Vai trò của ngân sách nhà nước

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) các nhân tố tác động đến minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh việt nam (Trang 41 - 42)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.1.2. Vai trò của ngân sách nhà nước

NSNN là bộ phận quan trọng nhất, giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính nhà nước (Dương Đăng Chinh, 2007). Vai trò của NSNN có thể được xem xét ở 2 góc độ: (i) là công cụ huy động nguồn tài chính để duy trì sự tồn tại và hoạt động của bộ máy nhà nước và (ii) là công cụ để nhà nước quản lý vĩ mô nền kinh tế thị trường. Để duy trì sự tồn tại và hoạt động liên tục, bộ máy nhà nước cần có nguồn tài chính nhằm đảm bảo cho nhu cầu chi tiêu. Thông qua hoạt động thu ngân sách, nguồn tài chính được huy động để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi tiêu dự kiến của nhà nước trong từng thời kỳ. Nguồn thu ngân sách có thể đến từ trong nước hoặc ngoài nước, từ mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế, thông qua các hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện, mang tính hoàn trả hoặc không hoàn trả. Trong đó, tính bắt buộc và không hoàn trả là đặc trưng của nguồn thu ngân sách. Sau khi huy động vào quỹ NSNN, nguồn tài chính này được phân phối cho các mục đích chi tiêu dựa trên những tỉ lệ hợp lý nhằm duy trì sự tồn tại và tăng cường sức mạnh của bộ máy nhà nước cũng như thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Thu – chi NSNN luôn gắn liền với kiểm tra, giám sát để đảm bảo thu đúng và đầy đủ cũng như phân phối và chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả (Dương Đăng Chinh, 2007).

Bên cạnh chức năng huy động nguồn tài chính để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của nhà nước, NSNN còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ KT-XH nhằm đạt đến các mục tiêu tăng trưởng, hiệu quả, ổn định và công bằng ở tầm vĩ mô. Dưới góc độ kinh tế, NSNN là một công cụ thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh tế. Thông qua các chính sách thuế và các hoạt động chi tiêu công, các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong khu vực tư được kích thích hoặc hạn chế, cơ cấu kinh tế được điều chỉnh theo định hướng của nhà nước, đảm bảo sự cân đối giữa các chỉ tiêu kinh tế, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển. Hơn nữa, để kinh tế tăng trưởng và phát triển một cách ổn định, NSNN còn được sử dụng để đối phó với những biến động của thị trường như việc trích lập và sử dụng các quỹ dự trữ/dự phòng hay giảm chi tiêu công, tăng thuế tiêu dùng, giảm thuế đầu tư, phát hành trái phiếu để thu hút lượng tiền trong lưu thông, qua đó khống chế và đẩy lùi lạm phát… (Dương Đăng Chinh, 2007). Dưới góc độ xã hội, hoạt động thu – chi ngân sách giúp điều chỉnh thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, qua đó hạn chế sự bất hợp lý và đảm bảo sự công bằng trong phân phối thu nhập. Công cụ thuế được sử dụng để đánh thuế lên người có thu nhập cao và giảm thuế cho người có thu nhập thấp. Công cụ chi ngân sách được sử dụng để trợ giá cho mặt hàng thiết yếu và trợ cấp cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, để giải quyết các vấn đề xã hội theo các mục tiêu vĩ mô, nhà nước còn sử dụng quỹ ngân sách để phát triển các dịch vụ công; thực hiện các chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội; giải quyết việc làm… Rõ ràng là trong nền kinh tế thị trường với những khuyết tật tất yếu về mặt xã hội, việc áp dụng các biện pháp thu – chi NSNN để phát huy vai trò xã hội của nó là điều cần thiết (Dương Đăng Chinh, 2007).

Những phân tích trên đây cho thấy NSNN giữ vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại của nhà nước nói riêng và sự phát triển KT-XH nói chung. Vì vậy, quản lý NSNN hiệu lực và hiệu quả luôn là mục tiêu của bất kỳ nhà nước nào trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nó.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) các nhân tố tác động đến minh bạch ngân sách trên website của chính quyền cấp tỉnh việt nam (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(175 trang)
w