Vấn đề thể loại của Hoàng Lê nhất thống chí

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 30 - 37)

Khi tiếp cận một tác phẩm như Hoàng Lê nhất thống chí, có một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm về ranh giới văn và sử, vấn đề nào là chủ đạo và nên gọi đây là tác phẩm văn học giàu chất sử, hay gọi là một cuốn sử biên niên giàu chất văn. Thực tế cho thấy những sự kiện xuất hiện trong tác phẩm đi sát với sự thực trong lịch sử. Vì vậy, các nhà nghiên cứu sử học xem đây là một cuốn sử đáng tin cậy. Còn giới nghiên cứu văn học coi tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí

như là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh, với nhiều cách gọi tên về thể loại khác nhau; như tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết chương hồi, tác phẩm ký sự. Xác định

thể loại của tác phẩm không phải là vấn đề đơn giản, nó cần phải có những lý lẽ phù hợp và xác đáng.

Ta có thể thấy, bao trùm Hoàng Lê nhất thống chí là những sự thật, sự kiện lịch sử, nhân vật có thực; nhưng các tác giả rõ ràng không muốn người đọc hiểu lầm tác phẩm của họ là một cuốn sử khô khan. Các tác giả có dụng ý viết theo thể tài tiểu thuyết chương hồi, diễn nghĩa do ảnh hưởng từ văn học cổ - trung đại Trung Quốc. Với kết cấu được chia làm nhiều hồi, mỗi hồi mào đầu bằng hai vế thơ đối nhau và những chữ quen thuộc như “lại nói”, “lại nói về” và kết thúc bằng hai câu thơ, câu chuyển tiếp “chưa biết việc này ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ”, “chưa biết việc tới ra sao, chờ xem hồi sau phân giải”. Những sự kiện, diễn biến ghi chép trong sử sách được các tác giả bám sát, có chỗ lại thêm vào đó một số chi tiết, sáng tạo thêm những mẩu đối thoại, làm cho câu chuyện kể sinh động và chân thực.

Theo Nguyễn Lộc, “nếu đi sâu vào đặc trưng kết cấu nghệ thuật của nó (tức tác phẩm), không thể gọi Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử được, mà phải gọi là một tác phẩm ký sự mới đúng” [31;240]. Ông giải thích rằng đấy là ký sự với hai lí do: thứ nhất, nếu là tiểu thuyết thì phải hư cấu, mà đây lại là sự thật lịch sử “Tất cả con người, sự kiện, năm tháng ở đây đều có thực, chính xác, tác giả cố ý ghi chép một cách trung thành mà không bịa đặt một điều gì” [31;241]; thứ hai, tác phẩm có nhiều tác giả viết và viết ở nhiều thời điểm khác nhau, nếu là tiểu thuyết thì làm sao nhất quán, toàn vẹn được. Ký sự là thể loại được nảy sinh và thích ứng với một đối tượng phản ánh đa dạng trong hoàn cảnh xã hội nước ta những năm nửa cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX có nhiều biến động sâu sắc.

Trần Đình Sử lại đánh giá Hoàng Lê nhất thống chí là một cuốn tiểu thuyết sử thi với các đặc điểm sau:

Thứ nhất, “tiểu thuyết miêu tả vận mệnh toàn xã hội, toàn đất nước: triều đại suy tàn, xã hội phân hóa, vua chúa bất lực, kiêu binh nổi loạn, người tài chạy đi tìm chủ, vua hèn rước voi giày mồ, Nguyễn Huệ diệt Trịnh, đuổi ngoại xâm, xưng hoàng đế thống nhất đất nước, nhưng số mệnh ngắn ngủi, sơn hà vào tay nhà Nguyễn [52;366].

Thứ hai, “các nhân vật đa dạng là những mảnh khảm lớn nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của bức tranh xã hội. Không nhân vật nào chi phối toàn bộ cốt truyện tác phẩm” [52;366].

Thứ ba, “nhân vật được miêu tả hoặc bằng âm mưu, lời đối thoại, bằng cử chỉ, tiếng cười, tiếng khóc, rất cô đọng mà hiểu rõ kẻ trung, người nịnh, kẻ khí khái, kẻ tiểu nhân, kẻ thị tài tầm thường, bậc anh hùng hào kiệt” [52;366].

Thứ tư, “thái độ miêu tả của tác giả giữ được tính khách quan không vồ vập một ai mà ngụ ý khen chê rất rõ” [52;366].

B.L.Riptin lại cho rằng cách gọi “ký sự lịch sử” của Nguyễn Lộc là “chưa thỏa đáng”. Theo ông, cả khái niệm “lịch sử”, “ký sự” đều không hợp và “có lẽ hợp hơn cả là dùng thuật ngữ tiểu thuyết - biên niên sử để giải thích bản chất thể loại của tác phẩm này, thuật ngữ có nghĩa là sự ghi chép tuần tự những sự kiện của cuộc sống đương thời đang diễn ra trước mắt tác giả” [7;218]. Sự lựa chọn này phù hợp với ý định của Ngô Thì Chí là xây dựng một tác phẩm văn xuôi nghệ thuật, chứ không phải là một sự ghi chép bình thường các sự kiện như các nhà chép sử thường làm. Những nhà chép sử Viễn đông hay của châu Âu, hay của Nga, cơ sở để sắp xếp câu chuyện bao giờ cũng là thời gian, còn trong

Hoàng Lê nhất thống chí lại là một hướng trình bày khác, cái chính không phải là ngày tháng, mà là những sự kiện được miêu tả. Đặt trong trục so sánh, biểu hiện bề ngoài của hiện tượng đó khác với biên niên sử, năm tháng không phải bao giờ cũng đặt trước những sự kiện được miêu tả mà thường là đặt sau đó như là để kết

thúc một đoạn và để gắn nó với thời gian hiện thực lịch sử. Nhiệm vụ chung về mặt thẩm mỹ của các tác giả là nhiệm vụ không chỉ để lại cho đời sau bản ghi chép một cách đơn thuần những sự kiện trong thứ tự thời gian của chúng, mà phải miêu tả những sự kiện ấy bằng cách xây dựng những nhân vật hiện thực, miêu tả hành động, suy nghĩ của họ; ngay cả bản thân hình thức nghệ thuật của sự miêu tả rút từ truyền thống của văn trần thuật vùng Viễn đông cho chúng ta cơ sở để khẳng định rằng Hoàng Lê nhất thống chí không phải là một bản ghi chép có tính chất biên niên và một tác phẩm ký sự, mà là một cuốn tiểu thuyết do các tác giả họ Ngô viết về những sự kiện mà họ chính là những người được chứng kiến và tham gia vào đó [70;334-336].

Các tác giả họ Ngô khi đặt nhan đề tác phẩm của mình là Hoàng Lê nhất thống chí cũng đã ngầm thông tin rằng tác phẩm của họ là sử không phải là văn, nhất là một cuốn sử khô khan; bởi vì chí là một trong ba thể loại của ký truyện Trung Quốc. Chữ “chí” của Việt Nam bắt nguồn từ chữ chí trong thời cổ xưa của Trung Quốc với nghĩa đầu tiên là “nghị lực”, “chí hướng”, ký hiệu này cũng được dùng cho chữ “chí” đồng âm trong tiếng Trung Quốc, có nghĩa là “ghi chép”, “miêu tả”. Sách Chu Lễ có nói rằng: “Các nhà chép sử ghi chép (chí) những công việc của quốc gia”. Bản chú giải cổ nhất của Nhan Sư Cổ giải thích: “Chí - là bản ghi chép; là bộ sưu tập các bản ghi chép về những sự kiện nào đấy”. Ngay ở Việt Nam, ký hiệu “chí” cũng đôi khi dùng trong tên các tác phẩm lịch sử và địa lý, chẳng hạn như Việt Nam thế chí (miêu tả lịch sử Việt Nam) của Hồ Tông Thốc, còn ở thế kỷ XIX dùng trong tên rất nhiều tác phẩm địa lý (chẳng hạn như Đại Nam nhất thống chí - miêu tả chung miền Đại Nam, nơi mà từ “chí” - “sự miêu tả” đã đứng sau tính từ “nhất thống”). Như vậy, không chỉ trong phạm vi văn học dân tộc, bình diện còn được mở rộng sang cả phạm vi của văn học toàn vùng Viễn đông. Các tác giả họ Ngô cho chúng ta thấy khả năng sáng tạo

nên một tác phẩm có tính chất lịch sử như Hoàng Lê nhất thống chí đậm chất văn chương và giàu giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, vấn đề tính chất thể loại của Hoàng Lê nhất thống chí vẫn là một vấn đề phức tạp và có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra.

Hoàng Lê nhất thống chí đã trình bày, phản ánh những sự việc thật, con người thật của hoàn cảnh xã hội Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII; và quan trọng hơn, các tác giả họ Ngô đã gia công xây dựng nên nội dung của truyện, nhằm nêu bật ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Tác phẩm ghi chép các sự kiện từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa, Đặng Thị Huệ lộng quyền, cho đến khi Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, lập nên triều đại nhà Nguyễn (từ 1768 đến 1802). Đó là một bức tranh rộng lớn và sinh động với những gam màu sáng, tối, đối lập nhau. Mảng tối phơi trần ra với bộ mặt thối nát, rệu rã, mục nát, suy tàn và phản động của các tập đoàn phong kiến, mọi nền nếp, kỉ cương bị quật ngã, sợi dây đạo lý ngàn đời bị giật tung trong cuộc chiến quyền lực khốc liệt. Mảng sáng hiện lên khí thế hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn với những chiến công hiển hách, vang dội cả thời đại trong sự nghiệp thống nhất đất nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Mặc dù, khi sáng tác Hoàng Lê nhất thống chí, các tác giả họ Ngô muốn người đọc xem tác phẩm của họ là sử; nhưng giá trị nguyên bản của tác phẩm vẫn là một áng văn chương đích thực. Bởi vậy, khác hẳn với nội dung của những cuốn sử khô khan, Hoàng Lê nhất thống chí đầy ắp những sự kiện, thể hiện thái độ, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của các tác giả họ Ngô. Những sự kiện không được trình bày theo một công thức và khuôn khổ, đôi chỗ được kể lướt qua, nhằm đi đến sự kiện quan trọng tiếp theo mà tác giả muốn phản ánh. Hàm chứa trên trang văn là những chi tiết, hình ảnh sinh động của trận đánh, những suy nghĩ, hành động, ngôn ngữ của các nhân vật… Đặc biệt, ở hồi thứ 14, các tác

giả họ Ngô tập trung miêu tả cuộc tấn công thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn làm khiếp đảm quân giặc Mãn Thanh. Thành công của tác phẩm chính là đã xây dựng nên một bức tranh lịch sử rộng lớn với đa dạng các nhân vật gắn liền với lịch sử, mỗi nhân vật được tái hiện một cách sinh động, vận động và phát triển mang đậm chất tiểu thuyết. Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn tiểu thuyết đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thời trung đại.

Hoàng Lê nhất thống chí dường như kết tinh được những thành tựu nghệ thuật của các tác phẩm truyền kỳ, tùy bút, ký sự từ thế kỷ XVIII trở về trước” [17;39]. Thật vậy, Vũ trung tùy bút, Thượng kinh ký sự trước đó chỉ mang tính chất ghi chép một vài nét hiện thực, dựng lên được một vài nhân vật lịch sử; còn

Hoàng Lê nhất thống chí đã khái quát được một giai đoạn lịch sử dài từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1767) đến lúc Nguyễn Huệ ra Bắc diệt quân Thanh, Lê Chiêu Thống lại chạy sang cầu cứu nhà Thanh, vua Quang Trung đại thắng và cuối cùng Nguyễn Ánh cướp lại cơ đồ (1802). Các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí

“không làm cái việc của các nhà nho xưa: chép truyện quá khứ để nêu lên những bài học đạo đức cho người đương thời như Nguyễn Dữ mượn chuyện Hồ Quý Ly để công kích nhà Mạc, Đoàn Thị Điểm ca ngợi những cung phi và liệt nữ đời Trần, Lê, Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tùy bút rút ngắn hơn cái khoảng cách lịch sử ước lệ đó và đã bắt đầu ghi lại những chuyện của thời Lê mạt” [17;39],

Hoàng Lê nhất thống chí phản ánh những sự kiện lịch sử đương thời mà tác giả chứng kiến. Tác phẩm đã “bám sát và theo dõi diễn biến của các sự kiện lớn cuối thế kỳ XVIII, thời kỳ xã hội phong kiến Việt Nam đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng và kéo dài chưa từng thấy trong lịch sử” [17;39].

Như vậy, Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm văn học, viết về đề tài lịch sử theo hình thức tiểu thuyết chương hồi. Mặc dù được sáng tạo trên cơ sở tiếp thu

hình thức tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc, nhưng các tác giả họ Ngô luôn có ý thức tự tìm cho mình một hình thức thể hiện phù hợp với tư duy người Việt. Và với bản lĩnh, cũng như cá tính sáng tạo của người cầm bút, những sự kiện lịch sử đã được chọn lọc để tạo thành những hư cấu nghệ thuật hấp dẫn, sinh động mà vẫn đảm bảo tính chân thực, khách quan. Phan Cự Đệ đánh giá rằng: “Phần lớn tác giả là những nhà nho nên họ vẫn viết theo lối tiểu thuyết chương hồi, chưa thoát khỏi những câu chuyện anh hùng hảo hán trong Thủy hử, Tam quốc. Ưu điểm của họ là đã phát huy vai trò của hư cấu sáng tạo, không hoàn toàn nô lệ vào tài liệu lịch sử” [15;42]. Bên cạnh đó, tác phẩm càng có giá trị hơn, khi chính những tác giả cũng là nhân vật tham gia vào các sự kiện lịch sử; và họ muốn sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị nhân văn, góp phần phản ánh bức tranh thời đại biến động dữ dội trong lịch sử. Tác phẩm cũng đã bước đầu xây dựng được những nhân vật có tính cách điển hình, đây là một bước tiến mới đáng ghi nhận. “Tác giả không chỉ trình bày nhân vật trong cái tư thế lịch sử mà còn cho chúng ta biết nhiều mặt sinh hoạt riêng tư, thầm kín của họ. Không phải chỉ có chuyện phế Trịnh Tông lập Trịnh Cán, Nguyễn Huệ phù Lê diệt Trịnh và đại phá quân Thanh… mà Hoàng Lê nhất thống chí còn ghi lại những câu chuyện Huy Quận “vào sờ chính cung”, Trịnh Sâm bị Đặng Thị Huệ làm cho mê mẩn, câu chuyện tâm tình cởi mở và tương đắc giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa, chuyện Án đô vương Trịnh Bồng cắt tóc đi tu ở các chùa hẻo lánh vùng Lạng Sơn, Cao Bằng” [16;40]. Các tác giả họ Ngô còn cố gắng đi sâu vào khám phá tâm lý, tư tưởng, tình cảm con người. Mặt khác, cũng cần nhìn nhận lại những hạn chế do ảnh hưởng quan niệm “văn - sử - triết bất phân” còn tồn tại, cho nên trong Hoàng Lê nhất thống chí, nhân vật vẫn chỉ là đối tượng để phản ánh lịch sử, nhân vật ở đây có cá tính, nhưng chưa được “gia công” về nội tâm. Có thể nói, Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết đầu tiên ở nước ta bước đầu

tiếp cận được ranh giới hiện thực chủ nghĩa, khơi dòng cho xu hướng này phát triển và đạt được những thành tựu ở văn học các giai đoạn tiếp theo.

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 30 - 37)