Vai trò của Chính phủ Trung Quốc đối với sự phát triển TMĐT.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển thương mại điện tử và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.doc (Trang 47 - 49)

Chính phủ Trung Quốc đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển hạ tầng CNTT nói chung và TMĐT nói riêng, với những chương trình khởi đầu mang tính chiến lược.

Vào giữa thập kỷ 1980, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đưa ra chương trình phát triển khoa học và công nghệ, trong đó bao gồm chiến lược phát triển xa lộ thông tin. Chương trình phát triển khoa học này là tiền đề cho sự phát triển của TMĐT.

Trung Quốc khởi đầu bằng việc triển khai các "dự án vàng" (Golden Projects) nhằm đồng thời phát triển một nền kinh tế thông tin và tăng cường năng lực quản lý. Các dự án này do Hội đồng Thông tin kinh tế quốc gia điều phối, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng Chính phủ. Các "dự án vàng" khởi đầu gồm 3 nội dung: "Kim Kiều" (Jin Qiao - Golden Bridge) triển khai từ năm 1993, tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thông tin. "Kim Bài" (Jin Ka - Golden Card) là một dự án phát triển tiền điện tử, đẩy mạnh sự phát triển của hệ thống thẻ tín dụng và thẻ ngân hàng tại các thành phố lớn của Trung Quốc. Bắt đầu từ tháng 6-1993, "Kim Môn" (Jin Men - Golden Gate) là một mạng thông tin ngoại thương, kết nối một số cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại thương và Hợp tác kinh tế, Cục Hải quan, Cục Trao đổi ngoại hối, các ngân hàng thương mại, Cục Thống kê và một số công ty... nhằm cải thiện việc quản lý xuất nhập khẩu, hỗ trợ

các hoạt động ngoại thương phát triển. Sau 3 "dự án vàng" đầu tiên, một loạt các chương trình khác đã được đề xuất và triển khai, trên hầu hết các các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tài chính - ngân hàng, thương mại, ngoại thương, vận tải, giáo dục và dạy nghề. Các dự án này nhằm tạo nên một sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính phủ, nhằm động viên toàn bộ xã hội chuẩn bị để có thể thích ứng và đối mặt với những thách thức do những thay đổi mang tính cách mạng dưới tác động của sự phát triển CNTT.

Đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến là một trong những giải pháp quan trọng, được Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm. Tháng 1-1999, China Telecom cùng với 29 bộ và uỷ ban đã bắt đầu dự án "Chính phủ trực tuyến" (Government Online). Hơn 80% các bộ, các uỷ ban và chính quyền địa phương thiết lập web site, với số lượng 4.615 web site thuộc chính phủ. Mặc dù số lượng tăng lên nhanh chóng sau 2 năm nỗ lực, nhưng nội dung các web site thuộc Chính phủ thường được cập nhật chậm và các dịch vụ mới chỉ gồm cung cấp thông tin hoặc thông báo tin tức [26, 241].

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường sử dụng Internet, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Uỷ ban Thương mại và Kinh tế Nhà nước cùng với Bộ Công nghiệp Thông tin (MII) đã triển khai dự án "Doanh nghiệp trực tuyến" từ cuối năm 1999. Nhìn chung, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay vẫn hoạt động với hệ thống CNTT và quản lý kém phát triển. Tới cuối năm 1999, 15.000 doanh nghiệp đã tạo lập web site riêng, nhưng mới chỉ chiếm 0,1% tổng số doanh nghiệp. Hầu hết các web site cũng mới chỉ có những thông tin liên hệ cơ bản và một địa chỉ e-mail. Rất ít doanh nghiệp áp dụng CNTT cho việc quản lý nhân sự, phân tích dựa trên khách hàng, hay quản lý dây chuyền cung ứng. Các máy tính cá nhân chủ yếu dùng để soạn thảo văn bản (96%), sử dụng e-mail (84%), xử lý dữ liệu (79%) và các việc khác (ít hơn 50%) [26, 247].

Từ năm 1996 đến 2000, Chính phủ đã tổ chức 5 kỳ họp thượng đỉnh TMĐT quốc tế tại Bắc Kinh. Đây là những dịp để các quan chức cao cấp của Chính phủ và lãnh đạo các tập đoàn trao đổi quan điểm. Hiệp hội TMĐT Trung Quốc đã được thành lập vào tháng 4-2000. Những sự khởi đầu đó đã nâng cao nhận thức của các quan chức chính phủ về áp dụng TMĐT và tạo ra diễn đàn để thảo luận và hợp tác về TMĐT giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng CNTT trong giáo dục - đào tạo, Trung Quốc cũng đang triển khai nhiều nội dung xây dựng các trường học và cơ sở giáo dục từ xa trực tuyến, đào tạo giáo viên trực tuyến và hỗ trợ cho việc thiết lập các phương tiện dạy học trực tuyến ở cấp cao đẳng. Các trường đại học truyền thống cũng liên kết với một số công ty để thực hiện các chương trình giáo dục trực tuyến.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp phát triển thương mại điện tử và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.doc (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w