13 Theo số liệu thống kê 2017, 92% chính quyền cấp tỉnh phụ thuộc vào nguồn thu bổ sung ngân sách từ cấp trên và thu viện trợ Trong đó, 47% chính quyền cấp tỉnh có hơn một nửa nguồn thu đến từ hai nguồn này.
3.2.3.2. Nhân tố từ phía cầu
Từ lâu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, thu nhập và học vấn cá nhân đã được một số tác giả đề xuất như các thang đo phản ánh những lợi ích nhóm có thể dẫn đến sự hình thành các liên minh KT-XH (Ingram, 1984). Vì mỗi liên minh KT-XH đều có động cơ để tối đa hóa phần lợi ích của nó trong những nguồn lực được chi tiêu bởi chính phủ, động cơ này có thể chuyển thành nhu cầu thông tin để đo lường mức độ sẵn có của nguồn lực và việc sử dụng chúng (Ingram, 1984). Sự tồn tại của các liên minh KT-XH tạo động lực thúc đẩy các quan chức công khai thông tin bổ sung nhằm giảm chi phí giám sát (Zimmerman, 1977). Rosenstone & Hansen (1993) cũng cho rằng các địa phương có tình trạng KT-XH cao hơn sẽ hoạt động chính trị nhiều hơn và tạo động lực tiết lộ thông tin nhiều hơn. Dựa trên quan điểm này, NCS tiến hành xem xét các chỉ tiêu KT-XH đại diện cho các nhân tố môi trường tác động đến minh bạch ngân sách trên website của CQĐP. Theo đó, dân số, mức độ phát triển kinh tế, chất lượng sống của người dân (thể hiện qua thu nhập và học vấn), vốn là những chỉ tiêu căn bản thể hiện tình trạng KT-XH của một cộng đồng (Piotrowski & Van Ryzin, 2007; Tavares & da Cruz, 2017), được đưa vào mô hình để giải thích cho mức độ minh bạch ngân sách. Đồng thời, dựa trên sự phổ biến của nhân tố, NCS đưa thêm nhân tố hoạt động báo chí; và dựa trên bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam, NCS bổ sung một nhân tố mới là hội nhập quốc tế vào mô hình. Đây cũng thuộc nhóm nhân tố môi trường nhưng chúng phản ánh những khía cạnh đặc biệt khác của nền KT-XH.
Dân số
Trong chuỗi nghiên cứu về minh bạch thông tin nhà nước, nhân tố phản ánh môi trường KT-XH được sử dụng phổ biến nhất là quy mô địa phương, theo truyền thống được đo lường bởi dân số (González et al., 2011; Rodríguez Bolívar et al., 2013). Nó thường được coi là một biến số quyết định đằng sau các hoạt động kế toán và BCTC (García & García, 2010) không chỉ trong khu vực tư mà còn cả khu vực nhà nước. Các lý thuyết cổ điển giải thích cho sự minh bạch tài chính nhà nước dự đoán mối quan hệ tích cực giữa dân số và minh bạch.
Theo lý thuyết đại diện, địa phương có dân số đông thể hiện sự bất cân xứng thông tin lớn giữa quan chức và cử tri (Ríos et al., 2013). Chính quyền ở các địa phương này phải đối mặt với nhu cầu giám sát cao hơn của người dân để giảm sự bất cân xứng thông tin và cho phép người dân đánh giá hiệu suất làm việc của các quan chức (Zimmerman, 1977; Laswad et al., 2005). Chi phí đại diện theo đó cũng phát sinh nhiều hơn. Trong nỗ lực giảm bớt chi phí đại diện, chính quyền ở địa phương lớn sẵn sàng công khai hơn so với chính quyền ở địa phương nhỏ. Trong bối cảnh này, website có thể được coi là một công cụ chiến lược hỗ trợ giao tiếp ngay lập tức với người dân và giảm chi phí đại diện (García & García, 2010).
Serrano-Cinca et al. (2009) cũng khẳng định xung đột lợi ích có nhiều khả năng xảy ra ở các thành phố lớn và lợi thế của việc công khai thông tin trên website cũng lớn hơn tương ứng. Bởi thực tế là các thành phố lớn có nhiều nguồn lực hơn và thu hút được nhiều nhân viên giỏi hơn để có thể phát triển website thích hợp và giữ cho thông tin luôn được cập nhật. Chính quyền ở địa phương lớn thường có bộ phận CNTT chính thức được thiết lập tốt (Caba Pérez et al., 2008), trong khi chính quyền ở địa phương nhỏ lại phải ký hợp đồng thuê ngoài dịch vụ này và cũng không sẵn lòng thực hiện khoản đầu tư này (García & García, 2010). Hơn nữa, chi phí tạo lập, công khai thông tin trên website được coi là một loại chi phí cố định và không hề nhỏ. Chi phí này trở nên thấp hơn đối với chính quyền ở địa phương lớn hơn, vì họ tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô (Ríos et al., 2013). Một số nghiên cứu về việc phổ biến và áp dụng công nghệ đã phát hiện rằng các tổ chức lớn hơn có xu hướng áp dụng công nghệ mới và đổi mới thường xuyên hơn (Caba Pérez et al., 2008). Việc phát hành thông tin trên website đại diện
cho sự đổi mới, và chính quyền ở địa phương lớn có khả năng đổi mới hơn so với chính quyền ở địa phương nhỏ (Torres et al., 2005). Mặt khác, dân số đông thường đi kèm với sự đa dạng của các bên liên quan. Các bên này với đặc điểm về thu nhập, học vấn, việc làm, văn hóa và sắc tộc khác nhau có thể tạo ra nhu cầu dịch vụ và thông tin khác nhau buộc CQĐP phải đối mặt. Bối cảnh này đòi hỏi CQĐP phải thể hiện mức độ phản ứng cao hơn để đạt được tính hợp pháp về thể chế và giảm thiểu các chi phí chính trị có thể phát sinh (García-Sánchez et al., 2013). Cả lý thuyết hợp pháp và lý thuyết thể chế đều cho thấy mối quan hệ tích cực giữa dân số và minh bạch, vì những xung đột lợi ích và áp lực khác nhau đối với minh bạch sẽ lớn hơn ở những địa phương đông dân hơn (Serrano- Cinca et al., 2009).
Tóm lại, tồn tại nhiều lập luận lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm (Serrano-Cinca et al., 2009; García & García, 2010; Jorge et al., 2011; Ríos et al., 2013; Guillamón et al., 2016) hỗ trợ cho giả thuyết sau:
H6: Dân số của địa phương tác động thuận chiều đến minh bạch ngân sách trên website của CQĐP.
Mức độ phát triển kinh tế
Theo Hameed (2005) và Piotrowski & Van Ryzin (2007), tình trạng kinh tế có tác động tích cực đến sự minh bạch của các cơ quan công quyền, đặc biệt là minh bạch trong các vấn đề tài chính. Một số chỉ tiêu KT-XH có thể được xác định liên quan đến mối quan hệ tích cực này, chẳng hạn như tổng sản phẩm quốc nội, hay tỷ lệ có việc làm (García-Sánchez et al., 2013). Các chỉ tiêu này có sự tương quan nhất quán trong nhiều nghiên cứu và thường được sử dụng thay thế lẫn nhau trong trường hợp dữ liệu thống kê không đầy đủ. Do tổng sản phẩm quốc nội thường không có sẵn ở
cấp địa phương nên tỷ lệ thất nghiệp được sử dụng như một biến đại diện cho tình trạng kinh tế (García-Sánchez et al., 2013; Cuadrado-Ballesteros, 2014).
Mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế hoặc sự giàu có và mức độ tham gia của người dân vào các vấn đề công cộng đã có từ lâu. Theo lý thuyết đại diện, cử tri và các nhóm lợi ích khác nhau bỏ phiếu và cung cấp nguồn lực cho các chính trị gia, qua đó tác động đến các quyết định thực thi chính sách (Zimmerman, 1977; Laswad et al., 2005). Các liên minh này được đại diện truyền thống bởi các biến số KT-XH khác nhau (Ingram, 1984). Và những liên minh nào có điều kiện kinh tế cao hơn sẽ tham gia nhiều hơn vào hoạt động quản lý nhà nước (Cuadrado-Ballesteros, 2014). Những người sống ở các quốc gia có lợi thế về kinh tế thường đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn và chính phủ cởi mở hơn (Norris, 2001). Hơn nữa, kinh tế phát triển có thể khiến nhà nước tiếp tục mở rộng số lượng và loại hình dịch vụ, dẫn đến sự gia tăng số lượng và sự đa dạng của các bên liên quan (García-Sánchez et al., 2013). Các nhóm dân cư có mức thu nhập, trình độ học vấn và vị trí việc làm khác nhau có thể phát sinh nhu cầu thông tin khác nhau, từ đó khuyến khích nhà nước quan tâm đến việc phát hành thông tin nhiều hơn để đáp ứng các nhu cầu đa dạng đó.
Mặt khác, theo lý thuyết hợp pháp, minh bạch như một chiến lược để củng cố niềm tin của dân chúng. Kinh tế tăng trưởng tốt cho thấy hiệu quả của hoạt động điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua các quyết định quản lý ngân sách đúng đắn bởi CQĐP vì vậy, họ có xu hướng minh bạch ngân sách hơn để củng cố tính hợp pháp của mình. Ngược lại, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp gia tăng, tình trạng kinh tế của địa phương bị giảm sút và mức độ minh bạch cũng như vậy (Tejedo-Romero & de Araujo, 2015). Caamaño-Alegre et al. (2013) cũng đồng quan điểm khi cho rằng tình trạng kinh tế càng tồi tệ, cám dỗ che giấu căng thẳng tài chính càng mạnh.
Hướng giải thích cuối cùng liên quan đến tình trạng kinh tế là các nước giàu với nhiều nguồn lực hơn, năng lực kỹ thuật lớn hơn và thái độ tích cực hơn đối với sự minh bạch (Bastida & Benito, 2007), có khả năng thực hiện công khai thông tin tốt
hơn so với các nước có tình trạng kinh tế kém. Theo Grigorescu (2003), ở các nước phát triển, chính phủ ít quan tâm đến mức chi phí của việc thu thập, xử lý và công khai thông tin, vì vậy, họ có nhiều khả năng áp dụng luật về công khai thông tin, giúp tăng cường sự minh bạch của các cơ quan chính quyền; trong khi ở các nước kém phát triển, những chi phí này có thể không khuyến khích việc áp dụng loại luật này. Tóm lại, nền kinh tế càng tiên tiến, ngân sách càng minh bạch (Hameed, 2005). Với lập luận vững chắc từ các lý thuyết nền và bằng chứng từ nhiều nghiên cứu trước (Yu, 2010; Caamaño-Alegre et al., 2013; Tejedo-Romero & de Araujo, 2015; Tavares & da Cruz, 2017), giả thuyết đặt ra như sau:
H7: Mức độ phát triển kinh tế của địa phương tác động thuận chiều đến minh bạch ngân sách trên website của CQĐP.
Mức sống của người dân
Một trong các chỉ tiêu được xem xét khi đo lường chất lượng sống ở một địa phương là thu nhập của người dân (González et al., 2011). Khi thu nhập gia tăng, người dân thường kỳ vọng nhận được những dịch vụ tốt hơn và lượng thông tin nhiều hơn để xác nhận rằng các khoản thuế đã nộp đang được nhà nước sử dụng hiệu quả (Ingram, 1984). Ở những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao hơn, người dân có mức độ giám sát chính trị cao hơn và nhu cầu thông tin nhiều hơn để có thể tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước (Styles & Tennyson, 2007; Yu, 2010). Do đó, thu nhập của người dân được nhiều tác giả đưa vào nghiên cứu như một nhân tố truyền thống quyết định việc công khai thông tin của chính phủ, đặc biệt là thông tin điện tử (Ingram, 1984; Laswad et al., 2005; Styles & Tennyson, 2007; Serrano-Cinca et al., 2009; Yu, 2010; Guillamón et al., 2011; 2016).
Theo Serrano-Cinca et al. (2009), mức độ công nghệ và thu nhập thường đi đôi với nhau. Những người có điều kiện kinh tế cao có nhiều khả năng tiếp cận công nghệ mới và biết cách sử dụng nó (Guillamón et al., 2016), mặt khác họ cũng có khả năng chi trả cho chi phí lướt internet hơn (Yu, 2010). Ngược lại,những người có thu nhập thấp thường ít sử dụng các công cụ web để giao tiếp (Ho, 2002). Vì vậy,
CQĐP có dân cư với điều kiện kinh tế cao hơn và do đó, sử dụng internet nhiều hơn, có xu hướng cung cấp dịch vụ và công khai thông tin trên internet thông qua website và/hoặc phương tiện truyền thông xã hội (Serrano-Cinca et al., 2009); còn địa phương với thu nhập bình quân đầu người thấp ít có khả năng áp dụng thiết kế web tiến bộ, do nhu cầu dịch vụ dựa trên web thấp hơn (Ho, 2002).
Piotrowski & Van Ryzin (2007) đã chỉ ra thu nhập có liên quan tích cực đến nhu cầu minh bạch tài chính. Laswad et al. (2005), Styles & Tennyson (2007), Serrano- Cinca et al. (2009) cũng đã chứng minh thu nhập bình quân đầu người quan hệ tích cực với việc công khai thông tin điện tử. Mặc dù Alt et al. (2005) không tìm thấy sự liên hệ đáng kể hay Guillamón et al. (2016) đã phát hiện mối quan hệ nghịch chiều giữa hai biến này, vẫn có nhiều khả năng CQĐP với thu nhập bình quân đầu người cao hơn sẽ công khai thông tin ngân sách trên website của họ để cải thiện minh bạch trong quản lý hành chính (Yu, 2010). Vì vậy, giả thuyết đặt ra như sau:
H8: Mức sống của người dân địa phương tác động thuận chiều đến minh bạch ngân sách trên website của CQĐP.
Trình độ dân trí
Một nhân tố nữa ảnh hưởng đến mức độ và loại thông tin cung cấp cho người dân liên quan đến xét đoán của nhà quản lý về khả năng nhận thức thông tin đó (Bearfield & Bowman, 2016). Nếu nhà quản lý nhận thấy rằng người dân muốn, hoặc sẽ sử dụng thông tin, họ có nhiều khả năng đưa dữ liệu lên mạng. Ngược lại, nếu nhà quản lý tin rằng người dân không có nhu cầu thông tin, rằng các thành phần dân chúng thiếu tiếp cận công nghệ hoặc thông tin quá phức tạp để hiểu được, thì cơ quan nhà nước ít có khả năng đưa dữ liệu lên mạng. Theo Piotrowski & Van Ryzin (2007), những người học vấn cao có những kỹ năng cần thiết để đánh giá hoạt động nhà nước, dẫn đến họ có sự tự tin hơn để yêu cầu thông tin từ nhà nước và cũng có khả năng tham gia vào quá trình ra quyết định chiến lược của nhà nước hơn (Yang & Callahan, 2007). Theo đó, những cộng đồng dân cư có trình độ học vấn cao cũng có khả năng đòi hỏi nhiều thông tin hơn từ các cơ quan nhà nước (Tolbert et al.,
2008), qua đó thúc đẩy việc thực hành minh bạch ở những cộng đồng địa phương này.
Trong nghiên cứu của Benito et al. (2010), trình độ dân trí được chứng minh là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của địa phương. Nó luôn được nhấn mạnh như một tiền đề quan trọng của việc tham gia vào các hoạt động nhà nước, đặc biệt là các hoạt động trực tuyến trên internet. Theo Mossberger et al. (2006), việc sử dụng internet đòi hỏi các kỹ năng công nghệ và khả năng tìm kiếm, sử dụng và giải thích thông tin. Evans & Yen (2005) cho rằng người dân cần có một trình độ học vấn thích hợp để có các kỹ năng sử dụng máy tính và có thể kiểm tra thông tin ngân sách có sẵn trên internet (Ríos et al., 2013). Một người có trình độ học vấn cao hơn hàm ý khả năng sử dụng internet của người đó cũng cao hơn (Guillamón et al., 2011). Piotrowski & Van Ryzin (2007) quan sát thấy những người có trình độ tốt cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng công nghệ và dễ dàng chấp nhận thậm chí yêu cầu thông tin được cung cấp trực tuyến bởi chính quyền hơn. Không những thế, theo Tolbert et al. (2008), một cộng đồng có học vấn tốt sẽ gây áp lực lên các cơ quan nhà nước để công khai thông tin trên internet, và điều này góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện chính quyền điện tử của địa phương. Ngược lại, những cộng đồng có trình độ thấp hơn sẽ có những người không quen với các giao diện cơ bản và những người này không tạo áp lực để thông tin được cung cấp bởi các phương tiện này (Caba Pérez et al., 2008).
Nhiều nghiên cứu đã xem xét ảnh hưởng của trình độ dân trí đối với việc công khai tài chính trên internet. Một số nghiên cứu đã chỉ ra tác động tích cực của trình độ dân trí đến công khai thông tin điện tử (Tolbert et al., 2008; Ríos et al., 2013), trong khi các nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối liên hệ nào (Ingram, 1984; Caba Pérez et al., 2008; Jorge et al., 2011; Alcaraz-Quiles et al., 2015; Guillamón et al., 2016; Tavares & da Cruz, 2017). Trong nghiên cứu này, NCS đề xuất giả thuyết như sau:
H9: Trình độ dân trí của địa phương tác động thuận chiều đến minh bạch ngân sách trên website của CQĐP.
Hoạt động báo chí
Theo Zimmerman (1977), các phương tiện truyền thông, trong đó báo chí là một bộ phận quan trọng, đóng vai trò điều tiết mối quan hệ đại diện giữa cử tri và quan chức, và do đó, có thể ảnh hưởng đến mức độ công khai tài chính của CQĐP. Một nền báo chí mạnh mẽ có thể khuyến khích việc công khai nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thông tin của báo chí hoặc thậm chí là một cơ chế tự vệ được sử dụng bởi các quan chức để kiểm soát dữ liệu mà báo chí công bố (Ingram, 1984). Vì vậy, các CQĐP có áp lực truyền thông lớn hơn sẽ tìm kiếm nhiều kênh thông tin, gồm cả