Xuất phát từ khuynh hướng tư tưởng thị dân, coi văn học là đồ chơi để tiêu khiển, có người cho Hồng Lâu Mộng chỉ là một tác phẩm viết về tình yêu tay ba (trong đó có Lâm Ngữ Ðường học giả gốc Hoa người Mỹ viết cuốn sách Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa). Tất nhiên cốt truyện là bi kịch tình yêu, nhưng nguyên nhân dẫn đến bi kịch không phải chỉ vì sự quấy rối của kẻ thứ ba mà chính là nguyên nhân xã hội. Bi kịch tình yêu gắn liền với hàng loạt vấn đề xã hội và gia đình, nằm trong cơ cấu thống nhất của tác phẩm, phục vụ cho việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Tác giả đặt bi kịch tình yêu Bảo Ngọc- Ðại Ngọc trong một bình diện rộng lớn, giữa những bi kịch khác của phụ nữ như chế độ thê thiếp, cung phi, nô tỳ .v.v... Không phải chỉ có cô tiểu thư Lâm Ðại Ngọc bạc mệnh vì tình, mà bên cạnh nàng còn có Tình Văn vì sắc đẹp mà bị ngược đãi đến chết. A hoàn Tư Kì không được phép yêu mà đâm đầu vào tường tự sát, Vưu Tam Thư yêu Liễu Tương Liên song vì "không môn đăng hộ đối" mà phải tự vẫn, Vưu Nhị Thư yêu Giả Liễn mà bị Phượng Thư đánh ghen hại chết, Nghênh Xuân đau khổ một đời vì bị gả chồng xa, Nguyên Xuân làm cung phi mà suốt đời đẫm nước mắt rồi chết non, Lí Hoàn vì hai chữ tiết hạnh mà suốt đời lẻ loi cô quạnh. Diệu Ngọc, Tích Xuân chôn chặt khát vọng yêu đương bên ngọn đèn xanh nhà chùa.
Trong bối cảnh đó, tình yêu của Bảo Ngọc và Ðại Ngọc càng trở nên có ý nghĩa. Tình yêu đó diễn ra trên một cơ sở thống nhất về lí tưởng. Chính vì cùng có tư tưởng phản nghịch mà họ yêu nhau, lại vì yêu nhau mà họ càng phản nghịch. Như thế, lí tưởng chống phong kiến vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của tình yêu. Bảo Ngọc đứng trước sự lựa chọn giữa hai
người con gái mà nhan sắc, tài năng và gia thế như nhau, chỉ khác nhau về tâm hồn và tư tưởng.
Tiết Bảo Thoa là một tiểu thư giai nhân phong kiến chuẩn mực. Phong tư của cô thiếu nữ chờ ngày được tuyển vào cung này có lúc làm cho Bảo Ngọc xao xuyến, hễ "gặp cô chị là quên khuấy cô em". Nàng lại có đủ tứ đức "công, dung, ngôn, hạnh" được bà nội Giả Mẫu khen "trong bốn đứa cháu gái nhà này, không ai bằng cháu bảo Thoa cả" (hồi 35). Xuất thân từ gia đình họ Tiết tiền muôn, bạc vạn, lại thân thiết với họ Giả, Bảo Thoa có nhiều ưu thế hơn Ðại Ngọc trong việc tranh chức vị "mợ hai". Nàng còn cho rằng việc chọn đào là của Bảo Ngọc, nhưng việc quyết định hôn nhân lại do các bậc huynh trưởng. Vì thế nàng phát huy triết lí "tuỳ thời đối xử ", tranh thủ sự ủng hộ của bề trên. Nàng đối xử nhiều khi giả đối nhằm mục đích vụ lợi. Thái độ tàn nhẫn của Bảo Thao trước cái chết oan uổng của cô bé nô tỳ Kim Xuyến đã chứng tỏ bản chất của nàng. Bảo Thoa coi hình ảnh Phương Thư và Giả Mẫu là tương lai lí tưởng của mình. Ở con người này tư tưởng và lễ giáo phong kiến đã trở thành thâm căn cố đế đến mức tiếng réo gọi tha thiết của tình yêu chẳng lay chuyển nổi. Do sự tiếp xúc gần gũi với Bảo Ngọc, một khát vọng yêu đương trái lễ giáo đã lay động nàng, nhưng lí trí lại kéo nàng về con đường cũ. Nàng còn nghiêm khắc yêu cầu Bảo Ngọc "không nên xao nhãng việc học tập để ra làm quan giúp đời, giúp nước". Họ không yêu nhau nhưng vẫn thành vợ thành chồng. Cuộc kết hôn này không vì tình cảm mà là một "hành vi chính trị". Mặc dù dưới ngòi bút chính thống Cao Ngạc, họ sinh con nối dõi tông đường nhưng chưa bao giờ hết xung khắc và kết cục phải tan vỡ. Hồng Lâu Mộng cao hơn cả các tác phẩm cùng thời ở chỗ nhân vật không bao giờ đầu hàng hoàn cảnh để hưởng sự "đoàn viên có hậu". Thuỷ chung, Bảo Ngọc vẫn là nhân vật "phản nghịch" của chế độ phong kiến. Trái tim anh vẫn chỉ dành chỗ cho một "em Lâm" mà thôi.
Cuộc gặp gỡ giữa Bảo Ngọc với Ðại Ngọc khác hẳn với Bảo Thoa. Có lần anh nói "cô Lâm có bao giờ khuyên tôi những lời nhảm nhí như vậy. Nếu có thì tôi đã xa cô ấy từ lâu rồi" (hồi 32). Cái lời "nhảm nhí" ấy chính là "học hành, đỗ đạt, làm quan". Hai người rất tâm đắc với nhau khi nhận xét về thời cuộc. Ðại Ngọc nói "tôi làm theo tiếng gọi của trái tim", còn Bảo Ngọc nói "tôi đã có trái tim rồi, còn cần gì viên ngọc ấy nữa". Hai người đều thương cảm man mác trước những số phận bi thảm của Kim Xuyến, Tình Văn và cùng căm ghét những bà độc ác như Vương phu nhân và Giả mẫu, Phượng Thư và Bảo Thoa.
Ðôi tình nhân đều giàu lòng tự trọng và kiên quyết bảo vệ sự thuần khiết của tâm hồn. Họ ước ao cuộc sống tự do, tự tại. Họ trở thành tri kỉ tri âm trong việc chống lại chủ nghĩa phong kiến, nhưng khác nhau trong cách thể hiện. Ðại Ngọc, với thân phận khách ở nhờ, lại là con gái yếu đuối, khi bất bình nàng chỉ khóc thầm nuốt tủi. Nàng thật đa sầu đa cảm. Thấy cảnh hoa rơi nàng nhặt lấy, đào mộ chôn hoa mà lòng buồn se sắt. Nghe tiếng gió mưa trong đêm, nhìn làn liễu rủ và cảnh nhộn nhịp phồn hoa ở vườn Ðại Quan cũng khiến nàng chạnh lòng buồn thương man mác. Nhạy cảm, kiêu kì, cô độc bởi nàng luôn sợ người khác khinh miệt, từ đấy phải ngẩng cao đầu đối chọi với hoàn cảnh. Giữa lúc đó, tình yêu đến gõ cửa. Tình yêu của Bảo Ngọc đã giúp nàng đứng vững. Lại còn phải đối phó với "tình địch" Tiết Bảo Thoa có nhiều thế mạnh hơn nàng. Vừa thiết tha mong Bảo Ngọc thổ lộ tình yêu, lại sợ bị coi là buông thả, nàng thường ở trạng thái tự mâu thuẫn trong cách cư xử với chàng. Cảm thấy rõ sự ngăn cản của bề trên, nàng càng hun đúc quyết tâm giữ lấy tình yêu. Xung đột càng quyết liệt. Nhưng nàng đã phấn đấu một cách cô độc lẻ loi và trúng kế "tráo hôn" của Phượng Thư. Nàng điên cuồng đốt xé hết kỉ vật của chàng, cười rồi ngậm hờn mà tắt thở, giữ trọn tâm hồn trong sạch và phẩm chất kiên trì bất khuất của mình.
Sự chọn lựa cuối cùng của Giả Bảo Ngọc thật là mạnh mẽ. Anh đã từ bỏ người vợ chính thức Tiết Bảo Thoa và đại gia đình họ Giả đi vào cuộc sống lạnh lẽo nơi của Phật hay
Ðó là bi kịch của cái mới khi chưa đủ sức lay chuyển cái cũ vốn đã bền vững ngàn đời. Giả Bảo Ngọc là mầm mống của một thời đại mới sắp đến.
Tuy vậy, mối tình Giả Bảo Ngọc-Lâm Ðại Ngọc rất trong sáng đẹp đẽ và cảm động lòng người.