Trình tự, thủ tục đăng kí nuôi con nuô

Một phần của tài liệu Pháp luật nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại việt nam trong tương quan so sánh với pháp luật nước ngoài (Trang 79 - 87)

- Các bên ký kết cam kết thực hiện những biện pháp hợp tác nhằm bảo đảm

2.5. Trình tự, thủ tục đăng kí nuôi con nuô

Thủ tục giải quyết việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài được quy định tại khoản Điều 31, 34, Điều 36, Điều 37 Luật nuôi con nuôi năm 2010 và được quy định cụ thể tại Điều 17, 18, 19, 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP. Theo đó, có thể chia quá trình giải quyết nuôi con nuôi thành các bước sau:

Thứ nhất: Nộp, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ của người xin nhận con nuôi

Theo Điều 17 Nghị định số 19/2011/ NĐ- CP, Cục con nuôi là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ xin nhận con nuôi. Hồ sơ của người nhận con nuôi bao gồm các loại giấy tờ được quy định tại Điều 14 Nghị định số 19/2011/ NĐ-CP. Tùy từng trường hợp cụ thể người xin nhận con nuôi có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Cục con nuôi. Cụ thể:

1. Trường hợp nhận con nuôi đích danh, thì người nhận con nuôi trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi. Trường hợp có lý do chính đáng mà không thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi, người nhận con nuôi ủy quyền bằng văn bản cho người có quan hệ họ hàng, thân thích thường trú tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi hoặc gửi hồ sơ cho Cục Con nuôi qua đường bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm.

2. Trường hợp nhận con nuôi không đích danh, thì người nhận con nuôi thường trú tại nước là thành viên của điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam nộp hồ sơ cho Cục Con nuôi thông qua tổ chức con nuôi của nước đó được cấp phép hoạt động tại Việt Nam; nếu nước đó không có tổ chức con nuôi được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, thì người nhận con nuôi nộp hồ sơ cho Cục Con nuôi thông qua Cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc Cơ quan Lãnh sự của nước đó tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Cục Con nuôi xem xét, tiếp nhận hồ sơ của người nhận con nuôi căn cứ số lượng trẻ em Việt Nam có đủ điều kiện làm con nuôi ở nước ngoài. Sau khi nhận đủ hồ sơ, Cục Con nuôi tiến hành kiểm tra, thẩm định để xác định: a) Người nhận con nuôi đã được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường trú bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật của nước đó; b) Người nhận con nuôi đáp ứng đủ điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật Việt Nam. Khi thẩm định hồ sơ, nếu thấy cần thiết, Cục Con nuôi lấy ý kiến của chuyên gia tâm lý, y tế, gia đình, xã hội để xác định người nhận con nuôi có điều kiện tốt nhất để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Hồ sơ của người nhận con nuôi được chấp thuận nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Trường hợp không chấp thuận, Cục Con nuôi trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Thứ hai, chuyển hồ sơ của người xin nhận con nuôi cho Sở Tư pháp để giới thiệu trẻ

Cục Con nuôi chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi nước ngoài cho Sở Tư pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 34 của Luật Nuôi con nuôi. Việc chuyển hồ sơ phải căn cứ số lượng trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài và số lượng hồ sơ của người nhận con nuôi đã được chấp thuận.

Thứ ba, Sở Tư pháp giới thiệu trẻ làm con nuôi

Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến của của những người liên quan về việc cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài (cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường

hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó). Việc lấy ý kiến này được thực hiện trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi cần được xác minh thì Sở Tư pháp đề nghị Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác minh; cơ quan công an có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp. Sau khi kiểm tra, xác minh, nếu thấy trẻ em có đủ điều kiện để cho làm con nuôi nước ngoài thì Sở Tư pháp xác nhận và gửi Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp.

Sau khi giới thiệu trẻ em làm con nuôi, Sở Tư pháp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, thì trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý, Sở Tư pháp chuyển cho Cục Con nuôi 01 bộ hồ sơ của trẻ em kèm theo văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp không đồng ý với việc giới thiệu của Sở Tư pháp, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo rõ lý do bằng văn bản để Sở Tư pháp tiến hành giới thiệu lại. Sau 03 tháng kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh không đồng ý mà Sở Tư pháp không giới thiệu được thì Sở Tư pháp phải gửi trả lại hồ sơ của người nhận con nuôi cho Cục Con nuôi kèm theo văn bản nêu rõ lý do.

Thứ tư, Sở tư pháp báo cáo kết quả giới thiệu trẻ em cho Cục Con nuôi, kèm theo hồ sơ của con nuôi để Cục con nuôi thẩm định kết quả

Trong trường hợp giới thiệu được trẻ, Sở tư pháp gửi kết quả giới thiệu kèm theo văn bản đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và 1 bộ hồ sơ chi tiết của trẻ em cho Cục con nuôi. Hồ sơ con nuôi bao gồm các loại giấy tờ được quy định tại Điều 13 Nghị định số 19/2011/ NĐ-CP. Cục con nuôi sẽ tiến hành xem xét,

thẩm định hồ sơ, kết quả do Sở tư pháp chuyển tới. Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi, Cục con nuôi sẽ kiểm tra việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, nếu hợp lệ thì lập bản đánh giá việc trẻ em Việt Nam đủ điều kiện được làm con nuôi nước ngoài và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú.

Thứ năm, Cục Con nuôi lấy ý kiến của người nhận con nuôi và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về trẻ được giới thiệu làm con nuôi

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú thông báo về sự đồng ý của người nhận con nuôi đối với trẻ em được giới thiệu, xác nhận trẻ em sẽ được nhập cảnh và thường trú tại nước mà trẻ em được nhận làm con nuôi, Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.

Người nhận con nuôi không được có bất kỳ sự tiếp xúc nào với cha mẹ, người giám hộ hoặc cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trước khi nhận được thông báo giới thiệu trẻ em làm con nuôi, trừ trường hợp nhận nuôi con nuôi đích danh. Trường hợp người nhận con nuôi từ chối nhận trẻ em được giới thiệu làm con nuôi mà không có lý do chính đáng thì việc giải quyết hồ sơ xin nhận con nuôi của người đó chấm dứt.

Thứ sáu, quyết định cho trẻ làm con nuôi và tổ chức giao nhận con nuôi

Sau khi nhận được thông báo của Cục con nuôi, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Ngay sau khi có quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư

pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi. Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp; trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải có ủy quyền cho người kia; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Hết thời hạn nêu trên, nếu người nhận con nuôi không đến nhận con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch và tổ chức lễ giao nhận con nuôi tại trụ sở Sở Tư pháp, với sự có mặt của đại diện Sở Tư pháp, trẻ em được nhận làm con nuôi, cha mẹ nuôi, đại diện cơ sở nuôi dưỡng đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ gia đình. Việc giao nhận con nuôi phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và đại diện Sở Tư pháp.

Sau khi giao nhận con nuôi, Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi Cục con nuôi quyết định cho trẻ em là con nuôi nước ngoài của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, biên bản giao nhận con nuôi, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài. Cục con nuôi gửi quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về việc trẻ em được nhận làm con nuôi để thực hiện biện pháp bảo hộ trẻ em trong trường hợp cần thiết.

Quy trình giải quyết nuôi con nuôi được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam về cơ bản tương đồng với quy định của Công ước Lahay năm 1993. Công ước Lahay năm 1993 đưa ra một quy trình mẫu về thủ tục giải quyết việc cho và

nhận con nuôi theo chuẩn mực quốc tế, góp phần tăng cường bảo vệ quyền lợi của trẻ em, của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Các quy định của Công ước được xây dựng theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính và hạn chế tối đa các trường hợp trẻ em vô gia cư.

Các yêu cầu về thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi được quy định ở Chương IV của Công ước liên quan đến trách nhiệm của cơ quan trung ương và những cơ quan đại diện của nó. Các cơ quan này phải lập báo cáo bao gồm những thông tin về cả cha mẹ nuôi và con nuôi, về trình tự thủ tục giải quyết, về việc xuất cảnh từ nước gốc và nhập cảnh vào nước nhận, về việc sắp xếp giao nhận con nuôi, trao đổi thông tin trong trường hợp việc nuôi con nuôi diễn ra không đảm bảo vì lợi ích tốt nhất cho trẻ. Các quy định của Công ước thể hiện ý tưởng về sự hợp tác giữa nước nhận và nước gốc, sự phối hợp trong việc chăm sóc trẻ em cũng như thực hiện chính sách xuất nhập cảnh.

Người thường trú ở một quốc gia thành viên này (nước nhận) muốn nhận trẻ em thường trú ở một quốc gia thành viên khác (nước gốc) làm con nuôi cần phải liên hệ với Cơ quan trung ương của nước nơi họ thường trú.

Cơ quan trung ương nước nhận có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện để được nhận con nuôi, nếu những người xin con nuôi đáp ứng các điều kiện và thích hợp để nuôi con nuôi thì cơ quan này phải làm một báo cáo bao gồm những thông tin về người xin nhận con nuôi và sự phù hợp để nuôi con nuôi, về khả năng đảm nhận việc nuôi con nuôi quốc tế cũng như các đặc điểm của trẻ em mà họ thấy thích hợp để nhận nuôi. Báo cáo đó phải được chuyển cho Cơ quan Trung ương của nước gốc.

Sau khi nhận được báo cáo của Cơ quan trung ương nước nhận, Cơ quan trung ương của nước gốc nếu nhận thấy trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi thì

lập một báo cáo bao gồm những thông tin về trẻ em, về khả năng được cho làm con nuôi và về những nhu cầu đặc biệt của các em, xác nhận rằng việc cho trẻ em làm con nuôi là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; và chuyển báo cáo này cho Cơ quan trung ương của nước nhận cùng bằng chứng về những sự đồng ý cần thiết đã có được và những lý do xác nhận việc giới thiệu trẻ em,.

Công ước công nhận quyền quyết định việc cho trẻ em làm con nuôi của nước gốc. Nếu nước gốc nhận thấy rằng việc nuôi con nuôi này không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc trái với chính sách công của quốc gia mình (có xem xét đến lợi ích tốt nhất của trẻ em) thì có quyền từ chối việc nuôi con nuôi. Nếu việc đưa trẻ em làm con nuôi không được thực hiện thì các báo cáo nói trên sẽ phải được gửi trả cho các cơ quan đã gửi những báo cáo đó.

Trong quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi, Cơ quan trung ương của cả hai nước có trách nhiệm áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để trẻ em được phép xuất cảnh nước gốc, nhập cảnh và thường trú tại nước nhận. Các Cơ quan này phải thông báo cho nhau về quá trình cho nhận con nuôi và các biện pháp cần áp dụng để hoàn tất quá trình đó, cũng như về sự tiến triển của việc thu xếp việc cho nhận con nuôi nếu một giai đoạn thử thách là cần phải có.

Điều 21 Công ước quy định trong trường hợp việc nuôi con nuôi được thực hiện sau khi trẻ em được đưa đến nước nhận và nếu Cơ quan trung ương của nước này cho rằng việc để cho cha mẹ nuôi tương lai tiếp tục chăm sóc các em không vì lợi ích tốt nhất của các em thì Cơ quan này phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ các em, có tính đến tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em và trẻ em phải được tham khảo ý kiến, trường hợp cần thiết thì phải có sự đồng ý của trẻ em.

Ngoài Cơ quan trung ương, Công ước còn quy định các cơ quan công quyền hoặc các tổ chức, cá nhân được uỷ nhiệm có thể thực hiện những chức năng của cơ quan trung ương có thẩm quyền trong quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi (Điều 22), nhưng phải tuân thủ các điều kiện nhất định theo quy định của Công ước.

Đối chiếu những quy định trên của Công ước với quy định của pháp luật Việt Nam cho thấy, về cơ bản, các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi theo các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam không trái với các quy định của Công ước Lahay 1993. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có đầy đủ các quy định cần thiết bảo đảm đúng yêu cầu về trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi theo chuẩn mực Công ước như: chưa có quy định đảm bảo đầy đủ quyền quyết định của Cục Con nuôi với tư cách là cơ quan trung ương về nuôi con nuôi quốc tế.

Một phần của tài liệu Pháp luật nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại việt nam trong tương quan so sánh với pháp luật nước ngoài (Trang 79 - 87)