Đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam thực trạng và giải pháp.doc (Trang 79 - 83)

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

3. Đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ

Một trong những khó khăn lớn của hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế cũng như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam là sự thiếu hụt về nhân lực cả về chất lượng và số lượng, sự hiểu biết chưa cao của xã hội về ý nghĩa, nội dung và cách thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, cần phải có giải pháp nhằm nâng cao năng lực và nhận thức về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng.

3.1. Đào tạo kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ trong các trường đại học

Trường đại học là nơi tập trung các nguồn lực sáng tạo, vì vậy việc giảng dạy kiến thức sở hữu trí tuệ không những hỗ trợ cho việc hình thành các giải pháp kĩ thuật có khả năng được bảo hộ, nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sau này. Do đó cần đẩy mạnh công tác đào tạo về sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu. Hiện tại chỉ một số ít các trường đại học ở Việt Nam như Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đưa sở hữu trí tuệ thành một nội dung giảng dạy nhưng chỉ với những nội dung cơ bản, còn lại các trường vẫn chưa coi trọng việc đào tạo kiến thức về lĩnh vực mới mẻ này. Trong tương lai, cần thiết thực hiện một số biện pháp sau:

- Đào tạo đội ngũ giảng viên về sở hữu trí tuệ. Ðây là việc quan trọng nhất của quá trình đào tạo nhân lực về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường đại học có thể trực tiếp giảng dạy về sở hữu trí tuệ rất ít, phần lớn trong số họ đều là những người được đào tạo chính quy về pháp luật nói chung, chỉ có một số người được đào tạo sâu về pháp luật sở hữu trí tuệ. Vì vậy, các giảng viên chuyên giảng dạy pháp luật về sở hữu trí

tuệ cần được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ sở hữu trí tuệ. Việc đào tạo chuyên sâu này có thể được tiến hành ở nước ngoài hoặc trong nước.

- Đào tạo chuyên gia có trình độ đại học và sau đại học về sở hữu trí tuệ. Hiện nay chỉ có trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đào tạo cử nhân chuyên ngành sở hữu trí tuệ. Tháng 6/2006 trường đào tạo được 11 cử nhân thì sau 3 tháng đã có 10/11 người tìm được việc làm, trong đó có 9 người làm đúng nghề đã được đào tạo. Điều này cho thấy nhu cầu của xã hội về nhân lực sở hữu trí tuệ là rất lớn. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, chương trình đào tạo này cũng mới chỉ là thí điểm, hiện nay Trường đang phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành tổng kết quá trình đào tạo để có thể xây dựng được chương trình đào tạo chính quy, hiệu quả.

- Xây dựng chương trình đào tạo sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tuy vậy, cũng không thể áp dụng nguyên xi chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ của các trường đại học danh tiếng trên thế giới vào Việt Nam được. Sau nữa, trong bối cảnh các trường đại học ở Việt Nam đang dần tự chủ về mặt tài chính thì trường đại học nào sẽ gánh vác việc đào tạo nhân lực về sở hữu trí tuệ cũng cần được tính đến. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, không chỉ các trường đại học luật có thể đảm nhận việc này mà nhiều cơ sở đào tạo về quản lý cũng đảm nhận được.

- Đưa sở hữu trí tuệ trở thành môn học bắt buộc đối với các trường đại học và cao đẳng, nhất là đối với khối trường kĩ thuật. Kiến thức về sở hữu trí tuệ không chỉ cần thiết đối với những người công tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ mà còn cần thiết đối với mọi người, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vậy, việc đưa sở hữu trí tuệ trở thành một môn học bắt buộc đối với các trường đại học và cao đẳng là cần thiết.

- Đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ về sở hữu trí tuệ. Loại hình đào tạo này đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội, nhất là đối với những người đang công tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ mà chưa qua đào tạo.

3.2. Nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ

Việc nâng cao nhận thức xã hội về sở hữu trí tuệ là một trong những giải pháp thiết thực tạo nền tảng cho một xã hội mà ở đó quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng và bảo vệ có hiệu quả. Mục tiêu của giải pháp này là làm cho toàn xã hội nhận thức được ý nghĩa và vai trò của hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tiến tới xây dựng thói quen tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và không đồng tình với các hành vi xâm phạm quyền. Giải pháp cụ thể như sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các thông tin về sở hữu trí tuệ, đưa việc sử dụng pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền trở thành quen thuộc với xã hội. Cần phải làm cho mọi người hiểu rằng việc tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, là góp phần xây dựng một xã hội phát triển văn minh. Trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phát huy vai trò tuyên truyền của các cơ quan đoàn thể như Hội nghề nghiệp, Hội quần chúng....

- Đăng tải trên các báo phổ thông bài viết của các chuyên gia về sở hữu trí tuệ thay vì chỉ đăng trên các tạp chí chuyên ngành, tổ chức các Diễn đàn về sở hữu trí tuệ trên truyền hình, các cuộc thi, gameshow. Ví dụ như Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về sở hữu trí tuệ đã được Hội doanh nghiệp trẻ Hải Dương, Tỉnh Đoàn Hải Dương (với sự cố vấn của Sở Khoa học & Công nghệ Hải Dương) tổ chức đêm 30.6.2006. Khoa Khoa học quản lý thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã tổ chức cuộc thi tương tự... Những hình thức này có tác dụng nâng cao nhận

thức về sở hữu trí tuệ cho công chúng, góp phần thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả.

- Biểu dương, khuyến khích kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình có thành tích trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin và khuyến cáo về các trường hợp vi phạm cho cộng đồng.

3.3. Đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo

Tại sao lại đề cập đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo ở đây? Bởi vì phải có những con người đó thì sáng chế mới được tạo ra, và mới có sáng chế để bảo hộ. Việc đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo không chỉ giúp tạo ra những con người có đầu óc sáng tạo, có trí tưởng tượng để có thể tạo ra sáng chế, mà những nền tảng cơ sở đó sẽ giúp họ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của những sáng chế mình tạo ra, do đó sẽ có cách thức để tự bảo vệ cho thành quả lao động sáng tạo của mình.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng sáng chế được tạo ra nhiều nhất trên thế giới, và cũng là nước có số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp khá cao. Ở đất nước này, họ đưa mô hình đào tạo để phát triển tư duy sáng tạo vào tất cả các bậc học, từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học, đại học. Do đó đã khuyến khích được hoạt động sáng tạo trong tất cả các tầng lớp trong xã hội, nhất là lớp trẻ. Việt Nam có thể tham khảo để áp dụng giải pháp của Nhật Bản để nâng cao năng lực sáng tạo của con người, từ đó dẫn đến việc tạo ra sáng chế và bảo hộ hiệu quả sáng chế đó. Vì vậy, trước hết Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ để đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả bảo hộ sáng chế, sau đó là đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo.

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam thực trạng và giải pháp.doc (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w