Con người trung nghĩa qua nhân vật khách thể được miêu tả trong sáng

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 70 - 80)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

2.1.2. Con người trung nghĩa qua nhân vật khách thể được miêu tả trong sáng

trong sáng tác của các nhà nho Cần vương

Hình tượng con người trung nghĩa không chỉ được tái hiện qua cái tôi tác giả mà còn được các nhà văn Cần vương khẳng định qua những nhân vật khách thể được miêu tả trong sáng tác. Các tác giả Cần vương dành khá nhiều trang viết cho những bậc trung thần nghĩa sĩ đã xả thân, hi sinh để tỏ lòng trung với vua, với nước qua các triều đại lịch sử, đặc biệt là trong chính thời kỳ Cần vương. Các tác giả còn gợi nhắc đến các bậc nghĩa liệt ấy qua các điển phạm trong tác phẩm về những tấm gương trung trinh được lưu truyền trong sử sách. Dường như các tác giả đã chọn lọc có chủ định về những tấm gương đáng tôn thờ, đáng noi theo của các bậc tiền bối để từ đó làm nổi bật lên phẩm chất trung nghĩa, tô đậm thêm tư tưởng yêu nước, tinh thần xả thân thủ nghĩa của những trung thần nghĩa sĩ thời đại Cần vương.

Đọc Ngọc Đường thi tập của Nguyễn Xuân Ôn, Ngư Phong thi văn tập

của Nguyễn Quang Bích ta bắt gặp khá nhiều những điển tích nói về các trung thần nghĩa sĩ trong lịch sử lâu đời của Trung Quốc. Các tác giả nhắc đến họ như là những chuẩn mực của vẻ đẹp trung nghĩa để từ đó sánh với người đời sau trong ý thức tự hào hoặc tự thẹn. Dưới ngòi bút hừng hực chính khí của Nguyễn Xuân Ôn, ta được biết về một Trương Lương giúp Hán diệt Tần để báo thù cho Hàn “Lưu hầu ninh nghĩa báo Hàn vương” (Ông Lưu hầu thà vì nghĩa mà báo đáp ơn vua nhà Hàn) [34; 100] ; một Tổ Địch đời Tấn qua sông

gõ mái chèo thề đánh tan quân giặc mới về “Chẩm qua kích tiếp nhượng hà nhân” (Gối cây giáo, gõ mái chèo, có nhường ai đâu) [34; 112]; một Quản Trọng đời Xuân Thu có tài giúp Tề Hoàn Công làm nên nghiệp bá, một Gia Cát Lượng người đời Tam quốc có tài giúp Lưu Bị dựng nên nước Thục

“Khuông thế bất hiềm vô Quản, Cát” (Giúp đời chẳng lo không có ông Quản Trọng và ông Gia Cát Lượng) [34; 125]; đời Xuân Thu có một Chung Nghi người nước Sở bị nước Tấn bắt giam vẫn không quên nước cũ, vẫn đội kiểu mũ phương Nam, gảy khúc đàn điệu phương Nam “Nam quan đáo sứ đồ tư Sở”

(Kẻ đội mũ phương Nam đi đâu chỉ luống nhớ nước Sở) [34; 151]; một tôi nhà Sở đời Xuân Thu là Thân Bao Tư sang cầu cứu nhà Tần giúp cho nước Sở đang bị nhà Ngô đánh chiếm, đã đứng ở sân khóc luôn bảy ngày đêm, cuối cùng vua Tần chịu cho quân sang cứu, phục được nước Sở “Thân Tư do hướng Tần đình khốc” (Thân Bao Tư còn tới khóc ở sân nhà Tần) [34; 163]; một Triệu Sung Quốc đời Hán đã già hơn bảy mươi tuổi nhưng khi vua hỏi ai có thể làm tướng đánh rợ Khương thì vẫn quả quyết nói: “không ai hơn già này”; một Văn Thiên Tường, thừa tướng đời Nam Tống định dấy quân khôi phục nhà Tống khi Tống bị Nguyên diệt. Dự định không thành, ông bị bắt giải về kinh, trên đường đi làm thơ vĩnh biệt miền Giang Nam, ông đã nguyện làm con chim cuốc kêu rỏ máu khi được trở về “Bách niên cố quốc cảm quy quyên” (Nước cũ trăm năm chim quyên cảm động lúc bay về) [34; 204]…

Tác giả của Ngư Phong văn thi tập cũng không ít lần nhắc đến những tấm gương tiết liệt trong sử sách với một lòng cảm phục. Trong một dịp được cử đi sứ ở Tân Nhai, Nguyễn Quang Bích đã tỏ lòng tưởng nhớ đến hai tiền nhân Thân Bao Tư (đời Xuân Thu) và Chu Du (đời Tam Quốc) để rồi thổn thức lòng trước những điều đã làm và còn chưa làm được khi sánh với các tiền nhân: “Thống khốc vị năng vi Sở khách/ Đồng tâm liêu khả kết Chu lang” (Chưa làm được như khách nước Sở đứng trước sân Tần mà khóc lớn/

Song tạm có thể kết với chàng Chu làm bạn đồng tâm) [33; 74]. Nguyễn Quang Bích còn nhắc đến câu chuyện về Cung Chi Kỳ (đời Xuân Thu) như là một sự ám chỉ về việc phong kiến Mãn Thanh nhượng bộ nhục nhã thực dân Pháp khi ký hiệp ước Thiên Tân rút quân đội ra khỏi Bắc kỳ, đồng thời ca ngợi về tài trí và tấm lòng nghĩ cho nước của Cung Chi Kỳ. Bậc tiền nhân này đã nhìn thấu suốt thế cục và dám nói lời phải để can gián vua Ngu không tiếp tay cho nước Tấn trong việc đánh nước Quắc, bởi hai nước Ngu và Quắc ví như môi với răng, môi hở thì răng lạnh. Chỉ tiếc những lời can gián phải của Cung Chi Kỳ không được vua Ngu chấp thuận nên mới dẫn đến cảnh nước Ngu rơi vào họa diệt vong (Hồi nhật tái quá Lưu Quân môn cựu trạch). Nhà thơ cũng ca ngợi về Gia Cát Lượng đời Tam Quốc, về Tấn Văn công đời Xuân Thu qua những công trạng của họ mà sử sách đã lưu chép: “Tấn Văn Thành - bộc trì sài mã/ Gia Cát Kỳ- sơn xuất mộc ngưu” (Tấn Văn công ở Thành - bộc, ruổi ngựa đeo cành dong đằng sau/ Gia Cát Lượng ở Kỳ- sơn, cho trâu gỗ có máy xuất hiện) [33; 106 - 107]. Nguyễn Quang Bích còn kể về việc Trương Tuần đời Đường đã chửi vào mặt giặc bất chấp cái chết: “Mạ khẩu vị năng đương nhất tử” (Miệng chửi giặc, chưa đánh đổi được một cái chết) [33; 189], về Khấu Tuân, Đặng Vũ, hai danh tướng đời Đông Hán đã có công giúp Hán Quang Vũ khôi phục cơ đồ, đã được gọi là trung hưng danh tướng “Trung hưng Khấu, Đặng/ Mệnh liệt tinh thai/ Chướng an năng lệ/ Quỷ an năng tai.” (Trung hưng danh tiếng/ Khấu, Đặng sánh vai/ Dịch khó làm hại/ Quỷ khó làm tai) [33; 199].

Các nhà văn Cần vương không chỉ hướng về những tấm gương trung nghĩa trong sử sách Trung Quốc mà còn hướng về những bậc trung thần nghĩa sĩ trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là những người bạn đã đồng hành cùng họ trong những năm tháng nhập thế hành đạo và phất cờ khởi nghĩa, đã chiến đấu kiên cường và hi sinh anh dũng.

Trong bài Trần Tướng quân từ, Nguyễn Xuân Ôn đã nhất mực ca ngợi tấm lòng tinh trung, yêu nước cứng cỏi vững vàng của tướng quân Trần Khát Chân qua những việc mà ông đã làm:

Yêu nước gan bền đại tướng quân, Lòng trung toát lạnh mũi gươm thần.

Vị đại tướng quân này đã mượn lưỡi kiếm của mình những mong diệt trừ được bọn phản nghịch (bọn Hồ Quý Ly toan cướp ngôi nhà Trần), thực hiện sứ mệnh của một bậc trung thần, gìn giữ hai chữ “cương thường” trong đạo lí hành xử bao đời của Nho gia. Việc làm cao đẹp của ông đã được Nguyễn Xuân Ôn sánh ngang với việc làm vì nghĩa để báo đáp ân vua của công thần Lưu hầu:

Tân thất dĩ mưu thiên Hán đế, Lưu hầu ninh nghĩa báo Hàn vương

(Nhà Tần đã mưu đồ cướp ngôi vua nhà Hán/ Ông Lưu hầu thà vì nghĩa mà báo đáp ơn vua nhà Hàn)

Việc làm của Lưu hầu hay Trần tướng quân đều là những việc làm xuất phát từ lòng trung nghĩa, đáng để trân trọng, ngợi ca. Dẫu kế hoạch của tướng quân Trần Khát Chân không thành, ông bị giết, nhưng nhân dân đã ghi công ông một cách xứng đáng nhất, họ lập đền thờ ông trên núi Đốc Sơn để tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ. Nguyễn Xuân Ôn đã lấy cảm hứng từ ngôi đền cổ quanh năm ngát hương để dựng lại chân dung một bậc trung thần, để bày tỏ niềm tôn kính, ái mộ của mình trước người anh hùng của dân tộc. Ông cũng kín đáo tự nhắc nhở chính mình về lẽ xuất xử đúng với đạo lí, cương thường của một bậc chân nho:

Giả sử đương niên cam sự tặc, Thùy giao cổ miếu vĩnh lưu phương.

Trong bài Phỏng Thanh Đàm công tiêu tức bất kiến, bi thuật (Hỏi thăm tin tức ông Thanh Đàm không thấy, buồn thuật) Nguyễn Xuân Ôn đã chân thành bày tỏ những tình cảm của mình dành cho Thanh Đàm - một bậc tuấn kiệt, một bậc vĩ nhân ở đất Hoan Châu, một con người tiết nghĩa hiếm có. Nguyễn Xuân Ôn không chỉ bày tỏ nỗi lòng nhớ mong, lo lắng cho người bạn đang bặt tin từ chiến trường mà trên hết ông khẳng định quan niệm cao đẹp của người anh hùng vì nghĩa khi đối diện với lẽ sống chết, với thành bại trong cuộc chiến chốn sa trường:

Gặp thời tuấn kiệt chung lòng ít, Lo nước nhân hiền chớp mắt không. Chết sống cốt sao tìm tiết nghĩa, Hơn thua chi sá luận anh hùng.

Nguyễn Xuân Ôn cho rằng, người anh hùng không đánh giá qua việc thành bại mà đánh giá qua ý thức dám xả thân vì nghĩa lớn, qua quan niệm về lẽ sống chết “chết vinh hơn sống nhục”. Bởi vậy, hình ảnh về một Đặng Dung đời nhà Trần, khởi binh chống đánh quân Minh mong khôi phục nước nhà nhưng đến già vẫn chưa thỏa chí nguyện, đành ngậm ngùi mài gươm dưới trăng, luôn xuất hiện trong thơ Nguyễn Xuân Ôn với những niềm cảm khái:

“Nguyệt ma tinh phách chiếu long tuyền” (Dưới trăng mài bóng lưỡi gươm đưa) [34; 166 - 167], “Long tuyền khí khái thi sương liệt” (Thơ vịnh gươm rồng đầy khí tiết) [34; 168]. Với cảm hứng hoài cổ, Nguyễn Xuân Ôn còn nhiều lần sánh những người bạn trung nghĩa của mình ngang với những trang trung liệt đời xưa. Một án sát tỉnh Bình Thuận - Lê Trung Lượng, tài năng và quyết tâm đánh giặc có thể ví như một Khấu Tuân đời Hán, một Tổ Địch đời Tấn, rất đáng được trọng dụng “Trì tiết kiến tinh lâm thử địa/ Chẩm qua kích tiếp nhượng hà nhân.” (Cầm gậy tiết dựng cờ qua đất ấy/ Gõ chèo gối giáo nhượng ai hơn.) [34; 112]. Một án sát tỉnh Khánh Hòa - Phạm Văn Bính,

được ví như Lưu Côn đời Đông Tấn luôn ý thức về sứ mệnh của kẻ làm trai phải “cung dâu tên bồng”, thậm chí không chịu nhường chàng Tổ Địch phất ngọn roi trước: “Tang hồ bồng thỉ nam nhi sự/ Khả hữu tiên tiên nhượng Tổ sinh.” (Tang bồng phận sự người nam tử/ Chi để vung roi nhượng Tổ Sinh) [34; 114].

Hình tượng con người trung nghĩa đẹp nhất trong sáng tác của các nhà nho Cần vương chính là những tấm gương đã “xả thân thủ nghĩa”, đặc biệt là những nghĩa sĩ trong thời đại Cần vương chống Pháp. Các tác giả đã hướng về họ với tất cả lòng xót thương và ái mộ. Mỗi bài thơ, mỗi bài văn tế khóc cho người anh hùng tử trận cũng chính là những trang viết tổng kết lại những cuộc đời oanh liệt. Nguyễn Xuân Ôn có đến năm bài thơ khóc bạn. Đó là tiếng khóc dành cho Nguyễn Hữu Huân, người nghĩa sĩ ở Nam Bộ khởi quân đánh Pháp, bị giặc bắt, ông đã cắn lưỡi tự tử. Tuy thất thế nhưng Nguyễn Hữu Huân đã chứng tỏ được khí tiết “cô tùng” của một bậc anh hùng, hào kiệt:

Lầu thành sáu tỉnh hóa tanh hôi, Khí tiết cô tùng lạnh vẫn tươi. Thế giới mắt trông đà mới lạ, Non sông mơ mộng hãy bồi hồi. Anh hùng dụng võ đương còn đất, Hào kiệt thành công vẫn có trời

(Họa nguyên vần bài thơ của quan huyện Tuy Phước khóc người nghĩa sĩ)

Người nghĩa sĩ ấy đã nhận thức được sứ mệnh của kẻ sĩ giữa cảnh đất nước đang rơi vào cơn binh lửa, không thể chọn con đường lập thân bằng bút nghiên, sách vở để rồi làm con mọt sách đến già đời. Kẻ sĩ phải “Thệ vị giang sơn tuyết độc chiên/ Thử tâm kim thạch giác đồng kiên” (Thề vì non sông rửa sạch cái độc hôi tanh/ Lòng cảm thấy bền vững như vàng đá) [34; 132]. Suốt cuộc đời mình người nghĩa sĩ đã “cam lòng chôn mình nơi hào rãnh”, vượt

qua muôn dặm sóng gió cũng chỉ để sống và chiến đấu oanh liệt cho lí tưởng cao cả, cho chí lớn của kẻ làm trai. Chỉ tiếc chí lớn không thành, người nghĩa sĩ ấy phải chọn cho mình cái chết để giữ trọn danh tiết, giữ vẹn hồn trung vía nghĩa nhưng sự hi sinh ấy đã một lần nữa chứng tỏ: “Đan tâm do khả đối thanh thiên” (Song lòng son còn có thể đối với trời xanh) [34; 132] của người anh hùng nghĩa liệt.

Đó còn là tiếng khóc dành cho ông án sát Phạm Bành người Thanh Hóa

(Khấp Thanh Hóa án sát sứ Phạm Bành nghĩa tử), khóc cho ông Nguyễn Phương, tham biện Hải Phòng, người tỉnh Thanh Hóa (Khấp Thanh Hóa, Hải Phòng tham biện Nguyễn Phương nghĩa tử), lại có cả tiếng khóc chung cho những tướng sĩ chết trận (Điếu trận vong tướng sĩ). Lời thơ của Nguyễn Xuân Ôn có bi nhưng không lụy bởi nó chất chứa những sĩ khí của người nghĩa sĩ dám bỏ mình vì đại nghiệp của đất nước. Họ quan niệm thật nhẹ nhàng về lẽ sống chết, được thua, coi đó như là lẽ thường không cần bàn đến. Điều đáng trọng ở những con người này là họ đã lấy cái chết để báo đền ơn vua, giữ trọn hai chữ cương thường để danh tiết muôn đời còn tôn trọng, đề cao: “Tử sinh đắc táng câu nhàn sự/ Vạn cổ thanh phong Ổn lĩnh cao” (Mất còn thua được tầm thường cả/ Danh tiết muôn đời núi Ổn cao) [34; 177 - 178].

Nguyễn Quang Bích cũng có thơ và văn tế khóc cho những người bạn của mình đã bỏ thân vì nghĩa. Đó là tiếng khóc dành cho Nguyễn Cao, một tán lý quân vụ đã tuẫn tiết khi bị giặc bắt:

Nguy nan xử trí vẫn thung dung, Chê kẻ tham sinh, giọng nói hùng. Mắng giặc người xưa tròn phận chết, Moi lòng ông cũng tỏ gan trung. Biết bao thanh giá ngoài khoa bảng, Còn mãi tinh thần khoảng núi sông.

Quân giặc đứng trông đều hoảng sợ, Mai rày nước sẽ biểu dương ông

(Khóc ông Nguyễn Cao, tán lý quân vụ, tuẫn tiết)

Bài thơ là tiếng khóc chân thành mà Nguyễn Quang Bích dành cho người nghĩa binh bị sa cơ, nhưng tác giả cũng đã khắc họa thành công vẻ đẹp đầy bi tráng của người anh hùng trong giờ phút đối mặt với kẻ thù. Nguyễn Cao là một trung thần ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình với vua, với nước. Ông đã từng đỗ giải nguyên trong kỳ thi Hương, được cử làm bố chính sứ tỉnh Thái Nguyên sung tán tương quân vụ. Mùa đông năm Hàm Nghi thứ hai (1886) ông đã tìm vào nơi vua ở nhưng đường nghẽn không đi được, đành lui về phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội, mưu cử nghĩa binh chống Pháp. Nhưng không may, ông đã rơi vào tay giặc. Sau khi bị bắt, ông bị giặc buộc tội bất trung, ông đã lớn tiếng mắng lại. Hành động của người nghĩa sĩ Cần vương ấy gợi nhớ đến hành động khảng khái của Trương Tuần đời Đường, dám chửi thẳng vào mặt giặc mà bị hại. Nguyễn Cao đã chứng tỏ tấm lòng trung trinh của mình bằng một hành động còn khiến lũ giặc kinh hãi hơn nhiều. Khi giặc Pháp giam ông vào ngục kín, ông cầm dao rạch bụng rút ruột gan ra giơ cho chúng xem và hỏi chúng đoạn nào là đoạn bất trung. Hành động, lời lẽ vô cùng kịch liệt của ông, khí tiết vô cùng hiên ngang của ông đã khiến lũ giặc cướp nước và tay sai vô cùng khiếp đảm. Tái hiện lại giờ phút hiên ngang ấy, Nguyễn Quang Bích đã khẳng định vẻ đẹp đáng tự hào của một

“khí tiết tùng mai”, khẳng định sức sống bất diệt của một “hồn thiêng” giữa đất trời, sông núi.

Nguyễn Quang Bích còn khóc cho người bạn cùng đi sứ Nguyễn Khê Ông (Khốc Nguyễn Tán Tương Khê Ông văn), khóc cho người bạn chiến đấu thân cận nhất là Nguyễn Văn Giáp (Khốc hiệp đốc quân vụ Nguyễn Đại Thần văn). Đây đều là những nho sĩ sinh ra giữa thời loạn, người đã kịp ghi danh

bảng vàng, được giữ những chức vụ lớn trong triều đình (đại thần Nguyễn Văn Giáp), kẻ mới chỉ là một thư sinh, chức nhàn tản (Tán Tương Nguyễn Khê Ông) nhưng họ đều đã cùng Nguyễn Quang Bích thực hiện sứ mệnh Cần vương những mong đền ơn vua nợ nước. Lăn lộn giữa buổi trần ai “kẻ sĩ vì người tri kỷ của mình mà ra sức đua tài, dẫu gian khổ bao nhiêu cũng không từ chối” [33; 194] những mong hoàn thành sứ mệnh vì nghĩa cả, nhưng hiện thực khốc liệt của chiến cuộc không cho lòng người được toại. Bi kịch kẻ còn người mất tránh sao những nỗi ngậm ngùi đau xót “Phi cảm bi công/ Thế lộ không ai” (Kẻ còn người mất/ Ngao ngán sự đời) [33; 169], xót xa hơn nữa là

“Quốc thù do tại/ Tê chí vị hôi” (Thù nước còn đó/ Chí lớn chưa nguôi). Hình ảnh người nghĩa binh được nhắc tới ở đây thật cảm động: sống thì xông pha dũng cảm, chết vẫn còn băn khoăn chưa trả được thù nhà nợ nước. Đó là những hình ảnh bi tráng nhất, nhưng cũng đẹp đẽ nhất về những con người

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 70 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w