III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CỤ THỂ
a) Sửa đổi, bổ sung một số quy định còn thiếu sót, chưa phù hợp
- Sửa đổi một số điều về quyền sở hữu công nghiệp trong Bộ luật Dân sự 2005 theo hướng loại bỏ bớt những quy định về căn cứ xác lập quyền, chuyển giao quyền vì không nên quy định những mặt quá cụ thể như vậy. Hơn nữa, những quy định này được trình bày sơ sài, không đầy đủ so với Luật Sở hữu trí tuệ nên không nhất thiết phải đưa vào, hạn chế sự chồng chéo không cần thiết.
- Cần phân biệt rõ ràng hai khái niệm sáng chế và giải pháp hữu ích. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 chỉ định nghĩa sáng chế, nhưng không đề cập đến giải pháp hữu ích, và chỉ có sáng chế mới là đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong khi đó, Điều 58 quy định về điều kiện đối với sáng chế được bảo hộ có nói rằng sáng chế có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu như chỉ có tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp (không có trình độ sáng tạo). Thực chất giải pháp hữu ích là sáng chế nhỏ, là tên gọi khác của sáng chế có trình độ sáng tạo không cao. Và sáng chế có thể được bảo hộ dưới một trong hai hình thức là cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Về thực tiễn quy định như vậy có thể không ảnh hưởng gì nhưng thiếu khoa học. Do đó, Luật cần bổ sung thêm khái niệm về giải pháp hữu ích.
- Theo Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ , sáng chế phải là giải pháp kỹ thuật, nghĩa là việc ứng dụng các định luật tự nhiên để giải quyết một vấn đề kỹ thuật cụ thể. Tuy nhiên, không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới người ta còn bảo hộ cả các chất hoá học được tìm ra trong tự nhiên hoặc mới được tổng hợp. Bản thân các chất hoá học này (cũng như các chuỗi gen mới tìm ra hoặc chủng vi sinh mới được phân lập) không phải là giải pháp kỹ thuật mà chỉ có việc sử dụng chúng để giải quyết một nhiệm vụ cụ thể (làm thuốc chữa bệnh, làm phẩm màu...) mới là giải pháp kỹ thuật. Thế nhưng điều này đã không ngăn cản các chất nêu trên được bảo hộ dưới dạng công thức hoá học mà không kèm theo một chức năng cụ thể nào, nghĩa là không phải dưới dạng một giải pháp kỹ thuật. Vì vậy cần xem xét lại việc có nên đưa định nghĩa sáng chế là một giải pháp kĩ thuật vào trong luật không.
- Thay đổi quy định về sáng chế được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Giải pháp kỹ thuật được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Hệ thống patent có mục đích chính là khuyến khích hoạt động sáng tạo vì vậy việc cấp độc quyền cho
các giải pháp không sáng tạo khiến cho hệ thống luật này không đạt được mục đích đặt ra. Hơn thế nữa, người ta có thể lạm dụng độc quyền được cấp cho một giải pháp không sáng tạo để cản trở việc phổ biến tiến bộ kỹ thuật công nghệ và cuối cùng thì hệ thông bảo hộ patent thay vì thúc đẩy các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế lại trở thành rào cản. Khi độc quyền được cấp cho các giải pháp không sáng tạo sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp phải nộp đơn cho bất kỳ sự cải tiến nào của mình, cho dù rất nhỏ và không sáng tạo, nếu không muốn gặp trở ngại trong tương lai khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật đó. Mặc dù sẽ không tránh khỏi những khó khăn trong việc đánh giá tính sáng tạo của giải pháp kĩ thuật nhưng việc quy định tính sáng tạo với giải pháp hữu ích là cần thiết, để phù hợp với Điều 27 của Hiệp định TRIPS.
- Bổ sung các quy định về nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong trường hợp đối tượng của bằng sáng chế là quy trình. Tức là nếu đối tượng của patent là quy trình chế tạo một loại sản phẩm thì các cơ quan xét xử phải có quyền yêu cầu bị đơn chứng minh rằng quy trình được sử dụng để thu được chính loại sản phẩm đó không phải quy trình đã được cấp patent (theo Điều 34 của Hiệp định TRIPS). Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO, tức là hệ thống luật về sở hữu trí tuệ của nước ta về cơ bản đã đáp ứng những quy định của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải điều chỉnh để những quy định về sở hữu trí tuệ để hoàn toàn phù hợp với Hiệp định này.
- Có những trường hợp mà không chỉ đơn sáng chế mà cả đơn kiểu dáng cùng nộp cho một đối tượng (ví dụ, võng xếp Duy lợi được đăng ký kiểu dáng ở Việt nam, mẫu hữu ích ở Nhât còn sáng chế ở Mỹ). Giả sử có 3 người nộp đơn khác nhau nộp đơn cho 3 hình thức bảo hộ nói trên trong một ngày thì đơn kiểu dáng có phải hợp nhất với các đơn sáng chế , giải pháp hữu ích hay không? Liệu có thể cấp các văn bằng bảo hộ độc lập theo những hình thức bảo hộ khác nhau cho cùng một đối tượng nhưng cho những người nộp
đơn khác nhau hay không, cần bổ sung quy định về vấn đề này. - Tăng mức phạt vi phạm trong biện pháp hành chính và hình sự. Đây cũng là kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Bởi vì nếu hình thức phạt đủ mạnh đến mức người vi phạm không còn khả năng tài chính để tiếp tục sản xuất kinh doanh hàng hoá, cung ứng dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì sẽ hạn chế được tình trạng xâm phạm quyền. Có thể áp dụng cách xác định mức phạt hành chính theo nguyên tắc mức phạt phải cao hơn lợi nhuận mà người vi phạm có thể thu được từ hành vi xâm phạm, nhưng không vượt quá 1,5 lần lợi nhuận đó.
- Thông tư 132/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành bảng phí về sở hữu công nghiệp theo đó mức phí sẽ thống nhất cho người Việt nam và người nước ngoài. Điều này là cần thiết, song nên thấy rằng quyền lợi của người nộp đơn Việt nam và xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Nếu mức phí quy định quá cao thì người Việt nam sẽ không thể nộp đơn được còn nếu mức phí quá thấp thì ngân sách sẽ bị thất thu. Mức lệ phí mới ban hành của ta có lẽ là thấp nhất thế giới và như vậy quá ưu đãi đối với các nhà sáng chế nước ngoài nhưng. Để giải quyết vấn đề này ta có thể áp dụng cách thức mà nhiều nước đã làm. Đó là quy định mức giá ưu đãi cho người nộp đơn đến từ những nước có mức thu nhập thấp. Ví dụ, mức phí, lệ phí nói chung sẽ được quy định rất cao nhưng đối với người nộp đơn đến từ những nước có GDP dưới 1000 USD thì sẽ chỉ phải nộp 25% của mức phí này. Như vậy ta vẫn thu được đủ số lệ phí như trước đây, vì những nước có mức thu nhập thấp như vậy hầu như không có người nộp đơn vào Việt nam, trong khi đó ta lại không vi phạm bất kỳ một điều ước quốc tế nào vì không có sự phân biệt đối xử.
b) Ban hành văn bản pháp luật mới
- Ban hành Thông tư liên tịch của Toà án nhân dân tối cao và Bộ Khoa học công nghệ hướng dẫn giải quyết tranh chấp, xử lý xâm phạm quyền sở