I. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HỘ
3. Hoạt động thực thi quyền
3.1. Việc áp dụng các biện pháp xử lý xâm phạm
Để đảm bảo quyền của chủ sở hữu sáng chế, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế phải được xử lý nghiêm minh. Ở Việt Nam hiện nay, có ba biện pháp được áp dụng để xử lý xâm phạm, đó là các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính.
a) Biện pháp dân sự
Việc áp dụng biện pháp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Hiện chưa có các toà án chuyên trách việc xét xử các vụ án về tranh chấp và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Trên thực tiễn hiện nay các vụ kiện về sở hữu công nghiệp thường do các toà án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thụ lý và xét xử theo thủ tục chung. Ðặc biệt trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài thì Toà án có thẩm quyền sẽ là Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Toà án Nhân dân thành phố Hà nội theo nguyện vọng của nguyên đơn. Trên thực tế thường mất từ 6 tháng đến 1 năm
để toà án thụ lý và giải quyết một vụ tranh chấp về sở hữu công nghiệp tại một cấp xét xử.
Hàng năm số vụ kiện dân sự về vi phạm quyền sở hữu công nghiệp không nhiều. Theo số liệu từ Toà án nhân dân các tỉnh, thành phố thì năm 1998 có 12 vụ, năm 1999 có 5 vụ, năm 2000 có 7 vụ, năm 2001 có 1 vụ [20]. Không có số liệu về các vụ kiện đối với từng đối tượng SHCN cụ thể, nhưng nhìn chung tính trên tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp thì mỗi năm chỉ có trên dưới 10 vụ, con số quá nhỏ so với tổng số các vụ xâm phạm.
b) Biện pháp hình sự
Việc áp dụng biện pháp hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Toà án có thẩm quyền là các toà án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xảy ra hành vi xâm phạm. Trong trường hợp có yếu tố nước ngoài, toà án nhân dân thành phố Hà nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thẩm quyền xét xử.
Biện pháp hình sự có thể nói là biện pháp có hình phạt cao nhất trong số ba biện pháp. Tuy vậy, trong những năm qua, số vụ xâm phạm được giải quyết bằng biện pháp hình sự rất ít, mà chủ yếu là bằng biện pháp hành chính. Theo thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, cho tới nay, số vụ việc được giải quyết trước Toà án mỗi năm chỉ khoảng 10 vụ (đối với tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp), mà tình trạng “hành chính hoá” lại vượt quá mức cần thiết. Nhược điểm của biện pháp này là chỉ giới hạn trong những vụ việc nghiêm trọng, những vụ có yếu tố cấu thành tội phạm.
Thực tế ở Việt Nam, các cá nhân và doanh nghiệp rất ít khi đưa vụ việc tranh chấp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ra toà, một phần vì mất nhiều thời gian và chi phí, một phần vì tâm lý e ngại. Chính vì vậy, họ đều chọn áp dụng biện pháp hành chính, dẫn đến sự chênh lệch rất lớn trong số vụ xâm phạm được xử lý bằng biện pháp dân sự và hình sự với số vụ được xử lý bằng biện pháp hành chính.
Các cơ quan chức năng được trao quyền thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp ở Việt Nam bao gồm: Thanh tra chuyên nghành về sở hữu công nghiệp thuộc Bộ khoa học công nghệ và các Sở khoa học công nghệ và môi trường các tỉnh thành phố; Cục quản lý thị trường thuộc Bộ Thương Mại, các Chi Cục và Ðội quản lý thị trường trực thuộc; Cảnh sát kinh tế Trung ương và địa phương; Tổng Cục Hải quan và Hải quan các cửa khẩu trên toàn Quốc; Uỷ ban nhân dân các cấp. Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học và công nghệ không trực tiếp thực hiện các biện pháp thực thi quyền sở hữu công nghiệp, song đây là cơ quan chuyên môn trực tiếp, trong nhiều trường hợp, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng hoặc các bên liên quan, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành xem xét và đưa ra ý kiến thẩm định chính thức bằng văn bản có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trên thực tiễn các hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp tại Việt nam, ý kiến thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ là tiền đề cơ bản để các cơ quan chức năng thực hiện hoặc không thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.
Qua phân tích ở trên, số vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nói chung và đối với sáng chế nói riêng được xử lý bằng biện pháp dân sự và hình sự hàng năm rất ít. Trung bình mỗi năm, các trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xử lý bằng hai biện pháp này chỉ khoảng 20 vụ. Trong khi đó, số vụ xâm phạm thực tế trung bình mỗi năm là từ 200 đến 300 vụ. Như vậy, hầu hết các vụ xâm phạm đều được xử lý bằng biện pháp hành chính.
Ưu điểm của biện pháp hành chính là đơn giản, nhanh chóng và dễ áp dụng. Chính vì vậy mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn biện pháp này thay vì biện pháp dân sự hoặc hình sự. Tuy nhiên, một nhược điểm dễ thấy của biện pháp này là chỉ có hiệu quả trong những vụ việc rõ ràng, và mức độ răn đe không cao, dễ dẫn đến hành vi tái vi phạm. Tuy vậy, biện pháp
hành chính lại được sử dụng quá phổ biến ở nước ta dẫn đến tình trạng “hành chính hoá“ không cần thiết.