Học tập là loại hình hoạt động cơ bản, một loại hoạt động phức tạp của con người. Muốn học tập có kết quả, con người cần phải có một hệ thống kỹ năng chuyên biệt gọi là kỹ năng học tập. Theo các nhà tâm lý học, kỹ năng học tập là khả năng của con người thực hiện có kết quả các hành động học tập phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh nhất định, nhằm đạt được mục đích, nhiệm vụ đề ra.
Kỹ năng học tập có các đặc trưng:
- Là tổ hợp các hành động học tập đã được HS nắm vững, biểu hiện mặt kỹ thuật của hành động học tập và năng lực học tập của mỗi em. Có kỹ năng học tập là có năng lực học tập ở một mức độ nào đó.
- Kỹ năng học tập có mối quan hệ chặt chẽ với kết quả học tập. Nó là yếu tố có tính mục đích, luôn hướng tới mục đích của hoạt động học tập và có ý nghĩa quyết định đến kết quả học tập.
- Kỹ năng học tập là một hệ thống, trong đó có các kỹ năng học tập chuyên biệt. Có bao nhiêu loại hình học tập thì có bấy nhiêu kỹ năng học tập chuyên biệt, đến lượt nó các kỹ năng học tập chuyên biệt như một hệ thống con được tạo bởi các kỹ năng thành phần. Kỹ năng học tập là một hệ thống mở, mang tính phức tạp, nhiều tầng, nhiều bậc và mang tính phát triển. Trong những điều kiện, hoàn cảnh học tập khác nhau, nhiều kỹ năng chuyên biệt hay kỹ năng thành phần có thể mất đi, thay thế hoặc được điều chỉnh. Trong hệ thống kỹ năng học tập có những kỹ năng khái quát, chung cho mọi môn học hoặc một nhóm môn học (kỹ năng chung) và có những kỹ năng đặc thù cho môn học[5].
Theo Nguyễn Ngọc Quang, sự lĩnh hội kiến thức được thực hiện thông qua một chu trình gọi là chu trình hoạt động nhận thức - học tập, nó bao gồm các bước: sự tri giác, sự thông hiểu, sự ghi nhớ, sự vận dụng, sự khái quát hoá và sự hệ thống hoá. Điều
kiện cơ bản để lĩnh hội kiến thức có kết quả là mỗi HS phải thực hiện toàn bộ chu trình hoạt động nhận thức, học tập khi nghiên cứu bài học từ tri giác đến hệ thống hoá. Trong đó, sự thông hiểu kiến thức diễn ra thông qua quá trình xử lý thông tin bằng các thao tác trí tuệ: phân tích và tổng hợp, khái quát hoá, cụ thể hoá, trừu tượng hoá, so sánh đối chiếu, suy luận,...
Trong thực tiễn dạy học, nhiều HS còn rất lúng túng ở khâu này vì thiếu phương pháp xử lý thông tin và GV cũng ít chú ý cung cấp và huấn luyện cho các em các phương pháp thích hợp và hiệu nghiệm .
Có thể nêu hệ thống kỹ năng học tập chung của HS trung học phổ thông như sau[5]:
1- Các kỹ năng học tập phục vụ chức năng nhận thức liên quan đến việc thu thập, xử lý, sử dụng thông tin: kỹ năng làm việc với sách giáo khoa, kỹ năng quan sát, kỹ năng tiến hành thí nghiệm, kỹ năng phân tích - tổng hợp, kỹ năng so sánh, kỹ năng khái quát hoá, kỹ năng suy luận, kỹ năng áp dụng kiến thức đã học...
2- Các kỹ năng học tập phục vụ chức năng tổ chức, tự điều chỉnh quá trình học tập liên quan đến việc quản lý phương tiện học tập, thời gian, sự hỗ trợ từ bên ngoài và chất lượng: kỹ năng tự kiểm tra, tự đánh giá, kỹ năng tự điều chỉnh.
3- Các kỹ năng phục vụ chức năng tương tác trong học tập hợp tác: Kỹ năng học nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp...
Người GV chỉ có thể hình thành các kỹ năng học tập trên cho HS qua một hay nhiều nội dung nhất định trong một hay nhiều tình huống có ý nghĩa. Tình huống có ý nghĩa đối với HS là tình huống gần gũi với HS hoặc là những tình huống mà HS sẽ gặp về sau.
Trong hệ thống kỹ năng trên, chúng tôi quan tâm đến việc thiết kế và sử dụng bài tập tình huống để rèn luyện một số kỹ năng trong nhóm kỹ năng học tập phục vụ chức năng nhận thức liên quan đến thu thập, xử lý, sử dụng thông tin.