Hàng hóa BĐS gồm hai loại chủ yếu + Đất đai
+ Vật kiến trúc đã xây dựng xong.
Khi nghiên cứu về hàng hóa BĐS, ta cần hiểu rõ về đặc tính của nó. Hàng hóa BĐS có 2 đặc tính nổi bật: là tính cố định và giá trị được đánh giá dựa trên mục đích sử dụng của nó.
Thứ nhất, tính cố định là đặc trưng của hàng hóa BĐS, tạo sự khác biệt so với các hàng hóa khác. Đối với các hàng hoá khác, người bán, người mua có thể dễ dàng đem hàng hoá từ nơi này đến nơi khác nhưng BĐS thì có tính không di dời được. Chủ nhân của nó phải chuyển đến nơi có BĐS. Ngoài ra, dễ nhận thấy, hàng
hoá BĐS không thể đem ra thị trường để trưng bày, giao dịch như các loại hàng hoá thông thường khác mà phải giới thiệu với khách hàng thông qua các bản vẽ, mô hình, hình ảnh hay các cách mô tả khác. Tính cố định cũng mang lại những nét riêng cho từng hàng hóa BĐS. BĐS ở mỗi nơi lại có những tính chất riêng tùy thuộc vào vùng, miền, hay vị trí địa lí ở đó. Do đó, tính cố định còn dẫn đến BĐS có tính khu vực, địa phương rất cao.
Thứ hai, giá trị hàng hoá BĐS có đặc thù khác biệt so với các loại hàng hóa khác. Giá trị của hàng hoá BĐS phụ thuộc vào mục đích sử dụng hay nói cách khác là phụ thuộc khả năng sinh lời của bản thân BĐS dưới các tác động của con người. Cụ thể, có thể thấy, khi đất đai được quy hoạch để phát triển nhà ở, các khu thương mại, kinh doanh dịch vụ sẽ có giá trị cao hơn so với quy hoạch để sản xuất nông nghiệp hay lâm nghiệp. Nói cách khác, công tác quy hoạch là yếu tố có vai trò quan trọng trong việc đánh giá giá trị BĐS và nâng cao hiệu quả sử dụng của đất đai.
Ngoài những đặc tính cơ bản trên, có thể thấy do BĐS là một tài sản quan trọng của mỗi quốc gia, có giá trị cao nên việc mua, bán BĐS phải được cân nhắc một cách thận trọng, phải tìm hiểu thông tin một cách chi tiết, dẫn đến thời gian mua, bán giao dịch thường dài hơn so với các tài sản khác. Do đó, chi phí của BĐS cũng cao hơn so với các hàng hóa thông thường. Thêm vào đó, giao dịch giữa bên bán và bên mua thường không trực tiếp, mà thông qua môi giới nên sẽ đẩy mức chi phí giao dịch cao hơn.
BĐS là hàng hóa có giá trị cao, có tính cố định và là tài sản lớn của mỗi quốc gia. Ở nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng BĐS trong tổng số của cải xã hội tuy có khác nhau, nhưng nhìn chung thường chiếm trên dưới 40% lượng của cải vật chất của mỗi nước. Chính vì thế, khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của hàng hóa BĐS thường kém linh hoạt. Hơn nữa, khi chuyển nhượng BĐS, Nhà nước yêu cầu các bên giao dịch phải thực hiện một số thủ tục nên sẽ phải mất một khoảng thời gian đáng kể.