I. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HỘ
3. Hoạt động thực thi quyền
3.2. Hoạt động thực thi của các cơ quan có thẩm quyền
Hiện nay ở Việt Nam có 6 cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đó là Toà án nhân dân, Cảnh sát kinh tế, Cơ quan quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra khoa học công nghệ, Uỷ ban nhân dân các cấp.
a) Toà án nhân dân
Toà án đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế .Thứ nhất, xét xử những vụ khiếu kiện tranh chấp quyền theo thủ tục dân sự; thứ hai, xét xử các vụ xâm phạm quyền theo thủ tục tố tụng hình sự. Nhưng trên thực tế, vai trò của Toà án trong việc đảm bảo thực thi quyền chưa được phát huy. Ở Việt Nam, nhiều người dân còn e ngại khi yêu cầu Toà án giải quyết các tranh chấp dân sự. Nhiều tổ chức cá nhân không thích đưa vấn đề tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ ra toà một phần là do án phí và thời gian giải quyết lâu, phức tạp, nhiều phiền toái. Hơn nữa, Luật về sở hữu trí tuệ có nhiều điểm chưa thống nhất, dẫn đến quyết định của Toà án chưa thuyết phục. Ngoài ra, hiện nay hệ thống toà án rất thiếu các chuyên gia có chuyên môn về sở hữu trí tuệ. Chính vì những lý do trên mà thực tế số vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xử lý tại Toà án còn chưa nhiều so với những vi phạm thực tế.
b) Cơ quan quản lý thị trường
Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách thuộc sự quản lý của Bộ thượng mại có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trượng nội địa, đấu tranh chống lại các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại nói chung và đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng vi phạm sở hữu công nghiệp nói riêng.
Lực lượng quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Lực lượng quản lý thị trường được tổ chức thành hệ thống từ trung ương tới địa phương. Hiện tại ở nước ta, đứng đầu là Cục quản lý thị trường thuộc Bộ thương mại, dưới đó là các Chi cục quản lý thị trường ở các tỉnh thành phố và 500 Đội quản lý thị trường tại các quận, huyện, thị xã trên toàn quốc.
Trong những năm qua, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã rất quan tâm đến việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về sản xuất và buôn bán hàng giả có yếu tố vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình thực thi quyền, lực lượng quản lý thị trường còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhận định, đánh giá các hành vi vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu là ở năng lực chuyên môn của lực lượng này còn chưa cao, nhận thức về sở hữu trí tuệ còn chưa sâu rộng.
c) Lực lượng Hải quan
Hải quan là lục lượng có trách nhiệm tổ chức việc chống hàng giả trong đó có hàng hoá vi phạm quyền sở hữu công nghiệp qua các cửa khẩu. Hải quan cũng có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Lực lượng Hải quan hiện có khoảng trên 8000 người được bố trí ở tất cả các cơ sở. Ở cấp trung ương có Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính, ở một số địa phương có cửa khẩu có Chi cục Hải quan tỉnh thành phố. Ngoài ra, còn có các Đội kiểm soát Hải quan ở các cửa khẩu. Ở Việt Nam hiện có 33 chi cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh và thành phố.
Thực tế những năm trước đây, số vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp nói chung và với sáng chế nói riêng liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu do Hải quan phát hiện và xử lý hầu như không đáng kể. Nhưng hiện nay, do xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và Việt Nam đã trở thành thành viên của
Tổ chức thương mại thế giới WTO thì vấn đề này mới bắt đầu được quan tâm. Việc xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá xuất nhập khẩu được quy định trong Thông tư liên tịch số 129/2004/TTLT/BTC-BKHCN ngày 29/12/2004 và Luật Hải quan.
Việt Nam nằm trong khu vực mà hoạt động sở hữu trí tuệ có nhiều diễn biến phức tạp. Đường biên giới quốc gia cả đường bộ và đường biển là khoảng trên 6000km, thêm vào đó là địa hình hiểm trở, nhiều lối mòn. Chính vì vậy cũng gây không ít khó khăn cho hoạt động của Hải quan. Cho đến nay, chưa có một số liệu thống kê cụ thể về số vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp do Hải quan xử lý. Nhưng nhìn chung, hoạt động của Hải quan trong việc ngăn chặn hàng hoá vi phạm quyền sở hữu công nghiệp xuất nhập khẩu qua biên giới còn nhiều hạn chế. Số vụ xâm phạm được phát hiện và xử lý còn quá ít so với số vi phạm thực tế. Các biện pháp kiểm soát biên giới của Hải quan chưa thực sự hiệu quả.
d) Lực lượng cảnh sát kinh tế
Lực lượng cảnh sát kinh tế được giao nhiệm vụ điều tra, khám phá các vụ án kinh tế có yếu tố hình sự để khởi tố và xử phạt hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Nghị định 106/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Về tổ chức, đứng đầu là Cục cảnh sát kinh tế thuộc Bộ Công an, tiếp đến là các Sở và các Phòng cảnh sát kinh tế trực thuộc Sở, các đội cảnh sát kinh tế.
Hiện nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế chỉ tập trung vào việc điều tra, xác minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và dựa trên kết quả đó làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự hoặc được chuyển cho các cơ quan khác (ví dụ Thanh tra khoa học công nghệ) để xử phạt hành chính; chứ lực lượng này chưa thấy tham gia trực tiếp vào việc xử phạt hành chính các vi phạm.
Nhiệm vụ của Thanh tra khoa học công nghệ bao gồm thanh tra hoạt động khoa học công nghệ và xử phạt hành chính các vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, lực lượng này còn có chức năng giúp Bộ trưởng xử lý đơn thi khiếu nại về xâm phạm quyền cũng như đề xuất các biện pháp giải quyết.
Thông tư số 825/2000/TT-BKHCNMT của Bộ Khoa học công nghệ môi trường đã giao chức năng thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp cho Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ ở cấp trung ương và cho Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ ở địa phương. Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2005, số thanh tra trên cả nước là 500 người. Trung bình mỗi Sở Khoa học và Công nghệ có từ 4 đến 7 người làm công tác thanh tra (trừ các thành phố lớn có từ 7 đến 15 người), thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ có 8 cán bộ.
Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố cũng tham gia vào hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp.
Bên cạnh 6 cơ quan trên, Cục Sở hữu trí tuệ cũng gián tiếp tham gia vào công tác thực thi quyền. Mặc dù không có chức năng tham gia trực tiếp vào việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền, song Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương trong việc xử lý xâm phạm. Cụ thể, trong những năm qua, Cục đã thực hiện các biện pháp sau đây:
- Đánh giá kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo yêu cầu của chủ đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với việc giải quyết các vụ vi phạm đó. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành xem xét, thẩm định và kết luận hành vi nêu trong đơn có phải là hành vi xâm phạm quyền không, và trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ ra các quyết định xử phạt thích hợp.
- Khuyến cáo các bên vi phạm và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vì trên thực tế có nhiều chủ đối tượng sở hữu công nghiệp trực tiếp đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ có hành động can thiệp đối với hành vi xâm phạm.
Tuy có rất nhiều cơ quan chịu trách nhiệm thực thi quyền, nhưng lại chưa có một cơ quan chuyên trách nào để giải quyết vấn đề này. Sự phối hợp giữa cac cơ quan còn thiếu chặt chẽ, mạnh ai người ấy làm nên hoạt động thực thi quyền chưa thực sự hiệu quả. Trong tương lai cần phải có sự phân định rõ tráh nhiệm của các cơ quan này, phối hợp đồng bộ, và cần thiết nhất là phải thành lập một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm chính.