Một số bút pháp khác

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 129 - 130)

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

3.2.3. Một số bút pháp khác

Có thể nói, thành công của một tác phẩm trong việc khắc họa nội dung chính nhờ vào sự vận dụng, phối hợp các bút pháp nghệ thuật. Bút pháp nào cũng cho thấy sự nỗ lực của người nghệ sỹ trong việc tạo dựng và phản ánh hình tượng về con người và cuộc đời. Bên cạnh hai bút pháp đã đề cập (bút pháp trữ tình và bút pháp chính luận) chúng ta còn tìm thấy những bút pháp khác được vận dụng trong văn học nhà nho Cần vương cuối thế kỷ XIX, chẳng hạn bút pháp hiện thực, bút pháp trào phúng…

Trong văn học nửa sau thế kỷ XIX có không ít tác giả không còn nhìn theo những quan điểm cũ trong văn chương cổ trung đại mà đi sâu vào khám phá, thể hiện chân thực bức tranh của đời sống hiện thực. Thơ văn của các tác giả Cần vương cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Họ đã phản ánh vào trong thơ văn mình hiện thực về những năm tháng Cần vương gian khổ, “chạy vạy” thiếu thốn đủ bề. Đó còn là hiện thực về bức tranh tâm trạng của người nghĩa sĩ Cần vương trong những ngày cuối của chiến cuộc, đó là nỗi ưu tư, nỗi đau, nỗi thẹn của những bậc trung nghĩa khi biết rằng lý tưởng không thành, thất bại là điều chẳng thể tránh khỏi. Các nhà nho Cần vương vẫn có lúc chán nghe tiếng trống trận, vẫn có lúc cô đơn bên chén rượu, vẫn có thức thổn thức trái tim nghệ sỹ khi nghe thấy tiếng mưa rơi… Sự kết hợp giữa bút pháp trữ

tình và bút pháp hiện thực đã khắc họa một cách sinh động nhất về vẻ đẹp của hình tượng trữ tình trong sáng tác của các tác giả Cần vương.

Các tác giả Cần vương đã thể hiện trong thơ một bức tranh về đời sống vừa hiện thực vừa rất trữ tình. Đặc biệt, bức tranh ấy cũng không thiếu sự trào lộng. Đối tượng trào phúng của các nhà thơ chính là lũ vua quan hèn nhát, bạc nhược, đầu hàng giặc. Mặt khác, đối tượng trào phúng của các nhà thơ ở đây còn là chính bản thân tác giả, bởi vậy, tiếng cười của họ là tiếng cười đầy tâm trạng, tiếng cười đẫm nước mắt. Tiếng cười xuất phát từ lòng tự thương, tự đau của những con người một lòng vì nước, cống hiến trọn vẹn lý tưởng sống cao đẹp của mình vì sự nghiệp cứu nước nhưng không thể cứu vãn tình thế, đành đau đớn, bất lực trước hiện thực “quốc phá gia vong”.

So với dòng mạch chính của văn chương “tải đạo”, “ngôn chí” thì sự vận dụng linh hoạt các bút pháp của các nhà nho Cần vương đã chứng tỏ một sự phá cách, tuy rằng sự phá cách ấy chưa phải đã vượt qua khuôn phép của tư duy truyền thống. Việc vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các bút pháp khác nhau ấy đã giúp các tác giả Cần vương khắc họa thành công mẫu hình lý tưởng của con người thời đại: mẫu hình con người trung nghĩa.

Một phần của tài liệu Con người trung nghĩa trong sáng tác của các nhà nho Cần Vương cuối thế kỷ XIX (Trang 129 - 130)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w