Các nhân vật võ tướng Tây Sơn

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 96 - 105)

Dưới ngòi bút của các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí, xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỉ XVIII chỉ là một phường thối nát, bất tài, vô dụng, cơ hội. Kiêu binh nổi dậy phá phách nhà chúa, hàng ngũ quan lại phong kiến là một lũ

bất tài vô dụng. Các quan đại thần như quốc sư Nguyễn Khản chỉ biết thở dài bất lực, Tham tụng Bùi Huy Bích thì xin thoái thác về nơi ruộng đồng làng xóm ở ẩn trong lúc cảnh nước nhà rối ren. Không những thế, trong xã hội đầy rẫy những kẻ lừa thầy phản bạn vốn xuất thân khoa bảng, đọc sách thánh hiền và chà đạp lên đạo quân - thần: tuần huyện Nguyễn Trang tuyên bố “sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân mình” [40;105], Trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Cảnh Thước tìm cách trấn lột vàng bạc và lấy luôn cả chiếc áo ngự bào vua Lê Chiêu Thống đang mặc, rồi mới chịu đưa vua qua sông…

Đối lập với bọn quan lại phong kiến, các võ tướng của đội quân Tây Sơn vốn là những anh hùng, sẵn sàng xả thân vì chính nghĩa. Vùng đất Bình Định trước nay được xem là đất võ, địa linh nhân kiệt và đã sản sinh ra những bậc hào kiệt từ phong trào Tây Sơn. “Trong quá trình lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã tập hợp được nhiều tướng lĩnh có tài như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết, Đặng Tiến Đông, Đố đốc Bảo, Đô đốc Lộc, Võ Văn Dũng” [61;334]. Những võ tướng Tây Sơn đều là những người “tài ba kiệt hiệt” [39;127], họ đã góp phần vào những chiến công oai hùng trong nhiều trận đánh của quân đội Tây Sơn. Đó là những anh hùng thời loạn đã gắn bó và trưởng thành cùng với sự lớn mạnh của quân đội Tây Sơn. Trong số đó, phải kể đến Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, những bề tôi nanh vuốt của vua Quang Trung. Sử sách có ghi: “Ngô Văn Sở đầu quân cho Nguyễn Huệ từ những ngày mới khởi nghĩa” [49;65]. Năm 1787, được Bắc Bình Vương tín nhiệm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Võ Văn Nhậm tiến quân ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh và các thế lực Lê - Trịnh chống đối. Sau đó, để dẹp mưu làm phản của Võ Văn Nhậm, Bắc Bình Vương kéo quân ra Bắc tiêu diệt Võ Văn Nhậm, rồi “truyền lệnh cho Sở làm chức Đại tư mã, thống lĩnh quân đội thay Nhậm” [40;287]. Bắc Bình Vương cũng nhận định rằng “Sở và Lân là nanh

vuốt của ta” [40;333]. Ngô Văn Sở xử lý công việc rất tài tình “trên rừng dưới bể hễ có ai dám ngang ngạnh, chỉ cần sai một viên tì tướng đi đánh, dẹp tan được ngay. Các phủ huyện có đệ án kiện, giấy tờ lên, thì Sở cứ theo việc mà xử, không để ứ đọng” [40;334]. Khi nghe tin giặc ngoài biên ải đưa về, một mặt Ngô Văn Sở hội họp các quan văn võ cũ của nhà Lê, một mặt họp với Lân bàn việc đánh giữ. Trong lời nói của Sở đã thể hiện rõ ý thức của một bề tôi trung thành với Bắc Bình Vương: “Chúa công về Nam, đem thành này giao phó cho ta. Giặc đến thì phải sống chết với giặc, còn mất với thành, trên không thẹn là kẻ bề tôi giữ đất, dưới không phụ chức trách cầm quân. Nếu mới thấy bóng giặc đã trốn, bỏ thành cho giặc, chẳng những mang tội với chúa công mà người Bắc còn coi ta ra cái gì?” [40;337].

Ngô Văn Sở vốn là một người khôn ngoan, nên “lúc ở trong quân thường vẫn dùng lời nói ngọt nhử Nhậm” [40;285]. Năm 1788, Lê Chiêu Thống dẫn hơn hai mươi vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu ồ ạt kéo vào nước ta, Ngô Văn Sở trong vai trò tướng lĩnh, đã nắm rõ tình hình nên “khi đem các đạo quân rút lui, tức tốc sai Nguyễn Văn Tuyết chạy trạm vào Nam cáo cấp”, nhằm “chặn ngang đất Trường Yên làm giới hạn, đóng thủy quân ở hải phận Biện Sơn, quân bộ thì chia giữ vùng núi Tam Điệp, hai mặt thủy bộ liên lạc với nhau, ngăn hẳn miền Nam với miền Bắc” [40;354]. Trong chiến dịch tổng tấn công quân Thanh, vua Quang Trung đã giao trọng trách cho Phan Văn Lân và Ngô Văn Sở: “các viên tướng ở Trung quân thuộc về doanh vua sai phái là Đại tư mã Sở. Nội hầu Lân đốc suất Tiền quân làm tiên phong” [40;358]. Dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung, Ngô Văn Sở được giao việc sai phái trung quân, Phan Văn Lân làm tiên phong, đã cùng nhau tới làng Hà Hồi “lặng lẽ vây kín làng ấy, rồi bắc loa truyền gọi, tiếng quân sĩ luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng nghe như có

hơn vài vạn người” khiến “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết” [40;359].

Bên cạnh đó, Đô đốc Long với chức Hữu quân chỉ huy “quân voi và quân kỵ mã, Long xuyên qua huyện Chương Đức, theo đường thẳng đến làng Nhân Mục huyện Thanh Trì để đánh ngang vào đồn quân Điền Châu” [40;358] và được xem là cánh tay phải của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống quân Thanh năm Kỉ Dậu (1789), góp phần đưa đến chiến thắng Đống Đa vang lừng lịch sử. Theo nhiều tài liệu sử học, Đô đốc Long, tên thật là Lê Văn Long “xuất thân trong một gia đình võ tộc, tổ phụ, thân phụ đều là đại tướng triều Tây Sơn, Quang Trung. Những năm chiến tranh với Nguyễn Ánh, vua Lê, chúa Trịnh, ông đều có mặt trong quân ngũ giữ những chức vụ chỉ huy cao cấp. Năm 1788, ông cùng với thân phụ (Lê Văn Thủ) và vua Quang Trung dẫn đại quân ra Bắc diệt quân Thanh xâm lược đang chiếm đóng thành Thăng Long” [57;16]. Như vậy, Đô đốc Long đi vào trang sách của các tác giả họ Ngô với hình ảnh một vị tướng chiến đấu đầy khí thế; và cũng chính ông là người đã đem quân Tây Sơn vào thành Thăng Long trước nhất. Trong trận Hà Hồi, đô đốc Long chỉ huy đạo quân phía Nam thần tốc tiêu diệt đồn Khương Thượng, và mờ sáng ngày mùng 5 đánh trận Ngọc Hồi. Kế sách đánh giặc của ông được Hoàng Lê nhất thống chí miêu tả “nguyên trước đó, Đô đốc Long đốc suất Hữu quân đã đem binh đến đóng ở làng Nhân Mục huyện Thanh Trì. Lúc vua Quang Trung đang đánh với quân Thanh ở Ngọc Hồi, thì sáng hôm ấy Long đã đánh tên Thái thú Điền Châu ở trại Khương Thượng thuộc huyện Quảng Đức. Quân Thanh tan vỡ bỏ chạy, Long liền tiến trước vào thành” [40;360]. Với chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, trong trận đánh quyết định mờ sáng ngày mùng 5 ở làng Ngọc Hồi, Đô đốc Long vừa đánh bại quân Điền Châu ở Khương Thượng, lại vừa đồng thời buộc Thái thú Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết ở Gò Đống Đa. Sức mạnh quân Tây Sơn tràn lên

mạnh mẽ hơn bao giờ hết và khiến quân giặc khiếp đảm, đại bại nhanh chóng với hình ảnh “quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết…thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại” [40;360].

Trong khi đó, Đô đốc Bảo “thống đốc quân voi ngựa do đường Sơn Minh ra làng Đại Áng, huyện Thanh Trì để tiếp ứng” [40;358] cho cánh quân của Đô đốc Long. Nhờ phối hợp tài tình nên khi vua Quang trung “sai một toán quân theo bờ đê Yên Duyên kéo lên, mở cờ gióng trống để làm nghi binh ở phía đông… quân Thanh chạy về trông thấy, càng thêm hoảng sợ, bèn tìm lối tắt theo đường Vịnh Kiều mà trốn. Chợt lại thấy quân voi từ Đại Áng tới, quân Thanh đều hết hồn hết vía, vội trốn xuống đầm Mực, làng Quýnh Đô, quân Tây Sơn lùa voi giày đạp chết đến hàng vạn người” [40;360]. Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu được thể hiện qua trí tuệ và sức mạnh chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn. Chỉ bằng mưu kế mà đã áp đảo được tinh thần quân giặc, đây chính là chìa khóa dẫn đến thành công và chiến thắng sớm hơn do với dự kiến trong trận đánh vào thành Thăng Long mùa xuân năm Kỉ Dậu (1789) của vua Quang Trung.

Trước tình thế tấn công bất ngờ, quân giặc do không phòng bị, nên vừa nghe tin quân ở đồn Hà Hồi bị quân Tây Sơn đánh úp, bị bắt hết, chúng phải khiếp sợ và thấy họ như “tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên” [40;361]. Tên chỉ huy quân Thanh là Tôn Sĩ Nghị “hoảng hốt sợ hãi, lập tức sai lãnh binh Quảng Tây là Thang Hùng Nghiệp dẫn viên hàng tướng Tây Sơn là Phan Khải Đức đem nghĩa binh tới cứu, lại sai hai mươi lính kỵ mã ở dưới trướng của mình cùng đi với Nghiệp, và dặn họ rằng: Trong khoảng chốc lát, phải tiếp tục báo tin về ngay” [40;361]. Tiếp theo sau đó, khi nghe báo tin đồn quân Điền Châu tan vỡ, quân Tây Sơn đã vào cửa ô, đốt giết lung tung khói lửa bốc lên đầy trời, hàng ngũ của quân Thanh rối loạn cả lên: “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước

qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy” [40;361]. Còn quân sĩ ở các doanh nghe tin “đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhĩ Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa” [40;361]. Trước sức tấn công bất ngờ như vũ bão của nghĩa quân Tây Sơn, từ chủ soái đến tướng lĩnh quân Thanh bị đánh gục một cách nhanh chóng, đến nỗi khi Tôn Sĩ Nghị trên đường chạy trốn về nước, khi đến huyện Phượng Nhãn “nghe nói tướng Tây Sơn là Đắc Lộc Hầu đem quân từ mặt Đông kéo lên chặn đường, đã gần tới nơi. Nghị lại bị một phen khủng khiếp, các vật cần thiết mang theo, đều phải vứt bừa ra giữa đường để mong chạy thoát lấy thân mình” [40;365].

Những vị tướng Tây Sơn, mỗi người mang một trọng trách quan trọng trong cuộc tổng lực đối đầu với hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Từ khi năm đạo quân mới được thành lập và được giao nhiệm vụ ở vùng núi Tam Điệp (Ninh Bình) tiến công ra Bắc tiêu diệt quân Thanh, “cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường ra Bắc” [40;358]. Điều đó cho thấy đây là hàng ngũ một quân đội có tổ chức, kỉ luật chặt chẽ. Đến lúc chiến đấu, bằng mưu trí và dũng cảm, các võ tướng Tây Sơn đã từng bước áp đảo quân giặc và tấn công chớp nhoáng nhằm tiêu diệt gọn quân Thanh thiện chiến, ngay trong những trận chiến mở màn. Có thể thấy, “các tướng lĩnh của Nguyễn Huệ đều được ông tin cẩn và đều là những người thực hành tốt các chủ trương của ông. Cái khéo của Nguyễn Huệ là ông giao nhiệm vụ cho họ, nhưng không hề hạn chế sáng kiến hay tính chủ động của họ. Thái độ đó làm cho các tướng lĩnh phấn khởi và có điều kiện để phát huy tài năng của mình” [61;335].

Như vậy, mặc dù trong nhãn quan của các tác giả họ Ngô, nghĩa quân Tây Sơn có lúc bị coi là “giặc”, nhưng trước sự thật lịch sử quá lớn lao với chiến công vĩ đại dẹp tan bè lũ phản động Lê Chiêu Thống và sự xâm lược của quân Thanh, những chiến công của nghĩa quân Tây Sơn đã được nhìn nhận bằng một cái nhìn khách quan nhất. Điều đó giúp chúng ta có cái nhìn chân thật và đầy đủ về những anh hùng thời Tây Sơn, dù chỉ vài trang ngắn gọn miêu tả cuộc chiến đấu thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn vào mùa xuân năm Kỷ Dậu, nhưng đã đủ để tái hiện tính chất oai hùng, thấm đẫm chất sử thi của đất nước Việt Nam cuối thế kỷ XVIII.

Xuất phát từ việc miêu tả vận mệnh lịch sử xã hội Việt Nam mang đậm màu sắc sử thi, cho nên việc tạo dựng chân dung các nhân vật lịch sử trong Hoàng Lê nhất thống chí cũng đã đảm bảo được tính chất đó. Với một tác phẩm giàu tính sử thi như vậy, các nhân vật được miêu tả trong Hoàng Lê nhất thống chí rất sống động (từ chân dung thảm hại, nhục nhã của những nhân vật vua chúa đến hình ảnh những vị tướng tài ba của phong trào Tây Sơn, và nhất là người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ - Quang Trung). Ở mỗi hình tượng nhân vật sử thi, các tác giả họ Ngô đã chắt lọc những chi tiết thật đắt giá, những khoảnh khắc có một không hai để xây dựng thành công nhân vật. Từ những chất liệu của sử học, các tác giả họ Ngô đã khéo léo tạo dựng nên thế giới nhân vật bằng những hình tượng, hình ảnh đảm bảo tính khách quan lẫn chủ quan. Đồng thời, mối quan hệ giữa cái nhìn chính thống, thái độ khách quan sử thi với việc xây dựng nhân vật sử thi được các tác giả họ Ngô làm sáng tỏ và đem lại cho người đọc những giá trị hiện thực từ một tác phẩm văn học giá trị như Hoàng Lê nhất thống chí.

Có thể nói qua ngòi bút của các tác giả họ Ngô, chân dung nhân vật rất hiện thực. Bên cạnh những nhân vật được tác giả dày công thể hiện trong nhiều hồi,

cũng có những nhân vật chỉ được phác họa trong vài dòng, vài trang viết, song cả hai loại nhân vật đó đều khắc sâu vào tâm trí người đọc.

KẾT LUẬN

1. Hoàng Lê nhất thống chí - đỉnh cao tiểu thuyết chương hồi trong văn học trung đại Việt Nam đã phản ánh đầy đủ bức tranh hiện thực với những sự kiện hào hùng trong cuộc chiến thắng giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Tác phẩm chính là sự thắng lợi vượt mình của Ngô gia văn phái, với việc phơi bày thực trạng thối nát, suy kiệt cả về hệ thống chính trị lẫn đạo đức nhân phẩm của hàng ngũ vua chúa, quan lại phong kiến cùng sự sụp đổ tất yếu của cả chế độ phong kiến trước sự tấn công vũ bão của phong trào nông dân khởi nghĩa, mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn và chiến thắng hơn hai mươi vạn quân Thanh trong mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Với vai trò là những chứng nhân lịch sử, đồng thời cũng là những người biết chắt lọc sự kiện có giá trị gắn với vận mệnh đất nước, các tác giả họ Ngô đã vượt qua công việc chép sử thông thường và đã góp một tác phẩm giàu tính chất sử thi trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam.

2. Với 17 hồi được xâu chuỗi tạo thành một hệ thống khép kín, Hoàng Lê nhất thống chí được xây dựng từ những biến động dữ dội của thời cuộc tranh quyền đoạt vị, đạo đức băng hoại trầm trọng, dân chúng điêu linh lầm than, tiếng than khóc vang đầy trời, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Tây Sơn, những trận hành quân thần tốc, những trận đánh chớp nhoáng, những chiến thắng vang dội trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, và đè bẹp ý đồ của bè lũ bán nước. Những chất liệu dồi dào của thời cuộc đã giúp các tác giả họ Ngô tái hiện bức tranh toàn cảnh rộng lớn của xã hội bấy giờ và tạo dựng thành công chân dung các nhân vật sử thi.

3. Những sáng tạo nghệ thuật của các tác giả họ Ngô được xem là một trong những nỗ lực nhằm thoát ra lối mòn của văn học trung đại để tìm đến một hình thức thể nghiệm mới mẻ. Viết về đề tài lịch sử, nhưng Hoàng Lê nhất thống chí

đã từng bước thoát khỏi lối trình bày biên niên vốn có của sử học. Những sự kiện được trình bày không theo thời gian tuyến tính sẵn có, mà theo dụng ý của tác giả nhằm đem đến hiệu quả nghệ thuật biểu hiện cao nhất trong văn chương. Đây cũng là một đóng góp lớn cho thể loại truyện tự sự chữ Hán cho văn học trung

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 96 - 105)