Những biểu hiện của tính biên niên trong việc miêu tả các sự kiện lịch sử ở Hoàng Lê nhất thống chí

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 43 - 47)

lịch sử ở Hoàng Lê nhất thống chí

Hoàng Lê nhất thống chí đã biên chép các sự kiện từ cuối đời Trịnh Sâm đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua. Chính việc biên chép này giúp cho quy mô tác phẩm nổi bật lên và làm cho tác phẩm mang đậm tính sử thi. Những biểu hiện của tính biên niên ở hệ thống sự kiện trong tác phẩm là cách ghi chép các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử theo trình tự thời gian, cốt yếu nhất là những sự kiện, nhân vật lịch sử ấy đều có thật, không hư cấu. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, những sự kiện, nhân vật lịch sử được miêu tả là những sự kiện, nhân vật lịch sử có thật, đã được nhiều tài liệu đề cập đến. Nam triều công nghiệp diễn chí lại được viết theo hướng khác, Nguyễn Khoa Chiêm vừa viết về quá khứ, vừa viết về hiện tại, hiện tại đã được lắng đọng trên 1/4 thế kỉ. Đó là các sự kiện lịch sử từ năm 1559 đến năm 1689, tức là viết về hiện thực cuộc sống trước khi tác giả ra đời 100 năm và sau khi tác giả ra đời 30 năm. Các tác giả họ Ngô đã tìm ra một hướng đi mới, bằng cách phản ánh trực tiếp hiện thực đương thời. “Người cầm bút không chỉ đóng vai trò chứng nhân lịch sử mà còn vừa là tác giả, vừa là nhân vật ngay trong tác phẩm của mình. Điều này sẽ tạo nên nét độc đáo riêng và chi phối tác phẩm một cách toàn diện, sâu sắc từ nội dung đến hình thức, từ việc lựa chọn sự kiện, tình tiết, nhân vật đến phương thức phản ánh, cách khái quát hóa nghệ thuật và ngôn ngữ người kể chuyện” [38;105].

Xét đến cùng, “Viết về quá khứ lịch sử, người cầm bút có được một số thuận lợi đáng kể. Một là, các sự kiện lịch sử đã ở thế ổn định; trắng đen, phải trái rõ ràng. Cái đáng lụi tàn đã lụi tàn, cái phải chiến thắng đã chiến thắng. Hai là, các nhân vật lịch sử về cơ bản đã được công luận thừa nhận, hoặc bị phê phán, hoặc

được ngợi ca và chủ yếu là tất cả đều đã chết. Người cầm bút không phải đương đầu với cường quyền kiểm duyệt. Phản ánh về những sự kiện đang vận động thì khác. Khi đó, lịch sử đang diễn tiến, các xu thế xã hội đan xen nhau, cái nhất thời và cái bản chất dễ lẫn lộn… Cho nên, muốn phản ánh trực tiếp hiện thực đương thời một cách sâu sắc, có ý nghĩa xã hội - thẩm mỹ, người cầm bút cần có một số phẩm chất đặc biệt… phải có nhãn quan tinh nhạy để vượt qua thiên kiến cá nhân…phải dự cảm được cái tất yếu dẫn tới chung cục của chúng… Có chế ngự được thiên kiến bản thân thì hiện thực trong tác phẩm mới hiện lên một cách trung thực và mới giúp nhà văn giữ đúng vai trò thư ký thời đại” [38;106].

Như B.I.Ríptin nhận định và phân tích, Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử, hơn nữa là lịch sử đương thời của thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Các sự kiện được miêu tả theo từng mốc thời gian và diễn biến của sự kiện lịch sử. Theo Trần Đình Sử: “Hoàng Lê nhất thống chí có 17 hồi đã thể hiện một khung cảnh thời gian rất rộng từ khi chúa Trịnh Kiểm phò lập vua Lê Trang Tông (1533-1548) cho đến năm 1860 vua Tự Đức cho lập đền thờ các bề tôi trung thần của vua Lê, gồm gần 300 năm. Nếu tính từ khi Trịnh Cán được sinh ra, năm 1777 cho đến khi di hài vua Lê được đem về nước, năm 1804, là chỉ có 27 năm được trực tiếp miêu tả trong truyện. Trong 27 năm ấy, độ dài được miêu tả cũng khác nhau, sự kiện chính chỉ đóng khung trong vòng 14 năm, trong đó 3 năm được dành số trang miêu tả nhiều nhất:

5 năm đầu: hồi 1 1 năm tiếp: hồi 2 1 năm tiếp: hồi 3 1 năm tiếp: hồi 4

Năm 1786: 3 hồi 5, 6, 7 Năm 1787: 3 hồi 8, 9, 10

1 năm tiếp: hồi 14 1 năm tiếp: hồi 15 1 năm tiếp: hồi 16

11 năm cuối: hồi 17 (kể lướt qua)

Như vậy việc phân bố chương hồi hoàn toàn không theo cái khung biên niên năm tháng đều đặn, mà phục vụ miêu tả sự kiện. Rõ ràng những năm Ngọ, Mùi, Thân, Dậu gắn với hoạt động của Nguyễn Huệ - vua Quang Trung đã được dành cho một số chương áp đảo: 9 chương. Xét theo bố cục thời gian này thì gọi

Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử biên niên là có cơ sở. Tuy vậy, đây là thời gian tuần hoàn hết triều đại này đến triều đại khác, gọi là “chu nhi phục thủy” [52;382-383].

Đi sâu vào thời gian trần thuật, ta thấy do nhiệm vụ kể chuyện là lập hồ sơ, lai lịch nhân vật; và đầu đuôi sự việc, cho nên Hoàng Lê nhất thống chí được cấu tạo bằng cách xâu chuỗi liên tục các sự kiện, nhân vật. “Mỗi sự kiện lại trần thuật theo nguyên tắc cảm thụ toàn vẹn, đầu đuôi đầy đủ, nghĩa là thời gian khép kín trong từng sự việc. Chẳng hạn việc hình thành phe đảng, phế trưởng lập thứ, kiêu binh nổi loạn…Kể nhân vật thì người ở đâu, đỗ đạt năm nào, quan chức, làm gì” [52;383-384]. Ví dụ: “Lại nói, lúc ấy ở trấn Kinh Bắc có viên Đốc đồng là Ngô Thì Nhậm Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775) vốn là gia thần và Tùy giảng của Thế tử” [40;17]. “Tác giả không cố ý xây dựng bình diện thời gian thứ hai để gây đợi chờ, thấp thỏm, để người đọc thể nghiệm cùng nhân vật mà chỉ xâu chuỗi, bổ sung trần thuật bằng công thức “lại nói” hoặc “vào lúc đó”, “hôm đó”. Các công thức này phục vụ cho phân tuyến trần thuật, cũng có tác dụng gây chờ đợi, song cái chính là chất đầy văn bản những đoạn hồi cố, nhưng không gây cảm giác về thời gian quá khứ” [52;384].

Những sự kiện được miêu tả có hệ thống theo diễn biến thời gian liên tục, đặc biệt ở những đoạn miêu tả cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn: ngày 25 tháng chạp Bắc Bình Vương làm lễ lên ngôi vua, lấy niên hiệu Quang Trung, ngày 29 đến Nghệ An chiêu mộ quân lính, tối 30 lên đường ra Bắc, nửa đêm ngày mồng 3 tấn công vào làng Hà Hồi bất ngờ khiến quân giặc tự xin ra hàng, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi làm quân Thanh tan rã… “Nhìn chung, người trần thuật đứng từ một khoảng cách xa, đứng ngoài nhân vật điều khiển xâu chuỗi sự việc. Điều này chứng tỏ tác phẩm là một sự tiểu thuyết hóa lịch sử ở bình diện kết cấu sự kiện, chứ chưa tiểu thuyết hóa ở khoảng cách trần thuật. Khoảng cách này trong truyện Nôm thì thấy rõ. Các khoảng cách nhận thấy trong Hoàng Lê nhất thống chí đó chính là khoảng cách vĩnh viễn của thời gian thần thoại. Cái có vị trí chủ đạo trong thời gian truyện ở đây là thời gian triều đại, thời gian lịch sử. Thời gian sự kiện và nhân vật chỉ là yếu tố của thời gian triều đại, chưa có ý nghĩa độc lập” [52;384].

Trong sự đối sánh với Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, ta thấy tuy đây là truyện có phân theo chương hồi, song có thể thấy rõ, bên trong thời gian được kể theo thứ tự biên niên lịch sử, có năm tháng, niên hiệu rõ ràng, các sự kiện nhân quả được lồng vào trong thứ tự thời gian. Chẳng hạn các cột mốc thời gian ở các hồi như sau:

Hồi 1: khoảng năm Quang Bảo nhà Mạc (1554-1561), năm Chính Trị thứ 12 (1561) (niên hiệu vua Lê Anh Tông), năm 1570, 1571, 1573 (sang niên hiệu Gia Thái vua Lê Thế Tông), 1574, 1577 (niên hiệu Quang Hưng), 1578, 1580, cộng lại là 26 năm.

Hồi 2: từ năm 1583 đến năm 1595, cộng lại là 12 năm. Hồi 3: từ năm 1599 đến năm 1611, cộng lại là 12 năm.

Như vậy, cách biểu hiện tính biên niên của hệ thống sự kiện ở Hoàng Lê

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 43 - 47)