Văn học lãng mạn bắt nguồn từ cảm thức về thời đại, về lịch sử, về thân phận con người trong đó. Con người thất vọng, bàng hoàng trước những cơn lốc của lịch sử, trước sự trôi chảy của dòng đời theo những biến đổi của thời gian, dẫn đến những suy tưởng về dòng đời, về định mệnh, về tôn giáo, về vĩnh cửu...
Nhân vật lãng mạn là người thực hiện các suy tưởng lãng mạn, các phản kháng lãng mạn, các thái độ lãng mạn thường giống nhau: nặng chất suy tưởng, thiên về đời sống tình cảm, cô đơn và u sầu, xa cách và nổi loạn, không thoả hiệp được với thực tại cuộc đời, thường có kết thúc mang tính bi kịch, dù họ là nhân vật lãng mạn hướng nội hay lãng mạn hướng ngoại, tiêu cực hay tích cực. Tuy có một số nhà văn lãng mạn thường đưa vào thơ ca những nỗi u sầu, những nỗi xao xuyến và kể cả những trạng thái xuất thần, nhưng cũng có một số nhà văn đã không gắn bó mãi vơí tâm tình riêng tư, mà tự mang lấy sứ mệnh xã hội, hình thành trong thơ ca cảm hứng về thế kỷ của mình.
Trong bài thơ Tống biệt hành, Thâm Tâm cũng đã nói tới nỗi buồn li biệt nhưng là nỗi buồn không bi lụy mà hào hùng, có lẽ vì nhà thơ đã xây dựng được hình ảnh người ra đi với một quyết tâm cao và ý chí lớn.
Người đọc còn say mê với những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ. Ngoài những câu thơ tu từ, nghệ thuật dùng điệp từ, điệp ngữ, âm điệu trầm hùng rất đặc biệt của bài thơ, tác giả còn sử dụng rất tuyệt diệu những vần lưng, vần bằng để diễn tả nỗi buồn thấm thía trong đoạn đầu: "Đưa người ta không đưa qua sông?... Bóng chiều không thắm không vàng vọt. Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?". Những thanh bằng trầm lắng như nỗi lòng của người đưa tiễn, như nỗi buồn mênh mang trong buổi chia li này. Âm điệu chung của sáu câu thơ đầu
còn được tạo ra bởi sự kết hợp của hai câu hỏi tu từ diễn tả nội xao xuyến, xúc động của người đi - kẻ ở. Như thế, nhà thơ đã miêu tả trực tiếp và miêu tả rất thành công, rất tinh tế tâm trạng con người mà không cần "mượn cảnh để tả tình" như trong thơ xưa...
Bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ ngày tác giả dựng lại hình ảnh một li khách trên con đường nhỏ lên chiến khu, bài thơ vẫn cứ gây xúc động lớn lao trong lòng người đọc. Một chút trầm hùng, bi tráng của hơi thơ, một chút tha thiết chân thành của tình bạn, một chút đau khổ, ngậm ngùi, lưu luyến khi chia li..., chẳng phải là lời nhắc nhở rất nhiều đối với chúng ta ngày nay sao?
Với Chiều Kinh Bắc lại là một cuộc chia tay đầy lưu luyến, mà ai đọc xong cũng không kìm nổi xúc động:
Đời hợp tan là lẽ thường tình Vậy mà cũng rưng rưng nước mắt Làm chân ta cứ vấp chân mình Những tưởng là say, ừ say thật Vẫy tay hoài bóng bạn cứ lung linh!
Biết rằng có hợp có tan, nhưng tác giả vẫn không giằn lòng được, để đến nỗi “chân cứ vấp chân” tự viện cớ là đã say rượu, nhưng thật ra ông đang say tình người, ra đi rồi biết khi nào gặp lại, nỗi nhớ ấy ngậm ngùi, da diết “Vẫy tay hoài bóng bạn cứ lung linh!”
Đưa bạn về chốn vĩnh hằng, tác giả đã viết nên những dòng thơ da diết, chứa chan tình người. Đây cũng là những vần thơ Trịnh Bửu Hoài viết về một người bạn - nhà thơ Phạm Hữu Quang: “Bạn đã về. Mãi mãi Bắc Đuông/ Dòng sông xưa hát lời ru của mẹ/ Những câu thơ bây giờ lặng lẽ/ Kết thành sao soi một kiếp người/ Dừng bước giang hồ. Bạn đã thảnh thơi/ Chuyện áo cơm cũng
thành sương khói/ Cồn Nguyễn Du gió mùa vẫn thổi/ Không còn ai bên máy chữ gọi thơ về.”
Tình bạn, tình người phương xa, tình đất lạ đã đắp nên bức tranh thơ giản dị mà thấm tình chân chất. Tác giả viết theo lối truyền thống, không cách tân, không chọn hình ảnh xa vời, lạ lẫm nhưng cũng không sáo rỗng, mà trái lại người đọc lại thấy thân thương, quen thuộc lạ thường. Có thể nhận định rằng thơ viết tặng bạn bè, không chỉ vì những vần thơ viết về bạn có tần suất xuất hiện của nhiều mà còn vì những vần thơ ấy nặng nghĩa sâu tình. Xin được mượn lời nhận xét của nhà thơ Trần Xuân An làm lời kết cho mấy dòng cảm nhận và cũng là lời nhận xét chung thơ dòng thơ Trịnh Bửu Hoài: “Thơ Trịnh Bửu Hoài vì không quan tâm nhiều đến cấu tứ, không cố quyết làm cho mới, cho lạ câu chữ, cũng không hô hào cách tân, mà anh chỉ đặt nặng ở cái tâm, cái tình, nên mặt mạnh của thơ anh chính là ở tâm và tình thể hiện trong thơ” [ 32; 45 ].
Bùi Giáng cũng là người rất mực tình cảm, rất mực thiết tha với bất cứ cái đẹp nào. Sống ở đâu ông cũng lưu lại một nỗi nhớ, một kỷ niệm, một nhắc nhở. Nhưng cái nhớ ấy không cạn liệt mà đã hóa thân là mơ màng, tưởng vọng, bay bổng tiếng kêu chung của phận người. Ông điên giữa phố thị nhưng Mỹ Tho Sài Gòn vẫn là nơi thuận tiện ngắm trời mây, dễ dàng hà tiện, dễ dàng bê bối, không cần thiết nhân danh tháng ngày để tiết kiệm thời gian. “Ở đời sáng uống cà phê/ quán trong hẻm nhỏ như quê quán nhà/ ngoại ô thành phố phồn hoa/ ấy Sài Gòn ấy thiết tha bấy chầy”.
Có thể thấy, cuộc phiêu bạt của Bùi Giáng qua cuộc đời này là hình ảnh của một thiên thần trên chốn lưu đày. Nơi đây ông đã tự thân bày cuộc ngao du, minh triết hí lộng. Ðể chi vậy? Ðể viên mãn: “Cuộc đời ở nơi tạm cư”; và đánh trả cái nhân danh thiên đàng, lãnh địa của mọi nguồn gốc lưu đày.