Nghiên cứu về các khái niệm liên quan đến minh bạch thông tin nhà nước
Phạm Mạnh Hùng (2017) đề cập khái niệm công khai, minh bạch dưới góc độ ngôn ngữ và pháp lý; đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước phải gắn liền với việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân để phát huy tốt vai trò của công khai, minh bạch trong ngăn ngừa hành vi tiêu cực, phòng chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động nhà nước.
Phạm Quang Huy (2017) tiếp cận khái niệm minh bạch trong mối quan hệ với
trách nhiệm giải trình dưới góc nhìn của lĩnh vực kế toán công. Tác giả đã mô tả
quá trình hình thành, phát triển của khái niệm minh bạch, từ đó rút ra 3 đặc tính quan trọng của minh bạch là: tiếp cận về mặt vật chất (khả năng đọc được), tiếp cận về mặt tư duy (khả năng hiểu được) và tiếp cận về mặt xã hội (khả năng chia sẻ).
Trương Á Bình (2017) nghiên cứu trách nhiệm giải trình trên BCTC của các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Khái niệm trách nhiệm giải trình được tác giả đo lường bằng các yêu cầu đặt ra để nâng cao trách nhiệm giải trình như: ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình; cải cách hệ thống kế toán, nâng cấp công nghệ thông tin, hoàn thiện BCTC, nâng cao chất lượng kiểm toán.
Nghiên cứu về các nhân tố tác động đến minh bạch thông tin nhà nước
Nguyễn Lê Phượng Sang (2017) nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự minh bạch trên BCTC của đơn vị cơ sở ở TP.HCM, Đồng Nai và Đà Nẵng. Thang đo minh bạch của tác giả chủ yếu dựa vào đặc tính chất lượng thông tin như: phục vụ
cho đánh giá, đo lường; đầy đủ và hữu ích; hướng tới đối tượng sử dụng; có thể so sánh. 5 nhân tố tác động đến minh bạch BCTC được đề xuất, gồm: hệ thống chính trị, hệ thống pháp lý, văn hóa, hoạt động tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ. Kết quả đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa 5 nhân tố với sự minh bạch trên BCTC của các đơn vị công.
Lê Nhật Anh Thư (2017) dựa trên đặc tính chất lượng thông tin của IPSAS (rõ ràng và dễ hiểu, phù hợp, trọng yếu, kịp thời, đúng thực tế, đáng tin cậy, so sánh được và nhất quán) để đo lường mức độ minh bạch trên BCTC của đơn vị cơ sở ở tỉnh Đắk Lắk. Tác giả cũng đã nhận diện 6 nhân tố ảnh hưởng đến sự minh bạch trên BCTC của các đơn vị này, gồm: đặc điểm tài chính; đặc điểm quản trị; chính trị-xã hội; hệ thống pháp lý; áp lực hội nhập kinh tế thế giới; và nội dung chi tiết của BCTC.
Tiếp nối hướng nghiên cứu này, Lê Thị Mộng Ty (2017) thu hẹp phạm vi vào các UBND ở tỉnh Bình Định. Thang đo minh bạch cũng dựa trên đặc tính chất lượng thông tin như: trọng yếu; dự báo; kiểm tra; đầy đủ; dễ hiểu; có thể so sánh; nộp đúng thời hạn. Khác với nghiên cứu trước, tác giả tập trung vào các nhân tố phản ánh quy trình kế toán, gồm: chứng từ, tài khoản, sổ sách, BCTC, kiểm soát nội bộ; đồng thời bổ sung 2 nhân tố: sẵn sàng công khai và dễ dàng tiếp cận. Kết quả nghiên cứu cho thấy 7 nhân tố đều tác động tích cực đến sự minh bạch trên BCTC.
Nguyễn Thị Thương (2018) đo lường mức độ minh bạch trên BCTC của đơn vị sự nghiệp có thu ở TP.HCM dựa vào đặc tính chất lượng thông tin như: đầy đủ, nhất quán, chính xác, đáng tin cậy, kịp thời và thuận tiện. Tác giả đã kiểm tra mối quan hệ giữa minh bạch với 3 nhân tố: đội ngũ kế toán, CNTT và mức độ quan tâm của các đối tượng đến BCTC. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các mối quan hệ này là thuận chiều.
Gần đây, Đậu Thị Kim Thoa (2019) sử dụng kỹ thuật phân tích PLS-SEM để xác định các nhân tố bên trong ảnh hưởng đến minh bạch thông tin kế toán của đơn vị sự nghiệp công lập ở 17 tỉnh/thành Việt Nam. Thang đo minh bạch của tác giả chứa
đựng các đặc tính chất lượng thông tin như: phù hợp, đầy đủ, khách quan, không sai sót, dễ hiểu, kịp thời, nhất quán, súc tích, đáng tin cậy và bảo mật; đồng thời cũng bao gồm các đặc tính quan trọng của minh bạch là: có thể tiếp cận và dễ dàng xử lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy minh bạch chịu ảnh hưởng bởi 5 nhân tố: văn hóa tổ chức, tự chủ tài chính, thiết bị phần cứng, phần mềm và hiểu biết của kế toán viên.
Lê Văn Danh (2018) tiếp cận minh bạch thông tin nhà nước nhưng ở cấp cao hơn – minh bạch ngân sách chính quyền cấp tỉnh. Tác giả đã phân tích nội dung của báo cáo ngân sách công khai trên website của cơ quan nhà nước tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu để đánh giá mức độ minh bạch ngân sách theo 2 bộ tiêu chuẩn: Nguyên tắc Minh bạch Ngân sách của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) và Hướng dẫn thực hiện công khai NSNN đối với các cấp ngân sách theo Thông tư 343/2016/TT-BTC của Bộ Tài
chính. Kết quả cho thấy mức độ minh bạch ngân sách của tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu là thấp. Thông qua phỏng vấn một số chuyên viên tài chính, nguyên nhân được xác định là do: sự thiếu quan tâm đến công khai; chưa kịp cập nhật quy định và ban hành hướng dẫn về công khai; lực lượng cán bộ ít nên chưa nắm bắt hết các nhiệm vụ quản lý ngân sách.