Rượu và những nỗi niềm của con người cá nhân

Một phần của tài liệu Rượu với thi nhân luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 73)

2.3.1. Những ước mơ, hoài bão…

Bước chân giang hồ lắm khi cũng là định mệnh của không ít nhà thơ. Thi sĩ Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ thấm đượm cái phong vị của kẻ giang hồ thứ thiệt. Nhưng, có thể nói bài thơ Hành phương Nam của Nguyễn Bính được xem là một bài thơ giang hồ hay nhất, nổi tiếng nhất của ông. Nó như một cuốn "nhật ký" của thi sĩ trên đường lưu lạc vào phương Nam:

… Ta đi nhưng biết về đâu chứ Đã dấy phong yên khắp bốn trời Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ Uống say mà gọi thế nhân ơi!

Ở chợ Đa Kao - Sài Gòn, năm 1943, Nguyễn Bính viết bài thơ này. Bây giờ đọc lại vẫn thấy hay, thấm thía một nỗi buồn. Còn gì buồn hơn là ngồi say giữa chợ? Giữa chốn đông mà nào có ai thân?

Phạm Hữu Quang mượn rượu để nói chuyện giang hồ. Giang hồ thường là kết quả của những chuyến xê dịch. Sau những cuộc rong ruổi thỏa chí tang bồng là một niềm thương nhớ da diết. Đi chỉ là một phương thức nhằm thay đổi bối cảnh, không gian sống, chứ cũng khó lòng mà thay đổi tâm trạng, số phận. Thì

đấy, "giang hồ muôn nẻo điêu linh". Giang hồ nào phải dành cho cho kẻ yếu bóng vía; ngán sóng, sợ gió.

Giang hồ mấy bận say như chết Rượu sáng chưa thưa đã rượu chiều Chí cốt cầm ra chai rượu cốt

Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu

Những năm 30, thi sĩ Á Nam còn để lại một bài thơ có thể kể vào hàng tuyệt tác. Đó là bài Tráng sĩ hành viết năm 1933. Ý muốn giúp đời, giúp nước bằng văn chương đôi khi cũng thấy vô nghĩa quá. Giấc mộng anh hùng của kẻ sĩ “nhân sinh tại thế bất xứng ý” (Lý Bạch) đã được ký thác vào một bài thơ về Kinh Kha sang Tần để hành thích Tần Thủy Hoàng. Người tráng sĩ ra đi vì nghĩa lớn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê Tráng sĩ một đi không bao giờ về Tay nâng chén rượu giã người cũ Miệng đọc câu ca chân bước đi Dao tình mài liếc với thanh khí Chí hùng tung bốc đầy sơn khê

Chúng ta từng say mê với Hồ trường qua lời thơ dịch tuyệt diệu của Nguyễn Bá Trác:

Trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương

Trời Nam nghìn dặm thẳm Mây nước một màu sương

Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc,

Trăm năm thân thế bóng tà dương. Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, Trời đất mang mang ai là tri kỷ, Lại đây cùng ta cạn một hồ trường

Chúng ta cũng từng quen thuộc những bài thơ bi tráng: Tống biệt hành của Thâm Tâm, Túy hậu cuồng ngâm của Vũ Hoàng Chương, Hành phương Nam

của Nguyễn Bính,v.v,… nhưng dường như chúng ta còn chưa quen lắm với

Tráng sĩ hành của Á Nam Trần Tuấn Khải. Có thể nói Tráng sĩ hành là bài thơ Quốc ngữ mở đầu và là một trong những bài thơ hay nhất trong dòng thơ hành hiệp bi tráng trước 1945.

Từ xa xưa, nhiều nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Du, Đặng Trần Côn đã miêu tả thành công tâm trạng giữa kẻ ở - người đi và nỗi buồn li biệt. Đó là nỗi buồn ẩn chứa những xót xa, những tuyệt vọng đau khổ. Năm 1941, ở Việt Bắc phong trào Việt Minh đã được phát động sôi nổi, nhiều thanh niên yêu nước đã tìm đường lên chiến khu Việt Bắc để thực hiện lí tưởng cứu nước của mình. Nhà thơ Thâm Tâm đã viết bài thơ này để tiễn một người bạn lên chiến khu. Có lẽ ra đời từ hoàn cảnh này mà nỗi buồn biệt li của nhà thơ đã có điểm khác biệt so với thơ xưa. Như trên đã nói, nỗi buồn li biệt không phải là chủ đề mới mẻ. Trong Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn đã làm người đọc thấm thía với nỗi tuyệt vọng trong những bước chân ngập ngừng của người chinh phụ: “Đưa chàng lòng dặc dặc buồn”… Nguyễn Du cũng vẽ nên hình ảnh của một cuộc chia tay sầu não: “Người lên ngựa kẻ chia bào - Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du). Còn ở bài thơ này, ngay ở những câu thơ đầu, Thâm Tâm đã khẳng định:

Đưa người, ta không đưa qua sông Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đoạn thơ không có những cảnh tiễn đưa như ở người xưa: “Đưa người ta không đưa qua sông”, cũng không có những cảnh vật mang tính ước lệ khi chia tay như người xưa thường miêu tả, chỉ có “Bóng chiều không thắm không vàng vọt”, nhưng tâm trạng thì chan chứa nỗi buồn li biệt “Sao có tiếng sóng ở trong lòng?”, câu hỏi được đặt ra nhưng chính là sự khẳng định. Tiếng sóng ở trong lòng đó là nỗi xốn xang, là những lưu luyến không rời cứ cồn lên trong lòng kẻ tiễn đưa. Hoàng hôn trong mắt kẻ tiễn đưa và người ra đi cứ tràn đầy. Tình cảm của những chàng trai mắt trong còn rất trẻ này mới thật cảm động và thắm thiết! Cuộc chia li nào cũng ẩn chứa nối buồn. Dù đó là cuộc chia li của người chinh phụ, của nàng Kiều ngày xưa hay của các tràng trai đi kháng chiến thì những nỗi buồn này đều là những tình cảm rất thực của con người. Nếu đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác cụ thể, người ta mới thấy quý tình cảm cao đẹp trong nỗi buồn này: đó là tình đồng chí của những con người ý thức được sự cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.

Hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất đối với người đọc là hình ảnh một con người ra đi vì chí lớn:

Li khách! Li khách! Con đường nhỏ, Chí nhớn chưa về bàn tay không, Thì không bao giờ nói trở lại!

Câu thơ gợi lên hình ảnh tráng sĩ xưa "nhất khứ bất phục phản", còn ở đây là "chí nhớn chưa về bàn tay không". Cả hai câu thơ tuy cách xa nhau về thời

gian, không gian nhưng đều thật khẳng khái, hào hùng. Nhưng chí nhớn mà người thanh niên tình nguyện đem lên chiến khu là giết giặc cứu nước nên không chỉ có mình anh đơn độc như Kinh Kha ngày xưa. Âm hưởng câu thơ mạnh mẹ, dứt khoát làm cho hình ảnh li khách trên con đường nhỏ bỗng trở nên kì vĩ, dũng mãnh và rắn rỏi lạ thường!

Đã có một thời người ta phê phán và gọi những tình cảm rất thực sự này của con người là mềm yếu, là bi lụy. Nhưng... thơ sẽ không còn là thơ nữa nếu trong thơ không có tâm trạng rất thực của con người. Và người đọc yêu mến Thâm Tâm chính vì những điều giản dị này. Ngay ở những câu đầu, nhà thơ đã cảm nhận rất rõ những bối rối, những giằng xé trong tâm trạng của người ra đi nên mới viết rằng ta chỉ đưa người ấy mà như thấy “Một giã gia đình, một dửng dưng”, dửng dưng hay cố ý dửng dưng để có thể ra đi vì chí lớn?

Con người với "chí lớn chưa về bàn tay không" đó chắc chắn có những tâm sự buồn "Ta biết người buồn chiều hôm trước. Ta biết người buồn sáng hôm nay", đang còn bị ám ảnh bởi hình ảnh những người thân trong gia đình khi chia xa: những người chị khóc đến cạn nước mắt, đến héo hon như những bông sen cuối mùa đang gắng khuyên nhủ em lần cuối. Còn em nhỏ thơ ngây thì "gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay"... Cũng nên hiểu đây là cuộc chia li thời chiến, mà đã ra đi thì biết đến bao giờ mới mong gặp gỡ? Cảnh chia li thật cảm động. Tình cảm sâu đậm của người con đã thể hiện rất rõ trong câu thơ có vẻ dửng dưng song bên trong lại rưng rưng nước mắt:

Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Đứa con dù lớn vẫn còn gắn bó với người mẹ thân yêu. Thế mà phải xa mẹ, không phải chỉ ba năm trong câu thơ an ủi mẹ mà có thể không bao giờ còn gặp mẹ. Nhà thơ như muốn tránh không nói đến sự chia tay với người mẹ, sợ

làm đau lòng người đi chăng? Nghĩa tình sâu nặng như vậy nhưng cần phải ra đi thì:

Mẹ thà coi như chiếc lá bay, Chị thà coi như là hạt bụi Em thà coi như hơi rượu say

Đừng hấp tấp khi nói rằng người đi tàn nhẫn quá, lạnh lùng quá. Thực ra, đây là sự cứng rắn cần thiết của một con người chí lớn, gạt bỏ tình riêng để ra đi vì đất nước. Do vậy nói là dửng dưng mà tâm trạng thì bời bời thương nhớ, nói mẹ, chị, em vô nghĩa như chiếc lá như hạt bụi, như hơi rượu say... mà như nén đau khổ để dứt áo ra đi. Và mục đích, lí tưởng của anh còn gì là đẹp nếu không phải ra đi cho những người mẹ, người chị, đứa em... cho cả đất nước này được sống một cuộc sống bình yên và không còn phải chia li! Có thể nói bài thơ thực sự gây xúc động đối với người đọc chính ở tình bạn bè thắm thiết, ở nghị lực vững vàng của người ra đi. Sự đan cài tâm trạng được thể hiện rất tinh tế.

2.3.2. Những trải nghiệm và những buồn đau…

Không rõ Nguyễn Bính làm bài thơ Hành phương Nam trong trường hợp nào. Có lẽ ông sáng tác bài này trong thời gian ở Lan Chi Viên chăng? Cũng như nhiều bài thơ hoài cố hương khác, chắc hẳn là Nguyễn Bính đang say rượu. Qua nhiều tài liệu khác nhau ta có thể tin điều này. Bản chất con người Nguyễn Bính, do tính nghệ sĩ quá lớn của mình, nên rất yếu mềm và luôn cảm thấy cô đơn. Hoàng Tấn có kể một câu chuyện rất đặc biệt về việc sáng tác thơ của Nguyễn Bính. Một đêm nọ ở Lan Chi Viên, sau cuộc nhậu mọi người đều ngủ say sưa, chỉ còn lại một mình Nguyễn Bính. Quá nửa đêm, khi Hoàng Tấn giật mình thức giấc vẫn thấy Nguyễn Bính ngồi bên bàn. Ông vừa làm thơ và uống

rượu một mình, vừa ôm mặt khóc rưng rức. Hóa ra là ông đang hồi tưởng lại quá khứ. Con người Nguyễn Bính là như vậy. Sống với quá khứ là một trong những đặc điểm của ông. Cho nên ta không lạ gì khi Nguyễn Bính viết mấy câu thơ nỗi lòng như thế này trong bài thơ:

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc Ly tán vì cơn gió bụi này

Người ơi buồn lắm mà không khóc Mà vẫn cười qua chén rượu đầy

Về mặt tình cảm, ta thấy tâm tưởng của Nguyễn Bính nhiều lúc như muốn thả trôi về một thời đại xa xưa nào đó. Một thời đại mà ở đó có vua có quan có những cung tần mỹ nữ. Một thời đại mà ở đó có những tráng sĩ dũng cảm lên ngựa tuốt gươm như Kinh Kha, Nhiếp Chính, có những người sẵn sàng giúp đỡ kẻ sĩ như Mạnh Thường Quân. Thế giới đó làm ông ngây ngất. Nếu như Hàn Mặc Tử thả hồn mình vào chốn trăng sao để quên thực tại thì Nguyễn Bính lại tìm về một thời xưa xa nào đó để ẩn dật. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của thơ Nguyễn Bính.

Lúc này có lẽ là vào quãng thời gian 1943 – 1944, Nguyễn Bính đã lăn lóc ở rất nhiều vùng đất khác nhau - "lăn lóc có dư mười mấy tỉnh" như ông nói trong bài thơ Giời mưa ở Huế. Cuộc đời ông đã trở nên dày dạn sương gió rồi. Ông đã là một con người của công chúng, tiếng tăm nổi như cồn nhưng éo le thay cuộc sống cơm áo gạo tiền hằng ngày vẫn làm ông mệt mỏi. Điều mâu thuẫn này thường đến với nhiều người tài như vậy. Cũng vì cơm áo nên nhiều người không thoát ra được vòng luẩn quẩn:

Người giam chí lớn vòng cơm áo Ta trí thân vào nợ nước mây

Ở chỗ này, ta nhớ lại Nguyễn Vỹ với bài thơ Gửi Trương Tửu. Nguyễn Vỹ đã viết mấy câu thơ nổi tiếng:

Thời thế bây giờ vẫn thấy khó Nhà văn An Nam khổ như chó Mỗi lần cầm bút nói văn chương Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương Và nhìn chúng mình hì hục viết Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết

Nguyễn Bính không nói bỗ bã như Nguyễn Vỹ nhưng tâm tư của ông thì cũng như vậy. Và rồi cũng như Nguyễn Vỹ, ông lại dùng rượu để quên buồn phiền:

Ta đi nhưng biết về đâu chứ? Đã đẩy phong yên lộng bốn trời Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ Uống say mà gọi thế nhân ơi!

Thơ là một hình thức cô đọng của ngôn từ. Nó mang thêm nhạc tính để chuyên chở rung cảm cho nên bằng một cách tinh vi, lời suối róc rách của nguồn thơ rất dễ thấm nhuần vào tiềm thức của người đọc.

Khúc Ly Đình của Cao Thị Vạn Giã là lời của một nữ sinh mới lớn diễn tả về ngày chia tay người yêu sắp phải rời bỏ quê hương đi du học một miền rất xa, với trọn vẹn chân thành của một tình yêu trong trắng, lồng trong khuôn khổ Á Đông trước cảnh chia tay sầu ai nhất đời người thiếu nữ...

Tiễn chân anh tận phi trường Lỗi đi. Lỗi ở. Mười phương lỗi về

Mù sương phi cảng não nề Thôi anh ở lại buồn về em mang

Những cuộc chia lìa sầu ai của trần thế khởi đầu từ đó, sân bay với những con tàu có khả năng mang đi xa biền biệt người mà ta yêu quý nhất. Con người chợt thấy quá nhỏ bé giữa khung cảnh ly biệt của phi trường, chỉ còn duy nhất sự chấp nhận nơi duyên phận, với định kiếp đã an bài.

Lỗi đi. Lỗi ở. Mười phương lỗi về

Đây có thể nói là một trong những câu thơ sâu lắng, đáng yêu nhất của bài thơ này vì nó thốt ra cái nỗi niềm mà phải cân nhiều trang giấy ngôn từ thường tình mới có thể diễn đạt. Đây quả chăng là lời thơ đã được thăng hoa trong những chữ rời. Đi cũng là lỗi, mà nếu ở lại thì cũng không chu toàn nên cũng là lỗi cả. Người ra đi phải bỏ lại cả quê hương, cả người yêu đầu đời và mối tình tha thiết, và ai biết đâu những biến cố tình cảm nào đó sẽ biến đổi con người sau những tháng năm dài theo học nơi trường mới và thầy bạn mới? và cả bao sự đổi thay trong suy tư khi công đã thành, danh đã tọai?

Buổi biệt ly với nét huyền hoặc bởi sương mù và giá lạnh nhẹ, càng làm não nề tê tái cuộc phân ly. Một người sẽ ra đi vào một phương trời thật xa như vùng vô tận nào đó. Và người em thiếu nữ cũng lại sắp chia tay anh nơi cổng ra sân bay. Tạm biệt người yêu với những niềm hi vọng tin yêu trân quý, em sẽ ra về trong lẻ loi đơn độc để cưu mang khối ưu buồn diệu vợi mối tình chúng ta.

Tiễn anh một chén rượu tàn Một bàn tay nắm một hàng lệ mau

Xin tiễn chào anh yêu bằng chén rượu, không phải là chén rượu ân tình của hoan ca an lạc mà là chén rượu tàn, như dòng dư lệ của đau thương. Và âu yếm trao về anh không thể là gì khác hơn là một "bàn tay nắm", và một hàng lệ

"mau" của một thiếu nữ Việt Nam gia giáo. Ôi câu thơ tuyệt vời như chứa đựng được cả thê lương của một chiến tranh đang bùng nỗ trong tâm hồn trong trắng của người thiếu nữ.

Thơ là tiếng vọng từ ấp ủ của con tim. Thơ là ái ngữ tỏ bày cảm xúc. Bài thơ Khúc Ly Đình của Cao Thị Vạn Giã có những nét độc đáo hiếm có của thơ khiến người đã từng đọc qua nó khó thể nào quên. Được biết tác giả viết bài thơ này lúc 19 tuổi, và Vạn Giả là tên một làng ở Nha Trang, là quê quán của người yêu cô. Người thiếu nữ ấy đã lấy tên của quê hương người mình yêu làm bút hiệu. Xin cảm ơn tác giả của bài thơ đã cho người đọc những men rượu nồng nàn say đắm pha lẫn chút chua cay thi vị của cuộc đời.

Một phần của tài liệu Rượu với thi nhân luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 73)