Quan điểm cơ bản

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện thanh thủy, tỉnh phú thọ (Trang 82 - 85)

Phát triển NN, ND, NT có vai trò chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện chính sách NN, ND, NT ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ phù hợp với thế mạnh và đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, cần quán triệt những quan điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, xác định NN, ND, NT không những là vấn đề mang tính chiến lược, mà còn có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của huyện. Quan điểm chung là tập trung lãnh đạo phát huy mọi tiềm năng, khả năng, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trong một vài năm tới có thể phát triển nền nông nghiệp của huyện theo chiều sâu, phát triển toàn diện bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Huyện Thanh Thủy có điều kiện về đất đai màu mỡ (trải dọc theo sông Đà); nguồn nước ngọt dồi dào, khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Dân cư sống ở nông thôn, làng xã, đời sống còn nhiều khó khăn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về NN, ND, NT như một luồng gió mới giúp Thanh Thủy phát huy được lợi thế về nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, hướng đến sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Giải quyết vấn đề NN, ND, NT trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực bao gồm đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đặc biệt là nguồn vốn và nguồn nhân lực. Đây là nhân tố có vai trò hết sức quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi chính sách NN, ND, NT. Huy động các nguồn lực để xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất chất lượng cao; tập trung các sản phẩm cây, con chủ lực như lúa gạo, gia súc, gia cầm, thủy sản, cây ăn quả,… với phương châm tăng năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và hội nhập kinh tế. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Thủy lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã khẳng định: "Huy động các nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; từng bước đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống cư dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới" [11].

Thứ hai, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân gắn chặt với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

NN, ND, NT giữ vai trò quan trọng đối với một huyện thuần nông nghiệp như Thanh Thủy. Phát triển NN, ND, NT được xem là bộ phận và gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện. Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường, với quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại, gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nước khoáng nóng; bảo đảm xã hội vùng nông thôn ổn định, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc và vùng công giáo. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ sản xuất của dân cư nông thôn đạt mức khá của tỉnh Phú Thọ và trở thành chủ nhân thật sự ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ ba, trong NN, ND, NT lấy nông dân làm chủ thể, là trung tâm của sự phát triển, xây dựng nông thôn mới là khâu đột phá.

chủ thể của nông dân. Mỗi bước phát triển của sản xuất nông nghiệp và kinh tế - xã hội nông thôn phải đồng thời làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân. Vì vậy phải từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ sản xuất của cư dân nông thôn, đặc biệt là cư dân ở đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Tập trung các giải pháp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Từ trước đến nay, khu vực nông thôn luôn được xem là nơi mà tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, diện tích đất nông nghiệp giảm do quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Hệ thống giáo dục, y tế chưa được đầu tư đúng mức. Xây dựng nông thôn mới sẽ tạo một sức bật mới cho nông thôn ở huyện Thanh Thủy nói riêng, nông thôn tỉnh Phú Thọ nói chung. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới được xem là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân. Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giải quyết tốt các vấn đề trọng yếu của đời sống xã hội nông thôn như: nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch, giao thông nông thôn và việc làm cho người nông dân. Xây dựng nông thôn mới gắn với mô hình sản xuất phù hợp làm khâu đột phá, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Thứ tư, phát triển NN, ND, NT đặt trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển kinh tế và quản lý môi trường vững chắc là những mặt bổ sung lẫn nhau của một chương trình hành động. Phát triển NN, ND, NT hướng tới phát triển toàn diện, bền vững. Vì vậy, phải bảo vệ các nguồn lợi tài nguyên không thay thế được như đất đai, nguồn nước, các nguồn lợi di truyền thực vật, động vật và không làm thoái hóa môi trường. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa ở nông thôn và thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm cải thiện đời sống nông dân, từng bước thu hẹp khoảng cách thu nhập và khoảng cách năng suất giữa nông dân với công nhân và dịch vụ.

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện thanh thủy, tỉnh phú thọ (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)