Khi tìm hiểu lý do dẫn đến việc thực hiện những hành vi trên thì hầu hết các em thực hiện đều cho rằng do sự tò mò về cơ thể của bạn khác và do bị các bạn khác khiêu khích [Xem phụ lục bảng 29]. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi vì như chúng ta biết ở lứa tuổi vị thành niên cơ thể các em bắt đầu phát triển, tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Chính vì vậy các em rất tò mò về cơ thể của mình và đặc biệt là cơ thể của các bạn khác giới.
Theo kết quả khảo sát định tính cũng cho thấy; Em N.M.T có thực hiện hành vi bạo lực tình dục ở hành vi cố tình đụng chạm đến chỗ nhạy cảm của bạn khác cũng chia sẻ: “Hôm đó mấy đứa bạn em đã thách em đụng vào ngực của nhỏ D học
cùng lớp, lúc đó nói thật chị chứ một phần vì sự thách đố của mấy đứa bạn, một phần vì em cũng tò mò muốn biết nên em đã làm việc đó” [Trích phỏng vấn sâu học
sinh, số 3]
Mặt khác trong cuộc khảo sát này cho thấy trong tổng số các em học sinh có thực hiện hành vi bạo lực về tình dục.Việc thực hiện diễn ra cả trong và ngoài trường học có tỷ lệ tương đương nhau và chủ yếu là thực hiện theo nhóm bạn [xem bảng số liệu 30].
Qua đó cho chúng ta thấy được bạo lực về tình dục tồn tại ở các em học sinh tại địa bàn nghiên cứu, nhìn chung nhóm bạo lực về tình dục xảy ra ít hơn so với ba nhóm hình thức bạo lực nêu trên, bạo lực tình dục được thực hiện chủ yếu ở học sinh nam. Việc thực hiện hành vi bạo lực về tình dục xảy ra chủ yếu ở hành vi cố
tình đụng chạm đến chỗ nhạy cảm, được các em học sinh thực hiện ở trong và ngoài
trường học.
Tóm lại trong nghiên cứu vấn đề thực trạng bạo lực học đường ở lứa tuổi vị thành niên hiện nay chúng tôi rút ra được một số kết luận sau đây: Bạo lực học đường ở lứa tuổi vị thành niên hiện nay tồn tại ở cả 4 nhóm hình thức: Bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế và bạo lực về tình dục, không có sự khác biệt trong việc thực hiện các hình thức bạo lực thể xác, tinh thần và kinh tế so
với giới tính. Khi thực hiện các hình thức bạo lực tùy từng hành vi bạo lực mà các em thực hiện trong hay ngoài trường học. Đặc biệt hơn nữa gần đây, báo chí nước ta đề cập rất nhiều vấn đề bạo lực học đường xảy ra ở các em học sinh với những hành vi vô cùng khủng khiếp là sử dụng các vũ khí như dao găm, má tấu để giải quyết những xung đột và gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Chính vì vậy để giảm tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng hiện nay, chúng ta cần phải đi vào phân tích và tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến việc tại sao các em học sinh lại thực hiện những hành vi trên, phần tiếp theo chúng tôi sẽ đi vào tập trung phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện những hành vi bạo lực ở các em học sinh.
Việc phân chia các hình thức bạo lực như trên nhằm mục đích để dễ dàng nhận thức, tuy nhiên trong thực tế rất khó để phân định một cách rạch ròi các ranh giới của các loại hình bạo lực. Có những hành động bạo lực thường kết hợp hai hoặc nhiều hình thức bạo lực, ví dụ: hành vi đánh đập (bạo lực thể xác) thường đi kèm với chửi mắng, nhiếc móc (bạo lực tinh thần); hoặc bạo lực tình dục thường kết hợp cả hai hình thức bạo lực thể xác (cưỡng bức - trường hợp cưỡng dâm, hiếp dâm) và bạo lực tinh thần, tình cảm (cảm giác tủi hổ, nhục nhã của nạn nhân) [Gia đình và biến đổi gia đình Việt Nam, Lê Ngọc Văn, 2012]. Chính vì vậy trong giới hạn của luận văn chúng tôi chỉ lấy biến số phụ thuộc là có hay không hành vi bạo lực trong vòng 12 tháng xét trong tương quan với những yếu tố khác để tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện hành vi bạo lực ở các em học sinh hiện nay.
Chương 3
NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN BLHĐ Ở LỨA TUỔI VỊ THÀNH NIÊN Ở LỨA TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
Qua việc tổng quan tài liệu và tham khảo các nghiên cứu đi trước, chúng tôi nhận thấy việc thực hiện hành vi bạo lực ở các học sinh bị chi phối bởi nhiều yếu tố: gia đình, nhà trường, xã hội và ngay cả chính bản thân các em học sinh. Do đó để tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện hành vi bạo lực. Chúng tôi tập
trung phân tích ở yếu tố cá nhân: giới tính, lớp đang theo học, nhận thức về hành vi bạo lực và hậu quả gây ra, nhóm bạn bè; yếu tố gia đình: hoàn cảnh gia đình, cách ứng xử của cha mẹ, bạo lực trong gia đình; nhà trường: cách ứng xử của thầy cô giáo, việc học môn giáo dục công dân; xã hội: phương tiện truyền thông đại chúng mà chủ yếu là phim truyện bạo lực và game bạo lực.
3.1. Yếu tố cá nhân
Có thể nói yếu tố cá nhân có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện hành vi bạo lực ở các em học sinh, trong nghiên cứu này đề cập đến những yếu tố: giới tính, lớp đang theo học, nhóm bạn và nhận thức của các em về các hành vi bạo lực.
3.1.1. Giới tính
Giới tính có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện hành vi bạo lực. Như chúng ta cũng biết ở nam và nữ thường có sự khác biệt về vị trí, mối quan hệ xã hội, hành vi, lối sống. Nam giới thường có khuynh hướng mạnh mẽ và dễ gây hấn nên có khả năng dẫn đến việc thực hiện hành vi bạo lực trong khi đó thì nữ giới thường cẩn thận, chu đáo ít khi sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuân xảy ra. Tuy nhiên kết quả khảo sát trong cuộc nghiên cứu này cho chúng tôi thấy:
Bảng 3.1 Tương quan giữa việc thực hiện hành vi bạo lực so với giới tính
Hành vi bạo lực10 Nam Nữ Tổng
N % N % N %
Có 24 22.9 26 24.8 50 23.8
Không 81 77.1 79 75.2 160 76.2