Nhân vật Nguyễn Huệ Quang Trung

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 88 - 96)

Tuy mục đích ban đầu là nhằm viết về công cuộc chấn hưng vận nước của nhà Lê, nhưng sự thật lịch sử lại hướng ngòi bút các tác giả ca ngợi chiến công vĩ đại của nhà Tây Sơn, mà tâm điểm là người anh hùng Nguyễn Huệ. “Xu thế của lịch sử đã cuốn hút ngòi bút Ngô gia văn phái, tác phẩm của họ trở thành tư liệu đầy đủ nhất, chân xác nhất ghi chép về cuộc khởi nghĩa ba anh em Nguyễn Huệ” [67;144]. Ở nhân vật Nguyễn Huệ, tác giả đã xây dựng nên một hình tượng nhân vật với sự kết hợp hài hòa giữa cái cao cả của người anh hùng và cái giản dị, chất phác của con người bình thường để nhân vật vừa mang tính chân thật, vừa mang tầm vóc sử thi. Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ chính là sự kết tinh của bản lĩnh trí tuệ, sức mạnh của quần chúng nhân dân, và là kết quả của cả một quá trình chiến đấu, trưởng thành, lớn mạnh của dân tộc trong bão táp lịch sử.

Nhân vật Nguyễn Huệ được soi chiếu từ nhiều góc nhìn của các nhân vật khác, từ sự khâm phục của quần chúng xem Nguyễn Huệ là anh hùng, đến cả những kẻ trong hàng ngũ đối lập cũng thừa nhận Nguyễn Huệ là anh hùng. Nguyễn Hữu Chỉnh thán phục cho rằng “Bắc Bình Vương là người anh hùng hào kiệt ở miền Nam” [40;259], Ngự sử Nguyễn Đình Giản nói: “Bắc Bình Vương cũng là một bậc anh hùng, xem thường ông ta không được đâu”, còn Phan Lê Phiên lại nghĩ “Bắc Bình Vương là người rất quỷ quyệt, hay dùng mưu khôn lung lạc người ta. Trong lúc bàn bạc, khi nén xuống, khi nâng lên, không biết đường nào mà dò” [40;228]. Trước sức mạnh và uy vũ của quân Tây Sơn, bọn quan lại Trung Quốc như Tổng đốc An Khang khi “chính mắt thấy Nghị trơ trọi một thân chạy về, rồi đó, tai lại nghe thanh thế của vua Quang Trung, nên trong bụng không khỏi rụt rè lo sợ” [40;368]. Tuy nhiên, lời nhận định của người cung nhân cũ của vua Lê lại đầy đủ và chính xác hơn, mặc dù trong lời nói vẫn xem Nguyễn Huệ là “giặc”, gọi Nguyễn Huệ bằng “hắn”, nhưng vẫn không giấu được sự thán phục trước tài năng của Nguyễn Huệ: “Nguyễn Huệ là tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỷ thần không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sợ sấm sét” [40;352]. Chỉ mới qua miêu tả gián tiếp, Nguyễn Huệ đã hiện lên với hình ảnh của một người anh hùng mưu trí và tài năng xuất chúng; nghe đến tên thôi cũng đã khiến người khác phải dè chừng, lo sợ.

V.Ia.Prốp - nhà nghiên cứu văn học dân gian người Nga nhận xét rằng: “Nếu như trong tranh tượng thánh, diện mạo con người biến dạnh thành những bộ mặt thánh, thì trong sử thi, con người biến dạng thành những nhân vật trác việt, lập

được nhiều chiến công vĩ đại mà con người bình thường không thể lập được. Vì vậy, không thể thuật lại mà chỉ có thể ca hát về những chiến công đó” [43;679].

Từ một nhân vật lịch sử, các tác giả họ Ngô đã tái hiện trên trang viết một nhân vật Nguyễn Huệ trong vai trò thủ lĩnh tài ba của đội quân Tây Sơn chiến đấu thiện nghệ. Lịch sử chép rằng: “Nguyễn Huệ là trụ cột của nghĩa quân Tây Sơn, đã góp nhiều công lao to lớn, đập tan chúa Nguyễn ở Đàng Trong, được vua Tây Sơn phong cho làm “Long nhương tướng quân” và được trao quyền cầm quân đánh đông dẹp bắc. Ông là vị tướng có tài hành quân chớp nhoáng, đánh đâu được đấy, bách chiến bách thắng” [47;193]. Ba lần hành quân ra Bắc của Nguyễn Huệ đã được Hoàng Lê nhất thống chí phản ánh sống động, nhưng cũng không kém phần trung thực và khách quan. Các tác giả họ Ngô đã trung thực ghi chép lại sự kiện lịch sử lớn như cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, cho dù biết rằng cuộc khởi nghĩa này tác động mạnh mẽ làm lung lay chế độ phong kiến mà họ tôn sùng. Một trăm năm sau, Ngô Giáp Dậu viết Long hưng chí nhằm tôn phò nhà Nguyễn của vua Gia Long và sự lụn bại của Tây Sơn, nhưng “chiến công của Tây Sơn quá chói lọi, chói lọi đến nỗi, khi mặt trời Quang Trung đã lặn mà dư quang của nó vẫn còn rực lên choáng ngợp” [37;128], nên đã có những đoạn ngợi ca Nguyễn Huệ: “Quang Trung tuy đắc tội với triều ta, nhưng cũng là bậc vua chúa anh hùng. Cứ xem con người ấy chỉ có gậy gộc mà khởi binh đánh lấy Phú Xuân dễ hơn quận Việp, đích thân ra Thăng Long tiêu diệt chúa Trịnh, đem quân giết Nguyễn Hữu Chỉnh khiến cho vua Lê sợ, chạy khỏi kinh thành, đuổi viện binh nhà Đại Thanh phương Bắc, một trận Ngọc Hồi đủ khiến quân Ngô gãy kiếm…xưng vương xưng đế chẳng biết sợ ai, vừa có tài võ, vừa có tài văn, quần thần đều phục sợ” [37;129].

Viết về nhân vật lịch sử, chắc hẳn các tác giả họ Ngô hiểu rõ “bản thân sự nghiệp Nguyễn Huệ đã là một bản hùng ca mà bất kỳ bút mực của nhà văn chính

thống nào cũng buộc phải thừa nhận. Mặt khác, văn chương nghệ thuật luôn hướng tới cái Đẹp, hình tượng Nguyễn Huệ là hình tượng đẹp của thời đại vì thế nó đi vào văn chương như một tất yếu” [67;144]. Nếu ở Tam quốc diễn nghĩa

(Trung Quốc), hình tượng Lưu Bị có nét hạn chế ở chỗ “muốn tả Lưu Bị là người nhân đức mà hóa ra giả dối” (Lỗ Tấn), thì “tư tưởng chính thống trong

Hoàng Lê nhất thống chí trở nên bất lực trước hình ảnh Nguyễn Huệ” [67;145] bởi đồng thời việc mô tả hiện thực khách quan cũng là lúc tác giả “vô tình thừa nhận tầm vóc lịch sử của Quang Trung Hoàng đế” [67;145].

Trong những trang văn miêu tả Nguyễn Huệ, các tác giả đã dần thoát khỏi tính chất ước lệ tượng trưng của hệ thống thi pháp văn học trung đại. Nhân vật được dựng lên từ những hình ảnh “thô tháp” [67;145] với cách gọi tên “Bình”, “Nguyễn Văn Bình” nghe cũng rất giản dị; khi hầu chuyện vua Lê “nhún nhường không dám ngồi”, sau đó “mới ngồi ghé vào một góc chiếu cuối sập, một chân bỏ thõng xuống đất” [40;114]. Cả đến khi nghe Ngọc Hân nói “Chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lâu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi!” [40;122], Nguyễn Huệ lấy đó làm “thích thú lắm”; đôi khi cũng có tính kiêu căng khi hỏi công chúa “Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng” [40;121]. Cách miêu tả như vậy không làm hình ảnh Nguyễn Huệ méo mó và phản cảm, mà trái lại, đầy sức thuyết phục, bởi Ngô gia không hề có chủ đích ca ngợi Tây Sơn, vì thế những trang viết về Nguyễn Huệ rất xác thực.

Các tác giả họ Ngô đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ bằng cách đặt nhân vật vào những hoàn cảnh có vấn đề. Trong

Hoàng Lê nhất thống chí, trước ba vấn đề có tính bước ngoặt, ba tình huống có tính chất thử thách tài năng, trí dũng và mưu lược, nhân vật Nguyễn Huệ đã có những cung cách xử lý rất tài tình và khéo léo. Ở tình huống thứ nhất, trước tình

hình đất nước sắp rơi vào tay nhà Thanh, quân Thanh kéo đến Thăng Long, còn vua Lê thì bạc nhược nhận thụ phong từ phía nhà Thanh, Bắc Bình Vương “giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay” [40;354]. Điều này chứng tỏ được ý thức về chủ quyền dân tộc và sẵn sàng ứng chiến để bảo vệ Tổ quốc ở Nguyễn Huệ rất cao.

Trong tình huống thứ hai, dù tài năng hơn người, nhưng Nguyễn Huệ luôn biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác, trước khi đem quân chống ngoại xâm, Bắc Bình Vương “cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi Hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung” để nhằm “yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người” [40;354]. Việc làm này đã tạo được niềm tin trong lòng dân, thu phục và tạo nề nếp, quy củ trong hàng ngũ lực lượng nghĩa quân. Ngay sau đó là cuộc hành quân do vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh, cả thủy lẫn bộ cùng ra đi. Ông đã có ba cuộc nói chuyện với cống sĩ Nguyễn Thiếp, quân lính, và các tướng. Cuộc đối thoại giữa vua Quang Trung với Nguyễn Thiếp ở Nghệ An chứng tỏ ông luôn có ý thức độc lập, muốn tạo cho đất nước một bản sắc riêng và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không phải phụ thuộc vào ngoại bang.

Đối thoại với quân lính, vua Quang Trung dùng những lời lẽ cứng rắn và đầy thuyết phục nhằm cho quân lính hiểu rõ được mục đích cũng như có được ý thức trong cuộc chiến chống lại quân Thanh: “Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước” [40;356]. Trong lời dụ quân lính, vua Quang Trung vốn am hiểu sức mạnh tinh thần đối với quân sĩ, bằng cách đó, ông đã khích lệ lòng yêu nước, sự căm thù giặc và truyền thống

chống ngoại xâm cho họ: “Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? …Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ; các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người dấy nghĩa quân đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc…” [40;356]. Qua những lời động viên đó, vua Quang Trung chứng tỏ ông không chỉ là một bậc tài giỏi võ nghệ, mà còn là vị chỉ huy rất am tường tâm lý quân sĩ và đã khơi gợi được lòng căm thù giặc, cũng như niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc ở mọi người.

Không những vậy, vua Quang Trung còn là một đấng minh quân có tầm nhìn xa trông rộng và ý chí quyết thắng. Khi khởi binh chưa giành được một tấc đất, vua Quang Trung vẫn tuyên bố chắc nịch với Ngô Thì Nhậm “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn” [40;357], có cả kế hoạch ngoại giao với một nước “gấp mười lần nước mình” nhằm “dẹp việc binh đao…cho ta nuôi dưỡng lực lượng” [40;357].

Với các tướng, vua Quang Trung cũng mưu kế không kém, vua đã “bảo kín” với họ về chiến thuật và chiến lược chiến đấu: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đến tối 30 Tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, đừng cho ta là nói khoác” [40;358]. Vua Quang Trung có tài dự đoán những sự việc sắp xảy ra: “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày, có thể đuổi được người Thanh” [40;357], nhưng cũng luôn dự tính để phòng ngừa hậu hoạ: “nghĩ chúng là nước gấp mười nước mình,

sau khi bị thua một trận, ắt là làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế việc binh đao không bao giờ dứt” [40;357]. Ông đã chọn “người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao” không ai khác ngoài Ngô Thì Nhậm. Điều này cho thấy ông không chỉ có tầm nhìn xa chiến lược, mà còn là một vị vua luôn hết lòng vì dân. Tài thao lược của vua Quang Trung đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của cả đội quân yêu nước và trước sự dâng cao của ý chí toàn dân quyết tấm đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi bờ cõi: “cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường ra Bắc” [40;358].

Trong chiến dịch mùa xuân Kỷ Dậu (1789), dưới sự lãnh đạo thiên tài của vua Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn đã tập trung tiêu diệt các cứ điểm của địch ở Ngọc Hồi, Hà Hồi. Sông Nhĩ Hà đã trở thành nơi chôn xác của hàng ngàn quân địch. Chiến thắng đến sớm hơn với dự tính ban đầu của vua Quang Trung một lần nữa chứng tỏ khả năng đánh nhanh, thắng nhanh của đội quân thần tốc Tây Sơn. Hồi thứ 14 là những trang văn hào sảng nhất về nghĩa khí chiến đấu của quân đội Tây Sơn nói chung và tài năng phi thường của vua Quang Trung nói riêng. Bằng những chi tiết chân thực, sống động được miêu tả trên lập trường chính nghĩa, hồi này đã thực sự làm sống lại hình ảnh vị vua tài năng cả về đạo đức, lẫn nghệ thuật dùng binh. Trong tiến công, vua Quang Trung chọn cách đánh để tránh sự tổn thất cho binh sĩ “lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm thành một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín” khiến “quân Thanh nổ súng bắn ra chẳng trúng người nào cả” [40;359].

Hình ảnh vua Quang Trung được khắc họa đậm nét bằng tài điều binh khiển tướng và đánh thắng giặc nhanh chóng. Hành động thân chinh cầm quân đi chiến đấu của vua Quang Trung không chỉ nằm trên danh nghĩa, mà ông còn là một vị tổng chỉ huy đích thực của trận đánh, bằng những việc làm cụ thể: hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh mũi tấn công vào đồn

Hà Hồi, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha lên trước…Sau khi bắt sống toàn bộ quân Thanh do thám ở Phú Xuyên, bèn dùng mưu để bắc loa vây kín làng Hà Hồi khiến quân Thanh “rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng” [40;359]. Qua hàng loạt những hành động “vua Quang Trung lại truyền”, “vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc”, “vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván…xông thẳng lên phía trước”, “vua Quang Trung tiến quân vào thành” [40;367]… được miêu tả dồn dập, Hoàng Lê nhất thống chí đã phản ánh sinh động hình ảnh một nhà quân sự thiên tài, oai phong lẫm liệt giữa trận mạc. Giữa cảnh tượng “khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì” nổi bật lên là hình ảnh vị chủ soái “cưỡi voi đi đốc thúc” [40;359]. Chiến thắng Đống Đa vào đúng trưa mồng năm tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789 được kể lại một cách hào hùng trong Hoàng Lê nhất thống chí đã đưa tên tuổi người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ - Quang Trung đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân vật Nguyễn Huệ trong Hoàng Lê nhất thống chí cũng luôn là một người giàu lòng nhân đạo và chính nghĩa, lần thứ nhất ra Bắc vì để phò Lê diệt Trịnh, lần thứ hai để tiêu diệt Võ Văn Nhậm và Nguyễn Hữu Chỉnh, lần thứ ba nhằm tiêu diệt quân Thanh xâm lược. Và sau chiến thắng quân nhà Thanh, Nguyễn Huệ - Quang Trung không là một ông vua tàn bạo nhổ cỏ tận gốc quân giặc, mà “sau khi đã hoàn toàn quét sạch quân Thanh, vua Quang trung bèn đóng quân tại thành Thăng Long, rồi hạ lệnh chiêu an. Phàm những người Thanh trốn ở các nơi, đều phải tới đầu thú, dân gian không được chứa chấp. Trong khoảng mười ngày, quân Thanh ra thú có đến hơn vài vạn, đều được cấp phát lương ăn áo mặc” [40;367].

Hình tượng vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung chính là sự kết

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 88 - 96)