Những cách cấu tứ độc đáo

Một phần của tài liệu Rượu với thi nhân luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 96 - 101)

Tứ thơ, hay ý tứ của bài thơ, là tình cảm, hình ảnh chủ đạo mà bài thơ muốn truyền đạt. Phong cách là cách chọn từ, cách diễn đạt ý tưởng của mình, chẳng hạn: ngộ nghĩnh, đơn sơ, mộc mạc, đơn giản, thanh thoát, gồ ghề, góc cạnh, mỉa mai, châm biếm, hoặc là cao thượng, đầy tính triết lý,v.v,… Cấu tứ

của bài thơ là cấu trúcý tưởng gộp lại. Cách sắp xếp các câu thơ, sự sắp xếp của bài thơ, luật sử dụng trong bài thơ, vần điệu và tính nhạc đều là một phần của cấu tứ. Để có một cấu tứ tốt, người làm thơ thường phải nâng tầm mắt mình cao hơn tình cảm của mình, bao quát toàn bộ bài thơ, làm chủ chính tác phẩm của mình.

Cùng với Quách Tấn, Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, Yến Lan là một trong bốn thành viên của nhóm "Bàn thành tứ hữu" (bốn người bạn thơ đất Bình Định). Nhóm thơ này nổi tiếng kỹ lưỡng về sự đẽo câu, gọt chữ. Trong đó Yến Lan - với một sự tỉ mẩn chẳng kém cạnh ai - ở giai đoạn trước Cách mạng cũng đã ít nhiều gây được ấn tượng cùng bạn đọc bởi những câu thơ chạm khắc công phu: "Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ/ Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi"

(Xa xanh); "Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh/ Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng" (Bến My Lăng)… đó là những câu thơ cùng khơi gợi được cái sầu mênh mang sóng nước luôn ăm ắp trong hồn tác giả, và là những câu cô đúc đến độ khó có thể… cô đúc hơn.

Hẳn là nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhớ tới những câu thơ kiểu này của Yến Lan khi viết trong Thi nhân Việt Nam: "Xem thơ Yến Lan, tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở" [57; 15].

Vẫn biết, thơ hay không nhất thiết phải bài nào, câu nào cũng ý tứ rõ ràng, song nhìn chung, thơ Yến Lan thời kỳ trước Cách mạng hiếm bài đi vào tâm trí bạn đọc chính bởi tác giả quá nệ vào kỹ thuật, "già nhân tạo" mà "át thiên chân". Ông quá chú trọng tới sự chạm khắc, tỉa tót trong câu mà ít để ý tới mạch chung toàn bài (là điều mà cả Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên đều không dám buông lơi). Chính bởi vậy mà nhớ tới thơ Yến Yan thời kỳ này, độc giả nhớ nhất bài

Bến My Lăng, một bài thơ tạo được "không khí là lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến người ta thích" như Hoài Thanh từng nhận xét. Bản thân Bến My Lăng cũng là thi phẩm có điệu thơ thanh thoát, với những hình ảnh và cách cấu tứ gợi phong vị cổ:

Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu Trăng thì đầy, rơi vàng trên mặt sách Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Ông không muốn run người ra tiếng địch Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao

Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh Tơ vương trời, nhưng chỉ giải… trăng trăng Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng. Nhưng đêm kia đến một chàng kị mã Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi. Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng. Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng

Cảnh trí yên ắng, tưởng như chỉ cần ông lão… thức dậy là hỏng cả bài thơ, là làm rạn vỡ bầu không khí thần tiên được thêu dệt bằng ánh trăng. Cứ thế, ông lão chìm dần vào cơn mơ không biết đâu trời đất, không còn ngày tháng, ngỡ như không gian, thời gian pha trộn vào nhau, hòa trộn vào bài thơ không thể nào gỡ ra được. Việc xuất hiện chàng kị mã ở khổ thứ tư của bài thơ cũng không làm đảo lộn nhịp yên bình của bến sông trăng…

Tống Biệt Hành của Thâm Tâm là một bài thơ hay, rất hay, có lẽ là một trong những bài thơ hay nhất của thời Thơ mới. Bài thơ hình thành như hai lời đối thoại; không, đúng hơn, như hai lời độc thoại của hai người, một người ra đi,

và một người đưa tiễn. Người đưa tiễn buồn mênh mang. Nghe tiếng sóng trong lòng. Nghe hoàng hôn rơi trên mắt :

Đưa người ta không đưa qua sông Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm không vàng vọt Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong? Đưa người ta chỉ đưa người ấy Một giã gia đình, một dửng dưng

Không biết người ra đi trả lời hay chỉ tự nhủ thầm cho một mình mình nghe:

Ly khách! ly khách! con đường nhỏ Chí lớn không về bàn tay không Thì không bao giờ nói trở lại Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Nghe có vẻ đầy hào khí, nhưng người đưa tiễn biết đó chỉ là giả vờ:

Ta biết người buồn chiều hôm trước Bây giờ mùa hạ sen nở nốt

Một chị, hai chị đều như sen Khuyên nốt em trai dòng lệ sót Ta biết người buồn sáng hôm nay Trời chưa là thu tươi lắm thay Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay

Chị, em và người yêu lưu luyến thế ấy, chẳng lẽ lại đành tâm ra đi? Nhưng ly khách lại đi thật. Bóng đã xa, người đưa tiễn còn ngơ ngác đứng và hun hút nhìn:

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực Mẹ thà coi như chiếc lá bay Chị thà coi như là hạt bụi Em thà coi như hơi rượu say

Trong Thi Nhân Việt Nam Tiền Chiến, dựa theo nguyên bản bài thơ đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng phục hồi thêm bốn câu cuối:

Mây thu đầu núi gió lên trăng Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm Ly khách bên trời nghe muốn khóc Tiếng đời xô động, tiếng hờn câm

Ðúng là giọng thơ Thâm Tâm. Nhưng có cảm tưởng thêm bốn câu ấy vào, bài thơ không hay hơn. Hơn nữa yếu xuống. Nó lạc điệu. Lạc về biện pháp: cả bài thơ được tác giả sử dụng biện pháp biểu hiện, đi sâu, xoáy vào tâm tư, đoạn cuối lại là những câu tả. Lạc điệu về giọng: bài thơ có hai nhân vật chính, người ra đi và người đưa tiễn; đoạn cuối lại tập trung ở ly khách. Lạc điệu về tứ: trong mấy đoạn đầu, ly khách tuy ngậm ngùi nhưng nét chính vẫn là sự nghênh ngang, hào sảng. Thấp thoáng chút hùng khí đời xưa. Phảng phất hình ảnh Kinh Kha ngày trước. Rất đẹp. Biết là cường điệu mà vẫn thấy đẹp. Đoạn cuối xóa tan tất cả những hình ảnh và ấn tượng ấy: ly khách lại trở thành nhỏ nhoi, thảm thương ven trời nghe muốn khóc. Không biết Thâm Tâm hay Hoài Thanh đã cắt bỏ đoạn thơ ấy trong Thi Nhân Việt Nam ?. Dù là do ai, sự cắt bỏ ấy rất mực tài tình.

Một phần của tài liệu Rượu với thi nhân luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 96 - 101)