Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện thanh thủy, tỉnh phú thọ (Trang 51 - 55)

nghiệp, nông dân, nông thôn

* Cấp huyện

- Để tập trung chỉ đạo phát triển NN, ND, NT, đặc biệt là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Thủy đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới gồm 24 thành viên (sau khi kiện toàn, Ban chỉ đạo có 29 thành viên) do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, Chủ tịch UBND huyện làm phó trưởng ban thường trực; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo là trưởng một số phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện. Thành viên Ban chỉ đạo được phân công trực tiếp theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới ở các xã. Ban chỉ đạo cấp huyện được kiện toàn kịp thời phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực hiện chương trình.

Ban Thường vụ Huyện uỷ Thanh Thủy cũng đã thành lập Ban chủ nhiệm chương trình về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện do đồng chí Bí thư Huyện uỷ làm trưởng ban, thành viên là trưởng các phòng, ban, ngành của huyện. Đồng thời, UBND huyện đã ban hành Quyết định 330/QĐ-

UBND về việc thành lập Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới và Quyết định số 332/QĐ-UBND về việc kiện toàn tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo và Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Với nhiệm vụ được giao, Ban chỉ đạo chương trình phát triển NN, ND, NT, xây dựng nông thôn mới huyện đã tham mưu Huyện ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015 đạt nhiều kết quả tích cực. Hằng năm, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình với những nội dung, mục tiêu cụ thể theo năm. Tham mưu tổ chức thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, phát triển sản xuất, phát triển làng nghề, các dự án đầu tư xây dựng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho trên 3.300 lượt thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã, các Tiểu ban xây dựng nông thôn của các thôn và đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của huyện và cơ sở, cấp phát trên 3.300 bộ tài liệu tập huấn theo các chuyên đề; 300 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới; 142 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và cơ chế đầu tư, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện đã chỉ đạo Tổ công tác giúp việc làm việc với các xã để phúc tra, đánh giá chấm điểm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã, đồng thời ban hành thông báo kết quả phúc tra, chấm điểm các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới; hướng dẫn các xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xem xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2013). Tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của 14 xã; hướng dẫn 05 xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015). Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện đã tiến hành chấm điểm 14 xã và đề nghị Ban chỉ đạo, UBND huyện đề nghị Hội đồng thẩm định của tỉnh về chấm điểm. Đến nay, đã có 06 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ban chỉ đạo huyện duy trì thường xuyên chế độ giao ban định kỳ theo quý với Ban chỉ đạo các xã để các địa phương báo cáo tiến độ thực hiện. Sau mỗi kỳ giao ban, có thông báo kết luận của Trưởng ban chỉ đạo đến các thành viên Ban chỉ đạo, các phòng, ban, ngành thuộc huyện và cơ sở để kịp thời nắm bắt thông tin, tiến độ thực hiện của từng địa phương, đơn vị, những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tiếp theo.

- Để thực hiện chính sách NN, ND, NT, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, bên cạnh việc thành lập các tổ chức bộ máy theo quy định, UBND huyện Thanh Thủy cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, ngành của huyện.

+ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: là cơ quan thường trực về xây dựng nông thôn mới, đảm nhận một số nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bao gồm: phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn; triển khai chương trình nước sinh hoạt; củng cố các hình thức tổ chức sản xuất và phát triển ngành nghề.

+ Phòng Nội vụ: theo dõi và chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đối với đội ngũ cán bộ cơ sở.

+ Phòng Kinh tế và Hạ tầng: theo dõi và chỉ đạo về công tác Quy hoạch không gian kinh tế xã hội, Quy hoạch xây dựng, quy hoạch dân cư...

+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: theo dõi và chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động trong nông thôn; thực hiện an sinh xã hội và giảm nghèo.

+ Phòng Tài nguyên và Môi trường: theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quản lý tài nguyên, xử lý ô nhiễm môi trường khu dân cư nông thôn, làng nghề; cải thiện môi trường nông thôn.

+ Phòng Văn hóa và Thông tin: theo dõi và chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông, cơ sở vật chất văn hoá, thể thao, thực hiện các quy ước và thiết chế văn hoá cơ sở.

+ Phòng Giáo dục và Đào tạo: theo dõi và chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở vật chất ngành giáo dục và thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, đào tạo ở 3 cấp: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

+ Phòng Y tế: theo dõi và chỉ đạo công tác tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; xây dựng các trạm y tế xã đạt chuẩn, xây dựng các giải pháp giữ vững thành quả đạt chuẩn quốc gia về công tác y tế xã.

+ Công an huyện: thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

+ Phòng Tài chính - Kế hoạch: bố trí vốn, theo dõi chỉ đạo và lồng ghép, phân bổ nguồn vốn thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và Đề án nông thôn mới.

+ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: căn cứ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để lựa chọn những nội dung phù hợp, xây dựng chương trình hành động hướng vào vận động quần chúng tin tưởng, đoàn kết xây dựng cuộc sống văn minh ở khu dân cư: tự cải tạo nhà ở, vệ sinh nông thôn… tích cực tham gia đóng góp công sức, vật chất vào xây dựng các công trình công cộng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có thể tham gia trực tiếp một số dự án và tăng cường giám sát quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề NN, ND, NT.

* Cấp xã

- Ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới được thành lập ở 14/14 xã. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban, phó trưởng ban là Chủ tịch UBND xã, thành viên là đại diện một số đoàn thể chính trị - xã hội của xã, đại diện các thôn.

- Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập ở 14/14 xã với số lượng 142 thành viên. Số lượng thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng

từ 5 đến 12 người do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã làm trưởng ban, thành viên là Trưởng, phó các đoàn thể và các Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, trong 5 năm (2011 - 2015), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác giám sát đầu tư cộng đồng cho 852 lượt thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Bên cạnh việc thành lập tổ chức bộ máy thực hiện chính sách phát triển NN, ND, NT, xây dựng nông thôn mới thì việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ xã cũng được quan tâm bởi đội ngũ cán bộ là một khâu quan trọng, đóng vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện chính sách, ở đâu cán bộ có năng lực, trình độ, khả năng vận động, tập hợp được quần chúng, có uy tín, nhiệt tình tâm huyết với công việc thì ở đó việc thực hiện các chính sách đạt được hiệu quả cao. Trình độ chuyên môn của cán bộ cấp cơ sở cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ, trong những năm qua các xã đã tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ giữ chức danh chủ chốt cấp xã, nhờ đó trình độ học vấn của cán bộ, công chức không ngừng được nâng cao. Nhờ tập trung chỉ đạo xây dựng và quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị nên chất lượng, hiệu quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng trong những năm qua đã được nâng lên đáng kể.

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện thanh thủy, tỉnh phú thọ (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)