Bút pháp chính luận

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 126 - 129)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

3.2.2. Bút pháp chính luận

Về cơ bản, văn chính luận là sản phẩm của tư duy logic, là văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó và những tư tưởng, quan điểm ấy thường hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính chất thời sự nóng bỏng, có ý nghĩa thời cuộc. Bởi vậy, điểm nổi bật của văn chính luận chính là hệ thống các luận điểm được thể hiện trong bài viết.

Hệ thống luận điểm mà các nhà nho Cần vương đưa ra trong mỗi thể văn chính luận của mình không phải là thứ luận điểm khô khan, giáo điều mà trái lại, nó được thể hiện dưới những hình thức lập luận phong phú, lý lẽ đanh

thép, giọng điệu thuyết phục cùng sự cuốn hút bởi nhiệt tình và thái độ của tác giả trước vấn đề nghị luận.

Tùy thuộc vào từng thể văn chính luận, mỗi nhà nho đều xác định cho mình một phong cách chính luận độc đáo, gắn liền với nó là một bút pháp nghệ thuật đặc sắc, đa dạng. Các thể biểu, tấu, sớ, khải… vốn là những thể văn chức năng, có tính chất sự vụ rất rõ. Điều đó có nghĩa tính chất văn chương của những văn bản trên bị hạn chế một cách tối đa. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi cấp bách của thời đại, trước vận nước đang nguy khốn, những trái tim với nhiệt huyết cứu nước, cứu dân đã khiến các tác giả phá vỡ được rào cản của thể loại, đưa những thể văn mang tính chức năng thuần túy đến gần hơn với văn chương và có được phẩm chất của những áng văn chương đích thực. Những văn bản tấu sớ không đơn thuần với tâu, trình về sự vụ nữa mà mang theo cả những tư tưởng, tình cảm đẹp đẽ, tạo được sự giao cảm mạnh mẽ.

Chẳng hạn, với bài Tâu về việc trình bày mọi điều lợi hại thời bấy giờ, Nguyễn Xuân Ôn đã viết: “Dựng nước do ở nhân nghĩa, không do ở sức mạnh. Nếu sức mạnh có thể được lâu thì nhà Tần có thể bền vững muôn đời, mà nhà Nguyễn không phải chỉ có vận mạng trăm năm mà thôi. Đó đều là những gương sáng đã rõ ràng ở đời trước vậy”. Bài Tâu đã chứng tỏ được sự tiến bộ trong nhận thức của người nho sỹ khi thấy được vai trò của nhân dân, của quần chúng trong lịch sử. Nguyễn Xuân Ôn đã tiếp nối truyền thống “nhân nghĩa” rực rỡ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc để rồi nhấn mạnh vai trò của nhân dân, đặt ra yêu cầu cấp thiết của người cầm quyền là phải dựa vào dân, nhất là trong lúc vận mệnh quốc gia đang nguy ngập. Trong những bài Tâu khác của mình, Nguyễn Xuân Ôn tiếp tục trình bày về những trù tính cho vận nước một cách hết sức khéo léo nhưng cũng vô cùng chặt chẽ, kiên quyết: “Công việc trị bình không phải là

mưu chước của một người; công việc thiên hạ không phải là điều bàn riêng của một nhà. Người đời xưa bàn tính với người ăn rau, hỏi han đến người hái củi (…) có như vậy thì mới cổ võ cái chí trung phẫn của họ, mở rộng con đường công danh cho họ, ai có tài nghệ gì đều được trình bày, may ra có thể góp nắm đất đắp nên hòn núi, hợp suối nhỏ làm thành biển lớn, có bổ ích cho công việc vậy?” (Tâu xin đình hoãn án kiện và trù tính thời sự).

Những thể văn chính luận đó được viết bởi một bút pháp chính luận thật sắc sảo và một nhãn quan chính trị thật sáng suốt của bậc văn nho Cần vương. Qua những lập luận chặt chẽ, rõ ràng kết hợp với giọng điệu dứt khoát và ngôn từ giàu tính hình tượng, vị Nghè Ôn đã nói lên được tiếng nói của lòng nhiệt thành yêu nước, của tinh thần vì đại nghĩa; tiếng nói của lý tưởng hoài bão lớn lao, của niềm mong mỏi hòa bình, của ý thức trách nhiệm với dân, với nước.

Chặt chẽ, súc tích trong những thể văn tâu trình, bút pháp chính luận độc đáo, đa dạng của các văn nho còn thể hiện ở sự linh hoạt, khéo léo nhưng không kém phần khảng khái, kiên quyết trong những bức thư đáp trả kẻ thù, hay những bức thư gửi tới những người đồng liêu cũ, nay là tay sai cho bọn thực dân. Thư trả lời Hoàng Cao Khải của Phan Đình Phùng, Thư trả lời quân Pháp của Nguyễn Quang Bích, Thư gửi các ông quan quen biết ở Kinh

của Nguyễn Xuân Ôn,… là những minh chứng cụ thể. Không chỉ là phương tiện để giao thiệp, những bức thư mà các nhà nho viết để đáp trả lại những lời lẽ dụ hàng của kẻ thù đã đồng thời cho thấy tài năng lập luận của người viết. Mỗi bức thư gửi cho kẻ thù không đơn thuần là lời đáp trả mà còn là lời khẳng định về một tinh thần kiên định, một ý chí quật cường không gì lay chuyển nổi của những con người trung nghĩa.

Như vậy, đối với các sáng tác thuộc thể văn chính luận, các nhà nho Cần vương đã vận dụng một bút pháp chính luận hết sức linh hoạt, vừa chứng tỏ

được nghệ thuật lập luận sắc bén với hệ thống luận điểm cụ thể, lý lẽ đanh thép, giọng điệu thuyết phục đáp ứng được chức năng của từng thể loại, vừa chứng tỏ được sự gắn bó máu thịt của thể loại này đối với sự tồn vong của đất nước và dân tộc. Chính trong sự gắn bó mật thiết này đã làm nên những giá trị to lớn và sức sống lâu bền của văn chính luận Việt Nam thời trung đại, phản ánh được một cách chân xác về vẻ đẹp của hình tượng con người Việt Nam trong một giai đoạn dấu mốc của lịch sử.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 126 - 129)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w