Sức mạnh quật khởi của dân tộc Đại Việt trước họa ngoại xâm

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 75)

Bộ mặt thối nát của xã hội phong kiến Lê - Trịnh nửa cuối thế kỷ XVIII đã đẩy đất nước Việt Nam lâm vào cảnh cùng cực, khi giai cấp thống trị càng lao sâu vào con đường ăn chơi sa đọa, quan lại bóc lột nhân dân bằng mọi thủ đoạn. Trước áp lực đó, tất yếu dẫn đến việc “quan bức dân phản”. Vậy nên, phong trào nông dân đã nổ ra liên tục cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài trong suốt cả thế kỷ XVIII. Đây được xem là một tất yếu của lịch sử. Đỉnh cao của phong trào nông dân khởi nghĩa chính là phong trào Tây Sơn. Đó là một phong trào mang tính chính nghĩa, nên ngay từ buổi đầu hình thành, đã được nhân dân ủng hộ và nhanh chóng tập hợp được lực lượng đông đảo các tầng lớp nghèo khổ bấy giờ.

Hoàng Lê nhất thống chí đã đề cập đến cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, mang tính chất chính nghĩa, do sự lãnh đạo của người anh hùng giải phóng là Nguyễn Huệ - Quang Trung nhằm đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước, nên được nhân dân khắp nơi ủng hộ và giành được thắng lợi. Theo Nguyễn Lộc, “Hoàng Lê nhất thống chí không nhằm miêu tả nhân dân, nhưng qua lời nói của các nhân vật, có khi qua chính lời phát biểu trực tiếp của bản thân tác giả, hình ảnh cuộc sống của nhân dân trong giai đoạn lịch sử này cũng hiện lên khá rõ” [31;248].

Các tác giả có cái nhìn rất biện chứng khi thấy được sự nổi dậy của nhân dân trong suốt cả giai đoạn lịch sử đen tối này. Nó bắt nguồn từ cuộc sống lầm than, khi cả nước là một bãi chiến trường, lúc nào con người cũng nơm nớp lo sợ. Khi kinh thành có binh biến xảy đến, thì lập tức họ tìm cách chạy về các vùng quê, giành giật lấy đò qua sông, bọn vô lại thì cướp bóc, “tiếng kêu khóc vang động trời đất” [40;268]. Nguyễn Hữu Chỉnh đến làng Bái Hạ, liền thả quân ra giết vô số kể những người già trẻ con, Vũ Văn Nhậm thì “thả lính lùng khắp các nhà dân ở phường phố” để lấy của. Nhậm còn bắt hết nhân dân quanh vùng kinh kỳ đắp thành Đại La “ngày đêm đốc thúc, không cho nghỉ ngơi chút nào, đến nỗi có người đang đội đất mà ngã sụp xuống” [40;248]. Khi Tôn Sĩ Nghị dẫn quân sang xâm chiếm nước ta, quân lính của hắn tìm mọi cơ hội “kiếm mọi cách vu hãm những người lương thiện, áp bức cướp bóc những nhà giàu có, thậm chí giữa chợ, giữa đường cũng cướp giật của cải, hãm hiếp đàn bà không còn kiêng sợ gì cả, nhân dân ở quanh kinh kỳ luôn luôn bị khổ sở với bọn họ” [40;344]. Những biến cố ở kinh đô, hay ở các địa phương, đều có mặt của nhân dân, và họ đều có ý kiến nhận xét. Trước những việc làm vô liêm sỉ của Lê Chiêu Thống, người trong kinh kết luận rất xác đáng: “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế” [40;344]. Họ phê phán hành động lộng quyền của Quận Huy, lên án việc Quận Huy tư thông với Thị Huệ, và cũng là ngầm lên án cả chế độ quan lại trong triều bấy giờ: “Trăm quan ít sáng nhiều mờ, để cho Huy Quận vào sờ chính cung” [40;34].

Hoàng Lê nhất thống chí không chỉ miêu tả sức mạnh thần kỳ của nghĩa quân Tây Sơn, các tác giả Ngô Thì còn đề cập sứ mệnh lịch sử của quần chúng nhân dân, đủ để cho thấy vai trò không kém phần quan trọng của họ. Đứng trước những thời khắc bước ngoặt của lịch sử, vai trò của quần chúng nhân dân được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Hiện thực hóa lịch sử trên trang văn, sao cho trung

thực và sống động, luôn là bản lĩnh và tài năng của người cầm bút. Và các tác giả Ngô Thì đã đứng ở góc độ khách quan nhất, để phản ánh về phong trào nông dân chống ngoại xâm. Những cuộc khởi nghĩa đã nổ ra kết tinh lại trong phong trào Tây Sơn, đã quét sạch các thế lực thống trị Đàng Ngoài là Lê - Trịnh, đồng thời đẩy thế lực chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào thế khốn cùng.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước và giữ nước, thực tế lịch sử cũng đã chứng minh điều này. Đó không chỉ là sức mạnh, sự đoàn kết mà còn là bản sắc tinh thần dân tộc có trong mỗi người dân đất Việt, khi tổ quốc lâm nguy. Vua Lê Chiêu Thống phản động, bất tài, nhu nhược “rước voi về giày mả tổ”, giặc ngoại xâm nhà Thanh hùng mạnh lăm le ở phương Bắc. Hai mối đe dọa, hai hiểm họa thù trong - giặc ngoài cùng lúc xuất hiện đặt ra sứ mệnh đấu tranh của toàn thể dân tộc. Đây chính là lúc vùng lên của quần chúng nhân dân nghèo khổ; và là lúc họ chứng tỏ sức mạnh của giai cấp mình, nhằm thiết lập một nền hòa bình mới.

Trong cuộc tiến quân ra Bắc lần thứ ba, nhằm tiêu diệt bọn phản động nhà Lê và dẹp tan quân Mãn Thanh tràn đến từ phương Bắc, người anh hùng áo vải Quang Trung đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Thiếp (cống sĩ ở huyện La Sơn) bàn về phương án đánh giặc. Theo đó, Nguyễn Huệ - Quang Trung được biết rằng “bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã”, nhân dân đã mất hết niềm tin vào triều đình. Nắm được tình hình này, vua Quang Trung rất mừng, liền sai đại tướng của mình kén quân lính ở Nghệ An “cứ ba suất đinh thì lấy một người”. Dân chúng lúc bấy giờ ủng hộ và sẵn sàng theo nghĩa quân Tây Sơn chiến đấu, nhằm khôi phục hòa bình, nên “chưa mấy lúc đã được hơn một vạn quân tinh nhuệ” [40;355]. Sau đó, vua Quang Trung đã dùng những lời lẽ chân thành để khẳng định tính chất chính nghĩa của quân Tây Sơn, nhằm thôi thúc sức mạnh chiến đấu của quân lính “các ngươi đều là những kẻ có lương tri lương

năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn” [40;356]. Trong trận Hà Hồi nửa đêm mồng 3, vua Quang Trung bắc loa truyền gọi, tiếng quân sĩ đồng thanh luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng, nghe như có vạn người khiến “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết” [40;359]. Sự đoàn kết trong nội bộ nghĩa quân Tây Sơn đã làm nên thành công trong trận chiến đấu mở màn. Sáng ngày mồng 5, dưới sự chỉ đạo tài tình của vua Quang Trung, quân đội Tây Sơn bằng cả sức mạnh và ý chí, họ “xông thẳng lên trước…nhất tề mà đánh” làm khói lửa bốc lên đầy trời [40;360]. Chưa ở đâu, hình ảnh những quần chúng nhân dân lại tỏa sáng và phi thường đến như vậy. Quân tượng binh của Tây Sơn cũng được huy động vào cuộc chiến, khi thấy họ từ Đại Áng tới, quân Thanh “hết hồn hết vía” [40;360], quân Tây Sơn lùa voi giày đạp chết đến hàng vạn người” [40;360]. Sự tấn công ồ ạt khiến quân Thanh không kịp trở tay, “thây chết đầy đồng, máu chảy thành suối” [40;360], Tôn Sĩ Nghị “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy” [40;361]. Bọn quân sĩ nghe tin “đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều” [40;361]. Đánh bại hai mươi vạn quân Thanh tinh nhuệ và tàn bạo khét tiếng, thực sự là một chiến công vĩ đại của phong trào Tây Sơn. Tác giả họ Ngô đã dành những trang đẹp nhất, oai hùng nhất để ca ngợi sức mạnh cũng như sự quật khởi của quần chúng nhân dân. Trước thời khắc sinh tử của vận mệnh xã tắc, không ai khác ngoài họ đã thực hiện sứ mệnh cao cả của giai cấp mình là đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng đất nước. Đây chính là tư tưởng tiến bộ trong nhãn quan giai cấp của các tác giả Ngô Thì, khi họ đánh giá đúng vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nếu như việc đề cao tài trí người anh hùng áo vải Tây Sơn được xem là mang tính sử thi, thì việc xây dựng hình tượng quần chúng nhân

dân là để tô đậm thêm chiến công cho người anh hùng; và ngược lại, người anh hùng áo vải Quang Trung chính là biểu tượng kết tinh của trí tuệ và sức mạnh của nhân dân; bởi hình tượng nhân dân luôn “có sức mạnh hòa hợp, luôn tiếp sức cho người anh hùng làm nên những chiến công hiển hách” [13;302].

Trên nền hiện thực đầy giông bão của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII,

Hoàng Lê nhất thống chí thực sự là một tác phẩm văn học có giá trị trong việc ghi chép lại toàn cảnh xã hội; và là những trang văn sống động về lịch sử xã hội đương thời. Chưa bao giờ và chưa ở đâu, sự thật lịch sử lại xác thực và giàu hình ảnh như vậy. Bằng sự kết hợp hài hòa, khéo léo giữa truyền thống và cách tân,

Hoàng Lê nhất thống chí đã cho chúng ta thấy được tài năng của các tác giả Ngô Thì trong việc sáng tạo một hình thức thể hiện mới cho đứa con tinh thần của họ. Với khả năng bao quát lớn, Hoàng Lê nhất thống chí đã phơi trần bộ mặt mục ruỗng, thối nát, sụp đổ, suy vong của chế độ phong kiến Việt Nam đương thời. Những nền nếp, lề lối, kỷ cương phong kiến tốt đẹp được gây dựng bao đời trước, thì đến nửa cuối thế kỷ XVIII này bị xuống cấp một cách trầm trọng, không gì có thể vãn hồi được. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đã tái hiện những trang văn đậm đà chất sử thi của thời đại, nhằm phản ánh sức mạnh vũ bão của phong trào Tây Sơn. Có thể nói, mặc dù tư tưởng chính thống của các tác giả họ Ngô vẫn là tôn phò nhà Lê, nhưng bằng ngòi bút khách quan và sự vượt qua được thiên kiến giai cấp, nên họ đã nhìn nhận và ghi chép một cách chân thực, đầy đủ nhất về phong trào Tây Sơn, cùng sức mạnh quật khởi của dân tộc Đại Việt trước bước ngoặc quan trọng của lịch sử. Hoàng Lê nhất thống chí lần lượt dẫn dắt độc giả hòa mình vào bầu không khí sục sôi chiến đấu, với quyết tâm cao ngất trời của toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo tài ba của người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ - Quang Trung. Có thể nói, vai trò của quần chúng nhân dân đã được nhìn nhận đúng đắn bằng cảm quan nghệ thuật tiến bộ của các tác

giả họ Ngô. Và nhờ vậy, Hoàng Lê nhất thống chí thực sự trở thành bản anh hùng ca của thời đại với giọng điệu ngợi ca đầy hào sảng. Tác phẩm vượt qua sự ghi chép thông thường, đã ghi lại dấu ấn của thời đại với những sự kiện nổi bật của lịch sử, bằng những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, giàu giá trị văn chương nhất trong dòng tiểu thuyết chương hồi trung đại Việt Nam.

Chương 3

Một phần của tài liệu Tính chất sử thi trong Hoàng Lê nhất thống chí (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w