Văn học Việt Nam trung đại là một giai đoạn văn học gắn với quá trình phát triển: nếu như thế kỷ X - XIV là giai đoạn hình thành văn học trung đại, thế kỷ XV - XVII là giai đoạn trưởng thành, thì thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, giai đoạn đơm hoa kết trái và đầy thành tựu của văn học trung đại. Hoàng Lê nhất thống chí của các tác giả họ Ngô Thì ở thế kỷ XVIII đã góp phần hình thành và phát triển thể loại tiểu thuyết chương hồi ở Việt Nam, với kinh nghiệm sáng tác truyện ngắn được tích lũy gần tám trăm năm kể từ thế kỷ X, khi nền văn học viết ra đời. Cùng với Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, Thiên Nam liệt truyện của tác giả họ Nguyễn Cảnh…, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái đã đánh dấu bước nhảy vọt của văn xuôi tự sự chữ Hán của văn học Việt Nam. Đây cũng được xem là một khởi đầu mới mẻ để văn học có thể phản ánh những vấn đề lớn lao của xã hội với quy mô rộng lớn trên phạm vi cả nước. Tác phẩm được đánh giá cao và trở thành một trong những mẫu mực cho văn học trung đại Việt Nam và đời sau vươn tới.
Sự biến chuyển của văn xuôi trung đại thực sự là một quá trình thay đổi về chất để đảm đương trọng trách mà lịch sử giao phó. Từ những câu chuyện đơn giản trong Việt điện u linh tập đến những câu chuyện viết về số phận một con người, chẳng hạn Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ; từ những quy mô truyện ngắn như Truyền kỳ mạn lục đến tiểu thuyết chương hồi dài tới vài trăm trang, phản ánh cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động như Hoàng Lê nhất thống chí, có thể nói, văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại đang tiến dần đến bờ của văn học cận - hiện đại.
Theo Nguyễn Đăng Na trong Văn học trung đại Việt Nam, giai đoạn thế kỉ XVIII - nửa đầu XIX, văn học có nhiệm vụ “phản ánh sức mạnh của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam; phơi bày những mặt trái của xã hội; phản ánh số
phận “đoạn trường” của những kiếp người thấp cổ bé họng…” [38;26]. Thật vậy,
Hoàng Lê nhất thống chí đã đóng góp vào văn học giai đoạn này một bức tranh hiện thực sống động với những sự kiện lịch sử chân thật. Tác phẩm còn là một trong ba bộ tiểu thuyết đồ sộ, phản ánh quá trình đấu tranh của dân tộc, đạt được thành tựu cả về phương diện nội dung lẫn nghệ thuật.
Với khả năng phản ánh rộng về diện và lượng, sức chứa của tác phẩm là tư liệu quý giá, là những bằng chứng, chứng cứ, cứ liệu lịch sử đáng tin cậy cho lịch sử nước nhà. Ngòi bút của các tác giả họ Ngô đã ghi chép lại những biến động của một thời đại đầy giông bão, những thăng trầm, biến đổi, thịnh suy và được đánh giá là “một mẫu mực sáng tạo mới đặc biệt khiến người ta yêu thích trong số các tác phẩm văn xuôi của dân tộc Việt Nam, phản ánh một cách rõ nét sự kiện khởi nghĩa Tây Sơn xảy ra chẳng khác gì bão táp ở đương thời” [7;250]. Những trang văn sống động mà Hoàng Lê nhất thống chí viết nên sẽ là tài liệu quý báu trong lịch sử văn học Việt Nam. Đây cũng là con đường để giáo dục các thế hệ sau hiểu biết và tự hào về truyền thống đấu tranh và chống giặc ngoại xâm của dân tộc, để thêm yêu, thêm kính trọng những thế hệ cha ông.