Hướng nghiên cứu tiếp theo

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) các nhân tố tác động đến minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh việt nam (Trang 173 - 174)

CHƯƠNG 5: KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý

5.3.2. Hướng nghiên cứu tiếp theo

Từ những hạn chế đã xác định nêu trên, trên cơ sở đảm bảo về nguồn lực, thời gian và khả năng tiếp cận dữ liệu, một số hướng nghiên cứu được gợi ý như sau:

+ Dựa vào phương pháp luận POBI, tiếp tục bổ sung các đặc tính chất lượng thông tin cần thiết khác vào bộ câu hỏi khảo sát để đánh giá toàn diện sự minh bạch của chính quyền cấp tỉnh. Khi thiết kế câu hỏi khảo sát, cần lưu ý các dấu hiệu để nhận diện, đánh giá các đặc tính chất lượng thông tin. Các dấu hiệu này phải dễ nhận diện và hạn chế việc đánh giá dựa trên cảm tính, nếu không thì dù có đưa thêm nhiều đặc tính chất lượng vào mà không đánh giá chính xác mức độ thỏa mãn các đặc tính này thì giá trị thang đo cũng không đáng tin cậy.

+ Do đã chủ động xây dựng chỉ số công khai ngân sách riêng, không phụ thuộc vào dữ liệu của BTAP, các NNC có thể quan sát các đối tượng nghiên cứu trong nhiều năm để thu thập dữ liệu theo chuỗi thời gian, từ đó tiến hành phân tích hồi quy theo chuỗi thời gian để có được kết quả nghiên cứu đáng tin cậy hơn.

+ Khi đã thu thập được dữ liệu theo chuỗi thời gian, thì hạn chế về cỡ mẫu tự động được khắc phục.

+ Bổ sung nhân tố khác có khả năng tác động đến minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh vào mô hình nghiên cứu theo đề nghị của chuyên gia.

Kết luận chương 5

Chương này tổng kết lại quá trình nghiên cứu. Từ khi xuất hiện ý tưởng nghiên cứu về các nhân tố tác động đến minh bạch ngân sách trực tuyến của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam, NCS đã xác định vấn đề và khe hổng nghiên cứu cũng như mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu, từ đó xây dựng mô hình và giả thuyết về sự tác động của 11 nhân tố quản trị, tài chính, KT-XH đến mức độ minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam. Nghiên cứu định lượng đạt được mục tiêu khi

nhận diện được 7 nhân tố, trong đó trình độ học vấn, tuổi tác của nhà quản lý, kết quả tài chính và hoạt động báo chí quan hệ nghịch chiều; còn sự phụ thuộc tài chính, mức độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế quan hệ thuận chiều với minh bạch ngân sách ở các mức độ khác nhau. Nhóm nhân tố cung có xu hướng tác động mạnh hơn đến minh bạch ngân sách so với nhóm nhân tố cầu. Các nhân tố này giải thích được một phần (22-27%) biến thiên của minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh Việt Nam. Nghiên cứu định tính cũng đạt mục tiêu khi đã tiết lộ nhiều vấn đề thú vị về lý thuyết lẫn thực tiễn, giúp giải thích thấu đáo mối quan hệ giữa từng nhân tố với minh bạch ngân sách trực tuyến lẫn mối quan hệ giữa các nhân tố với nhau trong bối cảnh Việt Nam. Dựa trên kết quả này, một số hàm ý lý luận và thực tiễn được đưa ra nhằm gợi ý cho các NNC và cũng để góp phần cải thiện sự minh bạch ngân sách trên website của CQĐP Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu không tránh khỏi những hạn chế cố hữu. Những hạn chế này sẽ cố gắng khắc phục trong những nghiên cứu tiếp theo, khi nguồn lực và thời gian được đảm bảo hơn.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) các nhân tố tác động đến minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh việt nam (Trang 173 - 174)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(175 trang)
w