Khả năng thanh khoản là vấn đề hết sức căn bản trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng. Vấn đề đối với bất cứ một ngân hàng nào là phải duy trì một mức thanh khoản hợp lý trên cơ sở cân nhắc nhu cầu thanh toán (chi trả) và chi phí của khoản dự trữ. Một mức dự trữ tiền mặt, các tài sản có tính thanh khoản cao sẽ đáp ứng tốt khả năng chi trả thường xuyên và bất thường tuy nhiên nó cũng đòi hỏi một chi phí cao. Đôi khi gánh nặng chi phí đi kèm với khả năng thanh khoản cao.
Không chỉ phục vụ cho các dịch vụ thanh toán của khách hàng, ngân hàng có nhiều nhu cầu đòi hỏi khả năng thanh toán hợp lý. Xác định nhu cầu thanh khoản là bước đầu tiên trong chức năng quản lý tính thanh khoản của ngân hàng. Bước tiếp theo là việc xác định nguồn cung. Cung và cầu thanh khoản được khái quát như sau:
Bảng 1.2. Cung cầu thanh khoản
Cung vốn thanh khoản Cầu thanh khoản
- Tiền gửi không kỳ hạn trên các tài khoản vãng lai.
- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
- Doanh thu từ hoạt động dịch vụ thanh toán.
- Thanh toán nợ của khách hàng - Bán tài sản ngân hàng
- Tiền vay từ thị trường tiền tệ
- Khách hàng rút tiền từ tài khoản tiền gửi bao gồm: thời hạn và không thời hạn.
- Chuyển tiền phục vụ các hoạt động thanh toán của khách hàng.
- Các khoản chi hoạt động dịch vụ thanh toán.
- Các khoản vay phi tiền gửi, vay vốn khác.
- Chi phí cho các hoạt động kinh doanh khác.
- Thanh toán cổ tức (nếu có)
Như vậy, nhu cầu thanh khoản của hoạt động dịch vụ thanh toán đến từ: Các khoản rút tiền gửi, các khoản chuyển tiền của khách hàng, các khoản chi cho hoạt
động cung ứng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra công thức xác định chỉ tiêu “trạng thái thanh khoản ròng - NLP”
NLP = (Lượng tiền gửi + Doanh thu bán dịch vụ + thanh toán nợ của khách hàng + Vay nợ trên thị trường) – (Tiền rút ra gồm tiền chuyển khoản + Quy mô vay được chấp nhận + Thanh toán nợ của ngân hàng + Chi hoạt động + Thanh toán cổ tức)
Nhu cầu và cung thanh khoản phục vụ hoạt dịch vụ thanh toán không tách rời cung cầu chung của toàn ngân hàng. Việc quản lý tính thanh khoản xoay quanh hai nội dung:
+ Rất hiếm và gần như không thể tồn tại trạng thái cầu và cung thanh khoản là trùng khớp và do đó ngân hàng luôn phải đối mặt với sự thặng dư hoặc thâm hụt vốn thanh khoản.
+ Giữa khả năng thanh khoản và khả năng sinh lời có sự đánh đổi. Với giả định các yếu tố khác không đổi, nếu ngân hàng càng tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thanh toán thì khả năng sinh lợi dự kiến càng thấp.
Có rất nhiều lý do khiến ngân hàng luôn phải đối mặt với các vấn đề thanh khoản trong đó phải kể đến những lý do sau đây:
Thứ nhất, ngân hàng huy động lượng lớn từ các nguồn ngắn hạn để tài trợ cho các khoản tín dụng dài hạn. Đó là nguyên nhân mất cân bằng về kỳ hạn giữa vốn và tài sản.
Thứ hai, Tính nhạy cảm với lãi suất. Sự thay đổi lãi sất sẽ dẫn đến sự thay đổi quy mô khoản tiền gửi, tiền vay theo đó nó làm thay đổi giá trị tài sản mà ngân hàng nắm giữ. Như vậy, lãi suất làm thay đổi cả nhu cầu và cung thanh khoản. Hơn nữa, chi phí vốn của ngân hàng cũng sẽ thay đổi làm thay đổi quyết định về trạng thái thanh khoản ròng.
Thứ ba, Là yếu tố đặc trưng của hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán. Ngân hàng luôn nắm giữ những khoản tiền gửi vô thời hạn như tiền gửi thanh toán, séc bảo chi... do đó các yêu cầu thanh toán của khách hàng là tức thời.