Điều kiện nảy sinh những tác phẩm văn học giàu tính sử th

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 27 - 28)

Văn học là nhân học, bởi lẽ qua lăng kính văn học, cuộc sống con người được phản chiếu rõ nét và chân thực. Đây cũng chính là cội nguồn của sự phản ánh thế giới phong phú và đa dạng của con người, từ con người và vì con người mà ra. Sự xuất hiện và ra đời những tác phẩm văn học luôn gắn với những điều kiện xã hội nhất định. Với sứ mệnh phản ánh những chiến công của người anh hùng và đời sống nhân dân rộng lớn, những tác phẩm sử thi bao giờ cũng gắn với hoàn cảnh xã hội đặc biệt. Đó là những thời đại có nhiều biến động lớn lao ảnh hưởng đến quyền sống của cộng đồng và dân tộc, là những bước ngoặc quan trọng đòi hỏi toàn thể nhân dân phải đoàn kết để bảo vệ sự bình yên của cả cộng đồng và dân tộc. Đóng vai trò là lăng kính phản chiếu nhịp sống thời đại, sử thi mang trong mình một sứ mệnh cao cả, đó không đơn thuần chỉ là ghi chép người thật việc thật, có gì ghi nấy; sử thi phải luôn luôn phản ánh lịch sử ở một tầm cao hơn, đó là một bản tráng ca ca ngợi sự sục sôi ý chí mạnh mẽ, cổ vũ tinh thần vì cộng đồng và chiến đấu vì nền hòa bình cho dân tộc, cho nhân loại. Theo Phương Lựu, “anh hùng ca không nhất thiết là miêu tả các cuộc xung đột quân sự, các anh hùng chiến trận, mà còn thể hiện tinh thần, trí tuệ bộ tộc và thời đại lịch sử” [32;382]. Vì vậy, khi con người có khát vọng muốn miêu tả quy mô rộng lớn đời sống nhân dân từ sinh hoạt đạo đức, phong tục, tín ngưỡng cũng là điều kiện để

sử thi ra đời. Bản anh hùng ca mà sử thi tái hiện phải đủ sức lan tỏa ra cộng đồng nhằm tôn vinh, ngợi ca sức mạnh cộng đồng đã được thần thánh hóa, lý tưởng hóa, thể hiện ước vọng của cộng đồng, dân tộc. Hầu hết các quốc gia từ phương Đông đến phương Tây đều có nền văn học sử thi của dân tộc mình, đấy không chỉ là những tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những di sản văn hóa phi vật thể, là vốn quý cần được gìn giữ và phát huy.

Bên cạnh đó, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha vốn là một niềm tự hào thiêng liêng nhất để mỗi thế hệ con cháu mai sau noi gương và gìn giữ. Chính vì lẽ đó, sử thi ra đời như một quy luật tất yếu. Vô vàn sự kiện của đời sống xã hội đã tác động mạnh mẽ đến giác quan nhạy cảm của người cầm bút, thôi thúc họ phải viết, viết về những chiến công đáng tự hào của cha ông, về những sự kiện liên quan đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước nhằm để giáo dục truyền thống vẻ vang cho con cháu thế hệ mai sau. Nói như lời cụ Mết trong

Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành: “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe…” [45;148] thì nguyện vọng của người viết sử thi chính là để lại tài sản tinh thần vô giá cho đời sau soi chung.

Như vậy, mỗi tác phẩm văn học là một thực thể sống động và là tấm gương phản chiếu tinh thần chân thực nhất về cuộc sống con người. Với sứ mệnh cao cả, từ khi ra đời đến nay, những tác phẩm giàu tính sử thi đã đem đến cho chúng ta những giá trị kết tinh nhân văn của toàn nhân loại. Bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào còn cuộc sống, dòng mạch sử thi vẫn sẽ mãi tồn tại và chảy mãi như một mạch ngầm văn hóa thiêng liêng trong tiềm thức con người.

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 27 - 28)