Công tác quy hoạch, sử dụng đất chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình
phát triển đất nước. Theo quy định của pháp luật, quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất
có 2 chức năng cơ bản: một là cân đối nguồn lực cho nhu cầu phát triển KT- XH và bảo vệ môi trường, hai là làm căn cứ để quyết định giao đất, thu hồi hay cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Có thể thấy, kế hoạch sử dụng đất đai là một trong những căn cứ quan trọng giúp các cấp chính quyền có thể quản lý và chỉ đạo việc khai thác đất đai một cách hiệu quả. Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng đất của nước ta còn tồn tại nhiều bất cập. Việc quy hoạch đất của từng vùng, từng tỉnh trong vùng chưa sát và chưa phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của TT BĐS dẫn tới tình hình vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất. Và từ đó, gây ảnh hưởng tới cung BĐS không ổn định. Thêm vào đó, việc quy hoạch sử dụng đất theo vùng kinh tế không những không đảm bảo tính liên kết giữa các vùng kinh tế, không phát huy được lợi thế của từng vùng, mà vì lợi ích của riêng địa phương mình mà từng địa phương đã đề xuất quy hoạch thiếu tính cân nhắc đến lợi ích chung, đến sự phát triển của cả khu vực.
Bên cạnh đó, đối với khu vực đô thị, cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, đất dành cho hệ thống giao thông còn thiếu, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đến 13% ( mà yêu cầu từ 20 - 25%), tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh thấp dưới 1% ( mà yêu cầu là 3 - 3,5%) và đặc biệt tài các khu vực đô thị, đất dành cho các công trình công cộng như
công viên, vườn hoa...còn khá thấp. Việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau
khi được phê duyệt tại nhiều địa phương chưa được coi trọng thực hiện.
Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, chất lượng quy hoạch đất đai của nước ta vẫn còn thấp, các chủ đầu tư có xu hướng xin đất rồi để đó xoay xở sau, do đó xuất hiện nhiều khu đất hoang, bỏ trống gây lãng phí đất đai.