Hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ sáng chế

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam thực trạng và giải pháp.doc (Trang 32 - 34)

I. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HỘ

1. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ sáng chế

Hệ thống pháp luật về sở hữu công nghiệp của Việt Nam mới được hình thành từ đầu những năm 80 trở lại đây. Trong giai đoạn đầu, văn bản duy nhất quy định về bảo hộ sáng chế ở nước ta là Điều lệ về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật - hợp lý hoá sản xuất và sáng chế ban hành kèm theo Nghị định 31/CP ngày 23/01/1981 của Hội đồng Chính phủ. Kể từ đó cho đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ sáng chế nói riêng ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, sự ra đời của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hiện tại, có thể nói hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ sáng chế ở nước ta đã tương đối đầy đủ, và về cơ bản là phù hợp với Hiệp định TRIPS. Các văn bản pháp luật về bảo hộ sáng chế ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

- Bộ luật dân sự của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005, Phần 6 Chương 35, 36.

- Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 15/1999/QH10, Điều 170 (tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp) và Điều 171 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).

- Luật Sở hữu trí tuệ của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005.

- Nghị định của Chính phủ số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

- Nghị định của Chính phủ số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

- Nghị định của Chính phủ số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

- Thông tư của Bộ Khoa học và công nghệ số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

- Thông tư của Bộ Tài chính số 132/2004/TT-BTC ngày 30/12/2004 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là thành viên của một số điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, như Công ước Pari về Bảo hộ sở hữu công nghiệp 1883, Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT) 1970, Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) 1994.

So với một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Pháp, Trung Quốc…, Việt Nam tuy chưa có luật riêng về bảo hộ sáng chế, nhưng xét về mặt nội dung, tính chất thì hệ thống pháp luật sở hữu công nghiệp ở Việt Nam không có những điểm khác biệt cơ bản mà còn phù hợp với những nguyên tắc của các điều ước quốc tế về sở hữu công nghiệp mà Việt Nam đã tham gia. Sự phù hợp đó tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể hoà nhập với thế giới trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam thực trạng và giải pháp.doc (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w