Mối quan hệ giữa thái độ khách quan sử học và việc xây dựng nhân vật sử th

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 84)

trong Hoàng Lê nhất thống chí có mối quan hệ chặt chẽ, và quan điểm chính thống là một trong những cơ sở để xây dựng thành công nhân vật sử thi. Ngược lại, việc xây dựng nhân vật sử thi càng biểu hiện rõ về tư tưởng yêu nước, thái độ khách quan của người cầm bút.

3.3.3. Mối quan hệ giữa thái độ khách quan sử học và việc xây dựng nhân vật sử thi nhân vật sử thi

Từ những nhân vật có thật trong lịch sử, các tác giả họ Ngô đã dựng nên những chân dung nhân vật sử thi sống động, đảm bảo yêu cầu cả về mặt khách quan lẫn chủ quan. Về mặt khách quan, những chi tiết chân thực lịch sử đảm bảo được tái hiện trung thực, đưa lại một cái nhìn có giá trị cả về sử học lẫn văn học.

Về mặt chủ quan, từ những hình tượng lịch sử với tính chất kể và viết sử, thông qua hư cấu nghệ thuật, các tác giả xây dựng nên những hình tượng văn học thể hiện tính sáng tạo nghệ thuật và góp phần làm nên nét độc đáo cho tác phẩm.

Đối với nhà viết sử, đòi hỏi đầu tiên là phải đảm bảo yếu tố khách quan trong tác phẩm mà mình thể hiện, có nghĩa là người viết sử phải ghi chép những sự kiện đã diễn ra bằng một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Với một tác phẩm mang đậm chất sử thi như Hoàng Lê nhất thống chí, bối cảnh hiện thực xã hội nửa cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX đã ùa vào tác phẩm bằng những hình ảnh sống động, và được các tác giả họ Ngô phản ánh chân thực giá trị lịch sử một cách toàn vẹn.

Theo Nguyễn Lộc, với Hoàng Lê nhất thống chí, thành công đầu tiên của tác phẩm này là “tất cả con người, sự kiện, năm tháng ở đây đều có thực, chính xác, tác giả cố ý ghi chép một cách trung thành mà không bịa đặt một điều gì…trật tự thời gian ở đây được tuân thủ một cách hết sức chặt chẽ” [31;241]. Bên cạnh đó, “nhà văn đã kết hợp được tương đối hài hòa chân lý lịch sử với chân lý nghệ thuật. Trong Hoàng Lê nhất thống chí tác giả không phải chỉ kể lại những gì đã xảy ra, mà kết hợp việc kể với việc miêu tả cái không khí xảy ra sự việc ấy. Tác giả không phải chỉ thấy các nhân vật lịch sử đã làm gì, mà cố gắng nói cái cách mà các nhân vật ấy làm như thế nào” [31;252]. Theo sử học, Trịnh Sâm chỉ được ghi chép là một ông chúa hoang dâm, cuối đời say mê Đặng Thị Huệ, còn trong

Hoàng Lê nhất thống chí thì sự việc được tác giả miêu tả cụ thể, chẳng hạn chi tiết Đặng Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc mà chúa quý, Trịnh Sâm dặn phải nhẹ tay, đừng làm cho viên ngọc bị xây xát, vậy là ả liền ném viên ngọc xuống đất mà khóc, cho rằng chúa trọng của khinh người, rồi ả tự bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp chúa. Trịnh Sâm phải dùng nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng, ả mới chịu làm lành. Về Đặng Thị Huệ, sử sách cũng chỉ ghi ả là nữ tỳ của tiệp dư

Trần Thị Vinh, có nhan sắc, được chúa đem lòng yêu mến đặc biệt. Trong

Hoàng Lê nhất thống chí, Thị Huệ hiện lên không chỉ là người phụ nữ có nhan sắc khiến chúa phải mê mệt, mà còn là một người với nhiều mưu tính, nhằm bắt Trịnh Sâm thỏa mãn dục vọng của ả, đáng sợ hơn là việc ả câu kết bè đảng ngầm hại thế tử Tông, để đưa Trịnh Cán lên ngôi chúa.

Khi miêu tả tính cách nhân vật, tác giả luôn tỏ ra là người đứng ngoài cuộc, đồng thời họ muốn cho người đọc thấy rằng họ chỉ là người quan sát, thuật lại những sự việc mắt thấy tai nghe mà thôi. Chẳng hạn, khi xây dựng nhân vật Quận Huy, tác giả đã để nhân vật tự bộc lộ: “Huy nghĩ rằng Thị Huệ tuy được chúa yêu, nhưng con trai của Thị Huệ còn nhỏ, trong khi đó Thế tử đã lớn rồi, hùa theo Thị Huệ e không phải là kế lâu bền. Vì vậy, sau khi đã vào hầu chúa, Huy liền lấy châu báu đút cho những kẻ chân tay của Thế tử, để xin nương tựa vào Thế tử. Rồi Huy lại đem một trăm lạng vàng và mười tấm đoạn Nam Kinh làm lễ yết kiến, để xin vào ra mắt Thế tử. Nhưng Thế tử không nhận đồ lễ, cũng không cho vào gặp… Quận Huy biết Thế tử không dùng mình, bèn quyết ý hùa theo Thị Huệ và âm thầm có chí phế lập” [40;14].

Qua chi tiết trên, người đọc sẽ dễ dàng nắm bắt được tâm lý nhân vật và tin rằng đó là nhân vật có thực. “Để khắc họa tính cách nhân vật, tác giả thường chọn những thời điểm mà vào khoảnh khắc đó, hoàn cảnh cuộc sống trong mối quan hệ phức tạp đa phương với xã hội, nhân vật buộc phải bộc lộ bản chất, bộc lộ tính cách, phải hiện nguyên hình. Ngô gia đã rất tài ở việc tạo dựng tình huống như vậy” [37;97]. Hay như đoạn kiêu binh đánh nhau với Quận Huy:

“Quân sĩ vốn sợ Huy, thấy hắn cưỡi voi, lại càng khiếp đảm, đều ngồi sụp xuống nghe lệnh. Không dám lên tiếng, cũng không dám xông tới.

Nhưng chỉ được một lát, bao nhiêu người đang ngồi lại nhao nhao đứng dậy, kéo ập vào trước đầu voi. Voi vươn đầu ra húc, quân lính chạy quanh chân voi

để tránh cặp ngà. Rồi họ lấy khí giới đâm chém túi bụi, có kẻ cạy gạch ngói ở phủ ném ra tới tấp, voi co vòi mà gầm không dám húc nữa. Quận Huy giương cung định bắn, chẳng may cung bị đứt dây; lại vớ lấy súng để nạo đạn, nhưng mồi lửa tịt không cháy. Quân lính thừa dịp dùng luôn câu liêm lôi viên quản tượng xuống đất mà chém. Voi bước lùi trở lại. Quân lính xúm đến vây kín dưới chân voi. Quận Huy lấy mũi lao phóng xuống, làm bị thương vài người.

Quân lính hăng máu kéo đến càng đông. Lại có một toán ở cửa Tuyên Vũ xông vào, đứng chắn ở đàng sau voi, khiến voi phải đứng im không thể nhúc nhích. Họ bèn dùng câu liêm móc cổ Quận Huy kéo xuống, rồi đánh đấm túi bụi giết chết ngay tại chỗ” [40;44-45].

Một người tiếm quyền như Quận Huy kết cục phải trả giá cho những việc làm trái với đạo lý mà y đã gây ra. Chúng ta thấy nhân vật được xây dựng bằng những chất liệu hiện thực cùng với những sáng tạo của tác giả đã đem đến cho người đọc nhận thức được đầy đủ và toàn diện hơn. Trong chính sử, nạn kiêu binh đã được đề cập rất nhiều, nhưng chưa ở đâu như trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí chúng ta lại thấy rất cụ thể, sinh động những trò tác oai, tác quái của bọn chúng. Cảnh kiêu binh lập Trịnh Tông lên ngôi chúa được xem là một trò hề trong lịch sử:

“Anh em Quận Huy chết rồi, quân lính vui mừng reo hò như sấm. Họ kéo nhau vào nhà Tả xuyên phò Thế tử Tông lên phủ đường. Họ kiệu Thế tử lên vai, rồi đứng xúm chung quanh, gào lên vui sướng:

- Xin ngồi cao thêm nữa để thiên hạ đều được thấy mặt rồng, cho thỏa lòng vui của con người.

Trong lúc gấp vội không có kỷ sập, họ phải dùng tạm chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc làm ghế, đặt Thế tử ngồi lên, rồi tám người kề vai vào khiêng. Chốc chốc họ lại nâng bổng chiếc mâm lên trên đầu mà đội; đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi

vai mỏi lại nâng lên đầu. Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu, hoặc rước pho tượng Phật. Mỗi lần Thế tử được nhô lên cao, quân lính lại vỗ tay reo hò vang lên một chặp. Những kẻ buôn bán ở các phố phường, chợ búa đều tranh nhau kéo đến xem chúa, sân phủ đông như họp chợ” [40;46].

Đoạn văn miêu tả cảnh lên ngôi của chúa Trịnh Tông rất sinh động, mang tính châm biếm sâu sắc với hình ảnh chúa được ví như quả cầu, hay pho tượng Phật. Qua đó, tác phẩm đã phản ánh rõ nét bộ mặt tham quyền của giai cấp thống trị, sự rối loạn kỷ cương phép nước từ những nơi thâm nghiêm nhất của triều đình. Bằng cái nhìn sắc sảo và tinh tế, ngòi bút của các tác giả họ Ngô luôn đảm bảo thái độ khách quan sử học trong việc xây dựng nhân vật sử thi, đưa đến cho người đọc những giá trị phản ánh chân thực và sống động nhất về thời cuộc.

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w