Nguyên tắc “Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc”

Một phần của tài liệu Pháp luật nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại việt nam trong tương quan so sánh với pháp luật nước ngoài (Trang 43 - 46)

của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc

Pháp luật Việt Nam ghi nhận và khuyến khích việc nuôi con nuôi trong nước giữa công dân Việt Nam với nhau và đặc biệt Nhà nước ta đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo cho trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất. Đó là trước hết, cần phải ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em được sinh sống ngay tại môi trường gia đình của mình, vì đó là môi trường tốt nhất, lí tưởng nhất cho sự phát triển của trẻ em. Nhà nước và xã hội tạo mọi điều kiện như trợ giúp về kinh tế, giáo dục, giúp cha, mẹ đẻ tránh khỏi nguy cơ nghèo đói ... Mục đích của các chính sách này là để tạo điều kiện cho cha, mẹ đẻ có đủ điều kiện tự đảm đương việc nuôi dưỡng và chăm sóc con ngay tại gia đình của mình. Nếu giải pháp tạo điều kiện để trẻ em sinh sống trong môi trường gia đình không thực hiện được (ví dụ, cha, mẹ của trẻ em bị chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc quá nghèo đói ...) thì có thể xem xét khả năng đưa trẻ em đó vào sinh sống tại các cơ sở nuôi dưỡng, các trung tâm nuôi trẻ mồ côi ở trong nước. Nếu giải pháp này không thực hiện được (ví dụ, các trung tâm nuôi dưỡng bị quá tải) thì mới phải chọn đến giải pháp cho trẻ em làm con nuôi. Nếu đã quyết định chọn giải pháp nuôi con nuôi, trước tiên cần phải ưu tiên cho giải pháp nuôi con nuôi trong nước, vì như vậy về cơ bản trẻ em vẫn được sinh sống tại môi trường văn hoá của mình (ngôn ngữ, hoàn cảnh địa lí, tâm lí dân tộc...). Nếu giải pháp nuôi con nuôi quốc gia cũng không thực hiện được (không có hoặc không thể tìm được gia đình nuôi thích hợp ngay tại nước mình) thì mới xem xét, tính đến giải pháp nuôi con nuôi quốc tế. Bởi vì, việc dịch chuyển trẻ em đến một môi trường khác lạ về văn hóa, ngôn ngữ, điều kiện sống... không phải là việc làm tốt cho sự phát triển về tâm sinh lí của trẻ em, nhất là đối với những trẻ em lớn tuổi.

Luật nuôi con nuôi ghi nhận nguyên tắc “Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc” chính là yêu cầu từ thực tiễn của việc nhận nuôi con nuôi cũng như quá trình phát triển của đứa trẻ được nhận nuôi. Gia đình nơi trẻ em được sinh ra được coi là môi trường lý tưởng nhất cho sự phát triển của trẻ, do còn non nớt cả về thể chất lẫn trí tuệ nên khi lớn lên và được sự chăm sóc, đùm bọc của những thành viên trong gia đình là điều vô cùng quan trọng, điều đó giúp cho trẻ em sự gần gũi trong cách sống, phong tục cũng như về tính cách trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, đó là từ những hạn chế đang còn tồn tại trong quá trình cho và nhận con nuôi, vẫn còn tồn tại những vụ môi giới cho con nuôi ra nước ngoài nhằm trục lợi bất chính, lợi dụng trẻ em như một “món hàng” để kiếm lời mà không quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của trẻ, sự tự nguyện và bình đẳng của trẻ. Nên việc quy định trên là cần thiết để đảm bảo cho trẻ một môi trường sống tốt nhất, phù hợp nhất với trí tuệ và thể chất của trẻ được nhận làm con nuôi.

Và đây cũng là một nguyên tắc được thừa nhận trong cộng đồng quốc tế. Điều 3 Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về các nguyên tắc pháp lý và xã hội liên quan đến phúc lợi và bảo vệ trẻ em ghi nhận “ưu tiên hàng đầu đối với trẻ em là

phải được cha mẹ đẻ chăm sóc’. Lời nói đầu Công ước của Liên Hợp Quốc về

quyền trẻ em ghi nhận “ tin tưởng rằng, gia đình với tư cách là nhóm xã hội cơ

bản và là môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của tất cả các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em có sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết có thể đảm đương đầy đủ các trách nhiệm của mình trong cộng đông”. Lời nói đầu

của Công ước Lahay năm 1993 ghi nhận “nhắc lại rằng, mỗi nước cần ưu tiên

thực hiện các biện pháp thích hợp để trẻ em có thể được chăm sóc trong gia đình gốc của mình”.

Quy định mới này làm thay đổi hoàn toàn quá trình cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Điều bắt buộc là các cơ quan có thẩm quyền cũng phải chú ý đến “quyền sống trong môi trường gốc” của các em, chỉ khi không tìm được một mái ấm gia đình trong nước thì lúc này mới tiếp tục công việc tìm một mái ấm ở một nước ngoài. Đồng thời, để đảm bảo thực hiện việc nuôi con nuôi vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ, pháp luật Việt Nam còn đưa ra nguyên tắc trong việc xác định thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế cho trẻ. Theo Điều 5 Luật nôi con nuôi, thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế cho trẻ thực hiện như sau:

a) Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; c) Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; d) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; đ) Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.

Quy định trên, thể hiện rất rõ “thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế”, ưu tiên đầu tiên những người thân trong gia đình, là những người có quan hệ nuôi dưỡng hoặc huyết thống với trẻ em như cha dượng, mẹ kế, cô, dì, chú, bác ruột. rồi sau đó mới đến công dân Việt Nam ở trong nước. Nhưng người nước ngoài thường trú ở Việt Nam sẽ được ưu tiên hơn so với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, vì dù sao thì người nước ngoài thường trú ở Việt Nam thì họ vẫn ở trong lãnh thổ của Việt Nam, trẻ vẫn có thể tiếp xúc được với người Việt Nam, phong tục tập quán, ngôn ngữ….còn với trường hợp công dân Việt Nam đã

định cư ở nước ngoài thì đó là môi trường hoàn toàn khác hẳn, cả về ngôn ngữ, phong tục tập quán lẫn con người. Và cuối cùng là người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

Một phần của tài liệu Pháp luật nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại việt nam trong tương quan so sánh với pháp luật nước ngoài (Trang 43 - 46)