Nguyên nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam thực trạng và giải pháp.doc (Trang 59 - 65)

III. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG BẢO HỘ SÁNG CHẾ TẠI VIỆT NAM

3. Nguyên nhân của những hạn chế

a) Về hệ thống quy phạm pháp luật

Từ năm 1995, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ theo đòi hỏi của TRIPS. Hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ tuy đã có nhiều tiến bộ và cải thiện trong thời gian qua, nhưng vẫn bộc lộ nhiều khiếm khuyết bởi lẽ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề khá mới mẻ ở nước ta.

Hiện nay trên thế giới có rất ít nước đưa nội dung về sở hữu trí tuệ vào Luật Dân sự, mà nếu có cũng chỉ với dung lượng khá nhỏ (Ví dụ: Luật Dân sự Trung Quốc chỉ có hai điều 94 và 118, Bộ luật Dân sự Bồ Đào Nha chỉ có một điều 1303). Trong khi đó Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 có riêng hai chương về sở hữu trí tuệ. Mặc dù đưa vào Bộ luật dân sự một dung lượng lớn như vậy nhưng vẫn không thể thay cho pháp luật về sở hữu trí tuệ, do đó có thể thấy ngay sự chồng chéo, vừa thừa vừa thiếu của các quy định về sở hữu trí tuệ.

Sở hữu trí tuệ ở hầu hết các nước trên thế giới trở thành một ngành luật riêng, trong đó phân thành các luật đơn lẻ tương ứng với từng đối tượng sở hữu trí tuệ. Rất nhiều nước trên thế giới có Luật sáng chế riêng, trong đó có cả Trung Quốc.

b) Về cơ quan xác lập quyền

Cơ quan chịu trách nhiệm về xác lập quyền sở hữu trí tuệ cũng như quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế ở Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện nay, chỉ có duy nhất Cục Sở hữu trí tuệ đảm nhận xử lý việc đăng kí bảo hộ. Cục cũng mới chỉ có hai văn phòng đại diện ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, còn lại vẫn chưa có các chi cục ở các tỉnh thành phố khác. Nhân sự của Cục còn thiếu trong khi công việc thì quá tải, đặc biệt là đội ngũ

xét nghiệm viên. Hiện nay, số lượng xét nghiệm viên sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ chỉ có 18 người, trong khi đó ở Nhật Bản có khoảng 1105 xét nghiệm viên, và ở Mỹ là hơn 4000 người [33]. Không những vậy, năng lực, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ này vẫn còn hạn chế so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapo. Hơn nữa, ngân sách hoạt động của Cục còn hạn hẹp, lệ phí thu đăng kí sáng chế và các đối tượng khác vẫn được coi là một nguồn thu cho ngân sách và tỉ lệ phí được giữ để tái đầu tư cho Cục còn rất hạn chế. Năm 2005, ngân sách hoạt động của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ USPTO là 1.511.100.000 và mức thu phí là 1.372.800 USD; ngay cả một đất nước Đông Nam Á như Thái Lan cũng có ngân sách hoạt động năm 2006 là hơn 3.000.000. USD [33]. Việt Nam không biết đến bao giờ mới có thể vươn tới những con số này.

Dựa vào Bảng số liệu dưới đây có thể phần nào thấy được sự thiếu hụt nhân lực cũng như ngân sách hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ so với cơ quan sáng chế của một số nước trên thế giới.

Bảng 2.6: Nhân lực và ngân sách của một số cơ quan sáng chế các nước trên thế giới năm 2001

Cơ quan sáng chế Nhân lực

Xét nghiệm viên Tổng số Ngân sách hàng năm (triệu USD) USPTO 3000 4700 863 EPO 2400 4400 513 Nhật Bản 1100 2500 844 LB Nga 900 2700 14,3 Trung Quốc 800 1500 -

Hàn Quốc 382 1002 120

Thụy Điển 300 1000 69

Australia 196 830 42

Braxin 150 610 42

Tây Ban Nha 130 600 45,3

Nguồn: IMF, World Bank, www.eropean-patent-office.org

c) Về cơ chế thực thi quyền

Hệ thống các cơ quan thực thi quyền còn chồng chéo, thiếu đồng bộ dẫn đến sự yếu kém của cơ chế xử lý vi phạm. Ở Việt Nam hiện nay có tới 6 cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Hơn nữa, giữa họ lại không có sự phối hợp nên mạnh ai người ấy làm, dẫn đến tình trạng nhiều người cùng làm một việc mà hiệu quả không cao.

Năng lực của các cơ quan thực thi quyền còn hạn chế. Ví dụ nói về hệ thống Toà án - một cơ quan đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Trong hệ thống toà án của Việt Nam, rất ít thẩm phán có đủ hiểu biết về lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ nói chung, chứ chưa nói đến sáng chế. Do thiếu kiến thức chuyên môn nên khi xét xử phải phụ thuộc vào ý kiến của nhiều cơ quan khác trước khi đưa ra phán quyết, khiến cho quy trình xử lý vi phạm của Toà án kéo dài và không hiệu quả. Gần đây, trong một chương trình hợp tác với Chính phủ Thụy Sĩ để đào tạo 10 thẩm phán Việt Nam về nghiệp vụ sở hữu trí tuệ ở Anh, cơ quan toà án không thể cử được đủ 10 thẩm phán có các tiêu chí về ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn căn bản nên phải đề cử thư kí toà [29]. Các thẩm phán của toà án cũng như những nhân viên của cơ quan thực thi quyền khác ở Việt Nam không được đào tạo hoặc được đào tạo quá ít kiến thức về sở hữu trí tuệ, cũng như thông tin về các hiệp định quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ mà Việt Nam tham gia.

Khung hình phạt vi phạm cũng chưa đủ mạnh. Mức xử phạt hành chính cao nhất đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế cũng chỉ là 300.000.000 đồng, mức phạt hình sự cao nhất là 3 năm. Mức phạt này chưa thể bù đắp được những thiệt hại mà chủ sở hữu sáng chế cũng như xã hội phải gánh chịu, lại chưa đủ tác dụng ngăn chặn hành vi xâm phạm.

d) Về nhận thức của cộng đồng

Trước hết đó là hiểu biết hạn chế về sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng của chính cá nhân và doanh nghiệp tạo ra sáng chế. Họ chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo hộ sáng chế. Các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhiều khi chỉ lo đến việc tạo ra sáng chế mới để áp dụng trong doanh nghiệp mình, và không muốn đăng kí bảo hộ vì tâm lý e ngại sáng chế của mình sẽ bị lộ, sẽ được nhiều người khác áp dụng, hoặc đơn giản là không muốn đăng kí vì mục đích là sáng chế chỉ là để giúp ích cho cuộc sống thường ngày của họ. Ở nước ta, có rất nhiều những nhà sáng chế không bằng cấp, ví dụ như “Vua cầu treo” Sáu Quý ở An Giang, thợ vườn Tư Dương và chiếc máy tách hạt bắp…. Bên cạnh đó là việc thiếu thông tin về sáng chế và đăng kí sáng chế. Đó là trường hợp anh Từ Ngọc Lợi ở Bình Dương với sáng chế chiếc bàn chải đánh răng có sẵn kem trong cán. Và không phải chỉ nhứng người “phó thường dân” như anh Lợi mới gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin, mà ngay cả nhiều nhà khoa học cũng không nắm vững thông tin về đăng kí sáng chế. Tiến sĩ N.C.V trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh từng được nhiều người biết đến với một loại sản phẩm xây dựng và trang trí nội thất đẹp, bền, rẻ nhưng lại rất lúng túng về sở hữu trí tuệ. Hay ở trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ P.T là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về khả năng trị bệnh ung thư của cây bình bát và đã thử nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, chưa trọn niềm vui thì ông được một người bạn ở Mỹ tra cứu tài liệu báo lại rằng ở nước ngoài đã có người nghiên cứu đề tài này trước

ông rồi [34]. Hơn nữa, cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu hiểu biết về luật pháp sở hữu trí tuệ của nước mình, chứ chưa nói đến luật pháp quốc tế. Đôi khi họ cho rằng chỉ cần đăng kí sáng chế ở Việt Nam là đủ, nhưng trong xu thế toàn cầu hoá như hiện nay, nhu cầu xuất khẩu lớn thì việc đăng kí sáng chế ở nước ngoài cũng là một việc làm hết sức cần thiết. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chưa có ý thức chủ động trong việc phát hiện và ngăn ngừa việc làm giả, bắt chước sáng chế của mình, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát.

Mặt khác, vì cơ chế bảo hộ sáng chế cũng như các đối tượng sở hữu trí tuệ khác mới có trong thời gian gần đây nên trong nhận thức của nhiều người vẫn còn quan niệm sở hữu nhà nước, sử dụng khai thác tập thể, miễn phí vì thế chưa có ý thức tôn trọng và bảo vệ các sản phẩm sang tạo đó như một tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân.

e) Về dịch vụ sở hữu trí tuệ

Dịch vụ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp còn rất nhiều cản trở. Số lượng đại diện sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng như lực lượng luật sư về sở hữu trí tuệ còn ít. Trong khi đó, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại đòi hỏi tính phức tạp cao, từ khâu tư vấn, xử lý đơn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ chống vi phạm sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp khó có thể làm tất cả các công việc trên một mình một cách hiệu quả mà không có sự giúp đỡ của các đơn vị dịch vụ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thông tin sáng chế. Hệ thống tư liệu sáng chế của Việt Nam mới được cập nhật bổ sung nhưng hầu hết bằng tiếng nước ngoài. Vì vậy cần tổ chức hoàn thiện các dạng dịch vụ cung cấp nguồn tư liệu này. Hiện nay, ở Trung tâm thông tin khoa học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu khai thác thương mại, nhưng mới chỉ ở dạng thử nghiệm, còn thiếu các công cụ tra cứu tương thích, hạn chế việc truy cập thông tin.

Trên đây là một số nguyên nhân dẫn đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Để khắc phục được những hạn chế này, cần phải có thời gian và cần có sự đầu tư, tham gia và phối hợp hoạt động của tất cả các cấp các ngành, các lực lượng trong xã hội. Có như vậy, hoạt động bảo hộ đối với sáng chế nói riêng và các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung mới đạt được hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

CHƯƠNG III

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ TẠI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam thực trạng và giải pháp.doc (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w