Tư cách chứng nhân lịch sử của các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 37)

Vấn đề tác giả Hoàng Lê nhất thống chí lâu nay được quan tâm và bàn cãi nhiều. Đến nay, có nhiều ý kiến khác nhau; nhưng ý kiến tựu trung xoay quanh bốn người là Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du, Ngô Thì Nhậm, và Ngô Thì Thiến. Do được viết trong những thời gian khác nhau, do những người khác nhau, nên chính kiến của các tác giả, thái độ của họ đối với các triều đại không giống nhau. Mặc dù vậy, về tổng thể, tác phẩm là một chỉnh thể toàn vẹn, người đọc không quá bị ám ảnh bởi thái độ chính trị của các tác giả.

Một điều dễ nhận thấy là trong Hoàng Lê nhất thống chí có những nhân vật lại chính là tác giả sáng tác. Họ sáng tạo nên tác phẩm, ghi chép lại những người thật, việc thật và cả chính họ tham dự vào những sự kiện trong tác phẩm. Tiêu biểu đó là Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du. Hai ông vốn đã có tình cảm sâu sắc đối với bộ truyện lịch sử nổi tiếng Trung Quốc là Tam quốc chí diễn nghĩa và “đó cũng là nguyên nhân khiến hai ông chọn thể loại tiểu thuyết chương hồi để gửi gắm nỗi niềm, cách nhìn của mình về thời cuộc và cả về chính những người thân” [7;132]. Có tác giả không chỉ là chứng nhân lịch sử, mà còn “kiêm” luôn vai trò nhân vật lịch sử trong tác phẩm, đó là Ngô Thì Chí, người mà cả cuộc đời gắn bó với triều Lê, dù bị bệnh nặng, nhưng khi nghĩ đến “nghĩa vua tôi” trong “cơn nguy biến” đã “dám đâu vì việc riêng mà tiếc thân; nguyện sẽ đeo bệnh tật để dấn bước” [40;280] “trên con đường khuông phò cỗ xe chính trị đang nghiêng đổ của Lê Chiêu Thống” [36;106]. Trong thời đại có những biến động dữ dội như thời kỳ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, mọi quan hệ xã hội, cương thường đạo lý bị đảo lộn, thời kỳ hưng phế của các triều Lê - Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn Gia Long, các ông Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du, Ngô Thì Thiến đã phải chứng kiến biết bao biến cố ập đến dòng họ

mình. Trong cơn giông bão chuyển mình của xã hội ấy, sức hút mãnh liệt của nó khiến tất cả dường như đều bị cuốn vào vòng xoáy không gì cưỡng lại nổi.

Sự thật lịch sử được ngòi bút khách quan của các tác giả họ Ngô với chủ trương thuật lại một cách vô tư mọi điều hay cũng như dở của các nhân vật, mặc dù một phần nhỏ trong đó ta thấy có tư ý của tác giả. Chẳng hạn, ở phần đầu, Ngô Thì Chí đã gỡ cho Ngô Thì Nhậm khỏi cái tiếng tố giác phe Trịnh Tông trong vụ án năm Canh Tý và ném tấm màn che phủ lên một tấn bi kịch trong chính gia đình họ Ngô. Ở phần kết, Ngô Thì Du đã chịu ảnh hưởng của Tây Sơn hoặc của chính anh mình là Ngô Thì Nhậm, mà mô tả Nguyễn Hữu Chỉnh như một tên gian hùng lấn át nhà vua mà không biết lượng sức. Ngoài phần tư kiến ấy, còn có một phần nào “tính cách tiểu thuyết” của tác phẩm, như việc chia ra từng hồi mở đóng theo lối tiểu thuyết Trung Quốc, nhặt nhạnh một vài chi tiết làm chúng ta ngày nay phải hoài nghi, là những yếu tố kỳ ảo, hoang đường như điềm trời, mộng báo trước, đàn ong bay đến đốt Nguyễn Hữu Chỉnh khi ra quân, đặc biệt là chi tiết khó tin như trái tim vua Lê Chiêu Thống sau 12 năm chôn vùi dưới đất vẫn “không nát mà màu sắc hầu như vẫn còn tươi” [40;403].

Hơn nữa, sự thật ấy được đảm bảo bởi người viết ra là những ngòi bút đáng tin cậy. “Họ Ngô ở Tả Thanh Oai là một họ hiển đạt về thời Lê mạt. Đương đời Trịnh Sâm, Ngô Thì Sĩ làm đốc đồng trấn Lạng Sơn, con là Ngô Thì Nhậm làm đốc đồng ở Kinh Bắc. Trịnh Sâm đã giao cho Ngô Thì Nhậm điều tra vụ án năm Canh Tý. Ngô Thì Chí theo vua Lê Chiêu Thống chạy đến Chí Linh, rồi phụng mệnh lên Lạng Sơn tụ tập đồ đảng, dọc đường bị bệnh mà mất. Sang đời Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm là một cánh tay đắc lực của vua Quang Trung, chuyên giao thiệp với nhà Thanh. Cho nên, thời sự bấy giờ, người trong họ Ngô hẳn phải am tường hơn cả, từ việc lớn như những cuộc hành quân, giao phong, những âm mưu chính trị, đến việc nhỏ như

một cử chỉ, một câu nói nơi tư thất. Tất cả đều là sự thật quý báu mà những chứng nhân có uy tín của thời đại bấy giờ đã để lại cho chúng ta” [40;235-236].

Vốn là những chứng nhân chứng kiến những biến cố trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến, nên những gì mà các tác giả họ Ngô phản ánh trong Hoàng Lê nhất thống chí được đảm bảo tính chân thật, sống động. Trước tình hình giai cấp thống trị suy yếu cuối những năm 70 của thế kỷ XVIII, tác phẩm đề cập đến những kiến nghị của Ngô Thì Nhậm, nhưng không được chúa Trịnh để mắt tới. Do ăn chơi trác táng, hành lạc phung phí, mà sức khỏe Trịnh Sâm sa sút nghiêm trọng “chúa rất sợ nắng gió, bình thường phải ở luôn trong thâm cung và nơi đó phải thắp nến suốt đêm ngày… Các hàng văn võ trong triều, thì thường không hề thấy được mặt rồng. Việc của phủ chúa, bên ngoài người ta đồn đại như là việc Thiên Tào. Cứ như thế, sự ngăn cách, che lấp càng thêm tệ” [40;27]. Theo Phạm Tú Châu: “Bảy hồi sau của Hoàng Lê nhất thống chí chẳng những đã kể tiếp chuyện trong cung phủ, triều đình, ngoài dân gian biên ải, mà đáng lạ hơn là có cả những trang ghi lại thật sinh động hình tượng của chàng rể vua Lê trong cuộc đại phá quân Thanh. Và khi viết những trang này hẳn là Ngô Thì Du đã phải sưu tầm tư liệu của nhiều người trong họ, của nhiều người đương thời từng tham gia và chứng kiến những sự kiện trên” [7;107].

Các tác giả họ Ngô là những người đã kế tiếp nhau chứng kiến các sự kiện lớn nhất của thời đại: phong trào nông dân nổ ra từ đầu đời Cảnh Hưng (1740), vụ án Kỷ Sửu (1769), Trịnh Sâm truất ngôi thái tử Lê Duy Vĩ, vụ án năm Canh Tý (1780), Trịnh Khải bị truất ngôi thế tử, loạn kiêu binh (1782), Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh (1785), chiến thắng Đống Đa (1789), Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi (1802). Những biến chuyển dữ dội của thời đại đã tác động mạnh đến mọi quan hệ xã hội, khiến họ Ngô Thì rơi vào trạng thái bị phân hóa mãnh liệt. Có nhiều sự đổi thay xảy ra, sau vụ án Canh Tý (1780) khi Trịnh Khải được kiêu binh phò lập

lên làm chúa, Ngô Thì Nhậm phải lẩn tránh. Thời gian sau khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc với danh nghĩa diệt Trịnh phò Lê (1785), Ngô Thì Nhậm lại bỏ nhà Lê, cộng tác với Tây Sơn. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai (1788) diệt Vũ Văn Nhậm, Ngô Thì Nhậm bấy giờ được cử làm Lại bộ tả thị lang giúp Ngô Văn Sở trấn thủ Bắc Hà. Cùng lúc đó, thì Ngô Thì Chí lại bỏ chạy theo Lê Chiêu Thống và tỏ ra trung thành với nhà Lê. Đến khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Ngô Thì Nhậm bị thuộc hạ của Nguyễn Ánh là Đặng Trần Thường làm chức Tán lý Bắc thành đem ra phạt trượng trước Văn Miếu cùng với Phan Huy Ích, về tội đã đi theo ngụy triều Tây Sơn để cảnh cáo các sĩ phu Bắc Hà. Cũng vì có tư thù từ trước, Đặng Trần Thường sai tẩm thuốc độc vào trượng đánh chết. Trong khi đó, Ngô Thì Du lại ra làm quan với nhà Nguyễn và được bổ làm đốc học Hải Dương.

Trên nền bối cảnh hiện thực đó, các tác giả họ Ngô - những nhân chứng sống động, đã ghi chép những điều mắt thấy tai nghe về thời cuộc thay đen đổi trắng, lật lọng tráo trở của lũ quan lại yếu hèn, những cuộc tranh giành gây bao biến loạn trong phủ chúa, sự nhu nhược, đớn hèn của các đấng quân vương, đặc biệt, đó là cuộc hành quân thần tốc, chiến thắng quân Thanh chớp nhoáng của quân Tây Sơn và thống nhất đất nước.

Như vậy, thể loại sử thi đã nảy sinh và phát triển trong những điều kiện lịch sử nhất định, góp phần tạo nên diện mạo phong phú cho nền văn học nhân loại. Chúng ta thấy rằng, mỗi thời đại, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có xuất hiện những tác phẩm giàu tính sử thi và điều này được xem như là một tất yếu trong quá trình vận động, phát triển của văn học. Màu sắc sử thi và tính chất sử thi trong mỗi tác phẩm là hiện thân của vẻ đẹp nội dung lẫn hình thức của những tài năng và kết tinh sáng tạo nghệ thuật. Với một tác phẩm giàu chất sử thi như Hoàng Lê nhất thống chí, thì sự thành công của các tác giả họ Ngô đã được thể hiện rõ trên những trang văn đầy ắp sự kiện lịch sử của một thời đại có nhiều biến động của xã hội Việt Nam nửa cuối

thế kỷ XVIII và miêu tả chân dung của những con người làm nên lịch sử, can dự vào lịch sử dân tộc. Bằng sự nhạy cảm sâu sắc, tinh tế, các tác giả đã đưa đến cho người đọc một cái nhìn cận cảnh về cục diện chính trị, xã hội, cùng vô số những vấn đề nóng bỏng bức thiết, chứa đựng nhiều giá trị hiện thực có ý nghĩa. Những thành tựu mà tác phẩm đạt được góp phần khẳng định vị trí đỉnh cao của tiểu thuyết trong nền văn học Việt Nam trung đại. Những sự thật lịch sử, con người, sự kiện có thật đã được ghi chép một cách chân thực, sống động bởi chính những nhà văn từng là chứng nhân lịch sử - các tác giả của dòng họ Ngô Thì. Tác phẩm vì vậy được đánh giá rất cao về giá trị văn học lẫn sử học; và đã đem đến một cái nhìn toàn diện về một giai đoạn lịch sử vô cùng đau thương và rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Chương 2

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 37)