Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân phƣờng.

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền phường ở nước ta (Qua thực tiễn thành phố Hà Nội) (Trang 25 - 31)

1.2.1.1. Cách thức thành lập Hội đồng nhân dân phường

Cũng như Hội đồng nhân dân xã, thị trấn, Hội đồng nhân dân phường được thành lập thông qua bầu cử trực tiếp của cử tri sinh sống trên địa bàn phường theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín được quy định tại Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, khoản 1, điều 9, Luật bầu cử

đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 quy định: “Phường có từ tám nghìn người trở xuống được bầu 25 đại biểu, có trên 8000 người thì cứ thêm 4000 người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu”.

Khái niệm “người” trong luật này được hiểu là cư dân sinh sống trên địa bàn phường, có thể là người có hộ khẩu thường trú, có thể là người đăng ký tạm trú dài hạn mà không phân biệt lứa tuổi. Còn khái niệm “cử tri” - đó là những người từ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi để đi bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Cử tri ở nước ta bao gồm cả lực lượng vũ trang nhân dân.

Về tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân phường, điều 2 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 quy định tiêu chuẩn chung của đại biểu ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đều giống nhau, đó là: “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp và thời hạn cư trú, đủ 21 tuổi trở lên”. Một người chỉ có thể được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân không quá hai cấp, nếu người đó đang là đại biểu Quốc hội thì chỉ được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp. Ngoài tiêu chuẩn chung như: Trung thành với Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật; có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân còn phải “am hiểu tình hình kinh tế - xã hội để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương và có điều kiện về sức khỏe và thời gian để tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân” (Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003).

Các tiêu chuẩn nêu trên chỉ mang tính chất định tính, vì thế rất khó có thể nhận định, đánh giá một cách cụ thể của một đại biểu cụ thể. Đặc biệt trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 -2009 ở nước ta, lần đầu tiên quy định việc kê khai tài sản của ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân tại Nghị quyết số 478/ 2004/ NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một quy định mới nhằm góp phần chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước, tăng cường sự giám sát của nhân dân. Nhưng trên thực tế, việc kê khai tài sản mới chỉ là hình thức, chưa có hiệu quả thiết thực, nhất là đối với các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân đang giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.

1.2.1.2. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân phường.

- Là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong phạm vi hẹp nên cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân phường thu gọn hơn so với Hội đồng nhân dân cấp trên. Hội đồng nhân dân phường chỉ tổ chức Thường trực Hội đồng nhân dân gồm Chủ tịch và phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, còn Hội đồng nhân dân cấp trên

phường ngoài Thường trực còn có các Ban. Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Uỷ ban nhân dân cùng cấp (điều 5 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003). Đây cũng là điểm mới so với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1994, vỡ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1994 không gọi là “Thường trực Hội đồng nhân dân”.

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân bằng hình thức bỏ phiếu kín. Là người thay mặt Hội đồng nhân dân trong các quan hệ thuộc nhiệm vụ quyền hạn của mình, là người ký các văn bản, nghị quyết của Hội đồng nhân dân; điều hành và chủ toạ các cuộc họp của Hội đồng nhân dân. Người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân không quá hai nhiệm kỳ (điều 8)

Ngoài ra, các đại biểu Hội đồng nhân dân phường còn được chia thành các tổ đại biểu hoạt động tại các khu dân cư ở cở sở, thực hiện việc giám sát, phản ánh tâm tư nguyện vọng và những bức xúc của người dân tới Hội đồng nhân dân trong các kỳ họp.

1.2.1.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường.

- Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường, xã, thị trấn được Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 quy định trong 7 điều (từ điều 29 đến điều 35) ở hầu hết các lĩnh vực. Đó là:

Lĩnh vực kinh tế (điều 29); lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội và đời sống, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ tài nguyên, môi trường (điều 30); lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội (điều 31); thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo (điều 32); lĩnh vực thi hành pháp luật (điều 33); xây dựng chính quyền địa phương (điều 34). Ngoài ra điều 35 còn quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường gồm: “Quyết định biện pháp thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch đô thị; thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; bảo đảm trật tự giao thông đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn phường; quyết định biện pháp xây dựng nếp sống văn minh đô thị; biện pháp phòng, chống cháy, nổ, giữ gìn

vệ sinh; bảo vệ môi trường, trật tự công cộng và cảnh quan đô thị trong phạm vi quản lý; quyết định biện pháp quản lý dân cư và tổ chức đời sống nhân dân trên địa bàn phường”.

- Nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân phường:

+ Về nhiệm vụ: Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ như: tham dự

đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Hội đồng nhân dân, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (điều 38); liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, thực hiện chế độ tiếp xúc và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó (điều 39). Có trách nhiệm trả lời cử tri khi nhận được yêu cầu hợp pháp từ phía cử tri (điều 40)

+ Về quyền hạn: Điều 42 quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền:

Yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân kịp thời chấm dứt những việc làm trái pháp luật, chính sách của nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan, tổ chức đơn vị đó; kiến nghị với cơ quan nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách của nhà nước và về những vấn đề thuộc lợi ích chung; đề nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

Ngoài ra, đại biểu Hội đồng nhân dân có “quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân” (Điều 41). Đây là quyền quan trọng nhất, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm và trình độ của đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động của mình tại các kỳ họp.

Đại biểu Hội đồng nhân dân không tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân theo hai hình thức, bắt buộc và tự nguyện, đó là một trong ba trường hợp sau:

- Tự nguyện xin thôi làm đại biểu Hội đồng nhân dân vì lý do sức khỏe hoặc lý do cá nhân khác (điều 45). Trường hợp này do Hội đồng nhân dân xét và quyết định.

- Không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì đại biểu có thể bị Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm. Nếu Hội đồng nhân dân bãi nhiệm phải được hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành. Còn trong trường hợp cử tri bãi nhiệm thì do ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định (điều 46). Nhưng trên thực tế việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân đến nay chưa được thực hiện vì chưa được quy định cụ thể.

- Điều 47 quy định “trường hợp đương nhiên mất quyền đại biểu Hội đồng nhân dân” khi đại biểu đó phạm tội, bị Tòa án kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

1.2.1.4. Hình thức và phương pháp hoạt động của Hội đồng nhân dân phường.

- Về hình thức hoạt động của Hội đồng nhân dân phường. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực, quyết định những nội dung quan trọng về kinh tế – xã hội của phường qua hình thức hội nghị. Điều 48 quy định: “Hội đồng nhân dân ra nghị quyết và giám sát việc thực hiện các nghị quyết đó; những nghị quyết về các vấn đề mà pháp luật quy định thuộc quyền phê chuẩn của cấp trên thì trước khi thi hành phải được cấp trên phê chuẩn”.

+ Số lượng các kỳ họp của Hội đồng nhân dân theo quy định “cứng” mỗi năm hai kỳ, ngoài ra còn có thể tổ chức kỳ họp bất thường hoặc theo chuyên đề để quyết định những nội dung khác nhau. Có thể họp kín hoặc họp công khai tùy theo tính chất nội dung kỳ họp nếu xét thấy cần thiết.

Khi quyết định những nội dung thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng nhân dân quyết định biểu quyết bằng ba hình thức: giơ tay - bỏ phiếu kín, hoặc bằng hình thức khác theo đề nghị của chủ tọa kỳ họp.

- Về phương pháp hoạt động của Hội đồng nhân dân phường: đó là hoạt động giám sát. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Giám sát là hoạt động của Hội đồng nhân dân để xem Uỷ ban nhân dân, các cán bộ có thẩm quyền và các cơ quan chức năng thực hiện các nghị quyết của mình tới đâu, qua đó thấy rõ năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu các cơ quan dân cử, các cơ quan có thẩm quyền khác, thấy được những nghị quyết của mình có hiệu lực như thế nào để kịp thời điều chỉnh, phát huy mặt tích cực, hạn chế những khiếm khuyết của các nghị quyết đó. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân phường được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Giám sát của Hội đồng nhân dân phường bao gồm:

+ Giám sát của Hội đồng nhân dân (điều 57), đó là: Xem xét các báo cáo của các Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân cùng cấp; xem xét việc trả lời chất vấn tại phiên họp; xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp; thành lập đoàn giám sát khi thấy cần thiết; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu. Các hoạt động trên theo một trình tự, thủ tục được quy định tại các điều 58, 59, 60, 61, 61, 63, 64 và điều 65 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003.

+ Giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân (điều 66) bao gồm: Giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; giám sát các cơ quan, tổ chức và công dân trong việc thi hành pháp luật. Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền: quyết định chương trình giám sát (điều 67); thành lập và tổ chức Đoàn giám sát (điều 68, 69); trình Hội đồng nhân dân phường xem xét các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân phường trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật (điều 70); trình Hội đồng nhân dân phường bỏ phiếu tín nhiệm những người

giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu (điều 71) và “tổng hợp kết quả giám sát, trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định xử lý theo thẩm quyền” (điều 73);

+ Đối với hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân phường được thực hiện trong kỳ họp và ngoài kỳ họp thông qua hình thức tiếp nhận kiến nghị của cử tri, phản ánh kiến nghị đó với kỳ họp Hội đồng nhân dân phường và chất vấn những người có trách nhiệm, đồng thời báo cáo lại với cử tri về những hoạt động của mình sau mỗi kỳ họp.

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền phường ở nước ta (Qua thực tiễn thành phố Hà Nội) (Trang 25 - 31)