Sau gần một thế kỷ chịu sự đô hộ của người Mông Cổ, đến năm 1368, cuộc khởi nghĩa của Chu Nguyên Chương đã lật đổ vương triều Nguyên-Mông, lập nên nhà Minh.
Nhà Minh (1368-1644) là triều đại phong kiến Hán tộc cuối cùng của Trung Hoa. Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương là vị anh hùng xuất thân bình dân dấy binh khởi nghĩa dựng nên nghiệp lớn như Hán Cao tổ Lưu Bang ngày xưa. Ban đầu, họ Chu thi hành một số chính sách phát triển thuỷ lợi, hạn chế bọn cường hào, khôi phục công thương và thủ công nghiệp. Kinh tế - xã hội dần dần ổn định và có hướng phát triển phồn vinh. Nhưng càng về sau, giai cấp thống trị ngày càng hủ bại, ăn chơi xa xỉ, hoang dâm vô độ, đã mờ nhạt hình bóng người anh hùng họ Chu áo vải cờ đào. Chúng củng cố quyền lực bằng cách chặt bớt thủ hạ thay bằng con cháu họ hàng. Ðối nội thì tăng cường áp bức bóc lột dân chúng, đối ngoại thì tăng cường bành trướng lãnh thổ đối với Mông Cổ và các nước ở vùng biển Indonesia. (Năm 1407, Minh Thành tổ sai tướng Trương Phụ dẫn tám mươi vạn quân sang xâm chiếm nước ta, đổi tên An Nam thành Giao Chỉ hòng sáp nhập nước ta vào Trung Quốc. Sau hai mươi năm chịu ách thống trị tàn khốc của chúng, năm 1427 nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã giành lại độc lập)
Xã hội Trung Quốc ngày càng rối loạn, nhiều cuộc bạo động nông dân và tranh chấp bè đảng liên tiếp nổ ra. Cuối cùng cuộc khởi nghĩa nông dân do Lý Tư Thành và Trương Hán Trung lãnh đạo đã lật đổ nhà Minh. Vua Sùng Trinh, ông vua Hán cuối cùng phải thắt cổ tự tử.
Nhưng khi Lý Tư Thành chưa kịp củng cố chính quyền thì viên đại thần nhà Minh là Ngô Tam Quế đã rước quân Mãn Thanh vào cửa ải. Chúng đánh chiếm Bắc Kinh, đánh rộng ra toàn quốc và lập nên nhà Thanh.
Nhà Thanh (1644 - 1911) là triều đại ngoại tộc thứ hai, sau nhà Nguyên (Mông Cổ) đã thống trị Trung Quốc. Mãn Thanh cũng như Mông Cổ, là một nước nhỏ và lạc hậu so với Trung Quốc. Nhà Thanh phải áp dụng chính sách trấn áp nô dịch khắc nghiệt tàn bạo để cai trị một đất nước rộng lớn , người đông có nền văn hoá phát triển cao. Họ bắt người Trung Hoa theo phong tục Mãn Thanh. Tám mươi năm đầu, đất nước Trung Quốc ngập trong máu và nước mắt dưới chính sách cai trị bằng lưỡi gươm và tệ phân biệt chủng tộc.
Nhưng dần dần giai cấp thống trị Mãn Thanh lại chịu Hán hoá, tức là họ học tập các nền chính trị, văn hoá Trung Hoa để cải cách kinh tế xã hội. Càn Long (Kiền Long) là thời kỳ phồn vinh nhất của đế chế Mãn Thanh. Chính sách bành trướng lại được tăng cường. Năm 1788 tướng Tôn Sĩ Nghị đưa quân sang xâm chiếm Việt Nam nhưng bị thất bại thảm hại.
Việc bành trướng lãnh thổ càng làm cho mâu thuẫn giai cấp và dân tộc vốn có trở nên sâu sắc và phức tạp. Mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa từ đời Minh nay càng phát triển, đối lập gay gắt với nền chuyên chế phản động đã bước vào buổi xế chiều.
Nhà Thanh trị vì được 267 năm, đến cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 mới bị lật đổ. Nhưng ngay từ năm 1840 - năm xảy ra Chiến tranh Thuốc phiện, các đế quốc phương Tây đã
nhảy vào xâu xé Trung Quốc. Sau khi nhà Thanh sụp đổ thì Trung Quốc trở thành xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa .
Ðó là chế độ chính trị chuyên chế lỗi thời và phản động. Mâu thuẫn xã hội ngày càng phức tạp và sâu sắc, người nông dân chịu đựng đủ các kiểu bóc lột của chính quyền các cấp, của tư bản thương nghiệp thâm nhập nông thôn và lãnh đủ tai hoạ chiến tranh bành trướng. Ðến đời nhà Thanh, mâu thuẫn dân tộc lại nổi lên giữa người Hán yêu nước và kẻ ngoại bang Mãn Thanh. Giai cấp thống trị áp dụng một chính sách văn hoá tàn bạo. Họ ra sức đề cao "lý học" tức là Tống Nho - đạo Khổng được cải biên, giải thích lại nhằm phục vụ cho chế độ phong kiến tập quyền. Ðề cao tư tưởng mệnh trời, khuyên nhủ an phận thủ thường, với các luân lý "tam cương, ngũ thường". Chế độ giáo dục thi cử xoay quanh các bộ sách Tứ thư và Ngũ kinh nhằm hạn chế tự do tư tưởng. Cách đào tạo nhân tài như vậy chỉ sản sinh ra những con "mọt sách" (như trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, Giả Bảo Ngọc đã chế diễu cách học hành và thi cử thời đó). Ngoài ra, họ còn khuyến khích trí thức khảo cứu sách cổ để quên đi thời cuộc trước mắt. Chúng áp dụng chính sách kiểm duyệt và khủng bố văn nghệ sĩ trí thức.
2. TÌNH HÌNH VĂN HỌC
Ta có thể gọi chung là giai đoạn văn học Minh-Thanh vì cơ sở kinh tế, chính trị xã hội văn hoá hai triều này căn bản giống nhau. Giai đoạn văn học này chỉ tính đến 1840 khi Chiến tranh Thuốc phiện nổ ra (không tính đến 1911 khi ông vua cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi bị lật đổ). Bởi vì sau chiến tranh thuốc phiện, xã hội Trung Quốc đã thay đổi về bản chất. Văn học cũng bắt đầu chuyển sang thời kỳ cận - hiện đại.
Văn học Minh -Thanh là giai đoạn cuối cùng của văn học cổ điển Trung Quốc, có nội dung phong phú nhất và là giai đoạn đánh dấu sự chuyển mình sang thời hiện đại.
Ðây là lúc văn học dân chủ và tiến bộ trỗi dậy mạnh mẽ, phản ánh những yêu cầu và khát vọng của nhân dân, đặc biệt tầng lớp thị dân. Văn học chính thống suy tàn theo cùng chế độ phong kiến.
Văn học chính thống là thơ từ, tản văn (văn xuôi) chỉ nhằm ca ngợi công đức các bậc đế vương, ca tụng cảnh sống thanh bình yên ả của thời đại. Nghệ thuật bắt chước người xưa theo lối phục cổ. Số nhà văn "chính thống" này khá đông, sáng tác nhiều vô kể nhưng chẳng có mấy ý nghĩa. Tuy nhiên khi nhà Thanh mới lên, họ cũng sáng tác một số thơ văn yêu nước.
Hai thể loại mới là hí khúc và tiểu thuyết phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, đặc biệt thị dân đông đảo. Hí khúc là ca vũ kịch dân tộc còn gọi là truyền kỳ, nội dung có nhiều màn, nhiều lớp, nhiều nhân vật. Hí khúc có ít nhiều giá trị hiện thực, có tính phúng dụ và dân chủ song không phát triển được vì tác giả chủ yếu là giới văn nhân quí tộc. Dần dần hí kịch dân gian ở các địa phương như Kinh kịch, Côn kịch, Việt kịch nổi lên thay thế.
Tiểu thuyết chương hồi gồm nhiều đề tài phong phú nhưng chất lượng rất khác nhau. Tiểu thuyết lịch sử (giảng sử) hoặc tiểu thuyết anh hùng
Tiểu thuyết hiệp nghĩa (hiệp khách, kiếm khách, võ hiệp) còn gọi truyện anh hùng giai nhân Tiểu thuyết thế tình (xã hội) còn gọi truyện tài tử giai nhân
Tiểu thuyết tiên quái thần quỷ. Tiểu thuyết phúng thích...
Tất cả gần 200 bộ...trong đó nổi bật nhất là 8 bộ tiểu thuyết.
Ðáng kể nhất là tiểu thuyết chương hồi, tuy không được coi là chính thống nhưng đạt được thành tựu tiêu biểu cho cả giai đoạn này. Các nhà nho thường chỉ coi trọng thơ và tản văn, họ cho tiểu thuyết là thứ văn thô kệch của kẻ tiểu nhân.Tiểu thuyết dù không được giai cấp thống trị coi trọng nhưng đáp ứng nhu cầu nhân dân, đã có hàng vạn tác phẩm lớn nhỏ, trong đó Tam
quốc diễn nghĩa,Thuỷ hử truyện, Kim Bình Mai, Đông Chu liệt quốc,Tây du ký, Hồng lâu
mộng, Liêu Trai chí dị, Chuyện làng nho (Nho lâm ngoại sử) được nhân dân ưa chuộng và giới trí thức dánh giá cao. Thật ra tiểu thuyết Trung Quốc đã trải qua hàng chục thế kỷ phôi thai và hình thành dần mới đạt tới trình độ cổ điển như vậy.