III. ĐẶC TRƯNG VÀ NỘI DUNG MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Về tăng trưởng, phát triển kinh tế
1.3. Phát triển dịch vụ
Dựa trên lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng thế mạnh của tỉnh để phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung vao các sản phẩm dịch vụ dịch vụ du lịch với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh và các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí; dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính - ngân
hàng và dịch vụ bưu chính viễn thông. Trong đó, phát triển du lịch để tỉnh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch của vùng và cả nước.
Giai đoạn đến năm2025, tập trung phát thu hút các dự án đầu tư vào dịch vụ logistics, du lịch để giai đoạn đến năm 2030, ngành dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch sẽ tạo đột phá trong phát triển dịch vụ của tỉnh, đưa tỷ trọng ngành dịch vụ logistics và dịch vụ du lịch chiếm 12-15% trong cơ cấu GRDP ngành.
Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng, bưu chính viễn thông đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh.
Tập trung khai thác, phát triển các sản phẩm dịch vụ sau:
(1) Phát triển dịch vụ du lịch với mục tiêu xây dựng Bắc Giang trở thành tỉnh có thương hiệu du lịch; là điểm đến của du lịch văn hóa - tâm linh, sinh thái hấp dẫn; có vị trí quan trọng trong khu vực Đông Bắc bộ; Trung du và Miền núi phía Bắc. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh và các dịch vụ đi kèm. Trọng tâm là thu hút các dự án có sức lan tỏa, làm thay đổi tốc độ phát triển và cơ cấu của ngành dịch vụ:
Về thị trường khách du lịch: Ưu tiên thu hút khách từ Hà Nội, khách nội tỉnh, các tỉnh lân cận, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Thu hút khách Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và các nước ASEAN.
Về sản phẩm du lịch: Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trọng tâm là Du lịch Tây Yên Tử - theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Du lịch đường sông, kết nối với Bắc Ninh, Hải Dương, các di tích chùa Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc - chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà gắn với Du lịch về miền quan họ. Du lịch cuối tuần với các khu nghỉ dưỡng sinh thái, làng sinh thái trên núi, du lịch thể thao cao cấp với các môn golf, dù lượn, thể thao khám phá...
Phát triển các sản phẩm du lịch chính: Du lịch văn hóa - tâm linh gắn với các di tích đinh, chùa (Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, đình Lỗ Hạnh ...), thưởng thức các làn điệu hát (quan họ, chầu văn, Soong hao ...). Du lịch lịch sử - văn hóa gắn với các sự kiện, di tích lịch sử (khởi nghĩa Yên Thế, thành cổ Xương Giang, ATKII Hiệp Hòa ...). Du lịch sinh thái gắn với các cảnh quan tự nhiên (Khe Rỗ, Tây Yên Tử, Đồng Cao, Xuân Lung - Thác Ngà, hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần ...). Du lịch cộng đồng, trải nghiệm đời sống sinh hoạt cộng đồng các dân tộc. Các sản phẩm bổ trợ như thể thao, giải trí, lễ hội, sự kiện, mua sắm ...
Phát triển 5 không gian du lịch: (1) Không gian du lịch Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, Lục Nam - khu vực phía Đông Nam tỉnh); (2) Không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế, huyện Tân Yên - khu vực phía Tây Bắc tỉnh); (3) Không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí (thành phố Bắc Giang, huyện Yên Dũng, Việt Yên - khu vực trung tâm và phía Nam tỉnh); (4)
Không gian du lịch sinh thái nông nghiệp (huyện Lục Ngạn, Lục Nam - khu vực phía Đông Bắc tỉnh); (5) Không gian văn hóa Quan họ (huyện Việt Yên, Hiệp Hòa - khu vực Tây Nam tỉnh).
Các khu, điểm du lịch trọng điểm ưu tiên đầu tư: Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Khuôn Thần - Bắc Giang; đẩy nhanh tiến độ các công trình thuộc Khu du dịch văn hóa, tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, Đồng Cao (huyện Sơn Động); di tích khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế); Suối Mỡ (huyện Lục Nam); chùa Vĩnh Nghiêm, Khe Hang Dầu và các dự án trên dãy núi Nham Biền (huyện Yên Dũng); chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên)...
Phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh theo đường bộ kết nối Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên; tuyến nội tỉnh kết nối từ thành phố Bắc Giang đi các huyện. Khai thác tuyến mới theo chuyên đề (tâm linh, lịch sử, sinh thái, làng nghề); tuyến đường thủy trên sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam.
Tập trung phát triển cơ sở lưu trú cao cấp (khách sạn 3-5 sao, khu nghỉ dưỡng sinh thái) và nhà nghỉ cộng đồng. Phát triển khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, nhà hàng ăn uống, nhà biểu diễn, không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các điểm dừng chân, trung tâm thông tin du lịch, cơ sở y tế,...
Phát triển hạ tầng, trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông kết các tuyến duc lịch, kết nối với các khu, điểm du lịch (đường tỉnh 289 kéo dài – QL1A mới, xã Vân Hà - thành phố Bắc Ninh, ĐT 289 - chủa Am Vãi ...). Xây dựng một số bến thuyền, cảng; mở mới tuyến xe buýt từ trung tâm huyện đến các khu, điểm du lịch.
(2) Phát triển dịch vụ logistics:
Thu hút đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần, logistics, kho bãi, vận tải, bảo quản sản phẩm, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị máy móc, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, phục vụ công nghiệp truyền thống, áp dụng công nghệ công nghiệp 4.0.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Trung tâm logistics quốc tế thành phố Bắc Giang. Thu hút đầu tư xây dựng cảng cạn tại khu vực Kép, huyện Lạng Giang có đầy đủ các bộ phận hải quan, thuế, dịch vụ vận chuyển, xếp dỡ. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng bến bãi, đổi mới mạnh công tác quản lý, gắn liền với phát triển nhân lực của ngành, thu hút lao động trình độ cao.
(3) Dịch vụ tài chính, ngân hàng:
Phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hướng tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành này vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy hình thành thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao cho các thành phần kinh tế.
Phát triển mạng lưới ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn nhằm tạo nên một hệ thống ngân hàng đa dạng về hình thức sở hữu và các loại hình dịch vụ.
Đẩy mạnh huy động vốn bằng nhiều hình thức và tới nhiều đối tượng khách hàng. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng phải gắn chặt với nhu cầu của các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
(4) Phát triển dịch vụ bưu chính - viễn thông
Phát triển bưu chính, viễn thông từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đi trước một bước, làm động lực để phát triển KT-XH. Đồng thời, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ.
(5) Các dịch vụ khác: Phát triển nhanh, có chọn lọc các ngành dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ… đảm bảo chất lượng dịch vụ từng bước tiệm cận với mức độ phát triển chung của khu vực và cả nước.
(6) Xây dựng chiến lược xuất khẩu trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế, năng lực của các ngành sản xuất chủ lực, các hoạt động xúc tiến và mở rộng thị trường xuất khẩu. Xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thay thế nhập khẩu; đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại; đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu; đầu tư phát triển các hoạt động xuất khẩu dịch vụ, xuất khẩu tại chỗ. Nâng cao tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến, giảm hàng xuất khẩu thô. Tập trung phát triển thị trường ở nhóm hàng có năng lực cạnh tranh, có ưu thế của tỉnh.