Sự sa đọa và sụp đổ của giai cấp thống trị

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 52 - 60)

“Văn học bắt nguồn từ cuộc sống và từ cuộc sống mà ra. Văn học sẽ không là gì cả nếu không từ cuộc sống mà có. Cuộc sống là nơi xuất phát và nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Thật đúng như vậy, chỉ những tác phẩm ra đời với sứ mệnh là tấm gương phản chiếu hiện thực và đấu tranh vì lẽ sống luôn có một sức trường tồn mãnh liệt trong kho tàng văn chương nhân loại. Văn học thế giới ở mọi thời đại luôn đề cao những thiên anh hùng ca như thần thoại Hi Lạp, Thủy hử - Thi Nại Am, Tam quốc diễn nghĩa - La Quán Trung, Chiến tranh và hòa bình - Lep Tônxtôi…Ở Việt Nam, từ xa xưa đã tồn tại kho sử thi với Thánh Gióng, Đam San như sự minh chứng cho chiến công chói lọi của các anh hùng dân tộc. Bước vào thế kỉ XVIII, dân tộc ta phải chứng kiến cảnh đất nước rơi vào cảnh lầm than, đời sống nhân dân đói khổ, biết bao bi kịch xảy ra. Trước thực tại đó, Hoàng Lê nhất thống chí ra đời, kịp thời ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trước những biến động lớn lao của xã hội thời bấy giờ. Con người và cuộc sống trong tác phẩm được nhìn nhận dưới nhãn quan của sử thi, vận mệnh của con người, cuộc sống của con người và toàn xã hội được dẫn dắt, chi phối bởi những biến cố lớn lao của lịch sử.

Nếu như từ nửa đầu thế kỷ XVIII trở về trước, các tác phẩm văn xuôi phản ánh hiện thực có phần quanh co, mang màu sắc tượng trưng, thần bí, thì từ nửa cuối thế kỷ XVIII về sau, tác phẩm phản ánh hiện thực nói chung là trực tiếp, chân xác và cụ thể hơn. Thượng kinh ký sự Hoàng Lê nhất thống chí chính là những pho ký sự về người, về sự cố, về cảnh ngộ, về trạng thái tinh thần và tư tưởng, về sinh hoạt và đời sống trong triều, ngoài nội của thời Lê mạt đầy biến động. Nếu như Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác đã phơi bày cảnh sống xa hoa trong phủ chúa Trịnh, thì hiện thực trong Hoàng Lê nhất thống chí hiện ra là cảnh mục nát của cả một triều đại từ trên xuống dưới, đã đẩy nhân dân lâm vào cảnh cùng khốn. Sự mục nát này bắt đầu từ chốn thâm nghiêm là cung vua phủ

chúa, một sự hư hỏng, thối nát diễn ra từ trên xuống, từ trong ra ngoài. Thủy hử truyện của Thi Nại Am (Trung Quốc) cũng mở đầu bằng chi tiết mấu chốt của vấn đề là chuyện Cao Cầu thăng quan tiến chức đặt lên đầu cuốn sách và theo lời bình của Kim Thánh Thán với dụng ý nói “loạn từ trên loạn xuống”. Ở Hoàng Lê nhất thống chí, điểm nhìn nghệ thuật của tác giả từ phủ chúa Trịnh Sâm mà ra. Bằng góc nhìn từ nơi thâm nghiêm nhất, cao nhất, phủ chúa bấy giờ đang diễn ra cuộc đấu đá nồi da nấu thịt để giành quyền lực giữa Trịnh Tông (con cả) và Trịnh Cán (con Đặng Thị Huệ). Đứng sau hai nhân vật này là hai phe thù địch với hai bà vợ Trịnh Sâm cầm đầu. Cả giai đoạn lịch sử trong cung vua, phủ chúa thời ấy dường như bị cuốn theo tà váy của hai người đẹp. Quan lại là một lũ cao thấp bày vẽ những âm mưu, sắp đặt các thủ đoạn; mà không thủ đoạn nào là không có đầu rơi máu chảy. Từ đỉnh chóp xã hội, mọi thứ rường cột đều bị phá hủy, đạo lý thánh hiền chao đảo trước cảnh bề tôi lấn át nhà vua: chúa Trịnh áp bức vua Lê. Truyền thống một nước chỉ có một vị vua từ ngàn xưa đã sụp đổ, nước ta bị biến thành một nước có nhiều chủ, lâm vào cảnh bị chia cắt.

Thù trong, giặc ngoài tồn tại biết bao hiểm họa cho sự ổn định và phát triển đất nước. Trong nước những tập đoàn phong kiến hình thành, chế độ vua Lê - chúa Trịnh kéo dài như lịch sử ghi nhận đến 216 năm (từ 1570 - 1786) là một sự thỏa hiệp sa đọa của một triều đại trong lịch sử. Với hàng trăm nhân vật, cùng vô vàn sự kiện lớn nhỏ, nhưng có thể thấy tác phẩm xoay quanh sự thể hiện cuộc tranh giành trong nội bộ vua Lê, chúa Trịnh và các bề tôi hữu danh vô thực. Vua không ra vua, chúa không ra chúa, họ tranh giành quyền lợi, đấu đá lẫn nhau trên cái danh nghĩa tốt đẹp, nhưng mục ruỗng tận sâu bên trong cốt lõi. Đề cập đến những vấn nạn lớn của xã hội lúc bấy giờ, Ngô Gia Văn Phái thực chất đã chạm tới được những điều căm phẫn của nhân dân, phơi bày những cảnh mắt thấy tai

nghe, thậm chí trong tác phẩm có những nhân vật là người thật được đưa vào cũng đủ để độc giả cảm nhận những điều chân thật trong ngòi bút.

Sự sa đọa của giai cấp thống trị biểu hiện trước hết ở lối sống tiêu cực, ích kỷ của vua, chúa. Hoàng Lê nhất thống chí mở đầu với chi tiết Trịnh Sâm “chuyên quyền cậy thế, làm oai làm phúc; vua Lê chỉ còn biết chắp tay rủ áo mà thôi” [40;7]. Mặc dù được giới thiệu là người “cứng rắn, thông minh, quyết đoán, sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ” [40;7], trên thực tế, Trịnh Sâm là một kẻ chuyên quyền, cậy thế, chẳng có chút tài cán gì mà chỉ thấy lúc nào cũng ăn chơi trác táng “phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thỏa thích” [40;8]. Trịnh Sâm chìm đắm trong sắc đẹp nữ tì Đặng Thị Huệ, phế con trưởng, lập con thứ, bỏ bê công việc triều chính, khơi ngòi cho những cuộc nổi dậy trong phủ chúa. Cũng vì ăn chơi sa đọa mà Trịnh Sâm phải nằm trên giường bệnh ở độ tuổi cường tráng, “chúa rất sợ nắng gió, bình thường phải ở luôn trong thâm cung và nơi đó phải thắp nến suốt đêm ngày…Sập ngự trong phủ chúa có che trướng thủy tinh, kiệu của chúa đi cũng treo rèm thủy tinh, để ngăn nắng gió. Các quan muốn trình báo việc gì cũng do quan thị truyền chỉ ra… Việc của phủ chúa, bên ngoài người ta đồn đại như là việc Thiên Tào. Cứ như thế, sự ngăn cách, che lấp ngày càng thêm tệ” [40;27]. Qua đời ở tuổi 44, ngay sau đó, biết bao cuộc tranh giành ngôi chúa nổ ra giữa các vương phi, thái tử của Trịnh Sâm.

Những người con kế tục Trịnh Sâm cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Một ông vua con như Trịnh Cán cũng không đủ sức để chống chọi lại sự nổi dậy của bọn kiêu binh nhằm lập Trịnh Tông lên ngôi chúa, bởi “chúa nhỏ vì quá sợ hãi không ăn uống gì được, bệnh càng thêm nguy kịch” [40;46]. Cuộc chiến quyền lực kéo cả phủ chúa lao xuống bờ vực của sự suy vong. Tiếp theo sau đó, Trịnh Tông lên ngôi nhờ sự tôn phò của đám kiêu binh. Trong buổi lên

ngôi độc nhất vô nhị trong lịch sử này, Thế tử Tông lúc bấy giờ như một món đồ chơi không hơn không kém, mặc sức cho đám kiêu binh tung hứng: “Trong lúc gấp vội không có kỷ sập, họ phải dùng tạm chiếc mâm bày cỗ lộc làm ghế, đặt Thế tử ngồi lên, rồi tám người kề vai vào khiêng. Chốc chốc họ lại nâng bổng chiếc mâm lên trên đầu mà đội; đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên đầu. Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật”, sân phủ chúa lúc ấy “đông như họp chợ” [40;45]. Ngòi bút các tác giả đã bắt lấy được cái khoảnh khắc của tấn trò hề lên ngôi chúa của Trịnh Tông, tính chất giễu nhại vì vậy mà càng được tô đậm hơn. Cái thực, cái hài đan xen nhau, cái hài là nhân tố để làm bật lên cái hiện thực, đó là một màn bi hài kịch của một triều đại, khi binh biến, mâu thuẫn bùng nổ kế tiếp nhau, tạo nên một giai đoạn biến động dữ dội trong lịch sử của những năm cuối thế kỷ XVIII. Kết cục của Trịnh Tông như được báo trước, vì phải trả giá cho những việc làm mưu mô, bị “đem đem phơi xác chúa ra ngoài cửa Tuyên Vũ để cho thiên hạ cùng biết” [40;106]. Nối gót sự sa đọa của dòng dõi chúa Trịnh phải kể đến Trịnh Lệ, Trịnh Bồng. Thụy Quân công Trịnh Lệ “vốn là người khôn ngoan và thông minh” vẫn có ý muốn cướp ngôi vương nhiều lần nhưng thất bại. Côn Quận Công Trịnh Bồng “tính nết hiền từ khoan hậu, được nhiều người yêu mến” [40;148], được vua Lê phong chức Án Đô Vương, nhưng do bất tài, nhu nhược “bị một lũ tiểu nhân làm cho lầm lỡ” nên khi gặp biến cố chỉ biết khóc mếu: “Nếu biết sớm thế này cứ ở Chương Đức làm ông sư già, chống cây thiền trượng ở dưới cửa chiền mà lại hóa hay” [40;186]. Kết cục chúa Án Đô phải “trốn đi lúc nửa đêm”, còn phủ chúa bị vua Lê sai người phóng hỏa đốt, khiến “hai trăm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc đã thành bãi đất đen” [40;187]. Sau lần đó, chúa tiếp tục chiêu mộ quân để khôi phục lại nhưng thất bại, lúc về đến Hải Dương, “bên cạnh chúa không có ai, chúa một mình sống lén lút ở vùng ven

biển, tình cảnh rất là điêu đứng” [40;255]. Chúa lại “tự xưng là Hải Đạt thiền sư” nhưng bị bọn phiên thần phát hiện, lấy danh nghĩa chúa làm điều phi nghĩa, dân chúng nổi lên làm loạn “chúa chạy về đất Hữu Lũng rồi từ đó nấp náu trong chốn núi rừng, cả nước không còn thấy mặt chúa ở đâu nữa” [40;258].

Dòng dõi họ Trịnh những năm cuối đời đầy rẫy những ông chúa đoản mệnh. Chỉ trong thời gian ngắn, từ 1780 đến 1786 đã có lần lượt bốn người thay phiên nối ngôi, nhưng thời gian trị vì không lâu, xung quanh ngôi vị lại là những cuộc chiến quyền lực khốc liệt, và cái kết thúc của họ đều rất thê thảm. Trịnh Sâm phải chết trong độ tuổi cường tráng nhất của đời người vì căn bệnh cuồng dâm quá mức. Trịnh Cán - một ông chúa con, ốm yếu bệnh hoạn, sau cú sốc của loạn kiêu binh, thì qua đời. Đến Trịnh Tông, một người bị tham vọng quyền lực chi phối và cuối cùng phải trả giá đắt, bị phơi xác ngoài thành cho dân chúng xem. Sau nữa, Trịnh Lệ, Trịnh Bồng, những ông chúa bất tài, cũng cứ bị cơn lốc quyền lực ngôi chúa cuốn vào và phải gánh lấy những kết cục thảm thương. Bằng cái nhìn sắc bén và chân thực, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã chỉ ra sự suy yếu của chế độ phong kiến, bắt nguồn từ sự sa đọa của đấng tối cao trong bộ máy quyền lực thời bấy giờ. Trên đỉnh cao danh vọng đó, sự lung lay và sụp đổ dường như là tất yếu, bởi sự thống trị đến mức ngột ngạt, bế tắc trong đường lối, chủ trương của nhà chúa. Từ góc nhìn sắc sảo ấy, các tác giả họ Ngô muốn hướng người đọc nhận rõ chân tướng lần lượt các chúa Trịnh trong tấn bi hài kịch mà họ đã “đóng” tròn vai.

Bên cạnh sự suy yếu không gì cưỡng lại nổi trong hàng ngũ các chúa Trịnh, các tác giả họ Ngô còn nêu lên hiện thực mục nát của các vua Lê. Để làm được điều này, họ đã dũng cảm vượt qua thiên kiến cá nhân, để phơi bày những mặt trái của chế độ mà họ tôn thờ, ngưỡng vọng. Các tác giả họ Ngô đã dành nhiều trang để miêu tả về các vị vua cuối cùng của triều Lê, chủ yếu là tập trung vua

Lê Hiển Tông và vua Lê Chiêu Thống. Mặc dù mỗi vị vua hiện lên khác nhau, nhưng họ vẫn tựu trung ở một điểm nổi bật, đó chính là lối sống sa đọa, bất tài, hại dân hại nước. Họ không chỉ là vết nhơ cho dòng họ nhà Lê, mà còn là nỗi nhục cho lịch sử nước nhà. Ngay ở hồi thứ nhất, triều Lê đã nằm dưới sự thống trị bất tài của Lê Hiển Tông: “Truyền đến đời Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), thì Thánh Tổ Thịnh Vương chuyên quyền cậy thế, làm oai làm phúc; vua Lê chỉ còn biết chắp tay rủ áo mà thôi” [40;7]. Một chế độ vua chúa lẫn lộn, chúa chuyên quyền thống trị như chế độ vua Lê chúa Trịnh, khó mà có được sự yên ổn lâu dài. Hơn nữa, dưới sự lấn át của chúa và với thói thường dựa dẫm miễn là có được sự an nhàn, sung sướng, vua Lê chỉ còn biết “rủ áo khoanh tay, tìm trò mua vui chứ không có việc gì phải lo” [40;124]. Những mâu thuẫn trong nội bộ vua chúa được dàn xếp bằng cách thỏa hiệp giữa hai tập đoàn phong kiến Lê Trịnh, chúa thì nắm quyền cai trị, muốn làm gì thì làm, vua chỉ là bù nhìn trên ngai vàng, được dựng lên để che mắt thiên hạ. Ẩn sau khí tượng của một bậc đế vương “râu rồng, tóc hạc, mắt phượng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non; tính nết hiền từ, giản dị” [40;123] là một vị vua nhu nhược trong hơn bốn mươi năm ở ngôi vua “chỉ rủ áo khoanh tay, tìm trò mua vui… treo tranh Tam quốc, sai các cung nữ mặc áo trận, cầm giáo mác, chia thế trận ba nước Ngụy, Ngô, Thục, rồi dạy họ các cách ngồi, đứng, đâm, đỡ để mua vui trong lúc thư nhàn” [40;124]. Triết lý sống dựa dẫm “Trời sai nhà chúa phò ta. Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất chúa, tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì?” [40;125] của vị vua này phản ánh chân thực lối sống hưởng thụ ích kỷ, sa đọa của giai cấp thống trị thời bấy giờ. Hình ảnh một vị vua sáng đã bị lu mờ; bởi lối sống thực dụng, chỉ lo nghĩ cho riêng mình của Lê Hiển Tông. Thông qua cung cách nói chuyện, suy nghĩ, tác giả đã vạch trần bộ mặt sa đọa của giới vua

chúa thời bấy giờ, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để biết được nỗi cơ cực và thống khổ của hàng vạn dân chúng điêu linh trong chế độ vua Lê chúa Trịnh.

Là những chứng nhân lịch sử, tai nghe mắt thấy những nhiễu nhương tác oai tác quái, đe dọa cuộc sống thanh bình của người dân, nhất là cái loạn từ nơi thâm nghiêm là phủ chúa lúc bấy giờ, các tác giả họ Ngô trung thực phơi bày trên trang viết những hiện thực chướng tai gai mắt, những ung nhọt bất trị của lũ quan lại, vua chúa bên cạnh những cuộc tranh giành sinh tử về địa vị, về uy quyền quanh chiếc ngai vàng lung lay, mục ruỗng, sắp đổ nát. Với những gì mà tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đề cập đến, nhà Lê bấy giờ cũng cùng một giuộc với nhà chúa, cùng mang bản chất thống trị, đè nén nhân dân, có khác chăng chỉ là cái danh xưng mà tổ tiên truyền lại. Bởi vậy, từ quan niệm và lối sống của ông vua bù nhìn Lê Hiển Tông, đến ông vua đê hèn, vô liêm sỉ Lê Chiêu Thống chỉ có thể là sự tiếp nối lối sống hưởng thụ, sa đọa và vô trách nhiệm, khi chính vị vua này nhẫn tâm đem nước đi bán cho ngoại quốc, rước giặc về giày xéo đất nước. Với ngôi vị đế vương, Lê Chiêu Thống chẳng làm gì có lợi cho đất nước, mà chỉ biết tìm mọi thủ đoạn tiêu diệt nhà chúa và thêm vào đó, nhằm mượn thanh thế của ngoại bang để củng cố địa vị. Lê Chiêu Thống đã không ngần ngại rước giặc về giày xéo đất nước, để rồi sau đó phải lưu lạc sống những tháng ngày khổ sở nơi đất khách quê người, ôm hận mà chết.

Còn với “ông từ giữ đền” Lê Duy Cận sau khi bị giáng chức Sùng Nhượng Công thì chỉ còn là một ông vua trên danh nghĩa, thực chất là “giám quốc lại mục” (viên thư lại coi việc nước) trong mắt người dân kinh thành. Mang tiếng là vua, nhưng “hàng ngày hắn ta đi bộ đến phủ đường, chầu chực Văn Nhậm và hỏi cách xử trí” [40;285]. Ngô Văn Sở - một tướng Tây Sơn thì cho rằng “lão ấy chỉ là phường a dua không được tích sự gì, rốt cục chỉ là một cục thịt trong cái túi

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 52 - 60)