Bài tập tình huống 1 (dạy học phần cơ quan tương đồng- Bài: Các bằng chứng tiến hóa)
Trong giờ Sinh học, cô giáo yêu cầu quan sát H. 24.1 và trả lời các câu hỏi: - Nhận xét cấu tạo xương chi trước của các loài trên? Tại sao chi trước của các loài trên thực hiện những chức năng khác nhau?
Sau khi thảo luận, ý kiến của các nhóm như sau:
- Nhóm 1: Cấu tạo chi trước các loài trên tương tự nhau nhưng do chúng thuộc các loài khác nhau nên chức năng rất khác nhau.
- Nhóm 2: Các sinh vật này là các loài khác nhau nên cấu tạo chi trước của chúng rất khác nhau dẫn đến chức năng rất khác nhau.
- Nhóm 3: Do các sinh vật này thực hiện những chức năng khác nhau nên cấu tạo của chúng phải biến đổi theo hướng phù hợp.
- Nhóm 4: được yêu cầu nhận xét ý kiến của 3 nhóm trên
Nếu em là thành viên nhóm 4, em sẽ nhận xét về ý kiến của 3 nhóm trên như thế nào? Kết luận cơ quan tương đồng là gì? Cho ví dụ và cho biết cơ quan tương đồng có ý nghĩa gì trong tiến hóa?
Hình 24.1: Xương chi trước của một số loài động vật có xương sống
Bài tập tình huống 2 (dạy học phần nguồn biến dị di truyền của quần thể - Bài: Thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại)
Khi tranh luận về nguồn biến dị di truyền của quần thể trong quá trình tiến hóa, bạn Đạt cho rằng: “nguồn nguyên liệu chủ yếu của quần thể là đột biến gen vì nó có khả năng di truyền”.
- Bạn Nam thì lại cho rằng: “Phần lớn đột biến gen là có hại trong khi đó một số đột biến nhiễm sắc thể đã tìm thấy có ảnh hưởng đến sự tiến hóa của loài”.
- Tuy nhiên, Lan không đồng quan điểm với Đạt và Nam, Lan cho rằng: “Nguồn nguyên liệu chủ yếu của quần thể không chỉ có đột biến gen bởi vì ngoài đột biến gen thì đột biến nhiễm sắc thể và biến dị tổ hợp cũng có khả năng di truyền cho thế hệ sau và góp phần tạo ra kiểu hình mới cho quần thể”.
Em đồng ý với ý kiến của bạn nào trong 3 bạn, tại sao? Và hãy cho biết nguồn nguyên liệu di truyền chủ yếu của quần thể là gì?
Bài tập tình huống 3 (dạy học phần đơn vị cơ sở của tiến hóa - Bài: Thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại)
Khi tranh luận về đơn vị cơ sở của tiến hóa, có các ý kiến như sau: - Ý kiến 1 cho rằng: đơn vị tiến hóa cơ sở là cá thể
- Ý kiến 2 cho rằng: đơn vị tiến hóa cơ sở là cá thể và quần thể.
Em ủng hộ ý kiến nào trong 2 ý kiến trên? Hãy cho ví dụ để chứng minh quan điểm của em về vấn đề trên.
Bài tập tình huống 4 (dạy học phần chọn lọc tự nhiên - Bài: Thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại)
Khi tranh luận về vai trò của chọn lọc tự nhiên trong tiến hóa nhỏ, các nhóm đã đưa ra các ý kiến như sau:
- Nhóm 1: Chọn lọc tự nhiên đào thải những cá thể có kiểu hình bất lợi và giữ lại những kiểu hình có lợi so với điều kiện môi trường nên CLTN làm phân hoá khả năng sống sót của các cá thể thích nghi nhất.
- Nhóm 2: CLTN làm phân hóa khả năng sinh sản của những kiểu gen khác nhau trong quần thể.
- Nhóm 3: CLTN làm cho tần số tương đối của các alen ở mỗi gen biến đổi theo hướng xác định nên CLTN có vai trò qui định chiều hướng và nhịp điệu biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể.
Em đồng ý với ý kiến của nhóm nào? Tại sao? Hãy phân tích một ví dụ để làm sáng tỏ quan điểm của em về vai trò của CLTN trong quá trình tiến hóa.
Bài tập tình huống 5 (dạy học phần Các tiêu chuẩn phân biệt hai loài thân thuộc - Bài: Loài)
Khi thảo luận nhóm về việc nên dùng tiêu chuẩn nào để phân biệt các loài thân thuộc (Ngỗng và Vịt, voi Ấn Độ và voi Châu Phi, Người và Tinh Tinh, rau dền gai và rau dền cơm, xương rồng 5 cạnh và xương rồng 6 cạnh …), đã có các ý kiến khác nhau:
Phúc cho rằng: “chỉ cần dựa vào hình thái là có thể phân biệt được các loài trên vì mỗi loài đều có một hình thái bên ngoài khác nhau”.
Lan khẳng định: “không thể dựa vào hình thái để phân biệt các loài thân thuộc được vì thực tế 2 cá thể có kiểu hình khác nhau (VD: chim sẻ Ngô) vẫn có khả năng giao phối tạo ra con cái sinh sản được như vậy chúng không thể là 2 loài khác nhau được”.
Nhân có ý kiến: “không thể sử dụng 1 tiêu chuẩn mà cần phải dùng phối hợp nhiều tiêu chuẩn mới có thể phân biệt chính xác được 2 loài thân thuộc với nhau”.
Theo em, bạn nào có ý kiến đúng? Vì sao? Hãy chỉ ra các tiêu chí để phân biệt các loài thân thuộc nêu trên.
Bài tập tình huống 6 (dạy học mục chiều hướng tiến hóa của sinh giới - Bài: Tiến hóa lớn)
Một nhóm học sinh đang làm báo cáo về chiều hướng tiến hóa của sinh giới. Bạn An - nhóm trưởng đã cho rằng: sinh giới tiến hóa theo 3 hướng sau đây:
Ngày càng đa dạng phong phú Tổ chức ngày càng cao
Thích nghi ngày càng hợp lí
Sơn lại không hoàn toàn thống nhất với An ở chiều hướng “Tổ chức ngày càng cao”, vì Sơn cho rằng ngày nay vẫn còn tồn tại những nhóm sinh vật có tổ chức thấp bên cạnh những nhóm sinh vật có tổ chức cao, điều này được giải thích như thế nào?
Tâm thì không giải thích được trong 3 chiều hướng đó chiều hướng nào là cơ bản nhất? Vì sao?
Còn Nam có ý kiến nên đưa vào thêm những số liệu để làm rõ chiều hướng “Ngày càng đa dạng phong phú”.
Theo em, bạn An phải trình bày như thế nào để thỏa mãn được ý kiến của các bạn trong nhóm?