, mặc dù có những tác động tích cực nhưng trong ngắn hạn nền kinh tế sau khi phá giá cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ phá giá như lạm phát tăng cao, nền kinh tế có dấu hiệu mất ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm. Nếu các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những chính sách hợp lý để hạn chế những tác động tiêu cực này thì phá giá có thể là một thành công lớn (điển hình là trường hợp phá giá của Trung Quốc năm 1994).

Từ những thực tế trên cho thấy nếu phá giá mạnh đồng VND trong thời điểm hiện tại Việt Nam sẽ có nhiều khả năng phải đối mặt với một số khó khăn trong ngắn

hạn trước khi phá giá có thể phát huy hiệu quả của nó. Trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng như hiện nay, Việt Nam có thể điều chỉnh được nền kinh tế thoát khỏi những tác động tiêu cực ban đầu của phá giá và tình hình xuất nhập khẩu cũng như Cán cân Tài khoản vãng lai có thể được cải thiện trong dài hạn vẫn còn cần những nghiên cứu sâu hơn về các điều kiện kinh tế của nước ta cũng như thế giới trong hiện tại. Bên cạnh đó một chính sách phá giá hợp lý cùng khả năng đề ra những chính sách kinh tế khác có thể hạn chế tác động tiêu cực của phá giá cũng là một điểm khác mà các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt lưu tâm khi xem xét vấn đề phá giá của quốc gia.

Trong thời điểm hiện tại nếu Việt Nam phá giá vẫn chưa thể đảm bảo thành công, đồng thời chính sách tỷ giá hối đoái của nước ta trong giai đoạn gần đây cũng đã liên tục được điều chỉnh để sát hơn với mức tỷ giá thực tế của thị trường. Do vậy, phá giá mạnh VND là một hành động không cần thiết.

Một phần của tài liệu Khóa luận Ngoại thương Hiệu ứng tuyến J trong phá giá tiền tệ Lý thuyết, thực tiễn một số nước và những khuyến nghị rút ra cho Việt Nam.doc (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w