đó của Nguyễn Khoa Chiêm. Hoàng Lê nhất thống chí là một câu chuyện dài viết về một thời kỳ lịch sử rối ren, phức tạp, sôi động của xã hội phong kiến Việt Nam, diễn ra trên dưới hai mươi năm. Nhìn chung, có thể thấy được diễn tiến của truyện bám sát với lịch sử, theo sát với thời gian và hoàn cảnh chuyển biến của những sự kiện lớn. Đây là tác phẩm có giá trị sử học rất đáng lưu ý, nhưng không vì vậy mà lại cho đó là một cuốn sử biên niên; bởi giá trị văn học ở đây rất cao và thực là một tác phẩm văn học đã được thẩm định theo thời gian. “Người làm công tác sử học quý trọng sử liệu chính xác như năm, tháng, thời gian, địa điểm, sự kiện diễn biến và những con người cụ thể có quan hệ đến sự kiện ấy. Người làm công tác văn học lại tìm thấy sự hoạt động chủ yếu là những con người đang sống, suy nghĩ và hành động, sự kiện lớn có thể tạo thành một bối cảnh xã hội, sự kiện nhỏ hơn lại là một chi tiết văn học. Sự kiện không che lấp con người và hoạt động của con người làm cho sự kiện như sống lại trước mắt độc giả” [28;102]. Sự nhạy cảm và tinh tế của tác giả đạt đến độ chín muồi, đủ để họ bắt kịp những vấn đề nóng bỏng của thời đại và trình bày lên trang văn đầy ắp các sự kiện sinh động, con người chân thực của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Tính thời đại của tác phẩm không chỉ sâu sắc, mà còn đậm đà tính nhân văn, vì ngòi bút đã chạm đến “những điều trông thấy” như Nguyễn Du đã từng đề cập trong Truyện Kiều.
2.1.3. Tính kế thừa trong hoạt động sáng tạo của các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí nhất thống chí
Mặc dù được viết bằng Hán văn, theo lối tiểu thuyết chương hồi, nhưng bằng bút pháp văn xuôi chân thực và sinh động, nên Hoàng lê nhất thống chí đã ghi chép lịch sử một giai đoạn đầy biến cố với những nội dung sâu sắc, có ý
nghĩa lâu dài. “Biết bao nhân vật cùng vô vàn sự kiện xảy ra nối tiếp nhau, chồng chéo nhau, có ngày tháng nơi chốn hẳn hoi đã ngay lập tức được các tác giả thu vào trong tầm mắt để rồi được trải lại trên trang sách với kết cấu đa dạng: lúc xuôi theo thứ tự thời gian, lúc đảo ngược sau trước, lúc đang kể đến chỗ gay cấn thì buộc người đọc phải chờ đợi bằng cách xen ngang vào một câu chuyện khác hoặc phải chuyển sang đọc hồi sau, lúc đang viết văn xuôi lại chen vào một vài câu thơ Hán hay vè Nôm…” [7;143-144]. Theo tác giả sách 150 thuật ngữ văn học, thì “sự thừa kế truyền thống luôn luôn đi kèm với việc đổi mới văn học, tức là cách tân nó. Cách tân là thực hiện việc tổ chức lại, tái thiết theo cách mới đối với tất cả những gì từng được các thế hệ trước nắm vững, đề xuất, sử dụng” [2;340]. Các tác giả họ Ngô đã biết kế thừa những tinh hoa của tiểu thuyết trước đó và sáng tạo nên một hình thức trình bày mới mẻ trong nghệ thuật biểu hiện và giúp tác phẩm đậm chất tiểu thuyết hơn.
Trước hết, nghệ thuật trình bày khéo léo của các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí cho chúng ta thấy được những đổi mới trong cách dẫn dắt người đọc đi vào câu chuyện họ đang kể. Sau diễn biến của những sự kiện quan trọng, sau cái chết của một số nhân vật lịch sử, tác giả đều có ghi ngày tháng để người đọc biết rõ thời gian xảy ra vụ việc. Trong khi các sách sử đều ghi ngày tháng lên đầu sự việc (nhằm nhấn mạnh thời điểm, cột mốc xảy ra sự kiện), thì cách ghi ngày tháng sau vụ việc xảy ra này là cách ghi riêng; chỉ có ở tiểu thuyết về nội dung lịch sử. Chẳng hạn:
“Tờ khải dâng lên, chúa sai đem tội phạm ra chém ngay hôm đó. Trong triều ngoài phố, ai cũng lấy làm hể hả. Bữa ấy nhằm ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Thìn (1772), niên hiệu Cảnh Hưng” [40;65].
“Thế là hai trăm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc thành bãi đất cháy đen. Xa gần nghe thấy tin đó, ai cũng thương chúa và trách vua làm quá đáng. Hôm ấy nhằm ngày mồng 8 tháng chạp năm Bính Ngọ (1786) [40;187].
“Thế là Thịnh Vương qua đời. Bữa ấy nhằm ngày 13 tháng 9 năm Nhâm Dần (1783). Chúa thọ 44 tuổi, làm chúa được 16 năm” [40;31].
Sự thành công của tác phẩm còn nhờ vào khả năng gia công và sáng tạo đáng kể của các tác giả trong việc chọn lọc, sắp xếp, hệ thống hóa những sự kiện, nhằm nêu bật những vấn đề lớn lao của thời đại. Nét độc đáo được chuyển tải từ lối kể chuyện không phụ thuộc vào trình tự thời gian và để khắc họa một vấn đề, hoặc một nhân vật, tác giả nhiều lần đảo lộn tuyến thời gian của các chi tiết, sự kiện đó. Cụ thể trong bốn hồi đầu, tác giả sắp xếp các sự kiện như sau: mở đầu tác phẩm, tác giả nói đến việc Trịnh Cán ra đời năm Đinh Dậu 1777, Trịnh Tông ra đời năm Quý Mùi 1763; năm Giáp Ngọ 1774 quận Việp đánh Đàng Trong, năm 1780 vụ án Canh Tý, năm Nhâm Dần 1782 Trịnh Sâm qua đời, cũng năm đó kiêu binh nổi loạn, năm Tân Mão 1771 thái tử Duy Vĩ bị Sâm giết, năm Nhâm Thìn chém 7 tên lính kiêu binh, năm Nhâm Dần 1782 Nguyễn Hữu Chỉnh giương buồm vào Nam theo Tây Sơn, năm Giáp Ngọ 1774 theo quận Việp, năm Bính Ngọ 1786 Nguyễn Như Phu vào Tây Sơn, năm Giáp Ngọ 1774 Thuận Hóa về tay Bắc triều, năm Bính Ngọ 1786: tháng 4 Nguyễn Huệ đánh Phú Xuân, tháng 5 Thuận Hóa bị mất, tháng 6 ngày 27 Trịnh Tông chết, ngày 29 Lý Trần Quán chết theo chủ... Lối dụng công như trên của các tác giả nhằm tạo hiệu quả cho việc chuyển tải nội dung của tác phẩm, mà không bị yếu tố thời gian chi phối. Theo đó, việc trình bày thời gian không tuân thủ luật biên niên, nhằm thể hiện dụng ý của tác giả muốn tạo sự hấp dẫn ở người đọc. Cốt truyện phát triển không theo lôgic thời gian tuyến tính, có những hồi ức ngược về quá khứ, tạo sự
gắn kết giữa các sự kiện và nhân vật, đây là một bước tiến mới trong nhận thức thời gian nghệ thuật của văn học trung đại.
Tiểu thuyết chương hồi Việt Nam nhìn chung được viết theo lối biên niên sử, song cái khung của sử biên niên cũng bị phá vỡ; vì dụng ý tác giả nhằm tập trung miêu tả sự kiện hơn là phân bố một cách đều đặn thời gian lịch sử cho mỗi hồi. “Mặc dù họ tuân thủ một cách chặt chẽ bước vận động của thời gian tuyến tính và trên trục thời gian, những sự kiện lịch sử được ghi chép đầy đủ năm tháng. Khảo sát về cách phân bố thời gian sẽ thấy có thời kỳ được miêu tả kỹ lưỡng, có thời kỳ chỉ kể đại lược” [67;150]. Bằng cách đó, luật biên niên của tiểu thuyết chương hồi trong Hoàng Lê nhất thống chí được các tác giả họ Ngô phá bỏ, và chính điều này giúp tác phẩm dần thoát khỏi lối mòn để tìm đến một hình thức thể hiện mới mẻ hơn. Ở hồi 1, tác giả chỉ kể lại sự kiện 5 năm đầu, còn hai năm 1786 và 1787 tập trung trong sáu hồi (từ hồi 5 đến hồi 10). “Điều đó chứng tỏ việc phân chia các đoạn chương hồi phụ thuộc vào ý đồ của người viết, chú trọng diễn biến sự kiện hơn là nêu sự kiện. Tổ chức các đoạn chương hồi trở thành một thao tác nghệ thuật nhằm xây dựng các hồi truyện hấp dẫn đạt yêu cầu nghệ thuật, không phải là yêu cầu ghi chép lịch sử” [67;150]. Ta có thể thấy, tác giả họ Ngô không trình bày theo lối biên niên ở chỗ: niên đại không được đặt lên đầu các sự kiện, và cách ghi niên đại cũng có lúc “ghi đủ cả ba yếu tố: niên hiệu, tuế thứ, can chi; lúc lại chỉ ghi can chi hoặc chỉ có niên hiệu” [38;68]. Trong tác phẩm, phần lớn các sự kiện có ghi thời gian đều được trình bày như vậy. Chẳng hạn, sau sự kiện Thái tử Lê Duy Vĩ bị thắt cổ chết, thời gian ghi là: “Hôm ấy nhằm ngày 20 tháng chạp, năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1771)” [40;60]; và sau sự kiện Bắc Bình Vương ra lệnh cho Võ Văn Nhậm đem quân ra Bắc dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh là câu “Bấy giờ đúng vào mùa đông năm Đinh Mùi [40;261]. Sự kiện thứ nhất ghi thời gian với hai yếu tố can chi (Tân Mão), niên
hiệu (Cảnh Hưng), còn sự kiện thứ hai chỉ có can chi (Đinh Mùi). Quả vậy, việc ghi chép các sự kiện không tuân thủ nguyên tắc biên niên, nhằm đảm bảo nội dung phản ánh, không bị chi phối bởi yếu tố thời gian của sử học. Cách trình bày tạo nên hiệu quả nghệ thuật rất lớn, giúp “cốt truyện tác phẩm của Ngô gia không phát triển theo đường thẳng tuyến thời gian, cốt truyện cũng được co dãn hơn, linh hoạt hơn. Những hồi ức ngược dòng về quá khứ đã tạo thành chất keo quyện kết các sự kiện, các nhân vật, các tình tiết… thành một hệ thống chặt chẽ, khiến câu chuyện hấp dẫn” [38;71]. Đối với sử học, tất cả các sự kiện, nhân vật, địa danh đều được các nhà chép sử ghi chép đầy đủ như những gì đã xảy ra trong lịch sử, không bỏ sót chi tiết nào, nhằm đảm bảo tính khách quan sử học. Với một tác phẩm văn học như Hoàng Lê nhất thống chí, tác giả không cố gắng đưa vào tác phẩm của mình tất cả các sự kiện, mà ở đây, mỗi sự kiện được miêu tả bao giờ cũng được chọn lọc; với mục đích phục vụ chủ đề tác phẩm. Hiệu quả của cách trình bày thời gian không theo tuyến tính là rất lớn, nó tạo điều kiện để miêu tả nhiều sự kiện cùng một lúc và mối liên kết các sự kiện cũng chặt chẽ hơn, lôgic hơn. Trên tinh thần đó, những mốc thời gian được đề cập nhiều lần, hay sự dồn nén sự kiện trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ giúp cho việc miêu tả sự kiện lịch sử sâu sắc và đầy đủ hơn.
Trong tiến trình vận động và phát triển của văn học, nhiều tác giả đã thành công trong việc đem đến một hình thức thử nghiệm mới mẻ, mà còn giúp cho văn học được đa dạng và phong phú hơn. Chúng ta có thể kể đến việc Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) từng góp phần sáng tạo nên câu thơ Nôm lục ngôn chen thất ngôn, Nguyễn Du (nửa đầu thế kỷ XIX) tạo nên cách ngắt nhịp 3/3 trong câu thơ lục bát, và ở thế kỷ XVIII, khi Hoàng Lê nhất thống chí ra đời, các tác giả họ Ngô lại góp công lớn cho thể loại truyện tự sự chữ Hán bằng cách trình bày các sự kiện không tuân thủ luật biên niên. Trên cơ sở kế thừa truyền thống và cách
tân nghệ thuật, các tác giả họ Ngô tìm đến một hình thức phù hợp nội dung mà họ muốn phản ánh. Với trách nhiệm của người cầm bút, hơn ai hết, họ luôn luôn ý thức ghi lại một cách chân thực và sinh động những sự kiện đầy ắp tính sử thi của dân tộc. Lần lượt hiện lên trên hơn bốn trăm trang giấy chính là những biến động thời cuộc; từ khi Trịnh Sâm lên ngôi đến khi Nguyễn Ánh đánh đổ Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn.