IV. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
4. Giải pháp về huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nhằm tăng tích lũy từ nền kinh tế để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khó thu hút các nguồn lực xã hội hóa. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các nguồn vốn đầu tư xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Xây dựng và thực hiện chiến lược vận động và xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển các ngành nghề ưu tiên. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thu hút đầu tư theo hướng chuyên nghiệp hơn, chủ động, đúng trọng tâm, bám sát nhu cầu và thực tế của Tỉnh, trực tiếp xúc tiến đầu tư đến từng tập đoàn, đối tác cụ thể, tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia nằm trong Fortune Top 500 vào đầu tư tại Bắc Giang. Thực hiện thực chất cơ chế một cửa giải quyết thủ tục đầu tư, chuẩn bị sẵn mặt bằng và cơ chế chính sách khuyến khích để thu hút mạnh các dự án FDI lớn, có chất lượng, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc vào KCN phụ trợ chuyên sâu, phát triển công nghiệp phụ trợ cơ khí, điện tử.
Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần gắn liền với việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng đất tại địa phương. Quy hoạch sử dụng đất trước hết phải bảo đảm nhu cầu đất ở, đất sản xuất của nhân dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các thành phần kinh tế trong từng thời kỳ. Quy hoạch sử dụng đất cho xây dựng hạ tầng và phát triển các ngành, các dự án kinh tế phải căn cứ vào dự báo về nhu cầu và khả năng phát triển của ngành, địa phương, tránh tình trạng quy hoạch treo, thu hồi đất của dân rồi bỏ hoang không sử dụng.
Hoàn thành cơ bản việc đo đạc, lập bản đồ địa chính dạng số đối với toàn bộ diện tích các loại đất đã sử dụng; hoàn thành việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận ban đầu, xây dựng hồ sơ địa chính cho toàn bộ các thửa đất đã sử dụng; thực hiện tốt việc đăng ký biến động đất đai, chỉnh lý thường xuyên hồ sơ địa chính; triển khai xây dựng hệ thống đăng ký đất đai điện tử.
Xây dựng quy trình kỹ thuật, hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu định giá đất, xây dựng giá đất theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch sử dụng đất. Có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội để khai thác tiềm năng đất đai.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đồng thời làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát huy mọi nguồn lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh do đất đai mang lại.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân ở khu vực có đất bị thu hồi. Nghiên cứu phương thức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để bảo đảm ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.
Đối với số dân sinh sống hoàn toàn bằng sản xuất nông nghiệp thì chỉ bồi thường bằng tiền sau khi đã bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để họ có thể duy trì sản xuất, bảo đảm cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ về hạ tầng, điều kiện và kiến thức sản xuất... để họ từng bước thích nghi được với điều kiện sản xuất và sinh sống tại nơi ở mới. Đối với các dự án nông – lâm nghiệp, doanh nghiệp – đơn vị triển khai dự án phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất tham gia và hưởng lợi từ dự án (cho thuê đất, góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, tuyển dụng lao động...) để họ có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế và bảo đảm cuộc sống lâu dài.