Từ thế kỷ XVI, chế độ phong kiến nước ta bắt đầu có dấu hiệu đi vào con đường suy vong, khủng hoảng kéo dài; và nhất là trong hai thế kỷ XVIII và XIX. “Những cuộc khởi nghĩa liên tiếp của nông dân làm cho mâu thuẫn nội bộ giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Nguyễn ngày càng trầm trọng thêm và có một tác dụng phân hóa rất sâu sắc đối với hàng ngũ sĩ phu phong kiến. Đặc biệt, những cuộc tấn công và nổi dậy ào ào như thác lũ của quần chúng đã làm sụp đổ hết mọi kỷ cương, làm đảo lộn hết mọi trật tự phong kiến của một triều đại quân chủ tập quyền xây dựng trong suốt 300 năm” [17;48]. Đứng trên lập trường chính nghĩa, các tác giả Ngô Thì đã vạch rõ những ung nhọt xấu xa, cũng như sự sụp đổ không gì cưỡng lại nổi của tập đoàn phong kiến vua Lê chúa Trịnh. Những giá trị kết tinh, những vốn quý ngàn đời cũng không thoát khỏi thảm cảnh của sự diệt vong. Trước sự cáo chung của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh, những giá trị đạo đức cũng đang bên bờ vực thẳm. Vốn là những người xuất thân từ tầng lớp nho sĩ, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí hiểu rõ nền tảng của xã hội phong kiến chính là cương thường và đạo lý Nho giáo. Dưới ánh sáng của hiện thực, “ngòi bút của họ đã nhằm vào tình trạng “đời suy thói tệ”, “thế đạo ngày
một sút kém”, “danh phận lung tung” (Phạm Đình Hổ) của xã hội lúc đó” [36;101]. Sự khủng hoảng trầm trọng và kéo dài của xã hội phong kiến Việt Nam đã làm đảo lộn mọi thứ quy phạm được coi như bất di bất dịch của lễ giáo ngàn đời. Trong suốt 200 năm, nước ta vừa có vua, lại vừa có chúa cùng nhau cai trị đất nước, nhưng thực chất về danh nghĩa, hơn bốn mươi năm ở ngôi, vua Lê chỉ “khoanh tay rủ áo” để “chúa gánh lấy cái lo”, chúa là bề tôi, song lại nắm quyền về mọi mặt, thậm chí chèn ép vua đủ điều “chúa Trịnh tiếng rằng phò Lê nhưng thực ra chỉ là ăn hiếp thiên tử” [40;95]. Chuyện gia đình Trịnh Sâm là một trò hề, cha con, vợ chồng, anh em trong phủ chúa loạn cả lên: “Chính bản thân bọn vua Lê chúa Trịnh đã tự tay phá nát mọi kỷ cương bằng những cuộc tranh đoạt đẫm máu” [28;93].
Vua chúa đã vậy, bọn bề tôi vốn là rường cột của triều đình thì rặt là một bọn bất tài, không biết liêm sỉ. Các quan như Nguyễn Khản, Bùi Huy Bích đứng đầu trăm quan, đáng lẽ tình hình nước nhà như thế phải có trách nhiệm bảo vệ. Nhưng một người như Nguyễn Khản hình như chỉ có mỗi thành tích là khoác lác, Bùi Huy Bích khi nước nhà có biến cố lớn, vua cần đến, thì từ chối xin về ruộng đồng, làng xóm.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, xã hội bấy giờ cũng đầy rẫy những cảnh lừa thầy phản bạn, chống lại chủ cũ ở những kẻ xuất thân từ khoa bảng, đọc sách thánh hiền, rao giảng nhân nghĩa. “Như xã hội nước ta từ trước vẫn lấy cái đạo “quân sư phụ” của Nho giáo làm khuôn thước, sĩ phu đề cao, dân chúng noi theo, coi như thiêng liêng bất khả xâm phạm” [40;237]. Vậy mà, giai đoạn này nền móng đạo đức đã lung lay, mục ruỗng đến mức đạo quân thần (tư tưởng thiêng liêng nhất của người quân tử trong xã hội phong kiến) bị chà đạp không một chút xót thương. Nho sinh Nguyễn Văn Trang vốn xuất thân là tướng cướp, muốn có chức tước, đã bắt chúa giải về kinh đô lĩnh thưởng, sau đó còn dám mở miệng
nói với thầy dạy đạo lý phong kiến của mình là Lý Trần Quán rằng: “Sợ thầy chưa bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình, tôi không để quan lớn làm cho lầm lỡ đâu” [40;105]. Hoàng Lê nhất thống chí đã ghi lại cảnh mẹ con Trịnh Tông chắp tay vái lạy kiêu binh và tình trạng nhục nhã của Lê Chiêu Thống trên đường chạy trốn đã bị Nguyễn Cảnh Thước cướp hết vàng bạc. Chưa hết, “Thước lại cho người đuổi theo lột chiếc áo ngự bào vua đang mặc. Vua ứa nước mắt cởi áo ngự bào trao cho chúng” [40;271]. Hoặc là Dương Trọng Tế, tráo trở thay thầy, đổi chủ dễ dàng như lật bàn tay; hoặc là một tên “nghịch tặc” như Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên phản chủ. Hắn bị Vũ Văn Nhậm kể tội: “Mày vốn là tôi chúa Trịnh, phản chủ mà về với chúng tao để mưu đồ diệt họ Trịnh; rồi lại phản chúng tao về Bắc, lừa dối vua Lê, chiếm lấy ngôi cả, tự tiện làm oai làm phúc, ngấm ngầm lo mưu lấn cướp để tranh giành với chủ tao” [40;272]. Kết cục, y phải chịu cái chết không toàn mạng là bị tướng Tây Sơn “phanh thây”. Hay như Đinh Tích Nhưỡng, một võ tướng xuất thân trong dòng dõi gia đình có mười tám đời làm quận công vốn lại là người có lòng phản trắc. Ở con người mà “việc làm thường ngày cũng đều giả dối, cốt lấy tiếng mà thôi” [40;247] như Đinh Tích Nhưỡng một dạ mà hai lòng, đi theo chúa chống lại vua, nhưng khi chúa yếu thế, y bèn ngả về phía vua, đến khi vua không còn mạnh nữa, thì y lại ngả về phía Tây Sơn và cho quân báo tin chỗ ở của vua, sai quân đến bắt để góp công. Tính chất cơ hội chủ nghĩa của y được khái quát qua câu nói: “Vua đã không thương ta, ta còn cần gì vị nể vua?” [40;293]. Những câu chuyện cương thường đảo ngược, mũ dép đảo lộn như vậy xảy ra như cơm bữa trong thời kỳ khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII.
Có thể nói, chưa khi nào mà đạo Nho lại bị “mất giá” [17;50] như ở thời Lê - Trịnh. Danh giá và sĩ diện của số đông các nho sĩ “có rất đầy đủ lý lẽ để tự an ủi mình khi cần phải ngồi xổm lên giáo lý thiêng liêng của Khổng Mạnh. Còn lại
một số ít ỏi bám lấy các tín điều chật hẹp của Nho giáo” [17;50]. Vì vậy, một vài hành động có tính cách biểu dương đạo đức như cái chết của Lý Trần Quán, Triêm Vũ hầu, sự khảng khái của Trần Công Xán cũng trở thành lạc lõng, khôi hài. Hành động gieo mình xuống sông tuẫn tiết khi nghe tin chồng tử trận của Liệt phụ Đoàn phu nhân là một trường hợp “có một không hai của thời ấy” [17;50].
Trước tình hình không thể cứu vãn, sự kiện kiêu binh nổi loạn đã phơi bày thực trạng đổ nát, bất lực của tập đoàn vua chúa đương thời. Ưu binh là lực lượng trung thành, đã từng giúp họ Trịnh dựng nên nghiệp chúa, nhưng đến hồi này ưu binh lại thành kiêu binh, đứng lên phá phách, chống lại nhà chúa một cách mù quáng. Vua chúa trở thành một thứ đồ chơi trong tay chúng và chúng đua nhau chém giết các quan, cướp bóc đường phố, nhân dân oán ghét hết mực. Trước sự uy hiếp của đám binh lính vô tổ chức, chỉ giỏi phá phách, đòi yêu sách, chúa Trịnh không tìm ra cách đối phó, mà đùn đẩy trách nhiệm cho triều đình. Vì vậy, “Từ đó kiêu binh lại càng ngông nghênh tợn. Tại các đường phố họ cứ giăng tay nhau mà đi. Các vị công hầu gặp họ đều phải quay xe tránh sang lối khác” [40;72]. Tể tướng Nguyễn Khản trước tình hình kiêu binh lộng hành chỉ biết than thở: “Trừ ra có thuật quỷ thần, hễ thấy chúng nó họp nhau, tức thì theo đến mà ám ảnh, làm cho chúng nó đau bụng nứt ruột, như Tề Thiên Đại Thánh bóp Hoàng My, không biết đằng nào mà lần nữa, họa may chúng nó mới sợ. Chứ còn sức người thì không làm sao được” [40;73].
Hoàng Lê nhất thống chí đã dựng lên bức tranh lịch sử và xã hội về một thời loạn lạc liên miên, từ con người rường cột đến nền móng đạo lý đều thối ruỗng, băng hoại, suy đồi đến mức không còn đứng vững được. Để lý giải nguồn gốc làm cho chế độ Lê - Trịnh suy sụp có rất nhiều nguyên nhân sâu xa. Nhưng đến thời này, chế độ đó đã đẻ ra những con người như thế, những xấu xa như thế và
những xấu xa ấy như những ung độc hủy hoại từ bên trong. Sự băng hoại các giá trị đạo đức được các tác giả họ Ngô phản ánh trung thực làm nổi rõ lên bộ mặt của giai cấp thống trị và tình hình xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Sự sụp đổ của triều đại có mầm mống từ sự mục nát, suy tàn của triều Lê và sự sụp đổ của chế độ vua chúa lộng quyền, đè nén đất nước trong một thời gian dài. Nó đã phơi trần những hiện thực nghiệt ngã của chốn thâm cung và những lề thói mục nát đã và đang tồn tại. Tôn trọng sự thật lịch sử, các tác giả họ Ngô, dù trong thiên kiến vẫn ca ngợi họ Lê, nhưng ngòi bút của họ vẫn mạnh mẽ phê phán, tố cáo những tế bào ung nhọt, tìm ra tận căn nguyên, gốc rễ để lý giải cho sự sụp đổ của một vương triều.
Trong bầu không khí ảm đạm ở “buổi hoàng hôn” của chế độ phong kiến, sự băng hoại của xã hội đã phá vỡ và làm đảo lộn mọi nguyên tắc, quy phạm. Một tấn trò hề không hơn không kém với những con người bắt đầu “lộ ra những nét bản chất vốn có của nó chứ không phải là bị bọc kín xung quanh bởi một cái vỏ dày đạo đức và lễ nghĩa” [17;50]. Những hiện thực xót xa, chướng tai gai mắt đã tác động mạnh mẽ đến ngòi bút hiện thực để các tác giả họ Ngô bóc trần không thương tiếc bộ mặt giả nhân giả nghĩa của bọn vua chúa và quan lại phong kiến. Sự tan vỡ của những quy phạm phong kiến một mặt đã khơi dậy những khát vọng đòi tự do, đòi quyền sống cho con người. Đó là khát vọng đòi giải phóng của phong trào nông dân khởi nghĩa, mà đỉnh cao nhất là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và cuộc đại phá quân Thanh ở kinh thành Thăng Long lịch sử (1789).