3.1.1.1. Một cái nhìn chung về thể thơ của tập thơ
Thể loại là một trong những phạm trù cơ bản nhất của sáng tác và tiếp nhận văn học. Không một sáng tác nào lại không thuộc về một loại (loại thể) dưới dạng một thể (thể loại, thể tài) nhất định nào đó. Các thể loại văn học là những phạm trù lịch sử nghĩa là có sự biến đổi hoặc thay thế. Nó không chỉ mang đặc điểm thời đại mà còn mang đặc điểm dân tộc. Các thể loại vay mượn cũng có thể được “dân tộc hóa” ít nhiều trên một số phương diện, hoặc là ở nội dung, hoặc là ở thi pháp thể loại.
Nhìn vào hệ thống thể loại của Tuyển tập 108 bài thơ rượu giang hồ khí cốt của nhiều tác giả văn học Việt Nam trung đại và hiện đại (Nxb Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh, 2009) có thể thấy có hai hệ thống thể thơ: các thể thơ cách luật truyền thống và các thể thơ hiện đại. Các thể thơ truyền thống, có: cổ phong, yết hậu; Đường luật; hát nói; lục bát; song thất lục bát… Thơ của các nhà thơ tiền bối, có: Nhắp rượu của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Uống rượu tiêu sầu của Cao Bá Quát, Thú rượu thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến với Khóc Dương Khuê, Phan Bội Châu với Tự tình với rượu, Tản Đà với Thơ rượu, Nguyễn Văn Bình với bài Say rượu,… Dĩ nhiên lớp nhà thơ này sáng tác bằng các thể thơ truyền thống.
Các thể thơ truyển thống được làm mới, trong đó nổi bật với thể hành của Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Bích Khê, Vi Khuê, Trần Thuật Ngữ, Hoa Văn, Bùi Chí Vinh… Thể lục bát với Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Hoàng Đình Quang, Thanh Nam, Nguyễn Thị Mai… Các thể thơ hiện đại như thơ tự do của Nguyễn Vĩ, Yến Lan, Ngô Minh, Thảo Phương, Ngọc Phượng,…
3.1.1.2. Những thể thơ được dùng nhiều trong tập thơ
Thứ nhất, thơ Đường luật
Thơ Đường luật du nhập vào Việt Nam từ khá sớm. Đường luật là thể thơ có thi pháp chặt chẽ nên dễ thành gò bó. Với đặc tính hàm súc, nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải chắt lọc, lựa chọn từ ngữ công phu. Những bài thơ Đường luật toát lên vẻ đẹp đài các, cổ điển nhưng vẫn dạt dào cảm xúc. Một đặc điểm quan trọng cần phải kể đến trong tuyển tập là thơ Đường luật của các nhà nho. Các nhà nho Việt Nam đã có nhiều sáng tác theo thể Đường luật đạt đến trình độ mẫu mực.
Thưởng rượu dưới trăng của Chiêu Dương nói lên cái thú vui của kẻ có tâm trạng nhàn nhã, thưởng ngoạn dưới trăng. Thơ nói lên được cái thú đậm đà “vì rượu vì thơ”. Những câu tả cảnh thật hàm súc: “Thưởng rượu đêm đêm cạnh khóm hoa”. Kết cấu tự nhiên, giọng điệu phóng khoáng, nhịp điệu nhẹ nhàng khiến bài thơ thật gần gũi, dung dị.
Nguyễn Bỉnh Khiêm viết nhiều bài thơ Đường luật. Thể ngũ ngôn bát cú chuẩn mực, ngôn ngữ hàm súc, hệ thống từ ngữ đối lập nhau nhằm bộc lộ rõ thái độ của mình. Mỗi từ, mỗi chữ được ông sử dụng rất đắt, rất tinh tế, hiệu quả.
Nhàn là bài thơ dựng lên bức chân dung cuộc sống, nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm: xa rời danh lợi, hòa hợp với tự nhiên, giữ gìn cốt cách thanh cao, trong sạch. Bài thơ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt mộc mạc, giản dị, kết hợp chất trữ
tình và triết lí sâu xa, phát huy cao độ tác dụng của nghệ thuật đối trong thơ thất ngôn Đường luật.
Các bài thơ Tự thuật của Phạm Thái, Say rượu của Trần Tế Xương, Say sưa thỏa thích của Nguyễn Quí Tân… đa số các thi phẩm tuân theo đúng khuôn khổ, luật định, ngôn ngữ hàm súc. Song đó đều là dòng chảy tự nhiên của cảm xúc thi nhân đã làm cho nó mất vẻ gò bó.
Tuy nhiên, có thể nói thơ Đường luật của các nhà thơ “hậu bối” vẫn có kết cấu chặt chẽ, đăng đối, tứ thơ phát triển đều đặn, nhịp nhàng nhưng những chi tiết mang hơi thở của cuộc sống đã tạo nên sự hài hòa của cảm xúc và gây được ấn tượng sâu sắc như Quán ven sông của Phạm Doanh.
Ngày nào cũng ghé quán ven sông Uống chịu vài ly, nợ mấy đồng Cô chủ dịu hiền châm rượu quí
Khách say ngất ngưởng thả thơ ngông Tính cô lo những điều thức tế
Lòng khách mơ toàn chuyện viển vông Vậy chứ một ngày không gặp mặt Có người ngóng đợi, có người trông
Thứ hai, thơ cổ phong
Cổ phong là một thể loại thơ du nhập từ Trung Quốc. Thể thơ này không có yêu cầu chặt chẽ về niêm luật, đối như thơ Đường luật. Những bài thất ngôn dài quá 8 câu và ngũ ngôn dài quá 16 câu gọi là trường thiên (thể hành). So với Đường luật thì thể thơ này tự do hơn rất nhiều. Nó được sử dụng ở Văn học Việt Nam có phần ít phổ biến hơn so với thể Đường luật. Tuy nhiên, do tính chất tương đối tự do, phóng túng của thể loại này, các nhà thơ “giang hồ khí cốt” đã
tìm thấy ở nó sự phù hợp để thể hiện tâm hồn phóng khoáng cùng sự phong phú của tình cảm.
Có thể nói, thơ cổ phong chiếm một tỉ lệ khá lớn trong tuyển tập. 54 bài thơ rượu trường thiên trong tuyển tập 108 bài thơ rượu. Trong đó có nhiều bài thật xuất sắc, tiêu biểu như Đời vắng em rồi của Vũ Hoàng Chương, Giang hồ
của Phạm Hữu Quang, Giang hồ tê chân của Trần Hoàng Vy, Tự tình với rượu
của Phan Bội Châu, Uống rượu tiêu sầu của Cao Bá Quát, Thú rượu thơ của Nguyễn Công Trứ…
Theo tài liệu của Hoài Việt thì tiếp theo sau Tống biệt hành, Thâm Tâm có sáng tác thêm một số bài hành nữa cũng rất hay như Can trường hành, Vọng nhân hành vào năm 1944. Có lẽ điều này đã kích thích Nguyễn Bính thử sức với một thể thơ không quen thuộc lắm với ông chăng? Tuy vậy Hành phương Nam
lại là một trong những bài thơ hay của Nguyễn Bính. Ta hãy đọc lại khổ thơ đầu của bài thơ này:
Đôi ta lưu lạc phương Nam này Trải mấy mùa qua, én nhạn bay Xuân đến khắp trời hoa rượu nở Mà ta với người buồn vậy thay
Nỗi niềm cô đơn buồn tủi khi xuân về tết đến vốn là nỗi niềm cố hữu lâu nay của Nguyễn Bính. Ông đã từng thể hiện tình cảm này trong rất nhiều bài thơ khác mà điển hình nhất là bài Xuân tha hương. Trong Xuân tha hương, Nguyễn Bính viết:
Chén rượu tha hương! Giời! Đắng lắm! Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông
Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng
Hành là một thể thơ cổ, vào thời kỳ này không còn nhiều tác giả sử dụng để sáng tác nữa. Tuy nhiên thể thơ này có thể chuyển tải được những tình cảm bi tráng với giọng thơ đôi lúc rất hào sảng. Nhờ vậy mà Hành phương Nam mới lột tả hết được cái “chất Nguyễn Bính”:
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu Mà không uống cạn mà không say Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may
Nếu như Hàn Mặc Tử thả hồn mình vào chốn trăng sao để quên thực tại thì Nguyễn Bính lại tìm về một thời xưa xa, một chốn “quê” nào đó để ẩn dật. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của thơ Nguyễn Bính.
Ðời vắng em rồi của Vũ Hoàng Chương là một bài thơ hay, rất hay, có lẽ là một trong những bài thơ hay nhất của tác giả về thơ say. Đoạn thơ sau có thể xem là đoạn hay nhất của bài thơ:
Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay Buồn mưa trăng lạnh nắng hoa gầy Nắng mưa đã trải tình nhân thế Lưu lạc sầu chung một hướng say Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai Ra đi chẳng hứa một ngày mai Em ơi lửa tắt bình khô rượu Ðời vắng em rồi say với ai.
Ðời vắng em rồi, anh còn có thể say với ai được nữa? Câu thơ khắc họa rõ nỗi cô đơn, cô độc của nhà thơ khi vắng người tình. Nỗi niềm ấy của thi nhân thật khiến người đọc khó cầm được nước mắt.
Thứ ba, thơ lục bát
Lục bát vẫn là điệu hồn dân tộc. Như những người tuyển chọn “Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam” đã viết: “Cái hay của thơ lục bát là hồn thơ lay cảm ngay giữa vần điệu, ở âm hưởng, ở cái duyên kỳ ngộ, ở sự xuất thần ở phía sau câu thơ và dưới từng chữ, từng lời thật khó tả. Nó là loại thơ mang hồn thiêng dân tộc đã làm một cuộc chạy tiếp sức truyền thống suốt từ ca dao đến Nguyễn Du và mãi đến tận hôm nay không gì phai mờ được trong sự hứng thú của một công chúng phức tạp và rộng lớn” [23, 4].
Có thể thấy tình cảm nồng hậu, chân tình của bất cứ nhà thơ nào trong tập thơ. Chân tình khi họ hòa thơ - tinh chất của đời, với rượu - chất men của vũ trụ làm của trao tình:
Thơ là rượu của thế gian
Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau
(Gởi bạn làm thơ – Huy Trụ)
Bài thơ Uống rượu với Tản Đà của nhà thơ Trần Huyền Trân là bài thơ của tình bạn tri kỷ. Đó là những vần thơ về rượu đầy tình nhất:
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đâu lòng ấy vào đau lòng này
Thậm chí:
Nguồn đau cứ rót cho nhau Lời say sưa mới là câu chân tình
Thiết nghĩ, những “nàng thơ” của ta đã đi đến tận cùng của khổ đau và hạnh phúc. Người thơ cảm thông và tri kỷ hơn như Thâm Tâm trong Các anh là:
Sá chi những chuyện tâm tình
Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay
Và Thanh Nam trong Đêm cuối năm uống rượu một mình:
Rót thêm ly nữa mời ta
Cái say như muốn chuyển qua cái sầu
Đọc những câu thơ như thế, người đọc không khỏi xốn xang. Thơ lục bát trong cái âm hưởng dân tộc, có ma lực và mãnh lực lay động cõi sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam. Đôi khi những câu lục bát vẫn đi đến những khái quát, những triết lý có tầm vĩ mô. Đó là khi lục bát nói đến tình người, tình đời:
Quanh năm khó nhọc bộn bề Sớm đi sấp ngửa, tối về đăm chiêu Ngược xuôi chạy trốn cái nghèo Bao nhiêu hy vọng thả theo gió trời Oái oăm là cái sự đời
Có trôi chảy cũng nửa vời đắng cay Ngồi buồn rót rượu ra say
Chén này nhắm với nỗi này phải không? Ừ thì đắng nuốt vào lòng
Cay phà vào gió mênh mông quanh mình Mặc cho thiên hạ rập rình
Ta ngồi đây rót cho mình, cho nhau Này là bể khổ nguồn đau
Nhấp môi chạm phải cơn nguồn Gió ào ạt gió, mây lờn vờn mây Thì mình cứ rót em say
Tựa vào hơi ấm mà bay một lần Đất xa, trời tạt xuống gần
Chung chiêng cả mấy mươi phần … thế gian
(Uống rượu với chồng - Nguyễn Lam Điền)
Về bố cục, bài thơ được chia là hai phần nhưng có sự gián cách. Phần một gồm bốn câu đầu và bốn câu cuối, phần còn lại là mười hai câu giữa, từ “Oái oăm là cái sự đời” đến “Gió ào ạt gió, mây lờn vờn mây”. Phần thứ nhất, bao hàm cả bốn câu cuối như một vĩ thanh, là lục bát hiện đại phát triển từ ca dao, tục ngữ, được hoàn thiện với khả năng phu diễn khá chính xác hoàn cảnh bế tắc gần như không lối thoát của cặp vợ chồng nghèo trên cái nền không gian buồn tẻ, tù túng. Thế nhưng bốn câu cuối lại mở ra cả một chân trời mới đầy chất lãng mạn, bay bổng, hình thành một cảm quan có biên độ giãn nở rộng, không bó chặt như nỗi đoạn trường của nàng Kiều mà ý tứ phóng túng, ngôn ngữ khoáng đạt. Cuộc song ẩm giờ đây đã biến nỗi đau khổ thành vấn đề triết lý nhân sinh. Bằng sự thăng hoa trong tâm tưởng, họ đem số phận, tư cách và cả tình yêu của mình đánh đổi lấy "cả mấy mươi phần thế gian". Chén rượu tình ở đây hẳn là cay đắng nhưng là "chén đồng" có sức mạnh làm nghiêng vũ trụ. Hơi ấm ở đây chính là nội lực tình yêu, tình nghĩa vợ chồng. Trong men say lãng đãng, mọi thứ dường như đều "chung chiêng". Chồng say, vợ say, tâm hồn chống chếnh, họ như bay lên tầng trời hạnh phúc. Đó là thứ thiên đường "cả mấy mươi phần thế gian" ở ngay trong cõi nhân gian.
Mười hai câu giữa khác hẳn về mặt thi pháp. Đây là đoạn lục bát mang phong cách tập Kiều mà hồn cốt của nó không gì khác hơn là "nỗi đoạn trường". Ở đây ta bắt gặp đủ kiểu lập ý, lập tứ, cấu trúc câu, trong đó có cả những câu đanh quánh, riết róng hoặc thâm trầm nghiệt ngã. Một dàn những tổ hợp từ biến hóa như có phép màu rút ra từ thi pháp Truyện Kiều tạo thành các cặp tiểu đối, so sánh, tỷ dụ đẩy cảnh nghèo đến mức lý tưởng làm người đọc sững sờ trước tài "phù phép" của tác giả. Những câu: "Chén này nhắm với nỗi này phải không? hoặc: "Này là bể khổ nguồn đau/ Này là đò chật sông sâu chập chờn/ Nhấp môi chạm phải cơn nguồn/ Gió ào ạt gió, mây lờn vờn mây" là sự đóng góp rất đáng kể trong hành trình lục bát. Sự sắc sảo của Nguyễn Lam Điền còn ở chỗ, chị dùng thể loại lục bát tryền thống để tập Kiều mà không bị sa vào thứ văn vần dung tục.
Có thể nói, Uống rượu với chồng là một thành công bất ngờ. Nó tạo được sự hấp dẫn đặc biệt bởi trong đó hàm chứa một triết lý nhân sinh, một quan niệm sống, một thái độ ứng xử bằng những lớp từ giàu sắc thái với nội hàm phong phú. Cặp vợ chồng uống rượu trên một cái nền "chung chiêng", từ điểm xuất phát ấy, cái tôi nghệ sỹ bình thản hòa vào kiếp người bằng nguồn cảm hứng tình yêu, dù nhìn thiên hạ bằng con mắt la đà của chén rượu đắng nhưng tâm thức họ lại rất tỉnh. Cũng bởi trạng thái tỉnh trong lúc say ấy mới có được những hình ảnh "đoạn trường thơ" như "sấp ngửa", "đăm chiêu", "thiên hạ rập rình", "đò chật sông sâu", "Đất xa trời tạt xuống gần/ Chung chiêng cả mấy mươi phần thế gian". Đó là những câu chữ có sức nặng được đặt vào đúng ngữ cảnh, thoát khỏi những ràng buộc về cú pháp tạo nên sự đồng điệu tâm hồn
Trịnh Bửu Hoài có khá nhiều mối quan hệ bạn bè tri âm tri kỉ. Nhưng bạn bè của nhà thơ thì bị “gió mưa mòn chí lớn”. Sống trong cảnh nghèo túng nhưng
hồn người thì “trong veo”, hồn nhiên đến lạ. Vì thế, nhà thơ tìm về với kí ức tuổi thơ:
Ta trở về tìm lại tuổi thơ
Bóng thời gian ngã dài dưới tàn đa cũ Trời vẫn trẻ mà cây thành cổ thụ
Ta chạnh lòng thèm một chút hồn nhiên
Sao lại “thèm một chút hồn nhiên”? Vì sau khi đã sống từng trải, nhà thơ thấy “Chí lớn phù hoa như bọt nước - Phú quí cơ hồ như mây bay” (Uống rượu bên hồ Trúc Giang).