Thực trạng xâm phạm quyền

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam thực trạng và giải pháp.doc (Trang 43 - 48)

I. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HỘ

2. Thực trạng xâm phạm quyền

2.1. Số lượng các vụ xâm phạm

Số vụ khiếu nại về vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế nhìn chung không nhiều (Bảng 2.5). Cho đến năm 2000, mỗi năm chỉ có khoảng 1-2 vụ, thậm chí có những năm không xảy ra trường hợp nào, thấp hơn hẳn so với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác như kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng số lượng đơn đăng kí và số bằng độc quyền sáng chế - giải pháp hữu ích, số vụ xâm phạm quyền cũng có xu hướng tăng lên nhanh chóng, năm 2003 có

23 vụ, năm 2004 tăng lên tới 33 vụ. Năm 2005, số trường hợp khiếu nại về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế đã lên tới con số 41, tăng 24% so với năm 2004. Trên thực tế số trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế lớn hơn nhiều so với số vụ khiếu nại, thế nhưng chưa có một số liệu thống kê đầy đủ nào cho thấy số vụ xâm phạm thực tế là bao nhiêu.

Bảng 2.5: Khiếu nại về việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp

Năm Sáng chế -Giải pháp hữu ích Các đối tượng sở hữu công nghiệp

1995 02 52 1996 01 125 1997 156 1998 239 1999 151 2000 179 2001 02 293 2002 09 399 2003 23 354 2004 33 404 2005 41 596

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

2.2. Hình thức xâm phạm

Trong số các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế ở Việt Nam, không thấy có trường hợp xâm phạm quyền tạm thời đối với sáng chế, mà hầu hết là việc sử dụng sáng chế khi không được phép của chủ sở hữu. Hơn nữa, hành vi xâm phạm chủ yếu là sản xuất sản phẩm được bảo hộ và áp dụng quy trình được bảo hộ. Dưới đây là ví dụ về một số trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế ở Việt Nam:

a) Xâm phạm qua hành vi sản xuất sản phẩm được bảo hộ

Công ty Thành Đồng (địa chỉ 259 Tống Duy Tân, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá) do ông Đỗ Thành Đồng làm giám đốc

chuyên sản xuất sản phẩm "bạt chắn nắng mưa tự cuốn". Sản phẩm "bạt chắn nắng mưa tự cuốn" đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số 5633 (cấp ngày 09/05/2006). Nhưng trớ trêu thay, chỉ ít lâu sau khi sản phẩm "bạt chắn năng mưa tự cuốn" có mặt trên thị trường thì sản phẩm này đã bị làm giả bởi cơ sở Ngọc Thanh có địa chỉ tại 28 Đào Duy Từ, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá do ông Ninh Đức Thanh làm chủ.

Ông Đồng đã uỷ quyền cho Công ty Sở hữu trí tuệ Winco yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định kiểu dáng công nghiệp và sáng chế với giải pháp kỹ thuật "bạt chắn nắng mưa tự cuốn" đã được bảo hộ. Ngày 17/11/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Công văn số 2776/SHTT-TTKN thẩm định "bạt chắn nắng mưa tự cuốn". Theo công văn này, qua so sánh có thể thấy tất cả các dấu hiệu cấu thành sáng chế 5633 đều trùng hoặc tương đương với các dấu hiệu cấu thành "cơ cấu đề nghị thẩm định" (do cơ sở Ngọc Thanh sản xuất) một cách tương ứng. Do đó, việc sử dụng "cơ cấu đề nghị thẩm định" được coi là sử dụng sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế (sáng chế 5633). Theo điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ và điều 8a Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ thì việc sử dụng nêu trên bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế của chủ bằng độc quyền sáng chế số 5633. Được biết, thông qua Công ty Sở hữu trí tuệ Winco, Công ty Thành Đồng đã khởi kiện cơ sở Ngọc Thanh lên Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá (ngày 28/11/2006) buộc cơ sở Ngọc Thanh bồi thường toàn bộ những thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền là 250 triệu đồng [35].

b) Xâm phạm qua hành vi áp dụng quy trình được bảo hộ

Trường hợp “đạo công nghệ” tại công trình kè Đà Giang trên sông Đà là một ví dụ. Đây là một công trình trọng điểm được Nhà nước đầu tư khoảng 190 tỉ đồng để bảo vệ thị xã Hoà Bình trong mùa mưa khi Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xả lũ. Tuy nhiên, chỉ một con lũ nhỏ đầu mùa mưa mà hiện tượng

sụt lún không đều đã xuất hiện trên những đoạn mái kè vừa được thi công xong. Căn nguyên của sự việc này bắt nguồn từ việc vi phạm quyền sáng chế của Công ty tư vấn thiết kế dẫn đến không đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công. Đơn vị thiết kế đã sử dụng bất hợp pháp công nghệ của TS. Phan Đức Tác - người đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế về công nghệ dựa trên sự liên kết bền vững của các khối bê tông đúc sẵn hình lục giác có gờ mấu được ráp khít vào nhau. Nhưng trên thực tế, cả bên thiết kế và bên thi công đều không thực hiện được yêu cầu đó. Hậu quả là mấy trăm tấn xi măng đem đúc ra những khối bê tông không chuẩn ấy trở thành vô giá trị, và công trình này chắc chắn phải làm lại, tiêu tốn rất nhiều tiền của Nhà nước. Hơn nữa, việc này gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc rằng sáng chế đó không có giá trị [15].

Thực tế các trường hợp xâm phạm thông qua hành vi áp dụng quy trình được bảo hộ rất khó để xác định, và phức tạp hơn nhiều so với xâm phạm đối với sáng chế là sản phẩm.

c) Xâm phạm vượt qua khỏi biên giới quốc gia

Bên cạnh những trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế ở trong nước, còn có những trường hợp xâm phạm vượt qua khỏi lãnh thổ quốc gia đối với các chủ sở hữu Việt Nam.

Ví dụ như vụ kiện của Doanh nghiệp tư nhân võng xếp Duy Lợi. Tuy chưa đăng kí bảo hộ sáng chế cho sản phẩm của mình, nhưng kiểu dáng công nghiệp khung mắc võng của Duy Lợi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày 23/03/2000. Vừa qua, doanh nghiệp tư nhân võng xếp Duy Lợi đã đâm đơn kiện và thắng kiện một doanh nhân Đài Loan xâm phạm bằng sở hữu công nghiệp tại Mỹ. Tuy nhiên, đằng sau vụ kiện là bài học không chỉ cho Duy Lợi mà tất cả các doanh nghiệp khác.

Võng xếp Duy Lợi đã từng xuất một container hàng sang Mỹ vào tháng 9/2001, sau đó không thấy đơn hàng nào từ Mỹ nữa. Nhờ luật sư tra cứu trên

mạng, ông Lâm Tấn Lợi - chủ doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi - phát hiện doanh nhân người Đài Loan Chung Sen Wu (cư trú tại Đài Loan) đã đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ cho chiếc võng xếp có kiểu dáng y hệt võng xếp của Duy Lợi. Chính bằng sáng chế này đã khóa kín cánh cửa thị trường Mỹ với Duy Lợi và nhiều doanh nghiệp khác. Đã từng thắng kiện trong vụ xâm phạm bằng sáng chế võng xếp tại Nhật vào tháng 4/2003 để từ đó Duy Lợi khai thông được thị trường Nhật, ông Lợi đã ủy quyền cho Văn phòng luật sư Phạm & Liên danh khởi kiện ra Cơ quan Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO).

Ngày 11/10/2005, Văn phòng luật sư Phạm & Liên danh cho biết đã nhận được phán quyết của USPTO về việc huỷ văn bằng sáng chế đã cấp cho ông Chung Sen Wu, vì bằng độc quyền của Duy Lợi có hiệu lực từ ngày 23/3/2000 trong khi ông Chung Sen Wu lại nộp đơn xin cấp bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ vào ngày 15/8/2001 [35].

Ông Lợi cho rằng, bài học lớn rút ra từ vụ kiện này không chỉ cho riêng Duy Lợi, là phải đăng ký bảo hộ ngay cho sản phẩm mới của mình. Một khi nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa xem sở hữu trí tuệ là tài sản lớn, những vụ kiện liên quan đến bảo hộ sáng chế có nhiều khả năng xảy ra. “Điều cần làm là phải tìm hiểu về pháp luật liên quan đến sáng chế, nếu không am hiểu luật nên nhờ các văn phòng luật sư. Khi có sáng chế mới cần nhờ luật sư tra cứu xem có tính mới toàn cầu hay không để đăng ký bằng sáng chế ngay”, đó là kinh nghiệm quí giá mà ông Lợi có được sau vụ đòi công bằng cho kiểu dáng võng xếp của mình.

Để tránh xảy ra kiện tụng, các doanh nghiệp khi có sản phẩm, quy trình mới nên đăng kí bảo hộ kiểu dáng hoặc sáng chế trước tiên là ở Việt Nam, sau đó là ở các thị trường chủ yếu sẽ xuất khẩu sản phẩm. Và trước khi sản xuất hoặc xuất khẩu nên tra cứu xem đã có ai đăng kí sáng chế đó chưa để có thể tránh được vi phạm quyền của một bên thứ ba ở nước ngoài.

Theo nhận định của một số chuyên gia về sở hữu trí tuệ thì hiện nay, nhiều người còn chưa nắm vững ý nghĩa, nội dung của cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tưởng rằng hoạt động kinh doanh của mình không liên quan gì đến vấn đề sở hữu trí tuệ nếu mình không có các đối tượng sở hữu trí tuệ được đăng ký. Tuy nhiên, môi trường pháp lý với cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ đã đặt mọi doanh nghiệp vào những ràng buộc và có thể sẽ bị rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp và đương nhiên là ảnh hưởng nhiều tới uy tín và tài chính. Nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng gây ra thiệt hại nhiều mặt cho xã hội, tuy nhiên thiệt hại đầu tiên phải tính đến là mất mát về uy tín, suy giảm thương hiệu và tài chính của chính cá nhân, doanh nghiệp là chủ sở hữu sáng chế bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế tại Việt Nam thực trạng và giải pháp.doc (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w